SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 21/08/2024 21:40
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mt 22,34-40

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
34 Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại.
35 Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất ?” 37 Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất.
39 Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. 40 Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

SUY NIỆM 1: TÌNH YÊU LÀ LẼ SỐNG
Người Do thái tôn sùng lề luật. Họ say mê lề luật. Họ tuyệt đối tin lề luật. Nên họ câu nệ lề luật. Vì thế họ bị lạc trong rừng lề luật. Không còn biết lối ra. Không biết đâu là luật chính đâu là luật phụ. Họ đi vào ngõ cụt. Đạo Do thái đi vào cái chết. Hôm nay Chúa Giê-su chỉ cho họ điều luật quan trọng nhất. Điều luật chính yếu. Tóm tắt tất cả lề luật. Đó là Mến Chúa Yêu Người. Chúa mở ra một con đường. Con đường tình yêu. Chúa mở ra sự sống. Tình yêu là lẽ sống. Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống. Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong sự sống.
Bà Rút tuy là dân ngoại nhưng đã sống trong Chúa. Vì bà sống trong tình yêu. Chồng đã chết bà chẳng còn gì ràng buộc với gia đình nhà chồng. Bà đi theo mẹ chồng chỉ vì tình yêu. Thương bà mẹ già không ai đỡ đần. Nên tình nguyện đi theo mẹ và hợp nhất với mẹ: “Mẹ đi đâu, con đi đó. Mẹ ở đâu, con ở đó. Dân của mẹ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”. Đúng là yêu nhau yêu cả đường đi. Vì thế bà xứng đáng được trở thành tổ phụ sinh ra vua Đa-vít. Là dòng dõi sinh ra Chúa Cứu Thế (năm lẻ).
Đó là đời sống theo Thần Khí chứ không theo xác thịt. Thần Khí ban sự sống. Đó là điều Ê-dê-ki-en được thấy trong thị kiến những bộ xương khô. Những người phản bội Thiên Chúa, sống theo xác thịt đã chết thành những bộ xương khô. Nhưng khi có Thần Khí lập tức những bộ xương khô mặc lấy da thịt. Xác chết sống lại. Thiên Chúa yêu thương phục hồi con người. Những ai yêu mến trong Thiên Chúa không còn là xác thịt. Nhưng là Thần Khí. Họ sẽ có sự sống (năm chẵn).
Lời Chúa hôm nay chất vấn chúng ta. Chúng ta giữ quá nhiều lề luật. Nhưng lại quên điều luật quan trọng nhất. Chúng ta sống theo lý trí quá nhiều. Nên quên mất tình yêu. Chúng ta lo làm những việc lớn lao. Nhưng không nhìn đến những người bé nhỏ nhất ngay bên cạnh chúng ta. Bà Rút không làm gì lớn lao. Bà đi mót lúa. Chỉ để nâng đỡ bà mẹ già. Chẳng phải một mệnh phụ phu nhân. Nhưng là một bà goá nghèo hèn. Đó là tình yêu.
Không có tình yêu ta chỉ là những bộ xương khô chết choc. Có tình yêu ta sẽ có da có thịt. Có sự sống. Sống cho bản thân. Sống cho những người chung quanh. Sống cho thế giới.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 
SUY NIỆM 2: MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI 
Hôm nay thánh Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu và các môn đệ tiến vào thành Gêrusalem. Trên hành trình ấy, Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng khi họ hỏi Đức Giêsu về chuyện kẻ chết sống lại. Thấy vậy, nhóm Pharisêu vào cuộc bằng việc họp nhau lại và cử một người đại diện tiến đến nhằm thử Đức Giêsu để tìm cớ tố cáo Ngài, nhà luật sĩ hỏi Ngài: “Trong các điều răn, điều nào trọng nhất?” Đức Giêsu đáp: “Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi”. Nhân đây, Đức Giêsu giúp họ nhớ lại một điều luật đã được nhắc đến trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”
Tại sao Ngài lại nhắc lại khoản luật đó?
Thưa, bởi vì những người Pharisêu, họ chỉ giữ Luật hình thức bên ngoài, mà bên trong thì hoàn toàn trống rỗng. Họ không yêu thương anh em mình cách thật lòng. Vì thế, chính việc giữ Luật của họ đã phá vỡ đi ý nghĩa, cốt lõi tinh thần của Luật.
Với Đức Giêsu, khi Ngài đến, sứ vụ của Ngài là kiện toàn Lề Luật và làm cho chúng trở nên trong sáng. Đồng thời, Ngài muốn cho các môn đệ, những người sống cùng thời và nhất là giới lãnh đạo…  ngày càng sống đúng cốt lõi của Luật hơn. Tinh thần và nội dung của Luật chính là: “Mến Chúa và yêu người”. Vì thế, với Đức Giêsu, yêu thương anh em là tuân giữ Lời Ngài. Không yêu thương anh em là không tuân giữ Lời Ngài. Nói mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Thật vậy, nên đã có lần Đức Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau”.
Đây không chỉ là lời khuyên, mà còn là một lệnh truyền, một sứ mạng đòi buộc các môn đệ và tất cả chúng ta là những Kitô hữu phải thi hành.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người phải là cốt lõi của Luật. Thiếu một trong hai thì chẳng những không giữ đúng tinh thần của Chúa mà còn có nguy cơ bóp méo Luật của Ngài và mặc cho nó sự bất nhân trong khi thi hành Luật.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mến yêu Luật Chúa và biết thi hành Luật Chúa cách trung thành. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 3:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai điều răn trọng nhất: Mến Chúa và yêu người.
Thiên Chúa là tình yêu, và mọi điều Ngài làm đều chảy tràn tình yêu cho chúng ta (1Ga 3,1, 4,7-8,16) Ngay từ thuở tạo dựng, Ngài đã luôn đặt ta trong tâm trí Ngài, và xem ta là ưu tiên hàng đầu trên tất cả. Liệu chúng ta có đặt Ngài làm ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của mình không? Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (1Ga 4,19) và tình yêu ta dành cho Ngài là một lời đáp trả cho lòng nhân hậu và tốt lành vô bờ Ngài đối với ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, điều răn dạy ta yêu mến Thiên Chúa được đặt trước điều răn yêu mến tha nhân. Điều này cho chúng ta thấy rằng: Yêu mến Thiên Chúa trước, rồi tình yêu tha nhân sẽ được xây dựng vững chắc trên nền móng tình yêu Thiên Chúa. Càng hiểu biết nhiều về tình yêu, sự thật và sự tốt lành của Ngài, chúng ta sẽ càng yêu mến những điều Ngài ưa thích và sẽ khước từ những gì là đối nghịch với ý muốn của Ngài. Thiên Chúa đòi buộc ta phải yêu mến Ngài trước nhất và trên hết mọi sự để tình yêu của Ngài hướng dẫn mọi suy nghĩ, ý hướng và hành động của ta đến với những gì là tốt lành thiện hảo và làm vui lòng Ngài. Ngài muốn ta yêu mến Ngài một cách cá vị, với trọn con tim mà không dè sẻn, cũng không thoả hiệp với bất cứ điều gì khác.

Ngài yêu ta bằng một tình yêu vô điều kiện, luôn hướng đến lợi ích của ta. Và đó mới chính là tình yêu đích thực, một tình yêu trao đi chính mình, hướng về người khác và vì người khác. Một tình yêu bén rễ trong việc thoả mãn chính mình thì quy về bản thân và mang tính chiếm hữu. Nó là một thứ tình yêu ích kỉ, chỉ muốn nhận hơn là cho đi, là một tình yêu đưa đến những ước muốn tội lỗi và gây thương tổn như ghen tuông, tham vọng, ganh tỵ, dục vọng.

Nguồn gốc của mọi tội lỗi là một tình yêu sai trật tự khi ta đặt chính mình trên Chúa và tha nhân - yêu chính mình, tìm cách thoả mãn chính mình hơn là Chúa và tha nhân. 

Làm thế nào để chúng ta có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và sẵn sàng vâng theo các giới răn của Ngài một cách tự nguyện và hân hoan? Làm thế nào để chúng ta có thể yêu mến tha nhân và sẵn sàng hi sinh mạng sống mình vì lợi ích của họ? Thánh Phao-lô đã nói rằng: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5) Chúng ta không mắc nợ tình yêu Thiên Chúa, Ngài trao ban một cách nhưng không cho những ai mở lòng và đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu để Ngài lấp đầy con tim chúng ta bằng tình yêu của Ngài qua ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Điều gì khiến tình yêu ta dành cho Chúa và những huấn lệnh của Ngài được lớn lên? Đức tin và niềm hy vọng vào lời Ngài hứa giúp chúng ta lớn mạnh trong tình yêu Thiên Chúa. Đây là những điều kiện thiết yếu để có một mối tương quan thiết thân với Chúa. Càng biết nhiều về Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Càng yêu mến Chúa bao nhiêu, chúng ta càng tin tưởng và trông cậy vào lời hứa của Ngài hơn nữa. Thánh Phao-lô đã viết cho cộng đoàn tín hữu Ga-lát như sau: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5,1a.13) Bạn có để cho điều gì khiến bạn xa rời tình yêu Chúa và niềm vui phục vụ tha nhân bằng một con tim quảng đại không?
Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Ngài phủ lấp tất cả. Xin chiếm trọn lòng con và củng cố đức tin, niềm hy vọng của con vào lời Ngài hứa. Xin giúp con hiến trao chính mình để quảng đại phục vụ anh em như Ngài đã quảng đại trao ban chính mình cho con. Amen.
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn:http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2019/aug23.htm

SUY NIỆM 4: YÊU MẾN, VÂNG LỜI.
Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt. 22, 35. 36-39)
Mọi nỗ lực của con người đều khởi động từ cùng một nguồn gốc và hướng về một mục đích độc nhất là tình yêu. Con người không chỉ được dựng nên để vâng lời Thiên Chúa. Như vâng lời ông chủ, ông Chúa, nhưng con người còn được dựng nên để yêu mến Thiên Chúa như cha mẹ mình. Vâng lời chân thật khi yêu mến. Thiên Chúa không muốn có những kẻ nô lệ đầy sợ hãi, Ngài muốn có những người con tự do, tự nguyện. Tình yêu Thiên Chúa phải là trung tâm và nguồn mọi hiếu thảo.
Tình yêu của mọi người cũng phát xuất từ cùng nguồn mạch này. Mọi người đều có thể là người lân cận của tôi nhưng thực tế họ không cần thiết gần gũi tôi. Họ có lẽ ở rất xa, nhưng vẫn là đối tượng của tình yêu chân thật. Người lân cận là bất cứ ai được tôi liên hệ với họ một cách hữu hiệu và cụ thể. Tình yêu của môn đệ Đức Giêsu không có biên giới. Gương mẫu của họ là tình yêu Cha trên trời hằng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ lành người dữ, ban mưa xuống cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Mọi tương quan với người khác phải theo luật đồng đều: đó là tình yêu tạo nên sức mạnh hấp dẫn và đưa lại mối tương quan chân thật giữa người với người.
Thái độ duy nhất.
Chỉ có một sự đáng kể đối với người môn đệ của Đức Giêsu là thái độ yêu mến thâm sâu. Thật dễ hiểu, theo bản văn này. Người ta không bao giờ bị bó buộc đi tìm một câu đáp bất định cho một trường hợp cụ thể, ý Thiên Chúa luôn được sáng tỏ nhất định bởi tình yêu lớn lao nhất.
Hai tình yêu?
Có hai hướng khác nhau về tình yêu chăng? Một hướng về Thiên Chúa, một hướng về người ta. Tình yêu khác nhau cho trường hợp này và cho trường hợp kia ư? Chúa chỉ cho chúng ta qua đời sống của Người: Đâu là tương quan giữa hai tình yêu này. Trong đời sống của Đức Giêsu, sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa và tình yêu phục vụ mọi người được thể hiện duy nhất trong một thực thể độc nhất. Thực hiển nhiên vì tình yêu đối với loài người mà Chúa đã chu toàn công cuộc cứu độ, nhưng tình yêu này không hề tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa, cũng chính là thánh ý của Thiên Chúa.
J.M

SUY NIỆM 5: MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta điều luật quan trọng của Đạo Chúa: Mến Chúa và yêu người.
1.Giới răn quan trọng nhất: Mến Chúa và yêu người
Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã truyền hai giới răn Mến Chúa và yêu người cho ông Môisen trên núi Sinai.
Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định lại hai giới răn này, và Ngài còn vạch ra cho thầy thông luật thấy cái mấu chốt của lề luật:
“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. (Mt 22,37-40).
Cả hai giới răn mến Chúa và yêu người đều quan trọng như nhau; cả hai đều liên đới với nhau chặt chẽ đến độ không thể bỏ điều này mà giảm khinh điều kia. Mến Chúa thì phải yêu thương anh chị em mình. Thánh Gioan tông đồ đã nói:
“Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
2.Thực thi hai giới răn Chúa, giúp ta có tình yêu đích thực
Mến Chúa và yêu người là hai giới răn được thể hiện qua đời sống bác ái của người Công giáo. Vì Đạo Chúa là đạo yêu thương.
Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà lại không yêu thương anh em của mình.
Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” (Rm 13,8-10). Vì:
Khi chúng ta yêu thương, là chúng ta được ở trong Thiên Chúa, là chúng ta thuộc về Chúa.
Chính tình yêu Chúa đầy tràn trong con tim chúng ta, thì chúng ta mới có thể yêu thương anh chị em như chính mình.
 “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16), 
Và “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).
Chúa Giêsu dạy các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, là lệnh truyền quan trọng: “Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Chúa Thánh Thần sẽ đổ tình yêu Chúa vào lòng chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương: yêu Cháu và yêu mọi người (x. Rm 5,5).
Quả thật, chính Chúa Thánh thần ban cho chúng ta sức mạnh để ra khỏi tù ngục ích kỷ của ta còn đầy những chia rẽ, bất công, phản bội, bạo động, và dẫn chúng ta đến một thứ tình yêu đích thực: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5,22)
3.Sống giới răn mến Chúa và yêu người.
Chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa, điều đó rất đúng. Bởi thế chúng ta đến nhà thờ tham dự Thánh lễ và rước lễ hằng ngày, Chầu Mình Thánh Chúa lâu giờ, đọc kinh cầu nguyện tối sớm trong gia đình, tham gia nhiều hội đoàn trong giáo xứ; đi  hành hương, và quảng đại dâng cúng tiền bạc cho việc xây cất nhà thờ nhiều nơi,…Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta còn nhiều thiếu sót bị bỏ quên, đó là sống bác ái, sống liên đới với mọi người xung quanh, chia sẻ giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ,…
Nhiều người Biệt phái, luật sĩ thời Chúa Giêsu bị Chúa quở trách là sống giả hình, vụ hình thức. Biết đâu, chính chúng ta cũng rơi vào “vết xe” giả tạo ấy mà không biết. Chẳng hạn: tôi nói yêu Chúa nhưng lại không đi lễ, không đọc kinh cầu nguyện; và tình trạng này kéo dài nhiều năm tháng mà tôi chưa thay đổi. Tôi còn nhiều thù hằn, ghen ghét người hàng xóm của tôi; tôi không thể bỏ qua được điều họ xúc phạm đến tôi, gia đ2inh của tôi. Trong gia đình tôi không sống hòa thuận yêu thương nhau, hay vợ chồng ly thân, con cái bơ vơ không được chăm sóc,…
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra cái cốt lõi của Đạo, và mới gọi chúng ta sống theo ý Chúa muốn. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng củng cố lại lòng yêu mến của mình đối với Chúa và tha nhân sao cho tốt đẹp, chân thành.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, hai giới răn của Chúa truyền dạy chúng con là những điều cốt lõi nhất của Đạo Chúa. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống với chúng con, để Ngài thúc giục chúng con yêu Chúa và yêu thương anh chị em xung quanh. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM 6:
34. Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. 35. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”
• Chúng ta thấy chuyện lạ là Đức Giêsu làm cho những người Sađốc câm miệng vì họ không tin người chết sống lại nên đã thử Chúa. Ấy vậy mà nó lại ảnh hưởng đến những người biệt phái. Những người này thấy nhóm Sađốc thất bại thì họ lại nhảy vô để tiếp tục thử Đức Giêsu.
• Họa chồng họa. Hết nhóm này thử đến nhóm khác thử. Không những thế, họ còn họp nhau lại để cùng thử. Đây là căn bệnh mà ma quỉ vẫn thích sử dụng con người để chống đối Thiên Chúa. Khi con người họp nhau để bàn kế hãm hại người khác thì chính con người đang đi đúng đường của ma quỉ.
• Đức Giêsu vẫn can đảm đối diện với cái họa mà con người muốn gây ra cho Ngài. Sự bách hại đạo ngày nay cũng rất tinh vi đến nỗi con người cứ tưởng mình đang thi hành ý của Thiên Chúa. Cách cụ thể họ làm một nghề mới có tên là “NGHỀ LÔI”. Họ vẫn không thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.
Lời của Chúa trước sau như một là muốn con người hạnh phúc. Tôi có thấy mình nói với Chúa và nói về Chúa cho người khác? Hay tôi đang làm “NGHỀ LÔI”.
Lạy Chúa, xin cho con khi họp lại đều vì Danh Chúa.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 7: YÊU THƯƠNG
Chúa Giêsu tóm lược toàn bộ lề luật vào hai chữ yêu thương. Yêu thương đóng vai trò quan trọng vì là nền tảng cho mọi lề luật. Yêu thương là linh hồn của mọi lề luật. Yêu thương tuy là lề luật nhưng được tuân giữ một cách tự nguyện. Yêu thương bắt buộc thì không có ý nghĩa vì không phải là tình yêu đích thật. Thiên Chúa yêu thương con người hoàn toàn tự nguyện, nên Ngài cảm thấy hạnh phúc khi trao ban tình thương cho con người. Cho nên, Thiên Chúa cũng mời gọi và mong muốn con người yêu thương Thiên Chúa và lẫn nhau bằng tình yêu chân thành không giả dối. Tình thương tự nguyện sẽ vững bền vì phát xuất từ một tình yêu thật lòng.
Chúng ta cũng là những con người mong muốn đón nhận tình thương của Chúa và mọi người, đồng thời cũng là những con người được mời gọi trao ban tình thương cho người khác. Tuy nhiên, nhiều khi tình thương của chúng ta phát xuất từ cảm xúc nên mau qua hoặc đến từ những tính toán ích kỷ cho nên không bền. Mỗi người hãy noi gương Chúa Giêsu yêu thương Thiên Chúa và mọi người một cách vô vị lợi và hoàn toàn tự nguyện. Với tình yêu trong sáng như Chúa Giêsu, tâm hồn của chúng ta sẽ luôn ngập tràn niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mang trong mình tình yêu của Chúa để chúng con đừng quá yêu mình, nhưng luôn yêu thương Chúa và mọi người như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây