SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 02/09/2024 08:32
 
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,31-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.
36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

SUY NIỆM: TIẾN HÀNH CUỘC CHIẾN ĐẤU

Ô nhiễm đang là một vấn đề lớn và nan giải. Từ ô nhiễm môi trường sống với nước thải, khói xăng, khí độc đến ô nhiễm thực phẩm với chất bảo quản, với phân bón và với cách chế biến thực phẩm. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sự ô uế nơi tâm hồn con người. Đừng tưởng thần ô uế chỉ có thời Chúa Giêsu. Nó vẫn hiện diện thời chúng ta và đang tác oai tác quái. Con người bị ô uế từ trong tư tưởng với những ý đồ xấu xa trục lợi. Ô uế thấm vào cả trái tim với những ước muốn tội lỗi. Con người đang hít thở bầu khí ô uế, đươc nuôi dưỡng bằng những món ăn ô uế và còn dự tính mở rộng môi trường ô uế. Những nỗ lực ngăn chặn ô uế, thanh tẩy môi trường đạo đức hầu như vô hiệu. Con người bất lực. Chỉ còn trông chờ sức mạnh của Thiên Chúa.
Có hai điều đáng sợ do ma quỉ lừa gạt. Điều thứ nhất ma quỉ trấn an chúng ta: “Không can gì đâu”. Ô uế không sao đâu. Tội lỗi không sao đâu. Điều thứ hai nó thấm nhập và trở thành một phần không thể thiếu của đời ta. Khi Chúa trục xuất thần ô uế, người bị quỉ ám ngã vật xuống như chết đi. Có những sự xấu như tiền bạc, danh vọng, chức quyền, lạc thú trở thành nhu cầu. Ta tưởng sẽ chết nếu thiếu chúng.
Vì thế thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Tét-xa-lô-ni-ca hãy vào cuộc chiến đấu. Thần ô uế là bóng tối. Con cái Chúa là ánh sáng. Đi theo thần ô uế là ngủ mê. Đi theo ánh sáng của Chúa phải tỉnh thức. Sống theo thần ô uế là chiều theo dục vọng. Sống theo ánh sáng của Chúa là tiết độ: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (năm lẻ).
Đó chính là cuộc chiến giữa xác thịt và Thần khí. Ai sống theo xác thịt thì có sự khôn ngoan của trần gian để chiếm đoạt danh, lợi, thú của trần gian. Ai sống theo Thần Khí thì trước mặt thế gian bị coi là điên rồ, nhưng thực ra họ có sự khôn ngoan của Nước Trời: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (năm chẵn).
Cuộc chiến rất khốc liệt. Để dứt lìa thần ô uế ta phải đau đớn như chết đi, giống như người bị quỉ ám ngã vật xuống. Chúng ta chỉ thắng được nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta chỉ có Chúa khi sống trong ánh sáng, khi đi theo sự hướng dẫn của Thần Khí.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 
SUY NIỆM: BỘ MẶT ĐÍCH THỰC CỦA GIÁO HỘI
Khi Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.
Giáo Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.
Trong cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM: SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta về lời giảng dạy của Chúa có sức cuốn hút phi thường, gây kinh ngạc cho người nghe, và quyền năng của Ngài đã xua đuổi ma quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.
1.Lời Chúa giảng đầy uy quyền, vì là lời của Thiên Chúa, là lời mang lại sự sống, là ánh sáng chiếu soi được ban xuống cho con người để con người không bước đi trong đêm tối, không bị lầm lạc, nhưng đi theo ánh sáng chân lý.
Lời của Chúa dạy là lời mang lại niềm vui, hy vọng, giúp con người  tin tưởng và nâng đỡ trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống nhiều bão tố bủa vây.
Lời của Chúa dẫn con người khám phá ra tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa, lời dẫn con người đến với Nước Trời và sự sống vinh quang.
2.Chúa đầy quyền năng, có sức xua đuổi ma quỉ, tiêu diệt sự dữ và sự chết để giải thoát con người thoát khỏi sự thống trị của ma quỉ.
Chỉ những ai tin vào Đức Kitô mới nhận biết Thiên Chúa yêu thương và cần đến sự trợ giúp của Ngài mà thôi. Vì, có Chúa, con người còn sợ hãi chi!
3.Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy đón nghe Lời Chúa và mang ra thực hành. Nhờ gắn bó với Lời Chúa, chúng ta sẽ thêm sức mạnh để vững tin vào Chúa, phó thác và trông cậy nơi Ngài. Nhờ có Lời Chúa soi sáng, chúng ta không sống trong lầm lạc, nhưng luôn sống theo ánh sáng của Chúa, là chân lý cứu độ, để sống đúng với đường lối của Chúa, dẫn đưa chúng ta về Nước Trời.
Chúa đã chịu chết và sống lại, giải thoát chúng ta khỏi sự chết và tiêu diệt quyền lực của ma quỉ. Vì thế, chúng ta luôn cậy dựa vào ơn Chúa và cầu xin Ngài bảo vệ, gìn giữ chúng ta để thoát khỏi những cám dỗ của ma quỉ, thế gian và xác thịt hằng lôi cuốn chúng ta. Bản thân chúng ta luôn biết chống trả, mạnh mẽ từ chối những mầm mống của tội lỗi, làm chúng ta dễ sa ngã, dễ vấp phạm, vì bản thân chúng ta còn nhiều yếu đuối.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống theo Lời Chúa, thực hành các Lời dạy của Ngài. Xin Chúa luôn gìn giữ chúng ta khỏi những sự dữ, sự xấu. Xin Chúa luôn nâng đỡ chúng ta. Amen.
Lm. Duy Khang

SUY NIỆM: SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG CHÚNG TA
Trong xã hội hôm nay, nạn nói dối đã trở thành “đại dịch” và không ít người đang trong tình trạng “nan y”. Trước diễn biến đó, nhiều người đã phải gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh tới mọi thành phần trong xã hội... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã “bó tay”, bởi vì nạn thành tích, hối lộ, gian tham đã trở thành “ung thư” đang dần gặm nhấm làm sói mòn lương tâm con người.
Vì thế, không lạ gì khi người ta chẳng còn tin tưởng lẫn nhau, bởi những món ăn người ta thiết đãi nhau lại toàn là: “Bánh vẽ" lẫn "thịt lừa”. Vì thế, như một hệ lụy, bây giờ tìm được một người tử tế thật thì quả là: “Mò kim đáy biển”!
Hôm nay, Đức Giêsu đã làm cho mọi người bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền. Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài giảng dạy không giống các Kinh Sư và Pharisêu. Mọi lời Ngài phát ra đều chân thật. Sự thật trong lời nói và hành động của Ngài đã trở thành một thể thống nhất, vì thế, đã làm cho người tiếp nhận phải suy nghĩ và tự cật vấn lương tâm.
Thật vậy, chỉ có sự thật mới giúp chúng ta trở thành người tự do đích thực. Chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta đối xử với nhau chân tình và mới giải phóng chúng ta cách trọn vẹn. Và, cũng chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta thành con Chúa đúng nghĩa.
Hôm nay, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa để chỉ cho ma quỷ thấy sự thật của nó là kẻ chuyên gây nên gian dối, đau khổ và chết chóc cho con người. Vì thế, chỉ một lời nói: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xảy ra. Đây là sự khác biệt giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ!
Thật vậy, nhờ sự thật trong quyền năng, Đức Giêsu đã giải phóng con người thông qua hình ảnh của những người bị quỷ câm ám. Qua phép lạ này, Đức Giêsu cho thấy, con người luôn bị sự gian dối cầm buộc. Cần phải giải thoát bằng sự thật, nếu không, con người vẫn mãi bị cầm tù trong những chuyện gian tham xảo quyệt.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: chúng ta thuộc về Thiên Chúa thì phải “ly dị” sự dối trá trong tư tưởng, hành động, lời nói và việc làm. Không được sống tráo trở, dối trá, hai mặt... Nếu cứ an nhiên tự tại để sống trong sự dối trá, thì đương nhiên, chúng ta thuộc về thế giới của những kẻ gian dối, mà thủ lãnh của trong thế giới này là ma quỷ.
Điều mà chúng ta cần nhận ra hệ lụy nhãn tiền cho những ai ưa trò cầu thân nịnh bợ và sống giả tạo là: họ không có uy quyền và sức cảm hóa trong lời nói và việc làm. Đôi khi những việc đạo đức, lời nói thánh thiện của họ phát ra lại trở thành gương mù gương xấu và phản tác dụng, chẳng khác gì: “Gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”; hay như: “ngửa mặt... và nhổ nước miếng, đương nhiên nước miếng rơi chúng mặt mình???”. Mặt khác, lại là cớ cho người khác khinh bỉ, bởi vì họ đang ngu ngơ diễn xuất màn kịch vụng về đến nỗi trở nên lố bịch trên một “sân khấu ảo”.
Mỗi khi chúng ta sống như thế, hẳn chúng ta trở nên vô nghĩa với Thiên Chúa và vô dụng với tha nhân, bởi lẽ đây là hệ quả của con cái ma quỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: chỉ có sự thật mới đem lại cho chúng con hạnh phúc, bình an và có giá trị thực sự, bởi vì sự thật thuộc về Thiên Chúa. Gian dối thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn. Amen.
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM : ĐẤNG GIẢNG DẠY ĐẦY UY QUYỀN

Câu chuyện
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu có lập trường rõ ràng khi nghe giảng Lời Chúa: “Chúng ta chỉ có một việc là chăm chú nghe linh mục giảng”.
Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục, Linh mục là những người thay mặt Chúa để giảng Lời Chúa. Vì thế, khi nghe giảng Lời Chúa, chúng ta đừng để ý đến ai giảng, nhưng hãy chú tâm vào việc nghe Lời Chúa được rao giảng mà thôi.
Suy niệm
Lời giảng dạy của Ðức Giêsu luôn có sức mạnh và uy quyền. Dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn của Ngài chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Ngài dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân bị ám. Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khuất phục ma quỷ, tà thần. Lời đó đã làm cho niềm tin của dân chúng đặt vào Ngài, Đấng giảng dạy đầy uy quyền.
Đấng uy quyền đó là người mà sách Đệ Nhị Luật 18,15-20 đã nói về lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân, đó là tất cả niềm hy vọng của họ: Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Thật thế, Người chính là Ðức Giêsu Kitô đã khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Lời giảng dạy của Đức Kitô đầy uy quyền vượt trên cả lời giảng dạy của các vị ngôn sứ, thánh Cyrillô thành Giêrusalem cắt nghĩa: “Những vị ngôn sứ khi giảng dạy, nói rằng: “Thiên Chúa phán”, Đức Giêsu không nói như vậy; là chủ của Lề Luật, Ngài đề cập đến những sự việc cao cả của luật: giảng từ những chữ viết luật đến ý nghĩa thật sự của Lề Luật, từ hình thức luật đến thực tế. Lời của Ngài không bao giờ là lời nịnh hót, nhưng là một sự khuyến khích dẫn đến ơn cứu độ. Người ta tin rằng Đấng Mêssia là một vị ngôn sứ, và Ngài sẽ chỉ cho thấy những cao siêu nơi các vị ngôn sứ, cho nên dân chúng ngạc nhiên vì những chủ đề trong lời giảng dạy của Ngài”.
Như Tin Mừng ghi nhận lại, Lời Ngài uy quyền so với lời giảng dạy của các bậc thông thái trong dân, thánh Bède le Vénérable giải thích các bậc thông thái trong dân dựa trên luật và các ngôn sứ còn Ngài từ uy quyền của chính Ngài: “Những người biệt phái hay những vị tiến sĩ luật giảng dạy những gì đã được Môisê và các ngôn sứ ghi chép trong luật. Nhưng Chúa Giêsu giảng dạy như là một người thầy của Môisê và như là vị Thiên Chúa uy quyền, Đấng có thể thêm hay thay đổi luật nếu các điều đó tỏ hiện sự tốt lành”. Ngài uy quyền vì Ngài làm chủ Lề Luật, tạo Lề Luật để con người được hưởng về sự tốt lành, hướng về Cha trên trời.
Ngày hôm nay vẫn còn những thần ô uế và sự dữ. Chúng ta đến bên Ngài, không chỉ để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên và ngưỡng mộ Đấng Quyền năng như dân Do Thái xưa nghe Ngài giảng và thấy uy quyền trên thần ô uế, nhưng mở lòng đón nhận Lời quyền uy. Để Lời tác động xua đuổi mọi thần ô uế ra khỏi tâm hồn của chúng ta...
Ý lực sống
“Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát...
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên...” (Tv 91,14-15).
 
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: VA CHẠM ĐỨC TIN
Việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bị quỷ ám được thuật lại trong bài Tin mừng hôm diễn ra vào những ngày đầu thi hành sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu  sau 30 mươi năm sống ẩn dật đã làm cho dân chúng hết sức ngỡ ngàng: Ngỡ ngàng về những lời giảng dạy, và ngỡ ngàng về các việc Ngài làm. Ngay cả ma quỷ cũng xác nhận như thế: “Ngài là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Chẳng mấy chốc, Chúa Giêsu  đã trở thành thần tượng của dân.
Thế nhưng, khi lật tiếp và lật hết những trang Tin mừng, ta thấy một sự thật phủ phàng xảy đến với Ngài. Nếu như trước đây người ta tôn vinh Chúa Giêsu vì Ngài đã chữa lành những người bị quỷ ám, thì về sau họ lại cho Ngài bị quỷ nhập. Nếu như trước kia họ coi Chúa Giêsu là thần tượng thì sau này họ lại coi Ngài là kẻ thù. Và nếu như trước đây người ta muốn tôn Chúa Giêsu làm vua, thì bây giờ họ lại tìm mọi cách để giết chết Ngài.
Có lẽ sự thật này sẽ không bao giờ xảy đến nếu như Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở vị thế của một bậc thầy trong việc giảng dạy, và một vị lương y trong việc chữa lành. Nhưng không, sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian không để đáp ứng những nhu cầu không đáy của con người, nhưng là để làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).
Chính sứ mạng này đã dẫn đến nhiều cuộc va chạm giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái giáo, cũng như với cả dân chúng. Kết quả là, thay vì người ta tiếp tục ngỡ ngàng trước quyền uy của Chúa Giêsu, thì họ lại mượn lời của ma quỉ để nói với Ngài: “Việc tôi can gì đến ông”.
“Việc tôi can gì đến ông”. Có lẽ đây cũng là phản ứng của nhiều người hôm nay trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong khi người ta đang muốn có những giờ phút thoải mái hưởng thụ vào những ngày cuối tuần, thì Chúa lại bảo: “Giữ ngày Chúa nhật”. Trong khi người ta đang thu về nhiều lợi nhuận từ những loại thực phẩm hóa chất, thì lại vọng bên tai: “Chớ giết người”. Trong lúc các người trẻ hôm nay đang thích thú với những khoái lạc thân xác, thì Chúa lại nói: “Chớ làm sự dâm dục”. Cũng vậy, trong khi người ta đang tận dụng thời cơ để thừa nước đục thả câu, để tranh thủ chặt chém người tiêu dùng, thì Chúa lại nhắc khéo: “Chớ lấy của người”…
Nếu ai đó trong chúng ta coi lời nhắc nhở của Chúa như là một chướng ngại của cuộc đời mình, thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta không sống theo đường lối của Thiên Chúa, nhưng đang theo đường lối của ma quỉ.
Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu mới chính là đường, là sự thật để dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Ai làm theo những gì Người chỉ dạy thì sẽ cập nến thiêng đàng, còn ai sống theo lối thế gian thì thiêng đàng chỉ là vô vọng.
Xin cho người tín hữu chúng ta tuy sống giữa bùn nhưng đừng để mình hôi tanh mùi bùn, hầu mai sau chúng ta xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Lm. Anton

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây