SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN: THÁNH AUGUSTINÔ, giám mục, tiến sĩ Hội thánh - Lễ nhớ
Mt 23, 27-32
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
27 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. 28 Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. 29 Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, 30 và các ngươi nói rằng: 'Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri'. 31 Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. 32 Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”.
SUY NIỆM 1: SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
( LỄ THÁNH AUGUSTINÔ)
Mỗi khi mừng kính một vị thánh nào đó, thường chúng ta hay kể về những nhân đức trổi vượt, những chuyện phi thường, và những chiến công hiển hách của các ngài. Tuy nhiên, đối với thánh Augustinô mà chúng ta mừng kính hôm nay thì rất khác. Điều đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới khi nhắc đến tên Ngài đó là một con người lêu lỏng, phóng túng, ăn chơi trác táng, ngang tàng, khó dạy… Đỉnh điểm là việc công khai chống đức tin và Giáo Hội khi theo chủ thuyết Manichê. Những tội mà Augustinô phạm phải có thể nói rằng thuộc nhóm“hạng nặng” và rất khó phục hồi.
Tuy nhiên, không ai biết rằng ngài còn là 1 con người khát khao đi tìm chân lý. Đây là yếu tố quan trọng làm nên sự biến đổi ngoạn mục của ngài.
Theo cuốn “Tự Thuật” mà ngài để lại thì Thánh nhân đã bỏ đức tin, sa sút trong đời sống luân lý, nhưng ngài không quên tìm đến với những bậc thầy dạy đương thời để nghe họ giảng thuyết, trong đó có cuộc gặp gỡ với Giám mục Ambrôsiô. Tuy nhiên, không ai có thể làm thỏa mãn được khát vọng của ngài. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm và rồi ngài khám phá ra rằng, chỉ có một chân lý duy nhất và tròn đầy được chứa đựng trong Phúc Âm, và chỉ có một bậc Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô mà thôi.
Nếu như trước đây thánh nhân được sánh ví như những trinh nữ khờ dại, thì giờ đây ngài đã trở nên như những trinh nữ khôn ngoan. Nếu như trước đây thánh nhân muốn chôn mình trong lối sống xa hoa hưởng thụ, thì kể từ đây, ngài muốn ngụp lặn cả cuộc đời trong Lời Chúa. Chính Lời Chúa đã mở ra cho Thánh Augustinô lối thoát khỏi vũng lầy tội lỗi dường như muốn nhấn chìm cả tuổi thanh xuân của ngài, và Lời Chúa đã dẫn đưa ngài tìm về với Đấng là Chân-Thiện-Mỹ. Kết quả là, từ một con người “rất đời” ngài đã trở nên một con người “rất thánh”.
Thưa anh chị em, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy những cám dỗ. Quanh ta có biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đã là nạn nhận của những cám dỗ ấy. Do đó, mừng lễ thánh Augustinô hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu tâm đến 2 điều sau.
Thứ nhất là cảnh giác trước những quyến rũ bất chính ở đời này, bởi chúng chỉ làm chúng ta vui thích trong giây lát nhưng mất mát suốt một đời: Mất nhà cửa, mất gia đình, mất bạn hữu, thậm chí mất cả mạng sống và phần rỗi linh hồn. Về điều này, Thánh Phaolô cho chúng ta những lời khuyên đầy ý nghĩa sau: “Anh em hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14).
Thứ hai, hãy dùng Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu trước những cám dỗ. Vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi. Mỗi người hãy năng đọc và suy gẫm lời Chúa mỗi ngày; hãy dạy cho con cái đọc Lời Chúa; hãy lắng nghe Chúa muốn nói gì với chúng ta. Vì Thánh tông đồ khẳng định: “Mọi lời đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15, 4). Và tất nhiên, mỗi người đừng quên đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Vì những ai nghe lời Chúa và mà đem ra thực hành, thì được ví như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đỗ. (x. Mt 7, 24-25).
Nhờ lời chuyển cầu và gương đời sống của Thánh Augustinô, xin cho mỗi người chúng ta khi sống ở đời này không làm điều gì đáng chê trách cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2:
Sứ điệp: Sự sa đọa tệ hại nhất của đời người là sự giả hình. Chúa muốn ta chân thành trong phê phán, trong nhận thức và trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống hằng ngày, con đã biết sự giả dối tệ hại là dường nào. Khi đau ốm, nếu con mua lầm một loại thuốc giả, thì không những tiền mất tật mang mà đôi khi mạng sống khó an toàn. Nếu người con yêu lường gạt, giả dối đối với con, thì chắc chắn tình yêu sẽ trở thành thù hận.
Những điều giả dối ở bên ngoài có những tệ hại lớn lao như vậy. Nhưng hôm nay, Chúa cho con biết một sự giả dối còn tệ hại hơn nữa, đó là sự giả hình, một sự giả dối nằm bên trong con người. Nó phỉnh gạt, che mắt chính con người con, nó làm con kiêu căng, tự mãn, và con không thể nhận ra đâu là sự thật. Nó làm con có những lệch lạc trong tương quan đối với Chúa và đối với kẻ khác. Thay vì lòng đạo đức giúp con ngày càng sống thân mật, yêu mến Chúa, thì sự giả hình đã làm cho con tưởng như vậy là mình trổi vượt hơn kẻ khác. Khi con giúp đỡ tha nhân, thay vì để cảm thông và chia sẻ các khó khăn của họ, con lại muốn cho họ nhận ra sự hào phóng quảng đại của mình.
Lạy Chúa, hôm nay, chính Chúa đang phê phán gắt gao sự giả hình giả dối trong con. Xin Chúa giúp con đặt nền tảng của các mối quan hệ, đó là sống trong tình yêu thương chân thật đối với Chúa và đối với kẻ khác. Chân lý sẽ giải thoát con. Nhưng sẽ không có chân lý nếu con không có yêu thương. Chúa là tình yêu, xin ban tình yêu cho con, để con luôn được sống trong chân lý. Xin cho con luôn biết sống dưới cái nhìn của Chúa và trong ánh sáng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 3:
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết đâu là yếu tố căn bản để đem lại cho những việc làm có được giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Vì quá chú tâm đến hình thức bên ngoài nên những người Biệt phái và Kinh sư cảm thấy khó chịu khi thấy các môn đệ CG không rửa tay trước khi dùng bữa. Nên họ đã tố cáo các môn đệ Người là đã “vi phạm truyền thống của tiền nhân”. Như vậy đã rõ, rửa tay chỉ là truyền thống của cha ông họ để lại, chứ không liên quan gì đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Từ đó CG cho thấy họ giữ luật quá nặng hình thức nên Người đã dùng Kinh Thánh mà cảnh cáo họ: “Tiên tri Isaia nói rất đúng: dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” Rồi Người lên án: “Các ông là những kẻ đạo đức giả.”
Thật vậy, những người Biệt phái và Kinh sư chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng chứ không phải bằng tấm lòng. Họ chỉ đọc kinh cho lâu giờ nhằm nuốt tiền các bà góa chứ không phải vì yêu mến Chúa. Như vậy, đạo đức giả là quá chú trọng đến những việc bề ngoài mà quên đi động lực chính yếu là tình yêu bên trong.
CG cũng không ngần ngại chỉ ra sai lầm của họ là: “Các ông bỏ lề luật của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Rồi nhắc nhở họ phải ưu tiên sống và dạy người khác sống theo luật Thiên Chúa chứ không được tùy tiện bỏ qua. Ấy thế mà họ vẫn ngang nhiên xem thường luật Chúa để thay vào đó luật phàm nhân, khi bảo: ” Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế.” (Mc 7, 11-13).
Suy niệm và cầu nguyện với lời Chúa hôm nay như nhắc nhở chúng ta cần phải chấn chỉnh lại thái độ sống đạo của mình sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa. Với mong muốn tất cả những hành vi thờ phượng Thiên Chúa của ta đều được phát xuất từ một tình yêu tinh tuyền, trong sáng. Vì yêu Chúa, ta đi lễ; vì yêu Chúa, ta siêng năng đọc kinh hôm kinh mai; vì yêu Chúa ta sẵn sàng từ bỏ những thói hư, tật xấu… Nói tóm lại, vì yêu Chúa nên ta tuân giữ những điều luật của Chúa và GH.
Trong tương quan với người khác cũng vậy, ta hãy đối xử với nhau bằng một tình yêu chân thành. Chính sức mạnh tình yêu chân thành sẽ thúc đẩy chúng ta biết phải làm gì tốt nhất cho anh em mình. Một khi chúng ta biết đặt tình yêu trong sáng, tinh tuyền vào các mối tương quan với Chúa, với người khác và công việc… thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì? và như thế nào? để thống nhất đời sống. Bởi tất cả hành vi của ta đều được định hướng khởi nguồn từ tình yêu của Chúa nên những gì ta làm chắn chắn sẽ đẹp lòng Chúa và đem đến ích lợi cho tha nhân.
Xin Chúa đong đầy tình yêu nơi tâm hồn chúng con, để những hành vi thờ phượng Chúa và những việc làm bác ái cho tha nhân của chúng con đều phát xuất từ một tình yêu tinh tuyền và trong sáng. Nhờ đó, mang lại ơn ích thiêng liêng cho chúng con.
Lm Seoka
SUY NIỆM 4: KỶ LUẬT VỚI CHÍNH MÌNH NHƯNG THƯƠNG XÓT VỚI THA NHÂN
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta quá dễ dãi với chính mình, nhưng lại hà khắc với anh em. Vì thế phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến cái nhìn mới là: Kỷ luật với chính mình, nhưng thương xót với tha nhân.
1/ Nuông chiều với bản thân, nhưng hà khắc với tha nhân
Chúa Giêsu tố cáo cách sống giả hình của các kinh sư và biệt phái. Họ đánh bóng bản thân: “Bên ngoài có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” Họ nuông chiều với bản thân mình, nhưng khắc khe với dân chúng: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”(Mt 23,4)
Hiển nhiên đây là cách sống Chúa Giêsu lên án và cần loại ra khỏi nếp sống của người môn đệ. Sống nuông chiều với bản thân và hà khắc với tha nhân là cách sống phản Tin mừng
2/ Kỷ luật với bản thân, nhưng thương xót với tha nhân
Thánh Phaolô trong bài đọc một dậy dân thành Thê-xa-lô-ni-ca, đầu tiên là biết kỷ luật với bản thân: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.” Đồng thời ngài cũng khuyến cáo họ tránh xa những kẻ sống vô kỷ luật. Sống kỷ luật với bản thân giúp mình trở nên môn đệ Chúa, học sinh, sinh viên biết kỷ luật với bản thân trở nên thành công trong học tập, người công nhân, người lao động biết kỷ luật với bản thân trở nên thành công trong sự nghiệp, người tu hành biết kỷ luật với bản thân, trở nên thăng tiến trên đường nhân đức.
Còn Chúa Giêsu dạy kỷ luật với bản thân: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”.(Mt 5,29-30)
Thứ đến là thương xót với tha nhân. Thánh Phao-lô cũng luôn quan tâm đến sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Ngài đã để lại nhiều giáo huấn khuyên nhủ mọi người trong cộng đoàn sống tinh thần yêu thương và tha thứ. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô ngài dạy: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Eph 4,31-32).
Kỷ luật với chính mình, nhưng thương xót với tha nhân, chính là hình ảnh người tông đồ.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM 5:
Câu chuyện
Ngày xưa, ở Hàng Châu, có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc. Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà chẳng thèm ? Lưu Cơ cũng tới mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Ông liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc: “Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật! Anh giả dối lắm”.
Người buôn cam mỉm cười nói: “Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp độ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngoài công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ, hách dịch vô cùng !...
Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì ? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam của tôi ?”
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 6:
Chúa Giêsu tiếp tục lên án những lối đạo đức giả hình của các kinh sư và pharisiêu vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm, trong tâm hồn họ vẫn ấp ủ những ý đồ. Ðức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám… (x. Mt 23:27-28). Họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án. Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13) nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).
Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các Lề Luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x. Đnl 4,1-2.6-8). Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh. Ðạo Chúa là tình yêu chân thật xuất phát từ đáy lòng.
Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn chúng ta, Ngài thấy rõ những khuyết điểm, lỗi lầm của chúng ta. Hãy xin Ngài soi sáng và thức tỉnh để chúng ta nhận ra những yếu đuối và sai lầm của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận và mau mắn sửa đổi.
Ý lực sống
“Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con” (Tv 139,1).
SUY NIỆM 7: THẬT VÀ GIẢ
Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, nhưng thật khủng khiếp vì luôn phải đối mặt với sự giả dối. Xã hội càng phát triển thì sự dối trá càng tinh vi khó nhận biết, mọi thứ đều có thể giả tạo kể cả con người.
Từ thuở tạo thiên lập địa, thật và giả là hai thứ luôn tồn tại song hành với nhau. Cái giả thì dễ đánh lừa được thị hiếu, còn cái thật thì luôn hằng tồn. Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu phê phán mạnh mẽ những người sống theo kiểu “mồ mả tô vôi” chỉ coi trọng hình thức bề ngoài hơn sự thật bên trong.
Như một quy luật, con người luôn muốn khẳng định bản thân bằng cách trau chuốt bề ngoài, nhằm lấp liếm những nhơ nhớp bên trong. Có thể nói đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm vì nó di căn qua mọi thời. Chẳng hạn như tôi sẵn sàng dâng cúng hàng tỉ đồng cho công trình xây dựng giáo xứ chỉ với điều kiện tên “tôi” phải được khắc đậm trên tường nhà thờ… Tinh quái hơn, con người ta còn cố phủ lên muôn vàn thứ “ô uế” bằng những mỹ từ. Vì thế, tận sâu thẳm bên trong thế giới văn minh này lại đang lúc nhúc bởi những thứ giả dối và gian ác. Mà điểm phát xuất là từ “cái tâm” đã bị chết ngạt bởi lối sống thiếu nhân bản, lòng tham và sự ích kỷ…
Đức Giêsu khiển trách các kinh sư cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, nếu chỉ biết trau chuốt bên ngoài hơn giá trị bên trong thì chúng ta chỉ giữ đạo cách hình thức, chứ không làm cho Tin Mừng được tỏ rạng trong cuộc sống.
Lạy Chúa, trong một xã hội đầy giả dối, xin giúp chúng con biết lấp đầy tâm hồn bằng những hành động đích thực hơn là chỉ lo tô vẽ bề ngoài. Amen.
Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD