SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 20,1-16
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. 2 Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
3 “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, 4 ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
6 “Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ 7 Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
8 “Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. 9 Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. 10 Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. 11 Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 12 ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ 13 Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? 14 Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, 15 nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
16 “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
SUY NIỆM 1: KHÔNG SO ĐO TÍNH TOÁN
Bài Tin mừng hôm nay là một dụ ngôn hết sức sâu sắc, vì qua dụ ngôn ấy, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta điều này: đừng bao giờ lấy công trạng của mình để làm thước đo cho ân huệ của Thiên Chúa.
Vì có một số người hay thắc mắc rằng: Gia đình con mấy đời đều phục vụ giáo xứ, tham gia đoàn thể này công việc nọ mà sao tụi con chẳng được ưu tiên cái gì? Cũng từng có một vài bạn trẻ đặt vấn đề với các cha là: Tại sao chúng con tham gia Giáo lý viên – Huynh trưởng, tham gia ca đoàn, tham gia ban điều hành giới trẻ, mà lại không được miễn Giáo lý Hôn hân?
Suy nghĩ như thế là chúng ta đang lấy công trạng của mình để đặt điều kiện với Chúa và Giáo Hội thưa anh chị em. Chỉ có những người làm thuê mới đòi được trả công cân xứng, còn những người hy sinh phục vụ thì không bao giờ đòi hỏi gì. Chúng ta hy sinh cho Chúa điều gì, Chúa đều biết rất rõ. Chúa sẽ không để chúng ta phải thiệt thòi bao giờ. Chúa không trả công cho chúng ta ở đời này, nhưng Ngài trả công cho chúng ta ở đời sau. Thật ra mà nói, những gì mà chúng ta làm được cho Chúa chẳng đáng là gì so với những điều mà Chúa đã ban cho chúng ta đâu thưa anh chị em.
Rồi trong gia đình cũng thế, phận làm con đừng bao giờ kể công và đòi hỏi sự công bằng với cha mẹ. Những gì mình làm được cho gia đình là bổn phận phải chu toàn. Đừng nghĩ rằng mình làm nhiều thì phải được chia nhiều. Đừng vì hơn thua vài ba mét đất mà anh chị em lời qua tiếng lại, cãi vã tranh giành, khiến các bậc sinh thành phải đau lòng. Tuy vật chất đất đai giá trị thật, nhưng nó làm sao giá trị bằng tình gia đình, làm sao giá trị bằng công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Mỗi người hãy suy nghĩ thật kĩ những điều ấy để sống tốt tinh thần của một người con cái Chúa, và sống tốt đạo làm con trong nhà.
Tóm lại, tình yêu của Chúa thì lớn hơn công trạng của chúng ta. Tình nghĩa mẹ cha thì bao la hơn của cải vật chất. Phần chúng ta, hãy làm những gì mà mình có thể, phần còn lại, các ngài sẽ ban cho. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2:
1. Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. 2. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
· Ngắm nhìn một Thiên Chúa vất vả làm việc từ sáng sớm. Ngài quí vườn nho của mình. Vườn nho mà Ngài mơ ước con người được vào làm để cùng lao tác với Thiên Chúa. Ngài muốn con người làm việc cùng với Ngài.
· Ngắm nhìn những người làm thuê, họ đã thức sớm và đợi người khác thuê mình làm. Họ ý thức về chính mình và việc kiếm tiền cho gia đình mình. Họ cảm thấy hạnh phúc biết bao khi có người thuê mình làm việc. Niềm vui và mơ ước của họ trở nên hiện thực.
· Từ sau đại dịch Cô-vít, biết bao nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Nhiều người phải trở về quê hoặc đổi nghề để sinh sống và phụ giúp gia đình. Ai cũng mong có được công ăn việc làm ổn định.
→ Lời của Chúa tiếp tục mời gọi và nâng đỡ cho những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi có muốn vào vườn nho để cộng tác với Ngài.
→ Lạy Chúa, xin cho con được làm việc trong vườn nho của Ngài.
Br. Vincent
SUY NIỆM 3: HÀNG ĐẦU - HÀNG CHÓT
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người chủ vườn nho diễn tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Thiên Chúa luôn mong muốn mọi người đều được vào Nước Trời. Vì thế, con người dù tội lỗi như thế nào cũng luôn được Chúa yêu thương mời gọi vào Nước Trời. Phía Thiên Chúa thì nhân hậu, nhưng lòng người thì ích kỷ hẹp hòi nên luôn sinh lòng đố kỵ và ganh ghét lẫn nhau. Chính lòng dạ xấu xa đã cản trở nhiều người không thể vào Nước Trời, tưởng rằng mình đứng hàng đầu nhưng cuối cùng xếp hàng chót.
Chúng ta không dành hàng đầu hoặc hàng chót, nhưng chuẩn bị cho mình một chỗ trong Nước Trời cùng với mọi người. Thiên Chúa luôn muốn tất cả chúng ta cùng được hưởng niềm vui thiên đàng nên đừng cản trở hoặc ganh tỵ với mọi người, ngược lại mỗi người hãy cùng giúp nhau vào Nước Trời bằng những việc bác ái yêu thương dành cho nhau.
Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị cho chúng con có chỗ trong lòng Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống nhân hậu như Chúa đã luôn đối xử nhân hậu với chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4: KÊU TRÁCH HAY CA TỤNG?
Dụ ngôn của Đức Giê-su kể về những nhóm thợ khác nhau được mời gọi đi vào làm việc trong vườn nho.
Dụ ngôn mặc khải cho chúng ta cung cách hành động của Thiên Chúa, trong Sáng Tạo, trong Lịch Sử Cứu Độ, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: Ngài là Đấng ban ơn và luôn luôn đi bước trước.
Dụ ngôn đồng thời mặc khải thái độ “kêu trách” của con người, vốn có gốc rễ từ “Tội Nguyên Tổ”. Vì thế, thái độ này hiện diện ở chiều sâu nơi mỗi người chúng ta, khi đối diện với cung cách hành động của Thiên Chúa.
1. « Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia… » (c. 1-2)
Trước hết, Thiên Chúa được ví như ông chủ vườn nho, hành động giống như bao ông chủ vườn nho khác : sáng sớm ra khỏi nhà để đi tìm thợ, thỏa thuận về thời gian và tiền công (mỗi ngày một quan tiền) và sai họ đi vào làm việc trong vườn nho của mình. Ở bước này, cho dù là tương quan giữa ông chủ vườn và người làm công xem ra rất bình thường và công bằng, nhưng những người làm công vẫn được mời gọi nhận ra việc làm của mình là một điều may mắn, thậm chí là một ơn huệ, và nhất là nhận ra lòng tốt của ông, khi ông đich thân ra khỏi nhà để đi tìm người thợ, thay vì người thợ đi tìm ông chủ đề « xin việc ».
Chúng ta có nhận ra hiện hữu, cuộc đời, ơn gọi gia đình hay tu trì của chúng ta là một ơn huệ không ? Chúng ta có nhận ra lòng tốt của Chúa để luôn tạ ơn và ca tụng Ngài không ? Và để sống và làm việc trong tâm tình tạ ơn và ca tụng không ? Hay chúng ta coi tất cả những ơn huệ nhưng không này như một thứ « quyền lợi », để đòi hỏi Thiên Chúa, để so bì và ganh tị với nhau ? Nhưng khi đòi hỏi và ganh tị, chúng ta dựa vào điều gì, phải chẳng là công lao hay thành tích của chính chúng ta ?
2. « Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho » (c. 3-7)
Thực vậy, phần tiếp theo của dụ ngôn, mỗi lúc một mạnh mẽ và vượt quá cách hành động thông thường của một người chủ, có thể có trong kinh nghiệm sống của chúng ta, nhấn mạnh đặc biệt đến chiều kích ơn huệ và lòng tốt khác thường của ông chủ : giờ thứ ba (9 giờ sáng), ông lại ra khỏi nhà đi tìm thợ ; giờ thứ 6 (12 giờ trưa), ông lại đi nữa ; rồi giờ thứ 9 (3 giờ chiều), ông lại đi nữa ; và đây là tột đỉnh của sự khác thường, vào giờ thứ 11 (5g chiều), ông vẫn ra khỏi nhà đi tìm thợ làm việc !
Nếu trong những trường hợp trước, ông chủ chỉ hứa trả công một cách hợp lí : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng », thì trong trường hợp sau cùng, ông chỉ mời gọi đi làm việc : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho ». Như thế, được hiện diện trong vườn nho là một ơn huệ hoàn toàn nhưng không, diễn tả lòng tốt của ông chủ ; và điều này cũng đúng với những trường hợp trước và phải được nhận ra và được ngợi khen bởi những người thợ đi vào trước, và kể cả những người vào làm việc đầu tiên nữa.
Tuy nhiên, câu chuyện của dụ ngôn, vốn diễn tả sự thật về chính chúng ta, lại diễn biến theo hướng lòng ghen tị và lời kêu trách, thay vì theo hướng chúc mừng và ca tụng. Dân Chúa đã kêu trách và ghen tị trong sa mạc (x. Ds 21,4-9, bài đọc I của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá) ; và loài người và mỗi người chúng ta được mời gọi nhận ra bản thân mình nơi Dân Chúa.
Như thế, đúng ra những trường hợp trước phải được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp sau cùng, để nhận ra lòng tốt của ông chủ được thể hiện từ đầu đến cuối. Vì, nếu hiểu ngược lại, nghĩa là các trường hợp sau được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp đầu tiên, người ta sẽ hiểu lệch lạc về ông chủ và về người khác : từ đó, phát sinh thái độ kêu trách và ganh tị.
3. « Bắt đầu từ những người vào làm sau chót… » (c. 8-16)
Và dường như ông chủ cố ý làm cho lòng ghen tị và lời kêu trách lộ diện, khi ông trả công, đúng hơn là ban phát, cách quảng đại cho người đến làm việc sau cùng, trước mắt mọi người :
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.
(c. 8)
Bởi vì, làm cho cái xấu lộ diện, chính là cách tốt nhất để chữa lành. Thực vậy, khi đến lượt nhóm thợ đầu tiên đến lãnh tiền công, họ được nhận đúng với lời thỏa thuận của ông chủ và của họ và điều này làm bật lên sự khác biệt giữa họ và những người khác. Nhưng thay vì họ chúc mừng những người đến sau (vì họ làm ít hơn mình, nhưng lại nhận được nhiều như mình) và ca ngợi lòng tốt của ông chủ (ông chủ không chỉ trà công sòng phẳng, nhưng còn ban phát rộng rãi cho người khác, theo lòng tốt của mình), họ vừa lãnh công và vừa cằn nhằn :
Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.
(c. 12)
Trong lời này, hàm chứa hai thái độ : so sánh mình với người khác : « mấy người sau chót này », và kêu trách ông chủ : « thế mà ông lại… ». Lời kêu trách của họ dựa trên những sự kiện rất khách quan và rất đúng : họ làm việc nhiều hơn và vất vả hơn người khác ; nhưng người khác lại được hưởng bằng họ ! Nhưng rất tiếc, những điều rất đúng và rất khách quan này lại được nhìn bằng con mắt ghen tị ! Và vì ghen tị, nên trở nên mù quáng, không mở ra để nhận ra những sự kiện lớn hơn và đúng hơn : người khác thật may mắn và ông chủ thật tốt lành, để chúc mừng họ và ca ngợi ông chủ, đê đi vào trong niềm vui của người ban phát và của người lãnh nhận. Và vì ghen tị, nên cũng mù quáng với chính những gì mình đang có, bởi lẽ điều mình dang có không phải là quyền lợi, nhưng là ân huệ, và vì người lãnh nhận không chỉ là người khác, nhưng cũng là chính bản thân mình. Mình có niềm vui, nhưng lại tự biến niềm vui của mình thành nỗi buồn, gây chết chóc, cho mình và cho người khác.
Xin cho Lời Chúa, là Lời sẽ dẫn chúng ta đến « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18) chữa lành đôi mắt của chúng ta, khi chúng ta « nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu » (Ga 19, 37) ; bởi vì nơi Thập Giá, chúng ta vừa nhìn thấy hình ảnh và hệ quả khủng khiếp của thái độ ghen ghét (nhìn thấy để được chữa lành), và vừa nhận ra tình yêu đến cùng của Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta, để ca tụng Chúa, thay vì kêu trách.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 5: DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO
1. Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm đi mướn người làm vườn nho mình. Ông định cho họ mỗi ngày một quan tiền. Và họ làm việc. Đến 9 giờ và đến trưa ông thấy còn có người ở không, nên cũng gọi họ vào làm. Chiều đến, ông phát lương cho họ: Mấy người vào làm sau hết được lãnh mỗi người một quan tiền. Thấy vậy, những người vào làm trước hết tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ lành được một quan tiền, nên họ phàn nàn trách móc ông chủ bất công. Ông liền nói với họ: các anh đã đồng ý giá mỗi ngày một quan tiền, tôi đã trả đủ cho các anh. Còn những người vào làm sau, tôi cũng cho bằng các anh là tùy lòng tốt của tôi.
2. Ý nghĩa dụ ngôn
Trước hết, dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những kẻ được gọi vào Hội thánh (vườn nho) vào giờ sau hết (17 giờ). Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái, những kẻ đã được gọi từ đầu (họ được thuê từ sáng).
Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Do thái bực bội vì họ tưởng bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, người Do thái đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ của những người cằn nhằn ông chủ cũng giống như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.
Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai, cũng là bởi tình thương mà thôi: ”Tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn…”, và người ta phải tôn trọng trong cách xử sự của Người: ”Chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao”? Kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ thôi! (Trần Hữu Thành).
3. Bao Công ngày xưa nổi tiếng là vị quan xử án công bằng, “thiết diện vô tư”, không kiêng nể người phạm tội là ai. Cho dù đó là hoàng thân quốc thích như phò mã Trần Thế Mỹ hay cháu quan thái sư Bàng Đức… ông đều xử rất công bằng, đúng người đúng tội, không thiên vị một ai. Đây là sự công bằng của con người.
Sự công bằng của Thiên Chúa thì khác. Dụ ngôn ông chủ và người làm công cho thấy rõ điều này. Trong dụ ngôn, ông chủ ám chỉ Thiên Chúa, còn những người làm công là chúng ta. Theo lối nhìn của người trần gian, những người vào làm từ sáng sớm sẽ được nhiều tiền hơn những người vào làm việc từ lúc 17 giờ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn theo lối nhìn này.
Đối với Chúa, mọi người cần được thương yêu, chăm sóc, đều có những nhu cầu cần được đáp ứng. Vì thế, Người rộng ban cho chúng ta mọi ơn lành theo như nhu cầu chúng ta cần, chứ không theo như công trạng của chúng ta.
4. Qua dụ ngôn người làm vườn nho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không chỉ công bằng, vì Ngài đã trả công đúng như đã thỏa thuận nhưng còn rất giàu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tâm đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, đề được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thỏa thuận hay được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa, là tin tưởng vào sự công bằng và tình thương của Ngài. Để rồi trong đời sống chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.
5. Muốn nên giống Chúa Ki-tô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân Ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống trong tinh thần Cựu Ước vì Cựu Ước chưa được hoàn hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta là phải chú trọng tới Tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng phân bì với nhau mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
6. Truyện: Cha Sở và Cha Phó
Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có Cha Sở và Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc nhau. Một nhóm quý Cha Sở, nhóm kia quí Cha Phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:
– Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời:
– Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn?
– Cha Phó.
Cha Sở chậm rải nói tiếp:
– Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:
– Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp:
– Và tôi cũng đã được người ta quý mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 6:
Thiên Chúa là Đấng công bằng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương vô cùng. Đó là chân lý mà lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta qua dụ ngôn những người làm vườn nho.
- Thiên Chúa rất ư là công bằng.
Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.
Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, ta thấy việc trả công của ông quá ư là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ đã làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao?
Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng. Do đó, Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng “vì nếu chấp tội nào ai đứng vững”.
- Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót.
Thiên Chúa của chúng ta không chỉ công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi. Bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm. Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm. Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai. Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông, đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người. Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết sức trước tình yêu mời gọi của Người.
Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.
Lm. Seoka
SUY NIỆM 7: LÒNG BAO DUNG CỦA CHÚA
Ân huệ Nước Trời được trao ban không hệ tại nơi những nỗ lực, cố gắng hay những gì con người có và làm được trước mặt Thiên Chúa và người đời, nhưng hệ tại ngay chính tình thương và lòng bao dung của Thiên Chúa đối với con người.
Trình thuật Lời Chúa hôm nay là một dụ ngôn nói về ông chủ đi mướn thợ vào làm vườn nho cho ông. Điều nghịch lý và dị thường nơi ông chủ khi thuê mướn thợ là: ông không so đo tính toán lợi tức; không nhìn người, chọn thợ để công việc của ông được hiệu quả hơn; cũng không mặc cả giá với các người thợ để có lợi nhuận hơn cho mình Nhưng ông đã tự thân đi tìm và thuê mướn tất cả, bất luận họ là ai, tình trạng sức khoẻ thế nào, có nghề nghiệp chuyên môn hay không và bất cứ giờ nào trong ngày ông cũng đều thâu nhận. Hơn thế, cách thế trả lương của ông cũng là một điều nghịch thường và phí lý, vì kẻ làm một giờ cũng bằng với những người làm cả ngày công. Điều đó cho chúng ta nghiệm ra một chân lý tuyệt vời rằng, cái nghịch thường và phi lý dưới con mắt người đời lại là điều phi thường và có lý đối với Thiên Chúa; cách thế đối xử của Thiên Chúa không giống với con người; và lý lẽ của tình thương hoàn toàn khác hẳn với lý lẽ của công bằng và thương trường.
Thiên Chúa của chúng ta là như thế! Một Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm, gọi mời và chờ đợi con người. Ngài luôn sẵn sàng đón nhận từng người một bất luật chúng ta đang nằm trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Ngài thâu nhận tất cả vào trong vườn nho của Ngài để được Ngài quan tâm, yêu thương và dành cho mỗi người một chỗ ưu ái trong trái tim và vương quốc của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra tình thương và lòng bao dung của Chúa để biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa và bước theo Ngài vào hưởng ân phúc Nước Trời mà Thiên Chúa ban tặng. Amen.
Tu sĩ Antôn. P. Nguyễn Phi Tiến, SVD
SUY NIỆM 8: GIÁ TRỊ VÀ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI
Qua câu chuyện ngụ ngôn về người chủ vườn và các công nhân làm vườn nho, Chúa Giêsu đã diễn tả lòng quảng đại và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã dùng một thực tại rất gần gũi với đời sống xã hội của người Do Thái đương thời là vào thời ấy các công nhân thường hay đứng đợi ở những nơi công cộng như chợ búa chẳng hạn, để chờ các chủ nhân đến mướn làm việc. Thường là những công việc làm ngắn hạn, có khi chỉ là một ngày công mà thôi cho nên nếu ngày nào mà có những công nhân đó không có việc làm có nghĩa là ngày ấy thiếu những bát cơm nóng trên bàn ăn của gia đình.
Trong chuyện ngụ ngôn hôm nay, người chủ nhân đã gọi các công nhân làm việc vào giờ cuối cùng nhưng đã rộng lượng trả tiền thù lao cho họ ngang bằng với tiền trả cho những người làm việc cả ngày. Qua lối nói ẩn dụ này Chúa Giêsu cho thấy lòng nhân ái của Chúa Cha đối với nhân loại, nhất là đối với những kẻ tội lỗi, những người bị áp bức và bị đẩy ra bên lề của xã hội phong kiến thời ấy. Có những người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng không chịu làm việc mà vì hệ thống kinh tế thời đó không tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Người chủ nhân mướn và trả công thật hậu cho những người làm việc vào giờ chót, cho thấy tấm lòng quảng đại bao la của ông, vì nếu ông chỉ trả lương đúng theo số giờ họ đã làm việc thì chắc chắn là gia đình của những người này sẽ thiếu ăn trong ngày hôm đó.
Thiên Chúa chính là vị chủ nhân tốt lành và quảng đại với tất cả tạo vật của Ngài. Ngài luôn quan tâm và thương xót nhân loại, nhất là đối với những người đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần như lời Ngài nói: "Tất cả những ai mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Như thế, người chủ nhân đã rộng lòng trả tiền lương cho tất cả các công nhân ngang bằng nhau, không kể họ làm việc vào giờ nào, điều đó không phải là sự bất công. Người chủ vườn là Thiên Chúa luôn công bằng với các tạo vật của Ngài, ai làm việc nhiều giờ hay ít giờ đối với Ngài không là việc thiết yếu; điều quan trọng là ý định và thái độ làm việc của các công nhân.
Thiên Chúa yêu mến những ai phục vụ Ngài bằng với tinh thần yêu thương và hân hoan chứ không làm việc vì muốn được hưởng công hậu hay vì mục đích tham vọng cá nhân. Sự làm việc có một giá trị thiêng liêng đối với con người vì qua sự làm việc, con người làm vinh danh Thiên Chúa và cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Qua công việc làm, con người trở nên hữu ích và góp phần vào công việc xây dựng và làm thăng tiến xã hội, và cũng qua đó tìm thấy giá trị và nhân phẩm của mình.
Qua chuyện ngụ ngôn hôm nay những công nhân được mướn làm giờ đầu tiên ám chỉ đến dân tộc Israel, là dân tộc đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và được Ngài mạc khải chương trình cứu độ, nhưng dân Do Thái đã từ khước Thiên Chúa lại còn giết hại Con Một do Ngài sai tới để cứu chuộc thế gian. Nhưng tình yêu thương được thể hiện qua công trình cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn trong quốc gia Do Thái mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên thế gian.
Các công nhân được gọi làm việc trong vườn nho vào giờ cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các dân ngoại đã từng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa như Ngài đã ban ơn cho dân Do Thái.
Lạy Chúa,
Xin dạy cho chúng con biết phục vụ Chúa và những anh chị em khác với lòng quảng đại và niềm hân hoan. Xin cho chúng con biết dâng hiến nhiều hơn là cầu xin cho sự ích lợi của riêng mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)