SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN Lc 6,12-19

Thứ hai - 09/09/2024 04:50
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 6,12-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.
19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

SUY NIỆM 1: TINH THẦN GIÊSU
Chúa Giê-su từ trời xuống. Mang theo năng lực thần thiêng. Chữa lành hết mọi bệnh tật. Xua trừ hết mọi ma quỉ. Nhưng Người chỉ ở trần gian một thời gian. Cần phải có người kế tục sự nghiệp. Người chỉ khai mào trận chiến với ma quỉ và thế lực sự dữ. Cần phải có một đạo quân tiếp tục trận chiến cho đến thành công. Vì thế Người đã tuyển chọn các tông đồ. Đây là một việc hết sức quan trọng. Vì dùng người phàm để tiến hành cuộc chiến thiêng liêng. Người phàm nhưng phải có tinh thần Nước Trời. Cần phải kết hợp với Giê-su. Cần phải mang tinh thần Giê-su. Nên Người thao thức suốt đêm. Cầu nguyện để tìm được những con người xứng đáng. Cân nhắc để xem ai có thể đem tinh thần của Người thấm nhập trần gian.
Tình thần Giê-su là phải kết hợp chặt chẽ với Chúa. Xây dựng đời mình trên nền tảng Giê-su. Trước hết phải tách lìa thế gian. Không mê theo những hứa hẹn giả dối của thế gian ẩn trong “mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ”. Sâu xa hơn nữa, phải phá tung xiềng xích trói buộc của tà thần. Bằng cách chết cho con người cũ. Khi đó ta được “cùng mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người”. Khi đó “Người truất phế các quyền lực thần thiêng” Và cho ta được “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” nơi Người. Ta được sung mãn vì trở nên chi thể kết hợp với “Người là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (năm lẻ).
Tinh thần Giê-su khiến ta chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ của nước thế gian. Ta sẽ làm chủ bản thân. Không còn tranh giành kiện cáo. Vì không màng những lợi lộc của thế gian. Sẵn sàng chịu mọi bất công thiệt thòi ở đời này. “Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?”. Khi chiến thắng thế gian. Ta trở thành người xét xử thế gian. “Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ sét xử thế gian sao? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư? Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? Phương chi là những việc đời này” (năm chẵn).
Khi mọi người theo Chúa sống theo tinh thần Giê-su. Kết hợp với Chúa. Chết cho thế gian. Ta sẽ được Nước Trời. Có một đạo quân Nước Trời. Sẽ chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ. Xin cho tinh thần Giê-su ngự trị trong ta. Lan toả đến mọi người. Đem lại chiến thắng cho Nước Trời.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: CHÍNH CHÚA CHỌN CON
Đoạn Phúc âm nói về việc Chúa Giêsu  tuyển chọn 12 tông đồ, để cùng với Ngài thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Đây là một ân huệ lớn lao. Bởi con người diễm phúc được Chúa cho cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Vậy diễm phúc như thế nào?
Thứ nhất, diễm phúc vì các tông đồ được trở nên những người bạn của Chúa Giêsu: Được cùng ăn cùng uống với Chúa Giêsu, được cùng với Chúa Giêsu trải qua những thăng trầm của kiếp nhân sinh, được cùng Ngài tâm sự, sẻ chia lúc vui cũng như khi buồn. “Từ nay Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Thầy”.
Thứ hai, diễm phúc vì các tông đồ được trở nên những người học trò của Chúa Giêsu: Được Chúa Giêsu dạy dỗ những điều hay lẽ phải và những chân lý của cuộc sống, được Ngài chỉ cho biết con đường để đạt tới nguồn Chân-Thiện-Mỹ. “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”
Và thứ ba, diễm phúc vì các tông đồ được trở nên những sứ giả của Chúa Giêsu, tức là được Ngài tin tưởng sai đi loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Được Chúa Giêsu tin tưởng trao quyền năng trừ quỉ và chữa lành bệnh tật. “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.
Thưa anh chị em, khi xưa, Chúa Giêsu đã kêu gọi 12 con người để các ông được trở nên những người bạn, những học trò và những tông đồ của Ngài. Và hôm nay, cùng một cách thức ấy, Chúa cũng kêu gọi chúng ta trong ơn gọi làm người kitô hữu, làm con cái Chúa.
Cũng như các tông đồ, trước hết, mỗi người hãy là 1 người bạn tri kỉ với Chúa Giêsu. Hãy gặp gỡ Chúa mỗi ngày qua Thánh lễ, qua giờ kinh gia đình, qua việc cầu nguyện riêng và các việc đạo đức khác. Hãy kể cho Chúa nghe về những chuyện vui chuyện buồn mà chúng ta đang gặp phải. Hãy mời Chúa cùng đi với ta trên mọi nẻo đường, như khi xưa Chúa đã cùng đồng hành với 2 môn đệ trên đường Emmau. Rồi Chúa cũng sẽ đáp trả chúng ta bằng tình bạn.
Kế đến, mỗi người cũng hãy khiêm tốn nhìn nhận mình là học trò của Chúa Giêsu, để lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy và đem ra thực hành trong cuộc. Hãy bàn hỏi với Chúa trước những quyết định và chọn lựa trong đời. Rồi Chúa sẽ chỉ cho biết cái gì tốt, cái gì hoàn hảo, cái gì đẹp lòng Chúa để chọn lựa.
Và sau cùng, mỗi người hãy trở nên những chứng nhân Tin mừng giữa cuộc sống hôm nay bằng gương sáng, bằng việc lành. Sống giữa đời nhưng đừng để mình vướng bẩn bụi đời.
Ước gì một khi nhận ra được sự cao cả của ơn kêu gọi, mỗi người sẽ sống hết mình và hết tình với Chúa. Để rồi trong ngày sau hết, mỗi người đều nghe được Chúa nói với mình rằng: “Hãy vào mà hưởng niềm vui cùng với chủ anh ở trên Trời”. Amen.
Lm. Antôn

 SUY NIỆM 3:
 «Người Đã Thức Suốt Đêm Cầu Nguyện…Người Chọn Lấy Mười Hai ông»
Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.
1. Đức Giê-su lên núi
“Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện”. Bởi vì, trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài.
(Tv 15)
Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con.
(Tv 18)
Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay tông đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.
Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.
2. Đức Giêsu “chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”
Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các tông đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha.
« Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời ; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15).
Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi « là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.
3. Đức Giêsu và các tông đồ xuống núi
Các tông đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện:
Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người. (c. 19)
Các tông đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô.
Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM 4: CHỌN NHÓM MƯỜI HAI
Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5: CHỌN MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ
Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc. 6, 12-13)
Đây là một ngày đặc biệt với Đức Kitô. Đã đến giờ Người nghĩ phải tiến lên. Người sẽ phải ra đi, ngày đó không còn xa lắm. Cần phải bảo đảm tiếp tục công việc của Người. Cần cho lời Người được loan truyền đến tận cùng thế giới. Cần cho sứ điệp cứu độ đến chúc phúc cho mọi người. Vậy cần có những sứ giả đem giao ước Tin Mừng được Thiên Chúa quyết định hoàn tất cho loài người. Một giao ước mới vượt trên mọi giao ước đã có từ trước đến lúc này.
Ai có thể bảo đảm lãnh trách nhiệm này? ai xứng đáng trong những chàng thanh niên đang đi theo Người? Người biết những giới hạn và lòng quảng đại của họ. Người lên núi cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên Chúa để biết rõ chọn lựa chắc chắn. Tin Mừng Thánh Lu-ca kể Đức Giêsu cầu nguyện mười một lần, những lần đó luôn luôn là những lần quan trọng trong cuộc đời của Chúa: ở sông Gióc-đan trước lúc Thánh Thần ngự xuống trên Người, khi đông đảo dân chúng đến nghe Người giảng, trước khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, lúc Chúa biến hình, trước khi loan báo về cái chết của Người, lúc các môn đệ đi truyền giáo lần thứ nhất về, lúc dạy kinh lạy cha, trước khi chịu thương khó, cầu cho đức tin của Phê-rô đứng vững, lúc hấp hối trong vườn cây dầu, trong lúc treo trên thánh giá, lúc phó linh hồn trong tay Chúa Cha.
Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.
GF
 
SUY NIỆM 6: CẦU NGUYỆN ĐỂ TÌM THÁNH Ý THIÊN CHÚA
Xem lại thứ Sáu tuần 2 và thứ Tư tuần 14 TN.
Cầu nguyện là bản chất của người Công Giáo. Không cầu nguyện, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là ý Chúa và đâu là thiển ý của ta. Khi cầu nguyện, ta như được kín múc nguồn năng lượng từ Thiên Chúa, để mọi lời nói, hành động của ta được Thiên Chúa soi dẫn và chúc lành, hầu chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.
Hôm nay, Tin Mừng nhắc lại việc Đức Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện trước khi gọi và chọn 12  người mà Ngài gọi là Tông Đồ.
Khi Đức Giêsu cầu nguyện như vậy, Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng: sứ vụ của Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha, và những người được gọi, chọn cũng phải gắn bó với Ngài như vậy.
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên ngôn sứ của Chúa, có trách nhiệm loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thành công khi biết gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận thánh ý của Ngài để thi hành.
Thật vậy, để lời mời gọi của Đức Giêsu thực sự trở thành hữu hiệu, và sứ vụ chúng ta đón nhận được thi hành cách tốt đẹp theo ý hướng của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua việc cầu nguyện.
Chính Đức Giêsu đã làm gương về chuyện này.
Ví dụ như khi sắp ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc; khi chọn các môn đệ, Ngài thức suốt đêm; khi sắp chịu nạn chịu chết, Ngài đã lên núi Cây Dầu cầu  nguyện ...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt để mọi công việc của mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì nhờ cầu nguyện với Chúa, chúng ta biết được thánh ý Ngài. Cầu nguyện để biết được phương cách thi hành tốt đẹp nhất. Cầu nguyện để phó thác nơi Chúa mọi sự.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được giá trị của lời cầu nguyện và luôn biết gắn bó với Chúa như Chúa luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Amen.
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 7: CẦU NGUYỆN SUỐT ĐÊM

Chúa Giêsu trước khi quyết định chọn 12 tông đồ, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Việc cầu nguyện suốt đêm của Chúa Giêsu vừa bộc lộ tình yêu của Ngài với Chúa Cha vừa cho thấy sự biết mình của Ngài. Ngài ý thức rất rõ Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian nên luôn làm mọi việc theo ý Chúa Cha. Vì thế, việc cầu nguyện không chỉ là lúc Ngài gặp gỡ Cha Ngài mà còn là thời gian Ngài lãnh nhận ý của Chúa Cha muốn.
Chúng ta thường làm xong việc mới nghĩ đến Chúa, chứ không có thói quen hỏi ý Chúa trước khi làm. Việc dành thời gian cầu nguyện với Chúa sẽ giúp chúng ta bình tâm và nhìn nhận cũng như giải quyết những vấn đề tốt hơn. Mỗi người sẽ hạn chế được những sai lầm hoặc nếu có vấp ngã cũng có thể đủ sức đứng lên để làm lại nhờ vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Vì chưng, chính giờ phút cầu nguyện là dịp tốt nhất được ở với Chúa để Ngài bồi dưỡng, được lắng nghe tiếng Ngài để Ngài sửa dạy và được Ngài lắng nghe nỗi lòng của mình để Ngài nâng đỡ.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa, vì chỉ có lòng yêu mến Chúa mới thúc đẩy chúng con đến với Chúa và yêu thích việc cầu nguyện mà thôi. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây