SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
Mt 23, 13-22
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.
15 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?
18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn?
20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.
SUY NIỆM 1:
Phân tích
Tin Mừng của ba ngày liên tiếp: hôm nay, thứ ba và thứ tư ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới Biệt phái và nhóm Luật sĩ vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm ba lời:
1. Khóa cửa Nước Trời: câu 13
“Các ngươi đã khóa cửa Nước Trời. Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”: Các Kinh sư và Pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa “Nước Trời.” “Nước Trời” ở đây có thể theo 2 nghĩa:
a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80: Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các Kinh sư và Pharisêu ngăn cấm.
b/ Đó là Giáo Hội cách chung: những luật lệ do các kinh sư và Pharisêu đặt ra quá khắt khe và tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không vào Giáo Hội. Chính họ không muốn vào Giáo Hội, còn những người khác muốn vào thì họ ngăn cản không cho vào.
2. Làm hại việc truyền giáo: Câu 15
“Khốn cho các ngươi hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi làm cho họ theo đạo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”: những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.
3. Dẫn đường mù quáng: câu 16-22
“Khốn cho những kẻ dẫn đường mù quáng”: những người Do Thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù”. Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù! Để lấy bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ. Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như thế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.
Suy gẫm
1. Khóa cửa Nước trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
2. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi. Nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược lại hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo.”
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì những món nào được ăn. Món nào không được, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một cách mê tín dị đoan.
4. Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
- Ừ, mẹ cũng hư.
5.”Khốn cho các người hỡi các kinh sư và Pharisiêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23, 13).
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ gì làm của riêng. Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại làm toàn những điều ngược lại.
Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã làm cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiềm khích và hơn thế nữa con có thể nêu tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 2: SỐNG ĐÚNG SỰ THẬT
“Khốn cho các người hỡi các Kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình.” (Mt 23, 13)
Suy niệm: “Tất cả chúng ta đều là kẻ đạo đức giả. Ta không thể nhìn và xét đoán mình theo đúng cách ta nhìn và xét đoán người khác” (J. Pacheco). Ta áp dụng một tiêu chuẩn kép: khắt khe với người, dễ dãi cho mình. Nói theo Đức Giê-su: Người đạo đức giả bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Ngài gọi họ là “đồ ngu si mù quáng” vì đặt vàng bạc, của lễ cao trọng hơn Đền thờ, bàn thờ, đề cao vật chất hơn sự thánh thiêng, tách biệt Đền thờ khỏi Đấng cao cả ngự trong Đền thờ ấy. Người đạo đức giả còn làm các việc đạo đức thờ phượng không phải để tôn vinh Thiên Chúa, nhưng nhằm trục lợi vật chất. Cuối cùng, họ cản trở người đạo đức thật sự đi vào thiên đàng, do cung cách hướng dẫn sai lạc, cũng như do gương xấu họ gây ra cho các anh em này.
Mời Bạn: “Sự thật mà không có tình thương là sự tàn bạo, tình thương không có sự thật là sự giả hình” (W.Wiersbe). Sống đúng sự thật về mình: tạo vật được Chúa dựng nên, mắc nợ Ngài món quà sự sống quý giá; con cái Thiên Chúa, được Ngài yêu thương ban sự sống vĩnh cửu. Nhờ đó, bạn tránh được thói đạo đức giả. Ai sống trong tâm tình biết ơn, người ấy luôn biết cách thực thi tâm tình đạo đức đích thật.
Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian soi lại dung mạo của mình, xem có hành xử như người đạo đức giả Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh không. Nếu có, phải sửa đổi như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm thấy hổ thẹn đã có các biểu hiện thói đạo đức giả như Chúa mô tả. Xin cho con luôn biết sống trong tâm tình tri ân cảm tạ, đúng với sự thật về con. Amen.
http://gpbanmethuot.com/loi-chua-moi-ngay/...
SUY NIỆM 3: CHÚA KHIỂN TRÁCH CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI
1. Bài Tin Mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giê-su nặng lời lên án những người thuộc nhóm biệt phái sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra, cách sống của họ không là cá biệt mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
2. Hôm nay chúng ta thấy, Chúa Gisu đã mạnh mẽ lên án những tội của luật sĩ và biệt phái: giải thích lề luật một cách tỉ mỉ khiến không ai có thể giữ được; chất gánh nặng trên vai người khác, mà chính mình không muốn giơ ngón tay lay thử; làm bộ đọc kinh cho nhiều, nhưng lại toan tính nuốt cả tài sản người khác; tìm hư danh ngay cả trong việc truyền đạo; cắt nghĩa lời thề bằng những giải thích hoàn toàn có lợi cho mình, nhưng đó chỉ là cách giải thích tùy tiện theo ý loài người, chứ không tuân giữ lời Chúa.
3. Ta có thể nhận thấy Chúa Giê-su lên án 5 cung cách đạo đức giả nơi người luật sĩ như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c.13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, quy về mình hơn là về Chúa (c.15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Chúa (cc 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân lành và thành tín (cc.23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trong đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc.25-26).
Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về mình nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).
4. Các nhà sinh vật học đã tìm ra một loài bướm có đôi cánh rất lạ. Khi chúng bay, cánh có mầu sắc rất sặc sỡ, nhưng khi chúng đậu, cánh lại có mầu giống như chiếc lá khô. Nhờ sự thay đổi mầu sắc ấy, loài bướm này dễ dàng đánh lừa kẻ thù và ít bị tấn công.
Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.
Đức Giê-su lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giê-su vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa-minh).
5. Nói chung, các luật sĩ và biệt phái kiêu căng, háo danh, giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hỗn rỗng tuếch, nói và làm không đi đôi với nhau, như tục ngữ Việt nam nói: ”Khẩu phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” để diễn tả những người mang mặt nạ giả danh đạo đức tốt lành bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
6. Chúng ta hãy sống với Chúa như con đối với cha, đừng quá chú trọng đến lề luật. Mỗi khi làm một điều gì, câu hỏi trước tiên của chúng ta phải là: ”Tôi làm như thế có đẹp lòng Chúa không”?, chứ không phải là “Tôi làm như thế có đúng luật không”? Luật lệ chỉ là thước giữ cho con người khỏi đi quá trớn, chứ không phải để đo mức thánh thiện đạo đức của con người.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.
7. Truyện: Nhà tu hành bất đắc dĩ.
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn Độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả.
Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng, có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.
Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 4:
1. “Khốn cho các ngươi”
Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c. 13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm nay ba lần, bài Tin Mừng ngày mai (Mùa Thường Niên) hai lần và bài Tin Mừng ngày kia, thứ tư, hai lần còn lại:
Khi nói: “Khốn cho các người !”, Đức Giê-su dường như muốn lên án những người này, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa; theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta thán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình, nhất là căn bệnh nghiêm trọng, tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi. Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (x. Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Đức Giê-su không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9, 13); “Thiên Chúa sai Con của Người đến, không phải để lên án” (Ga 3, 17).
Con người ban đầu có thể từ chối Đức Giê-su, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c. 39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn về người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Os 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hi vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.
2. Bệnh “đạo đức giả”
Trong bẩy câu nói “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu”, Đức Giê-su đều nói rằng, họ những người “đạo đức giả”, trừ lần thứ 3 (c. 6):
Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư
và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!
Có thể nói, đó là bệnh “đạo đức giả” mà Đức Giê-su muốn cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho con người thuộc mọi thời, trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra. Và khi nhận ra, người ta đã bắt đầu bước vào hành trình chữa lành rồi.
“Đạo đức giả” mà Đức Giê-su nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra:
Biểu hiện thứ nhất. Đức Giê-su nói: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” (c. 13). Người “đạo đức giả” là những người làm cho người khác không nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và trong lịch sử đời mình, đó là từ chối tin nhận Đức Giê-su là đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.
Biểu hiện thứ hai. Người “đạo đức giả” là những nhọc công để làm cho một người theo đạo, nhưng sau đó, lại biến người này thành “con cái của hỏa ngục” (c. 15). Đó là hoán cải con người, không phải về với Thiện Chúa đích thật, nhưng là qui về nhưng quan niệm, hệ thống lí thuyết và thực hành của loài người hay của riêng mình.
Biểu hiện thứ ba. Người “đạo đức giả” là những người mù quáng (c. 16-22), khi dẫn người ta vào con đường phân biệt chi li về vấn đề lời thề, khi mà bất cứ lời nào được thốt ra cũng phải luôn luôn là chân thật trước mặt Thiên Chúa (x. 5, 33-37).
Biểu hiện thứ tư. Những người “đạo đức giả” là những người làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa. Như thế, họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.
Biểu hiện thứ năm. Những người “đạo đức giả” là những người « rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ ». Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài. Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.
3. Chữa lành bằng Thập Giá
Qua những lời, có thể nói, thật là “đắng”, giống như thuốc chữa bệnh, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su, và nhất là để cho mình bị đụng chạm !
Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha, bằng chính mầu nhiệm Thập Giá. Như khi ai nhìn lên con rắn đồng xưa, sẽ được cứu sống (x. Ds 21, 4-9), ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi (x. Ga 3, 17-19):
Ø Căn bệnh ghen tị: điều tốt, là Nước Trời và là chính ngôi vị Đức Giê-su, mình không có, thì người khác không được quyền có.
Ø Căn bệnh coi mình, những kinh nghiệm, những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc của mình là tuyệt đối.
Ø Căn bệnh lệ luật, nghĩa là coi sự công chính của con người đến từ việc giữ luật thật chi li, thay vì đến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô; lệ luật còn là coi luật trọng hơn sự sống, trong khi luật được ban là để phục vụ cho sự sống.
Ø Căn bệnh danh lợi, nghĩa là chỉ thi những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân.
Ø Căn bệnh hình thức, nghĩa là thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng « đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ » !
Bởi vì, Thập Giá vừa làm cho những căn bệnh này hiện ra nguyên hình (ghen tị, tự tôn, lệ luật, danh lợi, hình thức) và những hậu quả khủng khiếp của chúng, để giải thoát chúng ta, và vừa mặc khải cho chúng ta khuôn mặt rạng người của Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót, và con đường dẫn đến với Thiên Chúa, chính là con đường hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su Ki-tô.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 5: LỜI RAO GIẢNG PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG
Mahatma Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân.
Lúc còn là sinh viên, ông say mê đọc Kinh Thánh và có ý định gia nhập đạo Công Giáo vì ông thấy giáo lý của Đức Giêsu về “đạo yêu thương” quá tuyệt vời! Nhưng vào một lần, ông đi đến nhà thờ của người da trắng để dự lễ, ngay lập tức, ông bị ngăn lại và được mời đến nhà thờ của người da đen, vì nơi đây không phải là nhà thờ của người da đen. Mahatma Gandhi ra về trong thất vọng. Kể từ đó, ông không bao giờ đến nhà thờ và quyết liệt từ bỏ ý định trở thành người Công Giáo vì hành động phản yêu thương của những người da trắng.
Thật vậy, trong xã hội ngày nay, vẫn còn đó những hình ảnh, cử chỉ của người Công Giáo như những người da trắng trong câu chuyện trên. Họ là những người giả hình “hạng ưu”!
Tại sao vậy? Thưa! Ấy là lúc chúng ta nói những lời tốt đẹp, khuyên người ta ăn ngay ở lành. Nào là: phải bao dung, tha thứ; phải nâng đỡ những cô nhi quả phụ; phải đứng về phía người nghèo; phải khước từ bóc lột, áp bức... Những lời khuyên như vậy rất “kêu”, rất “trội” và rất “thánh”...
Tuy nhiên, khi chính bản thân phải đối diện thì hẳn chúng ta lại là những người “sụt hố” đầu tiên chỉ vì một điều đơn giản là: “Nói mà không làm. Hăng say chất những gánh nặng lên vai người khác, nhưng chính mình thì lại không buồn động ngón tay vào”. Tệ hơn nữa lại tìm cơ hội để trả thù nhân danh đạo đức, lề luật...!
Những lúc như thế, chúng ta đâu có khác gì những Kinh Sư và Pharisêu mà trong bài Tin Mừng hôm nay đã bị Đức Giêsu vạch trần tội ác của họ?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên chứng nhân cho Chúa qua hành động tốt của mình. Nói cách khác, muốn dạy người khác điều gì, chính chúng ta phải là những người đã sống và cảm nghiệm trước khi khuyên bảo người khác. Làm tất cả vì vinh danh Chúa, chứ không phải lấy Chúa làm “bình phong” để “tô son chát phấn” nhằm đề cao danh dự, tiếng tăm cho bản thân mình.
Có thế, chúng ta mới là người mang trong mình và giới thiệu một vị Thiên Chúa là Cha yêu thương. Một Vị Thiên Chúa được hiện tại hóa qua đời sống chứng nhân và lời rao giảng cũng như cảm nghiệm của chính chúng ta. Nếu không thì mọi việc chúng ta làm chỉ là hành vi của kẻ “phá hoại” sứ điệp “yêu thương” của Thiên Chúa mà thôi. Và nguy hiểm hơn nữa là “mù dắt mù cả hai cùng xuống hố”. Tyu nhiên, để làm được điều đó không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, rất cần lời cầu nguyện và ơn Chúa trợ giúp.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên những người loan báo Lời Chúa bằng chính đời sống của mình. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6: HAI MẶT SÁNG – TỐI
Không ai có thể đo được lòng dạ con người, nhất là khi người ta cố ý che dấu, như câu tục ngữ: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Tuy vậy, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng người, có thể đánh giá sự dối gian, hai mặt của lòng người.
Trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu lột trần những khuôn mặt của những người Pharisêu và kinh sư. Người nói rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa nước trời không cho thiên hạ vào… Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ… Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng” (Mt 23, 13-16).
Hình dáng của các kinh sư và người Pharisêu có vẻ rất đạo mạo, thánh thiện: “cầu nguyện lâu giờ”, “đeo những hộp kinh thật lớn”, “mang những tua áo thật dài”, “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc”… Họ dùng vẻ hào nhoáng bên ngoài để che đậy những thứ ghê tởm bên trong.
Nhìn lại bản thân, đôi khi ta có thể là một người Pharisêu hay một kinh sư nào đó. Nhiều khi ta thật là thánh thiện đạo đức trong áo thầy tu, hay dưới cái mác là người Kitô hữu, ta sống bên ngoài thật là sinh động trong các mối tương quan, thể hiện ta là một con người có chuẩn mực đạo đức, nhưng đằng sau vỏ bọc ấy ta chẳng khác nào là một người Pharisêu hay kinh sư. Tự ta biến bản thân thành một kẻ sống “hai mặt” trong các mối tương quan.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống thật với chính con người của mình.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD