SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6, 20-26
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.
23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có,
vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê,
vì các ngươi sẽ phải đói.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười,
vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng,
vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai nghèo, đói, khổ đau, và vì Chúa mà bị thù ghét. Những người có phúc trên đời này: giàu có, no nê, sung sướng, danh giá… không đón nhận được phúc lành của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có lẽ không có gì làm cho tâm trí con bị giằng co, bị phân vân cho bằng các mối phúc của Chúa. Bởi vì những gì con nghĩ là bất hạnh thì được Chúa cho là phúc lành; còn những gì con ao ước có thì Chúa lại cho là bất hạnh. Con xin thú thật, trong cuộc sống của con, lắm khi con không dám đón nhận các mối phúc của Chúa. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay luôn nhắc nhở bên tai con khiến con phải suy nghĩ, phải đặt lại vấn đề. Chính Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Lời Chúa là chân lý, là đuốc sáng soi dẫn đời con. Chúa đã hứa ban sự sống đời đời cho những ai đón nhận Lời Chúa. Chúa đã hứa ban Nước Trời cho những ai sống theo các Mối Phúc Thật. Con muốn chọn Chúa, muốn sống cho Chúa. Xin Chúa cho con xác tín vào Chúa mạnh mẽ hơn để con có thể bước vào con đường hẹp và gồ ghề của các Mối Phúc.
Những khi gia đình con gặp túng cực, những khi con phải chịu thiệt thòi, những khi con gặp khó khăn, dở khóc dở cười… con thường nghĩ con bị Chúa bỏ rơi, con đang phải cô đơn, vô vọng.
Lời Chúa hôm nay đã nâng đỡ và khích lệ con. Con không bị bỏ rơi khi con phải khổ đau. Con không xa Chúa khi con túng bấn. Chúa đang ở bên con, đang hướng dẫn con về Nhà Chúa, Chúa đang chúc phúc cho cuộc sống nhiều chật vật gian nan của con. Lạy Chúa, xin cho con bước theo Chúa trong trung thành và bền chí. Amen.
Ghi nhớ: “Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: ĐẠI GIA NƯỚC TRỜI
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu họa nên 2 bức tranh hoàn toàn trái ngược nhau. Bức tranh thứ nhất tạm gọi là “Phúc”. Nó như một lời đảm bảo đầy hy vọng cho những người cùng khốn. Bức tranh thứ hai tạm gọi là “Họa”. Nó như một lời chúc dữ cho tương lai của những người giàu sang sung túc.
Khi nghe như thế, người ta có cảm tưởng như Chúa Giêsu đang phân biệt giai cấp, trọng nghèo khinh giàu. Vậy chúng ta phải hiểu lời Chúa hôm nay như thế nào?
Trong cái nhìn của người Do Thái đương thời, nghèo khó, đói khát, khổ đau và bị khinh miệt, đó chính là hậu quả của tội lỗi. Những người có hoàn cảnh như thế thường mang mặc cảm tự ti vì bị xã hội loại trừ. Chỉ có một mình Chúa Giêsu mới đồng cảm được nỗi đau của họ. Ngài nói lời chúc phúc để ủi an và mời gọi họ hãy sống lạc quan, vì Nước Trời sẽ là của họ.
“Khốn cho các ngươi”, khi nói lên những lời ấy không phải Chúa Giêsu có thành kiến với những người giàu sang sung túc, nhưng đó là những lời cảnh tỉnh dành cho tầng lớp thượng lưu trước căn bệnh kiêu căng tự mãn.
Qua đây Chúa Giêsu muốn nói cho cả 2 biết rằng, nghèo không phải là tội, mà giàu cũng không phải là tội. Giàu có hay nghèo khó ở đời này không là vấn đề. Điều quan trọng là mỗi người hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đó là giàu về đức tin, giàu về lòng cậy trông phó thác, và giàu về lòng bác ái với anh chị em mình.
Câu chuyện về anh Ladarô nghèo khó và gã phú hộ từng được Chúa Giêsu nhắc đến sẽ giúp chúng ta xác tín hơn về điều ấy.
Anh Ladarô tuy nghèo đói nhưng anh không một lời than thân trách phận, thậm chí bị ông phú hộ coi thường anh cũng không một lời oán trách thở than. Và đó là cách thức để anh làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Ngược lại, gã phú hộ tuy lụa là gấm vóc yến tiệc linh đình, nhưng ông lại nghèo về tình yêu thương về lòng bác ái.
Khi cả 2 chết đi thì tình thế hoàn toàn bị đảo ngược, anh Ladarô nghèo khó hôm nào được tổ phụ Abraham ôm vào lòng. Còn gã phú hộ thì phải khóc lóc nghiến răng vì lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Khi suy gẫm về vấn đề này, nhạc sĩ Minh Kỳ có viết như sau: “Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông Trời sẽ trao”.
Thật vậy thưa anh chị em, trước mặt Thiên Chúa chúng ta đều có giá trị như nhau. Giàu nghèo về vật chất không quan trọng, quan trọng là giàu về tình thương, giàu về lòng quảng đại, giàu về đức tin và đời sống đạo đức. Chỉ có như thế thì mai sau chúng ta mới thực sự là những kẻ giàu có nhất trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: CÁC MỐI PHÚC THẬT
Trong Tin mừng hôm nay, thánh Luca nêu lên bốn mối phúc và bốn mối hoạ, như một lời báo trước cuộc phán xét của Đức Giêsu trong ngày cánh chung. Bốn mối phúc như là những đòi buộc của Chúa đối với các môn đệ chân chính. Bốn mối hoạ không phải là lời nguyền rủa nhưng là lời khuyến cáo và tha thiết kêu gọi thống hối ăn năn. Chúng ta đã sống thế nào trước lời nhắn nhủ chân thành của Chúa ?
- Bài giảng được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong Tin mừng Mátthêu kể ra 8 cái phúc (Bát phúc), hôm nay đến lượt Tin mừng Luca thu lại chỉ còn 4 cái phúc và 4 cái khốn. Theo Mátthêu, đây là bài giảng trên núi, bao gồm 8 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Còn Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất, bằng trình bấy 4 lời chúc phúc kèm theo 4 cái khốn, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giàu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.
- Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết, để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người, để nó thống trị và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ khó nghèo”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người (Mỗi ngày một tin vui).
- “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước trời là của anh em” (Lc 6,20).
Xoá đói giảm nghèo là mục tiêu chung của cả toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Nghèo đói thường đi với cực khổ và cũng thường gắn liền với tự ti mặc cảm. Do đó, đối với nhiều người, coi nghèo khó là hạnh phúc như lời Đức Giêsu thật là điều nghịch lý! Thật ra, Chúa không đề cao tình trạng khố rách áo ôm hay chạy ăn từng bữa, nhưng cổ võ cho lối sống phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa, trong tinh thần liên đới với người lân cận. Nghèo khó mà Đức Giêsu muốn dạy chúng ta là tinh thần nghèo khó, lấy Chúa làm nền tảng của mọi giá trị, cùng đích cho cuộc đời mình, chứ không dựa vào của cải. Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc nghèo khó qua cuộc sống hoàn toàn phó thác nơi Cha: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (5 phút Lời Chúa).
- Vậy hạnh phúc ở đâu ?
Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giàu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong bài giảng Mùa vọng tại Đền thờ Đức Bà ở Paris, ngài nói:
Tôi đã đi khắp cả mặt đất. Tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó: ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở vàng bạc, ở sắc đẹp... Ôi! lạy Chúa, những điều con mơ ước ấy con đã tìm ở đâu ? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.
- Truyện: Hạnh phúc của dân làng Aman
Không có dấu hiệu bên ngoài nào chứng tỏ dân làng Aman giàu có. Nhưng niềm vui tươi nở trên mặt, chứng tỏ cái nghèo vật chất không cản họ sống hạnh phúc thực sự.
Phải, tất cả mọi người trong làng đánh cá Aman này đều sống trong yên vui.
Nhưng rồi một ngày kia, hai anh em đánh cá trong làng là Sôpôt và Sôpa lưới lên một thùng thật nặng. Khi thuyền về đến bờ, họ mở thùng ra và rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy thùng chứa đầy những viên ngọc quí. Hai anh em không biết làm gì với kho tàng, bèn đem nhau đến hỏi ý kiến nhà hiền triết Akian sống gần bên. Sôpốt hỏi:
- Thưa ngài, chúng tôi phải làm gì với những hạt ngọc này ? Số lượng đủ để phân phát cho dân trong làng chúng tôi, mỗi người một hột và như thế mỗi người chúng tôi sẽ trở thành giàu có.
Nghe thế, nhà hiền triết trả lời cách khô khan:
- Hãy nên đổ lại xuống biển.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 4: MỐI PHÚC THẬT
Trong cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn của con mắt người đời thì: Phúc họa luôn có tính tương đối, có nghĩa đối với người này, đó là phúc, nhưng đối với người kia nó lại là họa. Như người ta thường nói: niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia. Và ở thời điểm này nó là phúc, nhưng ở thời điểm khác nó lại là họa. Cũng như ở cuộc sống trần gian, nó là điều bất hạnh, nhưng đó lại là hạnh phúc trong Nước trời mai sau. Nhưng Kitô hữu là những người luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa nên họ không sống theo những sự mê tín vu vơ. Chính vì thế người Kitô hữu phải có một cái nhìn chính xác về phúc-họa trong cuộc đời. Bài Tin mừng trình bày các mối phúc thật, tức là công bố những tiêu chí tâm linh hướng dẫn chúng ta đến với hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc thâm sâu và viên mãn. Thật ra, bài tám mối phúc thật mở đầu cho Bài giảng trên núi, là bài giảng đầu đời của Chúa Giê-su khi công khai rao giảng tin mừng cho muôn dân, bài giảng được gọi là hiến chương Nước Trời, quy định tư cách cần phải có của tất cả thần dân Nước Trời, được ví như hiến pháp của một quốc gia quy định luật lệ căn yếu của một nước, bó buộc toàn dân phải tuân giữ thế nào thì hiến chương Nước trời cũng được hiểu như vậy.
Trong bài đọc I trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô. Chính người dân Côrintô chịu ảnh hưởng triết lý hy lạp nên không tin có việc kẻ chết sống lại. Để giúp tín hữu mình tin vào giáo lý ấy. Thánh Phao-lô đưa ra nhiều lập luận : Nếu kẻ chết không thể sống lại thì tại sao Đức Ki-tô đã chết mà đã sống lại? Nói cách khác, việc Đức Ki-tô phục sinh là bằng chứng rõ ràng về việc kẻ chết sống lại. Đức Ki-tô không chỉ có khả năng làm cho bản thân Ngài sống lại, mà còn có thể làm cho tất cả những ai tin vào Ngài được sống lại như Ngài. Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người, chúng ta là những người vô phúc.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại Lời Chúa Giê-su dạy về bốn mối phúc tương ứng với bốn mối họa: nghèo-giàu, đói khát-no nê, người khóc-kẻ cười, người bị lăng nhục và người được ca tụng. Chúa Giê-su khi dạy những mối phú và những mối họa này, hẳn nhiên Chúa không có ý xác quyết chắc chắn ai giàu có, no đủ, vui vẻ và được ca tụng bây giờ ở đời này đều phải khổ sở ở đời sau đâu. Ngược lại, những ai bây giờ khó nghèo phải đau khổ, chưa chắc đã có được hạnh phúc đích thực đời sau. Bởi chính Chúa huấn dụ cho các môn đệ là bỏ mọi sự đi theo Chúa đã xác quyết rõ: “ai bỏ mọi sự mà theo Ta, thì sẽ được gấp trăm ở đời này”. Do đó, điều quan trọng là phải biết chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời, còn ngoài ra thì tất cả đều là phương tiện giúp mình đạt được hạnh phúc đích thực. Chính Chúa là cùng đích của cuộc đời, là nguồn mạch hạnh phúc đích thực, không có Chúa không có hạnh phúc đích thực. Những gì con người cho là hạnh phúc ở đời này chỉ là nhất thời chóng qua, không có giá trị vĩnh cửu và còn có thể làm cho con người hư đi đời đời.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy phúc họa đều có ranh giới rõ rệt, như người đời thường hay nói: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa, trong cái rủi có cái may”. Nếu khôn ngoan biết sử dụng những gì mà người ta cho là hạnh phúc dời này như tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực để sống đúng thân phận một con người, một người con Thiên Chúa và để phục vụ mọi người anh chị em đúng ý Thiên Chúa thì sẽ được hạnh phúc đích thực vĩnh hằng. Ngược lại cũng thế, nếu biết vận dụng cái khó nghèo, cái bất hạnh, cái đau khổ ở đời này như một phương tiện tích cực để hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, để gia tăng đức tin và đức ái, thì những rủi ro đau khổ sẽ trở nên mối phúc đời sau. Còn nếu ngồi đó mà nguyền rủa phận đời đen đủi, oán trách Chúa, cay đắng với đời thì chắc chắn chắng bao giờ đạt được mối phúc thật.
Trong các mối phúc thì phúc nghèo là phúc mà chính Chúa đặt để đầu tiên, bởi Chúa Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. Chúa Giê-su chúc phúc cho cảnh nghèo khó của chúng ta để khích lệ ta sống khó nghèo như Ngài đã sống. Bởi vì Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã trở nên nghèo khó để chúng ta trở nên giàu có. Vậy chúng ta cũng hãy trở nên nghèo khó để anh em mình giàu có. Chúng ta không chỉ chia cơm sẽ bánh với những người sống xung quanh chúng ta, mà chúng ta còn chia sẻ cả tâm hồn, chia sẻ con tim, chia sẻ tất cả cuộc sống với họ. Mối phúc dành cho những kẻ nghèo khó thật sự nhưng luôn khao khát Nước Trời. Mối phúc đó là: “vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. Đối tượng của phúc là người nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa. Đối tượng của hoạ là người giàu và người được thế gian ca tụng. Giàu và nghèo, phúc và hoạ ở đâu? Không nên hiểu rằng giàu có ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau; nghèo khó ở đời này tất nhiên được hạnh phúc đời sau. Giàu có là phúc nếu đó là thành quả do con người cố gắng chuyên cần lao động cách chân chính. Nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là phúc. Phúc của người nghèo chính là tinh thần của họ, một tấm lòng phó thác, không phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn. Cái hoạ của người giàu là khi họ tự mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa. Cái hoạ cho người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải Nước Trời. Cái hoạ của người nghèo là ghen tương, đố kỵ, tham lam.
Lạy Chúa Giê-su, xin gia tăng trong mỗi con người chúng con cơn đói khát chính Chúa và tỏ cho con đường đưa đến hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Chớ gì con khao khát Chúa trên hết mọi sự và tìm thấy niềm vui trong việc thi hành thánh ý Chúa. Chờ đợi ngày Chúa đến dẫn đưa chúng ta vào hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trong nước Chúa. Chúng ta cần phải luôn luôn xác tín rằng Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho mỗi người chúng con bước, và đã mở ra con đường cho chúng ta một lối đi vào cõi phúc nước trời, để chúng ta biết định hướng cho cuộc đời của bản thân theo đúng ý Thiên Chúa. Và xin cho mỗi người chúng con nhận thức, trung tín đáp trả, vâng theo vì Chúa và xứng đáng lãnh nhận phần thưởng muôn đời trong Nước Trời.
Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
SUY NIỆM 5: "PHÚC CHO ANH EM…"
1. Là phúc hay là họa ?
Lời của Đức Giê-su dường như ngược hẳn với những gì chúng ta quan niệm, thậm chí với những gì chúng ta ước ao: Điều mà chúng ta coi là phúc, thì Đức Giê-su lại mặc khải cho chúng ta rằng, đó là họa: chúng ta quan niệm giàu có là phúc, còn nghèo khó là họa; nhưng Đức Giê-su nói ngược lại, giàu có là họa, con nghèo khó là phúc; và cũng như vậy đối với no nê và đói khát, vui cười và khóc lóc, được ca tụng và bị sỉ vả.
Đức Giê-su thường nói: “Ai có tai để nghe thì nghe”. Nhưng mà đôi tai của chúng ta được ban cho không chỉ để nghe và dừng lại ở âm thanh, nhưng là đi vào chiều sâu của ý nghĩa, vốn được tạo ra bởi sự thinh lặng của qui luật liên kết các âm thanh. Vì thế chúng ta chỉ hiểu và cảm nếm những lời của Đức Giê-su, khi chúng ta vượt qua vẻ bên ngoài, để nhận ra ra khuôn mặt đích thật của con người (x. Tv 49) và hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, và nhất để sống theo năng động của con tim, nhất là năng động yêu mến, yêu mến Đức Ki-tô và vì Đức Ki-tô; như Ngài nói trong mối phúc thứ tư: Phúc cho anh em, vì Con Người.
2. Các mối phúc và thân phận con người
Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên thánh. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa chúng ta, bởi vì các mối phúc mà Đức Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.
Ø Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, “là những kẻ bây giờ đang phải đói”. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn và đói khát tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
Ø Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.
Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt, là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Thiên Chúa, được no thỏa và mừng vui.
Và thật bất hạnh cho những ai biến thành ngẫu tượng và cứu cánh đời mình, những gì chóng qua ở đời này: của cải, ăn uống và vui thú. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.
3. Mối phúc “vì Con Người”
Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt. Đặc biệt, vì nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Con Người”. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Con Người”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại “vì Con Người”? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9). Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?
* * *
Trong cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô trở nên nghèo khó nhất, đói khát nhất, khóc than nhất và bị sỉ nhục nhất. Nhưng chính lúc đó Ngài hạnh phúc nhất, vì làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa Cha trở nên rạng ngời, làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, cho ý Cha được thể hiện, vì lòng yêu mến, yêu mến Cha, yêu mến loài người, yêu mến từng người chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 6: CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Nhưng dựa trên những lời tuyên bố trong bài Tin Mừng, tưởng chừng như đi ngược lại với sự tiến bộ và phát triển của nhân loại, khác xa với quan điểm của thế giới con người. Ngày nay nhiều người, nhiều gia đình phải bươn chải, đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn không đủ ăn, cũng chẳng dư dật; trái lại, vẫn nghèo, cứ thiếu thốn, cứ lo toan cho tương lai. Liệu trong chúng ta có chấp nhận lời công bố của Chúa hay không? Phải chăng Chúa Giêsu chủ trương cuộc sống con người đi vào ngõ cụt và bế tắc của sự nghèo đói, khổ cực và lạc hậu?
Để hiểu ý nghĩa của Lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta hãy đọc lại Tông huấn mới nhất của ĐTC Phanxicô, Gaudete Et Exsultate – “Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay”, Ngài đã nói: “Các mối phúc rõ ràng là đi ngược lại cách mọi việc thường được thực hiện trong thế giới của chúng ta.” (số 65), nhưng chính các mối phúc thật là con đường nên thánh, con đường của hạnh phúc thật. (số 64)
“Thánh Luca không nói về sự nghèo khó trong “tinh thần” mà chỉ đơn giản nói về những người “nghèo khó” (x. Lc 6,20). Bằng cách này, ngài cũng mời gọi chúng ta sống một cuộc đời giản dị và khắc khổ. Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống của những người nghèo khổ nhất, cuộc sống mà các Tông Đồ đã sống, và cuối cùng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng mặc dù giàu sang, nhưng “đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9). (số 70)
Chúa Giêsu không hứa hẹn cho con người một cuộc sống dư dật, tràn đầy sữa và mật. Tin Mừng của Ngài không phải là một giải pháp cho nền chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào.
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.”
-Bốn mối phúc là lời mời gọi và đòi buộc những ai muốn làm môn đệ thực thụ và chân chính của Chúa. Muốn theo Ngài, thì phải sống và chấp nhận con đường của Ngài đã đi, và đó cũng là con đường dẫn đưa người môn đệ đến hạnh phúc thật.
Khi nhập thể nhập thế, Chúa chọn một cuộc sống nghèo khổ. Khi sinh ra trong thân phận người nghèo, cực khổ, vất vả nhọc nhằn, bị người đời khinh bỉ, xem thường. Phải chăng, Chúa muốn cảm thông và chia sẻ kiếp sống con người của chúng ta.
-Bốn mối họa không phải là lời nguyền rủa, nhưng là lời khuyến cáo và tha thiết kêu gọi con người hãy biết thống hối ăn năn, kẻo rơi vào cảnh hư nát trong ngày Cánh chung.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi.”
ĐTC Phanxicô quả quyết: “Sự giàu có không đảm bảo được gì cả. Thật vậy, một khi chúng ta nghĩ rằng mình giàu có, thì chúng ta có thể trở nên tự mãn mà chẳng để dành chỗ nào cho Lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hoặc để thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời.” (số 68)
Cuộc sống con người nơi trần thế, đâu phải chỉ đi tìm của cải, tiền bạc vật chất để thụ hưởng. Điều này khiến nhiều người, cả Kitô hữu nữa, thường lầm lạc, lo toan và tính toán sao cho có nhiều tiền, để thụ hưởng các thói đam mê trần tục, mà quên đi việc tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc vĩnh cửu.
Tiền bạc của cải vật chất cần thiết, nhưng nó chỉ có giá trị khi con người biết sử dụng nó như một phương tiện để sống. Khi chúng ta sẽ không quá đặt nặng về nó, không quá đề cao nó, không bị lệ thuộc vào nó, không làm nô lệ cho nó, là chúng ta biết sống tinh thần khó nghèo Chúa dạy.
Khi chúng ta biết sử dụng tiền của vật chất đúng với tinh thần của Tin Mừng, chúng ta sẽ sẵn sàng dùng tiền bạc vật chất để chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khổ, thiếu thốn là chúng ta biết sống nghèo khó như Chúa Giêsu, là chúng ta biết sống cho những giá trị vĩnh cửu là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người, là chúng ta đang xây dựng hạnh phúc Nước Trời mai sau.
Quả thật, người ta khó mà sống các Mối Phúc Thật. Nhưng đối với chúng ta, sống các mối phúc Chúa dạy, giúp chúng ta luôn tìm kiếm và đạt tới những giá trị vĩnh cửu. Con đường của Các Mối Phúc chính là con đường nên thánh và dẫn chúng ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang