SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN: THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ, LỄ KÍNH

Thứ sáu - 23/08/2024 06:01
SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ, LỄ KÍNH
Ga 1,44-51

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.
45 Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” 46 Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem! “ 47  Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.”
48 Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? “ Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!”
50 Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

SUY NIỆM 1: THÁNH BATÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ
Khi nhắc đến thánh Batôlômêô Tông đồ, người ta thường nghĩ ngay đến 2 nét đẹp nơi con người của ngài.
Thứ nhất, Thánh Batôlômêô Tông đồ là một con người luôn khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm những điều thiện hảo.
Truyền thống cho biết ngài thuộc tầng lớp luật sĩ trong Do Thái Giáo thời bấy giờ. Ngài là một con người có học thức, có trình độ; nhưng đối với Thánh Batôlômêô, những gì ngài biết so với những điều ngài chưa biết chỉ là hạt cát so với sa mạc, chỉ là giọt nước so với biển khơi mà thôi.
Chính vì thế, ngài luôn đi tìm kiếm những điều hay lẽ phải để lĩnh hội thêm cho chính bản thân mình. Và rồi khi gặp được Chúa Giêsu, Thánh Batôlômêô đã sẵn sàng đón nhận những gì mà Chúa Giêsu mạc khải cho.
Nét đẹp thứ hai, đó là Thánh Batôlômêô đã vượt qua được óc thành kiến để vươn đến một lý tưởng.
Khi vừa được Philipphê giới thiệu về Chúa Giêsu, phản ứng đầu tiên của Batôlômêô đó là: “Từ Nadaret làm sao có cái gì hay được”. Óc thành kiến này đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Do Thái nói chung, và cả Batôlômêô nói riêng. Nhưng thánh nhân đã vượt qua được óc thành kiến ấy, để mạnh mẽ nói với Chúa Giêsu: “Chính Thầy là con Thiên Chúa. Chính Thầy là vua Itraen”.
Chúa muốn chúng ta hãy noi gương Thánh Batôlômêô tông đồ ở 2 điều này.
Thứ nhất là hãy biết khiêm tốn lắng nghe và học hỏi điều hay điều tốt từ người khác. Đừng có ai nghĩ rằng tôi là nhất, tôi có trình độ, có bằng cấp, tôi là ông này bà nọ, nên tôi chẳng cần phải nghe ai. Thưa anh chị em, không ai là hoàn hảo ngoài Chúa chúng ta. Có thể mình hơn người khác về điều này, nhưng lại thua người ta về điều nọ. Có thể mình giỏi, nhưng sẽ có người giỏi hơn mình. Chúa muốn chúng ta nên như Thánh Batôlômêô tông đồ hôm nay, tuy giỏi nhưng khiêm tốn, tuy giỏi nhưng luôn tìm kiếm những điều hay điều tốt từ người khác để học hỏi, để hoàn thiện chính mình.
Thứ hai là mỗi người phải vượt qua óc thành kiến và tự mãn. Có những người không bao giờ chấp nhận cho con cái mình lấy người gốc Nam, không cho con mình lấy người ngoại đạo, làm như thế là chúng ta đang có thành kiến với những anh chị em ấy. Rồi cũng đừng có ai nghĩ rằng giáo xứ mình là nhất nhì giáo phận, chẳng có xứ nào bằng; giáo xứ mình đầy đủ rồi nên không cần phải xây dựng hay sửa đổi điều gì. Nghĩ như thế là chúng ta đang sinh lòng tự mãn. 
Nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của Thánh Batôlômêô tông đồ, xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta biết cởi mở suy nghĩ và cõi lòng: cởi mở để lắng nghe và lĩnh hội những điều hay lẽ phải, cởi mở để vượt qua óc thành kiến và tự mãn của bản thân. Vì Chúa Giêsu cho biết: có như thế thì “người ta mới nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”.Amen.
Lm. Antôn
 

SUY NIỆM 2:

Thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3). Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David. Đàng khác Bartholomew họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập. Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình. Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím. Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc. Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm. Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.
Phúc âm Matthew, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philip và Barthôlômêo. Phúc âm Gioan nhắc Philip giới thiệu Nathanael cho Chúa Yêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêo và Nathanael là một.
Barthôlômêo giảng đạo tại Ấn Độ với tông đồ Phillip và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì). Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Mathêu viết bằng tiếng Hy Bá. Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ. Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo. Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo. Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn. Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma. Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo. Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều. Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục. Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu. Người tin theo càng can đảm hơn. Họ lầm lí luận xử tử các ngài đạo sẽ tan. Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa. Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa. Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.
Bị bắt chung với Philip, quan tòa ra lệnh tha Bartholomew, còn Philip thì bị án tử. Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự. Bartholomew được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Bartholomew.
Chứng kiến cảnh Philip tử đạo, Bartholomew sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa). Ngày nay phần đất này nằm giữa biên cương Irăn và Sô Viết. Bartholomew là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Bartholomew không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này. Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông Đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo. Barthôlômêô có mặt vào khỏang năm 66-68. Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó. Hai năm 66-68, Bartholomew là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.
Bartholomew không trú ngụ hẳn tại Liên Sô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước. Tại Armenia, Bartholomew đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua. Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái. Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua. Nhóm này âm thầm ngầm bắt Bartholomew lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68. Nay là thành phố Derbend. Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.
Trong quá khứ các nhà địa lí dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay. Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề. Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.
Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định. Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi. Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ. Nơi nào xua đuổi các ngài âm thầm ra đi. Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó. Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng. Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.
Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối. Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ. Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại. Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.
Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác. Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì. Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.
Ngày nay xác thánh Bartholomew được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau. 508 vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia. Thế kỉ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily. Năm 809 xác được chuyển sang Benevento. Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.
Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Bartholomew. Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury.
Tóm lược trong tài liệu:
1.The Search for the Twelve Apostles của W. McBirnie
2. The Twelve Apostles của R. Brownrigg

Lm Vũ Đình Tường


SUY NIỆM 3: TIN ĐỂ LÀM CHỨNG

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Bartôlômêô Tông Đồ, truyền thống hiểu Ngài là Nathanael quê quán ở Cana. Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vị : Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô: - Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth (Ga 1, 45). Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận : Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được (Ga 1, 46).
Tuy nhiên đáp lại lời mời "thì hãy đến mà xem" (Ga 1, 47), vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người: Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối (Ga 1, 48). Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu và tuyên xưng : Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!" (Ga 1, 50). Nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sư thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).
Thánh Gioan kể việc Chúa Giêsu kêu gọi các Tông đồ đầu tiên nơi Ga 1, 35, 41 và bài Tin mừng hôm nay từ Ga 1, 45,51. Trong đó Thánh Gioan trình bày Chúa Giêsu là Đấng kêu gọi các Tông đồ. Ngài vẫn còn đó, Ngài kêu gọi các Tông đồ nhưng chủ ý muốn các Tông đồ bước sang đường hướng mới, đó là chứng tá của người được gọi, là thái độ tuyên xưng đức tin vào Chúa từ phía những người được gọi.
Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng trước các môn đệ của ông, khi Chúa Giêsu đi ngang qua “Đây là chiên Thiên Chúa” và hai người trong nhóm môn đệ rời bỏ Gioan mà đi theo Chúa Giêsu (Ga 1,36). Liền sau đó chúng ta thấy Anrê trở lại gặp Phêrô và làm chứng “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, rồi ngài đem Phêrô đến gặp Chúa Giêsu” (Ga 1, 40-42). Và rồi nơi đoạn Phúc âm hôm nay chúng ta thấy Philipphê sau khi được Chúa gọi thì ông dẫn Nathanael đến, tức là Tông đồ Bartôlômêô; ông dẫn Nathanael đến gặp Chúa Giêsu sau khi đã làm chứng về Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là Đấng kêu gọi các Tông Đồ, nhưng có phần đóng góp của con người, của những người khác đã được phúc gặp Chúa trước. Chứng tá đời sống nói lên niềm xác tín của người được gọi đã khám phá ra Chúa Giêsu “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng Messia, đây là Đấng Môsê và các tiên tri đã nói tới”, và còn biết bao lời chứng khác nữa về Chúa Giêsu được tuyên xưng qua các thế hệ. Những lời tuyên xưng này, những chứng tá đó có sức thu hút các người khác đến với Chúa Giêsu “ơn gọi làm phát sinh ơn gọi”. Chúng ta là những người được gọi theo Chúa Giêsu, chúng ta có xác tín về Chúa và về ơn gọi của mình hay không. Kinh Năm Đức Tin cũng giúp chúng ta điều này : “Xin ban cho chúng con biết can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, biết ý thức cử hành đức tin trong các nghi lễ phụng vụ, thực hành đức tin trong cuộc sống hằng ngày, để có thể thông truyền đức tin đó lại cho con cháu, và tất cả mọi người, đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa”.
Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 cũng đã mời gọi các bạn trẻ hăng say dấn thân vào sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 16-11-2012 nhân ngày Quốc Tế giới trẻ tiến hành vào tháng 7/2013 vừa qua, tại thành phố Rio de Janeiro Brazil, với chủ đề: “Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ” (Mt 28,19). Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ : “Hãy để cho Đức Giêsu lôi cuốn các con. Hãy đón nhận tình yêu Giêsu, và các con sẽ trở thành nhân chứng giữa lòng thế giới”. Chúng ta hãy “Tin để Làm Chứng”
Lạy Chúa, vì công nghiệp của Thánh Tông đồ Bartôlômêô mà chúng con mừng lễ hôm nay. Xin ban cho mỗi người chúng con được xác tín Đức tin, được gặp Chúa và làm chứng cho Chúa giữa những anh em xung quanh. Amen.
Lm. GioanB Lại Anh Tuấn

SUY NIỆM 4: NGƯỜI ISRAEL LÒNG DẠ NGAY THẲNG 
Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Ga 1,47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Ga 1,48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Ga 1,49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Ga 1,50)
Theo truyền thuyết truyền lại, thì thánh nhân là người có tầm vóc trung bình với mái tóc đen, nước da trắng trẻo, và đôi mắt tròn, lớn ẩn sâu trong hai con mắt hơi rộng, ngày ngày Ngài đọc kinh có tới trăm lần. Giọng nói của Ngài sang sảng và có sức thu hút lạ thường. Vẻ mặt Ngài luôn luôn vui tươi, Ngài cũng được ơn nói nhiều thứ tiếng và biết mọi sự tương lai. Với những ơn đặc biệt ấy, danh tiếng Ngài chả mấy chốc lừng lẫy như sóng cồn, khiến bao nhiêu con bệnh cũng như bao nhiêu người mắc cơn nguy biến đều tìm đến xin thánh nhân cứu chữa. Bấy giờ vua Pôlêmon (Polemon) có một công chúa bị quỷ ám. Vua đã nhờ các quỷ khác trừ nhưng vô hiệu quả, nghe nói thánh nhân có uy quyền trừ được tà ma, đầu tiên nhà vua không tin, nhưng phần tin công chúa, phần muốn thử tài của Ngài nên vua cho mời thánh nhân tới. Sau khi cầu nguyện sốt sắng, thánh nhân đã trừ quỷ và chữa cho công Chúa khỏi. Trước phép lạ nhãn tiền này, nhà vua cho người mang vàng bạc hậu tạ thánh nhân, nhưng Ngài một mực khước từ. Một đêm kia vua Polêmon chiêm bao thấy thánh nhân hiện đến và nói với nhà vua rằng: “Tôi đến đây không phải để gầy dựng gia nghiệp, thu tích vàng bạc nhưng để cứu rỗi các linh hồn, giải phóng người ta khỏi ách lầm than của ma quỷ. Đồng thời vua cũng được thánh nhân giảng cho biết qua về Chúa Giêsu và hứa sẽ chỉ tên vạch mặt quỷ Atarôt, bằng cách bắt nó tuyên xưng Chúa Kitô rồi mới trục xuất nó ra một lần nữa. Sự việc xẩy ra y như vua đã chiêm bao: một ngày kia trước mặt vua và cả triều đình thánh nhân công khai bắt tên quỷ Atarôt thú nhận nó là tên lừa bịp dân chúng và là tên phản tặc đối với Thiên Chúa. Đồng thời nó tuyên xưng thánh nhân là tông đồ Thiên Chúa sai đến để truyền bá Phúc âm. Thánh nhân ra lệnh cho nó phải cút khỏi vùng này và cấm từ nay không được lai vãng đến hại dân. Tên quỷ vâng lệnh và “cúp đuôi” biến mất. Bấy giờ dân chúng hết lời ca tụng thánh nhân và đập phá tượng quỷ đang thờ. Chứng kiến phép lạ nhãn tiền này, cả triều vua xin học đạo và chịu phép rửa tội.
Ma quỷ căm giận vì thất bại nên tìm cách trả thù. Chúng xúi giục một số viên chức nổi lên chống đối lại thánh nhân và coi Ngài như kẻ thù phá hoại chùa miếu đền thờ, phá rối an ninh. Rồi tiếng đồn thổi vu cáo thánh nhân mỗi ngày một lan rộng.
Lần kia một số công chức âm mưu đến vu cáo với vua Atigiê (Attiges) em vua Polemê (Polemes) rằng: thánh nhân đã phá hủy đền chùa của họ. Tức giận, Atigiê truyền đưa thánh nhân tới. Trước sân rồng lộng lẫy, thánh nhân đàng hoàng tiến lên tâu trình mọi việc với nhà vua. Đang khi nhà vua sỉ nhục thánh nhân thì tất cả các tượng bụt trong đền vua tự nhiên đổ tan tành, nhà vua nổi nóng hạ lệnh lột da rồi thiêu sinh thánh nhân. Nhưng Chúa toàn năng đã tỏ uy quyền của Ngài để mở mắt cho những kẻ mù tối: qua hai cuộc hành hình thánh nhân vẫn còn sống. Sau cùng thánh nhân bị trảm quyết, ngày 24 tháng 8 năm 52.
Nghe tin thánh nhân bị trảm quyết, cả triều vua Pôlômon vội vã sang xin xác thánh Ngài và an táng rất trọng thế. Để thưởng công vua Pôlômon, sau 30 ngày các vị tông đồ đã truy phong nhà vua lên chức giám mục. Còn vua Atigiê và những kẻ đã nhúng tay hành quyết thánh nhân đều bị bệnh quỷ ám và chết một cách khốn nạn.
Sau khi an táng xác thánh nhân, dân chúng tấp nập đến kính viếng và được hưởng nhiều phép lạ. Nhiều người lương dân thấy vậy đâm ghen tương. Họ bí mật quật mộ và quẳng quan tài Ngài xuống biển. Nhưng Chúa quan phòng đã làm phép lạ khiến tấm quan tài bằng chì của thánh nhân nổi lềnh đềnh trên mặt biển và được sóng biển đưa tới hòn đảo Lipari gần Xixin (Cicile). Tín hữu miền này rước quan tài thánh nhân về miền Bênêven và xây cất đền thờ kính Ngài. Với những phép lạ thời danh Ngài làm, chẳng bao lâu nơi đây trở thành đất hành hương danh tiếng. Năm 983 dưới thời Đức giáo hoàng Grêgôriô V, xác thánh Ngài được di chuyển vể La-mã nằm bên cạnh các Tông đồ khác.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
 Lm. Giuse Đinh Tất Quý


SUY NIỆM 5: HÃY ĐẾN MÀ XEM

Hôm nay Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Barthôlômêô tông đồ. Tin mừng gọi ngài với cái tên Nathanael. Ngài quê ở Cana xứ Galilê. Bạn thân ngài là thánh Philipphê, người đã đưa  ngài đến gặp Chúa Giêsu. Gặp được Chúa Giêsu, Barthôlômêô được Chúa khen ngợi là người chân chính và được chọn làm tông đồ. Ngài đã giảng đạo tại miền Ả rập, và sau đó, tại Armenia, nơi ngài đã chịu tử vì đạo.
1.Gặp gỡ Chúa Giêsu và làm môn đệ của Ngài.
Thánh Philipphê giới thiệu với Nathanael rằng: "Ðấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét". Chưa biết gì về Chúa, nhưng khi nghe Philipphê nói: “Hãy đến mà xem” đã thôi thúc Nathanael một mình đến với Chúa Giêsu. Ơn gọi tông đồ đến với Nathanael nhờ lời giới thiệu của một người bạn. Nhưng trên hết và trước hết, vẫn là tiếng mời gọi của Thiên Chúa, Ngài muốn những ai đi theo Ngài làm môn đệ đều phải biết đáp trả và vâng theo.
Khi nhìn thấy Nathanael đến với mình, Chúa đã nói: Đây là một người Israel chân chính, không có gì gian trá!
Nathanael ngạc nhiên, và hỏi lại Chúa: Tại sao Ngài biết tôi? Và Chúa đã đáp lại bằng những lời đầy mầu nhiệm, nhưng rõ ràng và có sức soi sáng: Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới gốc cây vả, Ta đã nhìn thấy ngươi.
Chúa Giêsu biết rõ con người thật của Nathnael. Ngài biết những ai Ngài muốn tuyển chọn để làm môn đệ của Ngài. Cuộc gặp gỡ này làm Chúa hài lòng về con người của Nathanael.
Phần Nathanael, ông đã tuyên xưng đức tin vào Chúa: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Ông khám phá ra Chúa là Đấng đã kêu gọi ông, và ông còn biết được nhiều hơn nữa từ lời mạc khải của Chúa: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Chúa Giêsu còn nói với Nathnael: “Quả thật, quả thật, Ta nói với ngươi, ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”
Những lời mạc khải của Chúa Giêsu giúp cho Nathanael càng thêm xác tín vào Đấng đã kêu gọi ông, chọn ông làm môn đệ của Ngài. Nhờ được chọn gọi, Nathanael được kể vào đoàn tông đồ của Chúa Giêsu, làm môn đệ hăng say việc truyền giáo và cuối cùng được phúc tử đạo, xứng danh bậc tông đồ.
2.Nathanael là con người chân chính, không giả trá!
Chúa Giêsu ca ngợi Nathanael là người chân chính, không chút giả trá. Điều này giúp chúng ta nhận ra đức tính của người môn đệ Chúa phải có, là tâm hồn thành thực.
Xã hội hôm nay xuống cấp trầm trọng, vì người ta không có lòng thành thực, lừa dối nhau chỉ vì lợi lộc riêng tư, và ưa chuộng sự dữ hơn sự lành. Con người, xã hội đánh mất sự tin tưởng lẫn nhau và gây nên nhiều đỗ vỡ trong các mối quan hệ trong gia đình, xã hội.
Khi Chúa Giêsu khen ngợi Nathanael, Ngài muốn mời gọi chúng ta noi gương con người của vị thánh này, để cải hóa, biến đổi chính mình, để trước mặt Chúa và trước mặt mọi người, chúng ta là người môn đệ của Chúa Kitô, sống thành thật, sống đúng với Tin mừng, với luật Chúa và với chính lương tâm đích thực của người Kitô hữu, là không có gì gian trá: không có gì giả tạo.
Thiên Chúa biết hết mọi sự. Nếu chúng ta thành tâm, thống hối tội lỗi để gắn bó mật thiết hơn với Thiên Chúa nhân từ, thương xót và sẵn sàng thứ tha cho chúng ta.
3.Bài học:
Hôm nay mừng lễ thánh Barthôlômêô, chúng ta xin Chúa cho chúng ta trở nên người tông đồ, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, và hăng say việc tông đồ, loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người xung quanh: Hãy đến mà xem!, để mọi người đến với Chúa, gặp gỡ Chúa và làm môn đệ của Ngài.
Chúng ta noi gương nhân đức rất đẹp lòng Chúa nơi thánh Barthôlômêô là sống thành thực, loại bỏ sự gian dối, tham lam, ích kỷ, để nhờ đó, chúng ta trở nên gương sáng cho con, cháu chúng ta biết sống thành thực hầu có thể cải hóa xã hội và con người, biết tôn trọng nhau, yêu thương và giúp đỡ nhau cách chân thành hơn.
Lm. Duy Khang
 
SUY NIỆM 6: GẶP GỠ CHÂN LÝ CỨU ĐỘ
Thánh tông đồ Bartôlômêô hôm nay chúng ta mừng kính chỉ được các sách Tin Mừng nhắc tên trong danh sách các tông đồ mà không có thêm bất cứ một chi tiết nào khác. Tuy nhiên, nếu đón nhận giả thuyết cho rằng ngài chính là Nathanael, người Cana xứ Galilê được Philipphê mời đến gặp Đức Giêsu như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, chúng ta có thể rút ra từ nơi ngài những bài học cụ thể cho đời sống đức tin của mình.
Trước hết, chúng ta được mời gọi không cố chấp ở lại trong thành kiến cứng ngắc của mình. Khi được Philípphê cho hay ông đã gặp Đấng được Luật và các tiên tri loan báo là Giêsu con ông Giuse, người thành Nazareth, Nathanael đã xem ra không được thuyết phục cho lắm bởi lời giới thiệu ấy. Tuy nhiên, ông cũng đã sẵn sàng gạt bỏ thành kiến của mình để thử gặp gỡ Chúa Giêsu. Kết quả là ông đã gặp thấy những điều vĩ đại làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Thiên Chúa luôn đầy bất ngờ và mới mẻ. Và chúng ta được mời gọi để không ngừng canh tân và đào sâu những hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa. Bằng không, chúng ta đức tin của chúng ta sẽ khó lòng trở nên sâu sắc hơn, và hơn nữa, ta tự đánh mất cơ hội nhìn thấy những điều vĩ đại Thiên Chúa vẫn đang thực hiện trong cuộc đời ta.
Thứ đến, chúng ta được mời gọi để dần dần loại bỏ sự gian dối ra khỏi lòng mình. Ngay khi gặp Nathanael, Chúa Giêsu đã ngay lập tức nhận xét về ông như là một người lòng dạ không có gì gian dối. Thiên Chúa là chân lý. Chỉ những ai yêu mến sự thật và sống sự thật trong cuộc đời mình mới có thể yêu mến Thiên Chúa và đối diện với Người. Trái lại, những tâm hồn gian dối sẽ luôn tìm cách tránh né Thiên Chúa và đóng kín tâm hồn trước ánh mắt dò xét của Người. Và càng tránh né Thiên Chúa và rời xa Người, họ càng chìm sâu trong đêm tối của sự giả dối và nỗi bất an. Lòng yêu mến Thiên Chúa và sự bình an của tâm hồn tỉ lệ thuận với sự công chính ngay thẳng, và tỉ lệ nghịch với sự quanh co giả dối.
Sau cùng, chúng ta được mời gọi thường xuyên gặp gỡ Chúa Giêsu vì chính Người sẽ nói cho chúng ta biết sự thật về chính ta, sự thật về thế giới, và sự thật về Thiên Chúa. Nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu, Nathanael đã hiểu về bản thân mình hơn, được khai sáng về những khúc mắc trong tâm hồn, và được nhìn thấy bầu trời nhiệm mầu của Thiên Chúa mở ra trước mắt mình. Mọi nỗi khắc khoải, ước mong, khao khát của con người sẽ được khoả lấp nhờ thực sự gặp gỡ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Những bí ẩn về bản thân, thế giới, và Thiên Chúa sẽ dần được khai mở khi chúng ta mở lòng ra gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu là chân lý cứu độ, xin cho con ngày càng khao khát Chúa hơn và luôn biết tận dụng mọi cơ hội để gặp Chúa. Nhờ đó, cuộc đời con không ngừng được biến đổi để trở nên tốt hơn, hữu ích hơn, và đáng sống hơn. Amen.
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ

 
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây