SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,16-30
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.
17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?”
23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” 24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”
25 Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.
27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.
29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian. Nhưng những người Do thái đồng hương với Chúa đã từ chối tiếp nhận Ngài, vì Ngài đã không thỏa mãn những tham vọng trần thế của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhớ trong đoạn mở đầu Phúc âm thứ tư, Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ngài đến nhà mình nhưng người nhà đã chẳng chịu tiếp đón Ngài”.
Lạy Chúa, điều ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi những người đồng hương với Chúa tại Na-da-rét, và ngày hôm nay cũng đúng với chính con nữa.
Vâng lạy Chúa, con đã không tiếp nhận Chúa. Con quên rằng Chúa là bạn của người nghèo, của người bệnh tật, của kẻ khổ đau. Vì thế con đã xua đuổi Chúa đi khi con hất hủi anh em, khi con nhẫn tâm từ chối giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau, sa chân lỡ bước. Con đã không tiếp nhận Chúa, vì trong lời nguyện hằng ngày, con chỉ đòi hỏi Chúa ban ơn theo ý con mà không bao giờ xin cho con biết vâng theo Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh cuộc đời. Con đã không nhìn ra Chúa thật gần gũi với con qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Con đã xô đẩy Chúa xuống vực thẳm khi con nhào xuống vực sâu tội lỗi.
Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con. Xin cho con nhận ra những ân huệ mà Chúa đã yêu thương phủ đầy đời con. Xin ban thêm đức tin, để con tin thật Chúa là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian và Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Xin cho con được sống mãi trong nhà Chúa, được luôn kết hợp với Chúa qua các bí tích, để con xứng đáng là người nhà và là người môn đệ trung thành của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
Thời phong kiến, các sĩ tử khi đi thi thì là học trò, khi trở về có thể đã là quan to; trường hợp thi đậu thủ khoa còn được phong làm trạng nguyên. Tân trạng nguyên trở thành niềm tự hào của cả xóm làng, họ hàng, gia tộc.
Cuộc trở về làng gọi là cuộc “vinh quy bái tổ”, được mọi người tung hô, ca tụng…
Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết quê ở Bình Dương, khi làm Chủ tịch nước, ông duyệt các dự án mở mang tỉnh Bình Dương, nhất là đầu tư ngân sách cho hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng. Nhờ vậy mà những người đồng hương với ông được hưởng phúc lợi.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một hình ảnh trái ngược: Sau khi rao giảng và làm phép lạ nhiều nơi, Chúa Giêsu trở về quê nhà Nazareth....
Rời bỏ Nazareth một thời gian dài, Chúa Giêsu đã làm những phép lạ cả thể ở Caphanaum (Mc 1, 21-45); nhưng khi trở về thăm quê hương, thay vì là một cuộc “vinh quy bái tổ” thì Ngài gặp phải sự coi thường, chống đối. Trước những lời giáo huấn của Chúa, họ cũng ngạc nhiên vì Ngài có những lời lẽ khôn ngoan (Lc 4, 22). Nhưng mặt khác, họ cũng thấy Ngài chỉ là con của bác thợ mộc: “Người này không phải là con ông Giuse sao”? Họ không nhận ra Ngài là Đấng cứu thế, là Con Thiên làm người.
Họ thách thức Chúa hãy làm phép lạ như đã làm ở Caphannaum nhưng Ngài không làm. Ngài không làm không phải vì Ngài không làm được nhưng vì họ có thái độ xem thường và kém tin. Để nói lý do không làm phép lạ, Chúa Giêsu đã kể 2 chuyện xảy ra trong thời cựu ước; đó là trường hợp của bà góa thành Sêrepta và tướng quân Syria, cả hai đều là dân ngoại nhưng đã tin và tôn trọng người của Chúa; nhờ vậy họ nhận được phép lạ…
“Bụt nhà không thiêng”: định luật tâm lý đó đã chi phối người Do thái và họ đã đối xử với Đức Giêsu một cách hững hờ, thậm chí là tẩy chay và kết án! Như thánh Gioan đã viết: “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài nhưng người nhà đã không đón nhận” (Ga 1, 11). Vì thế, họ đánh mất cơ hội được Chúa thực hiện phép lạ; và nhất là, cơ hội được đón nhận mạc khải nước trời.
- Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu! Câu chuyện của người Do Thái vẫn có thể là câu chuyện xảy ra với mỗi chúng con hôm nay. Vì thật vậy, trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi vì quá quen thuộc, vì óc thành kiến, chúng con cũng hay xem thường, đánh giá thấp người khác, nhất là những người xuất thân từ giai cấp thấp kém trong xã hội.
Xin cho chúng con, qua lời Chúa ngày hôm nay, biết nhận ra phẩm giá và chân giá trị của những người xung quanh. Vì thật ra, mỗi một con người đều là hình ảnh của chính Chúa vậy. Amen.
Lm. Đaminh Tiến
SUY NIỆM:
Nếu khởi đầu cho sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã thi ân giáng phúc cho những người sống trong vùng đất u tối của dân ngoại, thì Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy trở về quê nhà là Nazareth, để công bố chương trình hành động của mình. Đó là: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…, công bố năm hồng ân và ngày khen thường”. Như vậy, chương trình hành động của Chúa Giêsu là ưu tiên hướng về người nghèo. Nên rất hợp lòng dân. Vì thế, mà Ngài đã được dân chúng đón nhận cách nhiệt tình “mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chương trình ấy rất đẹp lòng Đức Chúa Cha, bởi đã ứng nghiệm đúng như những gì mà tiên tri Isaia đã loan báo từ ngàn xưa về vai trò của Đấng Messia.
Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm đem lại niềm vui, hạnh phúc và hồng ân cứu độ cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Vậy thử hỏi chương trình hành động ưu tiên của tôi là gì?
Mỗi người chúng ta rất cần sắp xếp lại chương trình sống hàng ngày của mình. Mong sao những ưu tiên chọn lựa hành động trong chương trình sống của chúng ta luôn phù hợp với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những lời nói yêu thương và những việc làm bác ái cụ thể. Làm được như thế là ta đã góp phần đưa chương trình hành động yêu thương của Chúa đến được với mọi người nhất là những người nghèo khổ.
Lm. Seoka
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng này được coi là bản văn Khai Mạc Năm Thánh đầu tiên của Chúa Giê-su, khai mở một NĂM HỒNG ÂN, mà trong năm hồng ân này, Chúa Giê-su mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu độ là:
Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,
Giải thoát cho kẻ giam cầm,
Chữa lành mắt cho người mù,
Trả tự do cho người bị áp bức.
Và đặc biệt là “người tôi tớ” được xức dầu Thánh Thần và sai đi loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng không phải là một đặc quyền dành cho riêng ai, nhưng là tất cả mọi người khi đã được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức (chức tư tế cộng đồng), cùng với những mục tử qua Bí tích Truyền Chức (chức tư tế thừa tác). Tất cả đều được Thần Khí Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trong phận vụ riêng của mình, mà Tin Mừng đó là đem Chúa đến cho hết mọi người, nâng đỡ kẻ nghèo hèn, giải thoát cho người đang bị trói buộc trong tội lỗi, xoá tan hận thù chia rẽ chiến tranh… Tất cả những điều đó được thành tựu tiên vàn nhờ đến sức mạnh của Lời Chúa.
1. Sự cao cả của Lời Chúa
“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giê-su đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giê-su, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.
Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đếu có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.
Giống như một lễ Ngũ Tuần nối dài trong cuộc đời Ki-tô hữu, vì ngày xưa các Tông Đồ nói một thứ tiếng mà nhiều người tuy ngôn ngữ bất đồng cũng đều hiểu cả, thì ngày nay cũng một đoạn Tin Mừng được công bố, mà mọi tín hữu bá nhân bá tánh, khác biệt cả về tri thức và nhận thức, khác biệt nhau về hoàn cảnh sống và tình trạng tâm hồn, nhưng ai cũng thấy Lời Chúa nói riêng với mình và đúng với hoàn cảnh của mình ngày hôm ấy. Chỉ tiếc là có nhiều bạn trẻ Công giáo hôm nay, khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời “răm rắp”, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời “lắp bắp”. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Ki-tô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “Bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.
Sự cao cả của Lời Chúa làm cho mọi người thán phục và có sức biến đổi, nhưng đôi khi chính sự kiêu ngạo và thành kiến đã làm cản trở Lời Chúa không thể sinh hoa kết quả được, như trường hợp của những người thuộc quê hương Đức Giê-su:
2. Ngôn sứ thường bị rẻ rúng tại quê hương.
Những người ở quê hương Chúa Giê-su trong cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng Ki-tô phải là con cháu trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giê-su nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.
Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí và thành kiến gì về họ.
Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giê-su từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…
Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…
Lạy Chúa Giê-su, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM:
Người ta vẫn thường nói: “Mỗi người có nhiều chỗ để đi, nhưng chỉ có một chốn để về, đó chính là quê hương”. Thế nhưng, lần trở về quê hương của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại là một kỷ niệm đáng buồn khi mọi người không đón nhận và tin vào Ngài.
Sau khi bắt đầu sứ vụ rao giảng và được nhiều người tôn vinh, Đức Giêsu trở về để loan báo Tin Mừng cho những người dân quê hương Ngài. Những lời Ngài giảng dạy thật tuyệt vời và khiến cho “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22. Thế nhưng, dù rằng thán phục nhưng họ lại tỏ ra hoài nghi và thiếu niềm tin vào Đức Giêsu: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”. Bởi lẽ, họ nghĩ rằng họ biết quá rõ về thân thế của Ngài nên họ không thể tin rằng Ngài là Đấng Cứu Độ, là Con Thiên Chúa. Chỉ vì quá thân quen mà những người dân thành Nadarét đã khép kín lòng mình trong những thành kiến sẵn có và không nhận thấy những giá trị mới mẻ mà Tin Mừng mang đến. Chính vì thế, họ đã bỏ lỡ cơ hội quý báu để đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trải qua dòng lịch sử, Tin Mừng của Chúa vẫn luôn vang vọng đến mọi người khắp mọi nơi và mọi thời đại. Điều quan trọng là mỗi người sẽ đón nhận Tin Mừng đó như thế nào. Quả thật, Tin Mừng phải là điều gì mới mẻ có sức lôi cuốn và đáp ứng những khát vọng sâu xa của mỗi người. Muốn vậy, mỗi người cần phải khiêm nhường để đủ ngạc nhiên trước những kỳ công Chúa thực hiện và sẵn sàng mở lòng đón nhận những hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng. Nếu không, Tin Mừng chỉ là những điều đã biết được lặp đi lặp lại và việc sống đạo chỉ như là một thói quen nhàm chán mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho lòng chúng con luôn khát khao chờ mong và luôn biết mở rộng để đón nhận hạnh phúc và ơn cứu rỗi mà Chúa ban tặng cho cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.
Tu sĩ Phanxicô X. Dương Hữu Công, SVD
SUY NIỆM: NIỀM VUI TIN MỪNG
Như chúng ta biết, vào ngày Sabat, các tín hữu Do Thái Giáo sẽ tập trung về đền thờ để lắng nghe lời Chúa. Các Thầy Tư tế và Lêvi có nhiệm vụ đọc lời Chúa vào các ngày này, và giải thích cho dân chúng nghe về ý nghĩa của đoạn lời Chúa ấy, để giúp dân nuôi dưỡng niềm tin và niềm hy vọng vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được ghi lại trong các sách Cựu ước.
Rồi vào một ngày Sabat kia, họ mời Chúa Giêsu đọc Sách Thánh giữa đền thờ. Chúa Giêsu đã đọc, nhưng Ngài không giải thích như các Rabbi khác vẫn thường làm. Sau khi đọc xong, Ngài mời chúng dân ngồi xuống và dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Đây là một mạc khải vô cùng quan trọng, bởi Chúa Giêsu đã công khai cho chúng ta biết rằng, những gì mà Thiên Chúa đã hứa, những gì mà các ngôn sứ đã tiên báo, những gì mà Tiên tri Isaia vừa thuật lại trong đoạn Kinh Thánh vừa nghe, là nói về bản thân Ngài. Ngài chính là nhân vật chính của đoạn Kinh Thánh ấy.
Chúa Giêsu cho biết rằng, Thần Khí của Chúa Cha ngự trên Ngài và xức dầu tấn phong Ngài. Chính Ngài sẽ tìm đến và loan báo Tin mừng cho những người nghèo khổ. Chính Ngài sẽ công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Chính Ngài sẽ làm cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
Và trong suốt hành trình 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu đã làm đúng như những gì mà Ngôn sứ Isaia đã nói, đúng như những gì mà Ngài đã khẳng định trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài đã tìm đến với những người nghèo, những người bị xã hội loại trừ để an ủi và nâng đỡ họ. Ngài đã tìm đến với những người thu thuế và tội lỗi để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của tội. Ngài đã làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được…
Thưa anh chị em, đó không chỉ là niềm vui vỡ òa của người Do Thái xưa, nhưng còn là niềm vui của tất cả chúng ta hôm nay. Với 3 lý do sau:
Lý do thứ nhất, bởi tất cả chúng ta đều là những người nghèo thưa cộng đoàn. Có người nghèo về vật chất, có người nghèo về tinh thần; người thì nghèo về tình thương, người thì nghèo về lòng quảng đại; có người nghèo về đức tin, cũng có người nghèo về đức cậy và đức ái…
Lý do thứ hai, tất cả chúng ta đều là những tù nhân. Chúng ta đang bị vây hãm bởi tội, bởi những dục vọng và những đam mê bất chính. Chúng ta đang trở thành nô lệ của tội lỗi mà chúng ta không hề hay biết, nhưng cứ ngỡ là mình tự do.
Và lý do thứ ba, chúng ta là những người mù về phương diện đức tin. Bởi chúng ta luôn lầm đường lạc lối trong các chọn lựa của mình. Mù bởi nhiều lần chúng ta đã bỏ cái tốt mà chọn làm điều xấu, bỏ cái đúng mà chọn làm điều sai, bỏ con đường thánh thiện mà chọn đi theo con đường tội lỗi. Về vấn đề này, Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta 1 bài học xương máu, khi ngài tự thú rằng: “Có những điều tốt, tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm; còn điều xấu, tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm”.
Là những kitô hữu và đang trên hành trình đức tin dương thế, có lẽ đó là 3 ngăn trở rất lớn và cũng là những điều mà mỗi người đang rất băn khoăn, không biết làm sao để vượt qua.
Chúng ta đừng thất vọng nhưng hãy mừng vui, vì chúng ta còn có Chúa Giêsu luôn đồng hành. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua cái nghèo khó về mọi phương diện. Ngài sẽ giải phóng ta khỏi tình trạng nô lệ của tội. Và Ngài sẽ soi sáng và dẫn lối đưa đường để chúng ta đạt tới nguồn Chân-Thiện-Mỹ.
Phần chúng ta, hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu. Hãy tin tưởng vào những gì mà Chúa Giêsu mạc khải trong bài Tin mừng hôm nay. Và hãy chân thành thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!”. Amen.
Lm. Anton