SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,6-11
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.
7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.
9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt ?”
10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra !” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.
11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa lành người bại tay trong ngày Sa-bát, và như thế đối với người Do thái là phạm luật. Nhưng qua đó, Ngài muốn nói với ta rằng: không có luật nào lớn hơn luật yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho phép con hình dung hai hình ảnh trái ngược nhau: một bên là khuôn mặt dịu hiền đầy nhân ái của Chúa khi Chúa thương chữa lành cho người bại tay. Một bên là những khuôn mặt đầy hận thù ghen ghét của những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự hào là kẻ trung thành giữ luật Chúa, nhưng không hề biết xót thương con người.
Lạy Chúa, Chúa muốn con trở nên giống Chúa và hành động như Chúa. Chúa muốn con luôn biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của tha nhân. Chúa muốn dạy con rằng việc thờ phượng Chúa không tách rời khỏi việc giữ đức ái với tha nhân. Con không thể yêu mến Chúa nếu không thương mến anh em mình. Vâng, lạy Chúa, chính vì để tôn vinh và yêu mến Chúa Cha, Chúa đã hiến thân cho nhân loại, và để kiện toàn luật Chúa, Chúa dạy con bài học yêu thương.
Xin cho con biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu không so đo tính toán, không ích kỷ nhỏ nhen. Xin đừng để con lây nhiễm tinh thần biệt phái hẹp hòi, thích lên án chỉ trích anh em mình hơn là yêu thương tha thứ cho họ. Xin cho đời sống đạo của con, không phải chỉ đóng khung trong nhà thờ, nhưng luôn được thực hiện cách cụ thể trong đời sống hằng ngày, cho những người anh em đang cần đến sự giúp đỡ của con. Nhờ ơn Chúa giúp, xin cho con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: VỰC LẠI ĐỨC TIN
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe kể lại một cách ứng xử đầy khôn ngoan của Chúa Giêsu trước âm mưu của giới lãnh đạo Do Thái giáo, liên quan đến lề luật và tình yêu. Trước khung cảnh của một ngày sabat và hoàn cảnh của người bị khô bại tay, những người biệt phái và pharisêu muốn trung thành với luật giữ ngày hưu lễ, còn Chúa Giêsu thì muốn nhấn mạnh đến luật yêu thương. Vậy lập trường của ai đúng, lập trường của ai sai? Điều nào cần thiết hơn điều nào?
Như chúng ta đã biết, lúc đầu lề luật mà Thiên Chúa ban cho dân thánh và buộc họ phải giữ đó là 10 điều răn, được tóm lại trong 2 điều đó là mến Chúa và yêu người. Về sau, vì nhu cầu của cộng đoàn, người ta bắt đầu giải thích và quy định thêm 613 điều khác.
Tuy nhiên, vì quá chú trọng đến những quy định tỉ mỉ và nhiệm nhặt, nên dần dần người Do Thái đã hoán đổi bậc thang giá trị giữa lề luật của Thiên Chúa với lề luật của cha ông. Thay vì họ phải căn cứ trên 10 điều răn là mến Chúa yêu người để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống; thì họ lại dựa vào 613 điều phải giữ và phải làm để kết án người khác. Và như thế, giới lãnh đạo Do Thái đã coi lề luật của con người quan trọng hơn lề luật của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cảm thấy đã đến lúc cần phải lên tiếng để trấn chỉnh lại sự suy thoái trầm trọng này. “Ngày Sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”.
Với câu hỏi đó, Chúa Giêsu muốn họ trở về và có một cái nhìn đúng về giới răn thứ ba là giữ ngày sabat theo ý định của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu nhất quyết chữa lành cho người khô bại tay cho thấy tinh thần cương nghị của Ngài khi trả lại cho ngày sabat mục đích và ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Không cần giải thích, chắc chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy điều này là, đức tin của người kitô hữu hôm nay cũng đang dần suy thoái, đang dần giảm sút. Đức tin và lòng đạo đức của những người trẻ hôm nay, trong đó có con cháu của chúng ta, không còn sốt mến như anh chị em lúc xưa.
Nếu như khi xưa đối với anh chị em “tiếng chuông là tiếng Chúa”, tiếng chuông thôi thúc chúng ta tìm đến với nhà thờ vào lúc sáng sớm chiều hôm để nguyện kinh dâng lễ; thì đối với thế hệ con em chúng ta ngày nay thì tiếng chuông là một âm thanh hết sức phiền toái và cảm thấy khó chịu.
Nếu như đối với chúng ta, tội lỗi là một cái gì đó ghê tởm cần phải xưng thú tức khắc trong thời gian ngắn nhất, thì đối với nhiều người trẻ ngày nay là chuyện hết sức bình thường, vì cho rằng ai mà chẳng có tội; 1 năm, 2 năm, thậm chí 5 năm hay 10 năm không xưng tội cũng chẳng có vấn đề gì.
Nói lên 1 vài thực trạng như thế để thấy rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải chấn chỉnh lại đời sống đức tin cho nhau. Trước hết là chấn chỉnh lại đời sống đạo của chính bản thân mình. Kế đến là hãy hướng dẫn và làm gương cho con cháu mình trong việc giữ đạo và thực hành đạo. Và sau cùng, đứng quên cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con tin. Nhưng xin Ngài củng cố đức tin còn non yếu của chúng con”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: ĐỪNG BẮT BẺ AI
Các kinh sư và một số người Phariseu rình chờ tìm cớ để bắt bẻ và kết tội Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết rõ điều đó nhưng Ngài vẫn cứ chữa lành vào ngày Sabath. Ngài dùng chính sự ưa thích tìm cớ bắt bẻ người khác của họ để dạy họ và mọi người. Ngày Sabath là ngày dành để thờ phượng Chúa là đúng, nhưng thờ phượng Chúa không chỉ là ở nhà thờ mà còn đi kèm những việc làm bác ái nữa.
Tìm cớ bắt bẻ người khác không phải nhằm mục đích xây dựng nhưng bộc lộ sự ganh tỵ trong lòng. Chúng ta đừng để thói xấu này làm mất đi sự bình an của mình và gây nên những tổn thương cho người khác. Khi chúng ta tập trung vào việc tìm cớ bắt bẻ người khác thì vừa mất thời gian vừa làm mất bình an trong lòng vì suốt ngày canh chừng người khác rồi bực bội trong lòng. Thiên Chúa ban cho mỗi người tiếng nói của lương tâm và sự khôn ngoan nên ai cũng biết điều gì đúng hoặc sai. Phần chúng ta hãy lo tuân giữ mọi điều Chúa dạy để hoàn thiện bản thân mỗi ngày đẹp lòng Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim đủ lớn để có thể đón nhận những đau khổ của người xung quanh bằng cách cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ hơn là xét đoán, bắt bẻ những thiếu sót của anh chị em mình làm mất lòng Chúa và mọi người. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
6. Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.
• Sứ mạng của Đức Giêsu là rao giảng Nước Thiên Chúa cho con người. Ngài vào hội đường và giảng dạy tại đó. Người ta đến để nghe Lời Ngài. Hôm đó có anh chàng bị khô bại tay phải. Không biết anh đến để nghe Ngài hay muốn Ngài chữa bệnh cho mình?
• Anh ta không xin Đức Giêsu, nhưng sự hiện diện của anh lại có sức mạnh hơn cả lời xin. Anh không ngại với mọi người về cánh tay bại liệt của mình, về ngoại hình cũng như những dèm pha. Anh biết mình cần gì. Chỉ thế thôi nhưng lại là bài học lớn cho mọi người.
• Con người hôm nay vẫn mặc cảm về nhiều điều. Họ vẫn sợ dèm pha và vẫn muốn hơn thua đủ với nhau. Có mấy ai dám chấp nhận hay đón nhận những giới hạn của mình mà vẫn sống dễ thương và hài hòa với mọi người như anh chàng này?
→ Lời của Chúa vẫn muốn con người nhìn lại mình. Tôi có thấy Chúa đang tìm tôi trong những giới hạn của tôi không? Tôi đón nhận và sống hài hòa với nó như thế nào?
→ Lạy Chúa, xin cho con luôn tìm ánh sáng và hạnh phúc với chính Chúa.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 5:
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu và các luật sỹ, biệt phái tranh luận với nhau về luật nghỉ làm việc ngày Sabát.
Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay, Các luật sỹ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để tố cáo Ngài.
Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ ?”: Khi chống đối Chúa Giêsu, các đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày sabát. Phần Chúa Giêsu thì đặt vấn đề là “làm điều lành” hay “làm điều dữ”.
Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu trong từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ: luật ngày sabát phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì đó là ngày giải phóng.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu vẫn thương và chữa anh.
Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và những người không có công ăn việc làm để sinh sống.
2. Cái nhìn của Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài rất khác nhau: Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ; còn họ thì không để ý đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò xem Chúa Giêsu có làm sai luật không để mà bắt bẻ.
Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa: cái nhìn của tình thương chứ không phải là cái nhìn của soi bói rình mò.
3. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái và luật sỹ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài.
Xin Chúa đừng để lòng ganh ghét của con làm mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.
4. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng: Một hôm Ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết Ngài, trước khi chết Ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:
- Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếp chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:
- Bây giờ người hãy tháp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói:
- Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:
- Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành (“Mỗi ngày một tin vui”).
5. ”Các kinh sư và Pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài” (Lu Ca 6,7).
Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia, rình rập người nọ để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng mình xây dựng cho anh em. Nhưng mắc cở thay, đó chỉ là những cử chỉ, hành động phô trương đạo đức giả hình.
Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con lại không nói ra, mà còn lại khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mộ bên ngoài trông đẹp mắt nhưng bên trong lại mục nát thối thừa.
Chúa ơi! xin cho con biết nhìn lại chính con nhiều hơn là tìm những sơ hở của anh em mà lên án. (Hosanna).
6. Mầm khác.
Một người Do thái nọ qua đời.
Sau khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên thì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết sống lại như sau :
- Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ ông quả thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.
Nói xong ông truyền cho tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 6:
Ý nghĩa và mục đích của việc giữ luật ngày Sabat là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta biết trong bài tin mừng hôm nay. Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời dạy của Chúa mà áp dụng tích cực vào đời sống của mình.
Ý nghĩa của việc nghỉ ngày Sabat được khởi đi từ ý định của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. (x. St 1,1-8.27-28-2,3).
Trong dòng lịch sử dân Do Thái, dân chúng đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng. Dân Do Thái đã thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhờ sự can thiệp kỳ diệu của bàn tay uy quyền Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ cách lạ lùng ấy nên họ đã dành ngày Sabat mà tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự sống do Chúa tặng ban. Nhưng trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch. Nên Chúa Giêsu muốn xác định lại ý nghĩa và mục đích đúng đắn của ngày Sabat.
Do ý nghĩa và mục đích chính của ngày Sabat được đặt ra là để “làm việc lành và để cứu sống” chứ không phải giết chết. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành, là hy sinh cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi và ban lại cho anh ta sự sống mới.
Xin cho chúng ta ý thức được ý nghĩa và mục đích của việc nghỉ ngày Chúa nhật là để dành thời giờ sống thân tình với Chúa; quan tâm giúp đỡ tha nhân nhất là những người nghèo khổ; nhất là qua đó giúp ta thắng vượt lòng ham mê của cải vật chất của mình, với niềm tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của TC.
Lm Seoka
SUY NIỆM 7:
Giới răn Sa-bát được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sa-bát) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sa-bát được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.
Hạn từ Sa-bát có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) muốn chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (x. Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại chỉ lo nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.
Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – Kinh sư – Biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ. Còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Theo Biệt phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do-thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của Biệt phái, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Luật đối với Biệt phái là sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Chúa Giê-su biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chấn vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Người đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giê-su.
Còn chúng ta thì sao?
Chúng ta đi lễ cốt để nghe Lời Chúa hay là để tìm cớ lên án nhau?
Ngày Chúa Nhật, chúng ta đã thực sự tìm kiếm việc lành, hay vẫn để mình buông theo những điều tội lỗi?
Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta ?
Chúng ta giữ luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có thể nói với người bị bại tay: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày Sa-bát? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giê-su thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật Sa-bát đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).
Lạy Chúa Giê-su, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM 8: SỐNG TINH THẦN LUẬT MỚI
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu vào hội đường để giảng dạy và Ngài lại chữa bệnh trong ngày sabát. Công việc tưởng chừng như một thói quen hàng ngày của Chúa Giêsu, là giảng dạy và chữa bệnh, nhưng lại có một điểm khác đó là việc Ngài làm vào ngày sabát.
Ngày sabát đối với người Do Thái là ngày nghỉ ngơi và không được làm bất cứ việc tay chân nào. Nhưng Chúa Giêsu lại chữa bệnh vào ngày sabát, như vậy Ngài làm trái với luật Do Thái và điều đương nhiên là sẽ bị lên án. Phải chăng Chúa Giêsu không biết điều đó và Ngài cũng chẳng hiểu gì về luật Do Thái? Chắc chắn không phải như vậy, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta một bài học.
Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta quá dựa vào những quy tắc, những lề luật nhưng không phải để áp dụng cho bản thân được thăng tiến, nhưng lại là để đo lường và đánh giá người khác. Những người Pharisêu xưa kia cũng vậy. Họ rình xem để bắt lỗi Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa đã cho chúng ta thấy đôi khi đừng quá dựa vào lề luật để rồi quên đi hay bỏ qua sự công bình, bác ái hay thiếu quan tâm đến những người đau khổ, bất hạnh. Ngài mở cho chúng ta một con đường mới mẻ trong việc giữ lề luật, dạy cho chúng ta phải sống thật với chính mình và theo những gì mình chân nhận dưới ánh sáng Tin Mừng chứ không sống trong sự cứng nhắc của lề luật hay theo thói đời, cũng chẳng vì để lấy lòng ai.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống vì anh em mình, vì những gì là cao quý và tốt đẹp nhất mà luật Chúa đã dạy. Xin giúp con mỗi ngày sống tốt hơn và hoàn thiện bản thân hơn. Amen.
Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD