THỨ NĂM TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
Mc 6,17-29
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-cô
17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Để sống ơn gọi ngôn sứ như Thánh Gioan Tẩy Giả, người Kitô hữu phải can đảm làm chứng cho sự thật, ngăn chặn sự xấu, và dám chấp nhận đau khổ vì Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là chua xót nhưng cũng thật hào hùng khi đầu của thánh Gioan nằm trong tay một vũ nữ. Quyền lực của sự dữ tỏ ra mạnh mẽ, thắng thế, áp đảo. Còn quyền lực của sự thiện có vẻ mong manh, yếu đuối, bị bóp dẹp trong lòng bàn tay.
Cái chết của Thánh Gioan cho con hiểu rằng đam mê tội lỗi làm cho lòng người ra mù quáng, lôi kéo từ tội này đến tội khác, từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người này phạm tội kéo theo người khác phạm tội. Người phạm tội ngày càng đông, sự xấu ngày càng lan rộng. Trong khi đó, ít người dám sống công chính, ít người dám nói sự thật, ít người dám ngăn chặn sự ác, và lôi kéo người khác làm điều thiện. Chính con cũng chẳng sống được như vậy.
Lạy Chúa, Chúa đã đến làm chứng cho chân lý và dùng quyền năng của Tin Mừng để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi. Chúa muốn chúng con nối tiếp sứ mạng của Chúa. Xin giúp chúng con dám sống theo Tin Mừng. Xin Chúa đừng để chúng con vì những đam mê, vì những mối lợi hay vì sợ bị thua thiệt cười chê mà rời xa lối sống Phúc Âm. Xin giúp chúng con can đảm ngăn chặn sự xấu đang diễn ra xung quanh. Chúa giao cho chúng con chịu trách nhiệm về người khác. Chúng con sẽ lỗi nặng khi thấy sai mà không lên tiếng, khi thấy đúng mà không làm, khi thấy tốt mà không kéo người khác theo. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót, và xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng. Amen.
Ghi nhớ: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2:
Bài Tin mừng hôm nay kể về cái chết thương đau của Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm cả 2 nhân vật chính trong câu chuyện này: cả Gioan Tẩy giả và cả vua Hêrôđê; bởi vì Gioan Tẩy giả cho ta một bài học, còn vua Hêrôđê thì cho ta một kinh nghiệm.
Vậy bài học mà Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế để lại cho ta là gì? Thưa đó là bài học can đảm nói lên tiếng nói của sự thật. Tuy mang thân phận là một thần dân nhỏ bé, nhưng thánh Gioan Tẩy đã dám công khai vạch trần tội lỗi của một vị quân vương quyền lực, còn mệnh danh là bạo chúa. Người ta cứ bảo sao thánh Gioan Tẩy liều lĩnh quá! Thưa không, ngài không liều lĩnh nhưng là bản lĩnh. Vốn là một con người chính trực, thánh nhân cảm thấy mình cần phải và buộc phải nói lên tiếng nói của sự thật và công lý, dẫu rằng ngài thừa biết sự thật thì sẽ mất lòng và có khi còn mất mạng.
Mà mất mạng thiệt! thánh Gioan Tẩy giả đã đón nhận 1 cái kết vô cùng bi thảm, bất công và oan ức. Đầu lìa khỏi cổ đớn đau vô cùng. Nhưng đối với thánh nhân đó lại là một ân huệ, một mối phúc: “Phúc cho ai chịu bách hại vì chính đạo, vì Nước Trời là của họ”. Hãy can đảm lên vì ơn của Chúa đủ cho ta thưa anh chị em.
Còn vua Hêrôđê thì sao, ta rút ra được kinh nghiệm gì? Thưa đó là kinh nghiệm mau nghe mà chậm nói. Vì phút ngẫu hứng mà vua Hêrôđê đã mở rộng lòng bao dung không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức; để rồi vì cái sỉ, cái diện, cái danh, cái tiếng của bản thân mà bắt người khác phải gánh lấy hậu quả tang thương. Sai lầm của vua Hêrôđê xưa phải là kinh nghiệm cho chúng ta hôm nay thưa cộng đoàn.
Hãy nhớ điều này: “Mình không buộc phải nói tất cả những gì mình biết; nhưng mình buộc phải biết tất cả những gì mình nói”, và phải chịu trách nhiệm cho lời nói của mình. Do đó, mỗi người cần phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, chứ đừng bạ đâu nói đó để rồi làm mất uy tín của bản thân mình, làm mất thanh danh của người khác, và làm xáo trộn cả cộng đoàn. Amen.
Lm.Antôn
SUY NIỆM 3:
A. Phân tích (Hạt giống...)
Bài tường thuật của Mác-cô về cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả rất rõ ràng và dễ hiểu. Ta cần ghi nhớ 2 điều :
- Gioan đã chết vì can đảm nói sự thật, theo đúng chức năng ngôn sứ của mình.
- Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Ta hãy nhìn vua Hêrôđê : một con người vẫn còn lương tâm (“vua nễ sợ Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”), nhưng không can đảm làm theo tiếng của lương tâm. Xin cho con vẫn “thích nghe” tiếng lương tâm, cho dù phải “phân vân”, và nhất là phải can đảm làm theo sự hướng dẫn của lương tâm.
2. Ta nhìn tiếp đến bà Hêrôđia: một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình, bà đã loạn luân; khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cộc sống loạn luân của mình nữa.
Lời một Thánh vịnh : “Kìa vực thẳm kêu mời vực thẳm”. Nếu không nghe tiếng lương tâm mà chỉ để cho đam mê xấu lôi kéo thì người ta sẽ phạm hết tội này đến tội khác.
3. Người da đỏ giải thích lương tâm như sau : Đó là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả. (Weapons and Workers).
4. Ta hãy nhìn nàng Salômê: một người có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị ngôn sứ.
Xin cho con ý thức những tài năng của con là những nén bạc Chúa giao để cho con xử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em con.
5. ”Vua Hêrôđê sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philipphê, mà ông Gioan lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6,17-18)
Gioan đã chết chỉ vì nói lời sự thật. Một kết thúc bi tráng dành cho con người được gọi là cao trọng.
Trong khi xã hội dạy cho con biết phải ”khéo léo” chẳng nên làm chuyện thừa, Chúa lại dạy cho con một tấm gương mà nhìn vào con trở nên e ngại. Con đang bước đi trong lòng một thế giới mà người ta bảo với con: “thật thà thường thua thiệt”. Có lúc ngay bên con, sự thật bị che lấp. Tận đáy lòng, con nghe tiếng Chúa mời gọi. Nhưng lạy Chúa :
- Ông ấy là “sếp” của con mà !
- Chị ấy là ân nhân của con.
- Trách nhiệm của con với gia đình.
- Áp lực xã hội…
Con đấy, luôn tìm một sự bình an tạm bợ. Xin cho con chút can đảm, và khi con bước đi trong sự thật là lúc con nhận được sự bình an của Chúa. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 4:
Câu chuyện
Hoàng hậu Ideven của vua Akhap rước thần ngoại bang vào vương quốc Israel và bảo trợ cho các tư tế, phù thủy của tà thần, đuổi bắt các ngôn sứ của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Êlia một mình chống lại các tư tế của thần dân ngoại. Sự chính trực của ông đã bị vua và hoàng hậu truy bắt đuổi giết, khiến thân phận ngôn sứ của Thiên Chúa thật gian nan, khốn khổ và luôn sống trong sự trốn tránh (1V 17 - 18).
Suy niệm
Gioan, cái tên được Thiên Chúa đặt là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, sự công minh chính trực của Gioan đã được ngôn sứ Isaia nói trước:
“Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong bụng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi như gươm sắc bén, dấu tôi dưới bàn tay Người... biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49,1-2).
Sứ mạng ngôn sứ và ơn thánh đã nuôi dưỡng Gioan: “Cậu bé càng lớn lên, thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1,80). Vì thế, người quân tử này không sợ trước bất kỳ quyền lực nào, chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì mà Thiên Chúa muốn ông nói và làm.
Gioan bộc trực, thẳng thắn phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (x. Mt 3,7), ông phê phán, đương đầu trực diện cả vương quyền khi họ thực hiện những điều bất nghĩa: Ông đã ngăn cản vua Hêrôđê đã cướp vợ của anh trai vua, chính vì thế mà ông bị tống ngục và Hêrôđia, người tình của vua đã tìm cách ám hại ông (x. Mc 6,17-29).
Cái chết của ông là minh chứng cho sự trung thực thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nghĩa bất nhân.
Ý lực sống
“Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính; vì nước Trời là của họ” (Mt 5,10).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 5:
Có những cái chết để lại cho đời niềm thương nhớ khôn nguôi .Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ ,nhắc nhớ tên người chết mãi mãi không ngơi . Có những cái chết khiến người khác trề môi,phỉ nhổ .Chết là trở về nơi cũ .Chết là ra đi .Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh . Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ,khiến nhiều người thương tiếc,nhưng cũng không khỏi nguồn rủa sự điên rồ,ngạo nghễ và dại gái,khôn nhà dại chợ của Hêrôđê,một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người .
MỘT CÁI ĐẦU,MỘT SỰ TRẢ GIÁ VÔ BIÊN
Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi . Sự dại gái,khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại.Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng,tối tăm.Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải,đâu là trái.Oâng đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi,chè chén trác táng. Oâng không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias,vợ loạn luân của Hêrođê . Đúng như lời Kinh Thánh nói:” Có một người được Thiên Chúa sai đến,tên là Gio-an.Oâng đến để làm chứng,và làm chứng về ánh sáng…”( Ga 1, 6-7 ) .
Gio-an không phải là ánh sáng,nhưng Gio-an tới để minh chứng về ánh sáng . Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng . Gio-an đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người,của xã hội đương thời và của nhân loại .Gio-an đã có lần nói:”Có Đấng đến sau Oâng và Oâng không xứng đáng cởi giây dép của Ngài “.Gio-an quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa cứu thế. Làm công tác dọn đường,Gio-an đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri . Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy .Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gio-an là Đức Kitô:” Người phải lớn lên,còn tôi phải nhỏ lại “. Gio-an đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias . Gio-an Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết . Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín.Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha . Cái đầu,vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.
LỜI CHỨNG ĐÁNG GIÁ NHẤT CỦA NGÔN SỨ GIO-AN TẨY GIẢ
Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gio-an Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gio-an Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó. Gio-an Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gio-an đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa:” Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa.Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý “.
Lạy Thánh Gio-an Tẩy Giả xin ban cho chúng con lòng can đảm để chỉ biết nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật.
Xin ban cho chúng con biết nhỏ lại với con người yếu hèn, tội lỗi của mình và luôn để Chúa lớn lên trong chúng con.
Xin ban cho chúng con tâm hồn và sức sống của các vị ngôn sứ của Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
SUY NIỆM 6:
Xã hội ngày nay đang đẩy con người đi đến một nhận định sống là: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt. Lọc lừa, len lỏi lại leo lên”. Tuy nhiên, là một người Kitô hữu, tôi cần chọn lựa lối sống nào?
Bài Tin Mừng hôm nay khắc họa chân dung của các nhân vật đại diện cho hai lối sống khác nhau: một bên là vua Hêrôđê dù nắm trong tay quyền lực, chức tước nhưng thiếu cam đảm để làm theo sự hướng dẫn của tiếng lương tâm. Bà Hêrôđia là một người có nhan sắc, nhưng lợi dụng nó để mê hoặc kẻ khác, làm theo ác ý của mình. Con gái bà Hêrôđia là người vừa có tài, vừa có nhan sắc, nhưng lại tiếp tay cho cái ác, dửng dưng và vô tâm trước sự dữ, sự bất công. Còn bên kia là Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ của Thiên Chúa, ngài đến để sống và làm chứng cho sự thật, nói tiếng nói của sự thật và can đảm đón nhận cái chết để bảo vệ sự thật.
Ngày nay, dáng dấp của ngôn sứ “Gioan thời đại” vẫn luôn hoạt động và đang bị người ta tìm cách giết chết. Người can đảm nói lên tiếng nói của sự thật không những làm người khác mất lòng mà đôi khi còn làm cho bản thân phải đón nhận những thiệt hại nặng nề. Nhìn lại bản thân, tôi được Thiên Chúa ban cho trí khôn để biết phân biệt phải trái. Bên cạnh đó, không ít lần tôi được Chúa mách bảo và thúc đẩy qua tiếng lương tâm nhưng tôi lại hững hờ và vô tâm từ chối lời mời gọi ấy mà chùn bước không dám làm chứng cho sự thật. Hơn nữa, nhiều lúc tôi còn trốn tránh và im lặng trước những bất công và cái ác để mặc chúng hoành hành.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết theo gương thánh Gioan Tẩy Giả để trong mọi hoàn cảnh, con vẫn vững lòng can đảm, dám làm chứng cho chân lý và sự thật. Amen.
Tu sĩ Giuse Phạm Công Minh, SVD