SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN Lc 5,1-11

Thứ tư - 04/09/2024 06:43
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 5,1-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.
3 Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.
Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”
Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.
10 Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”
11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

SUY NIỆM 1: TIẾN HÀNH CUỘC CHIẾN ĐẤU
Ô nhiễm đang là một vấn đề lớn và nan giải. Từ ô nhiễm môi trường sống với nước thải, khói xăng, khí độc đến ô nhiễm thực phẩm với chất bảo quản, với phân bón và với cách chế biến thực phẩm. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sự ô uế nơi tâm hồn con người. Đừng tưởng thần ô uế chỉ có thời Chúa Giêsu. Nó vẫn hiện diện thời chúng ta và đang tác oai tác quái. Con người bị ô uế từ trong tư tưởng với những ý đồ xấu xa trục lợi. Ô uế thấm vào cả trái tim với những ước muốn tội lỗi. Con người đang hít thở bầu khí ô uế, đươc nuôi dưỡng bằng những món ăn ô uế và còn dự tính mở rộng môi trường ô uế. Những nỗ lực ngăn chặn ô uế, thanh tẩy môi trường đạo đức hầu như vô hiệu. Con người bất lực. Chỉ còn trông chờ sức mạnh của Thiên Chúa.
Có hai điều đáng sợ do ma quỉ lừa gạt. Điều thứ nhất ma quỉ trấn an chúng ta: “Không can gì đâu”. Ô uế không sao đâu. Tội lỗi không sao đâu. Điều thứ hai nó thấm nhập và trở thành một phần không thể thiếu của đời ta. Khi Chúa trục xuất thần ô uế, người bị quỉ ám ngã vật xuống như chết đi. Có những sự xấu như tiền bạc, danh vọng, chức quyền, lạc thú trở thành nhu cầu. Ta tưởng sẽ chết nếu thiếu chúng.
Vì thế thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Tét-xa-lô-ni-ca hãy vào cuộc chiến đấu. Thần ô uế là bóng tối. Con cái Chúa là ánh sáng. Đi theo thần ô uế là ngủ mê. Đi theo ánh sáng của Chúa phải tỉnh thức. Sống theo thần ô uế là chiều theo dục vọng. Sống theo ánh sáng của Chúa là tiết độ: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (năm lẻ).
Đó chính là cuộc chiến giữa xác thịt và Thần khí. Ai sống theo xác thịt thì có sự khôn ngoan của trần gian để chiếm đoạt danh, lợi, thú của trần gian. Ai sống theo Thần Khí thì trước mặt thế gian bị coi là điên rồ, nhưng thực ra họ có sự khôn ngoan của Nước Trời: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (năm chẵn).
Cuộc chiến rất khốc liệt. Để dứt lìa thần ô uế ta phải đau đớn như chết đi, giống như người bị quỉ ám ngã vật xuống. Chúng ta chỉ thắng được nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta chỉ có Chúa khi sống trong ánh sáng, khi đi theo sự hướng dẫn của Thần Khí.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM : PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG
Suy niệm:
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

SUY NIỆM: ĐẤNG GIẢNG DẠY ĐẦY UY QUYỀN
Câu chuyện
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu có lập trường rõ ràng khi nghe giảng Lời Chúa: “Chúng ta chỉ có một việc là chăm chú nghe linh mục giảng”.
Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục, Linh mục là những người thay mặt Chúa để giảng Lời Chúa. Vì thế, khi nghe giảng Lời Chúa, chúng ta đừng để ý đến ai giảng, nhưng hãy chú tâm vào việc nghe Lời Chúa được rao giảng mà thôi.
Suy niệm
Lời giảng dạy của Ðức Giêsu luôn có sức mạnh và uy quyền. Dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn của Ngài chính từ lời Ngài có sức mạnh khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân. Ngài dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân bị ám. Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khuất phục ma quỷ, tà thần. Lời đó đã làm cho niềm tin của dân chúng đặt vào Ngài, Đấng giảng dạy đầy uy quyền.
Đấng uy quyền đó là người mà sách Đệ Nhị Luật 18,15-20 đã nói về lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân, đó là tất cả niềm hy vọng của họ: Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Thật thế, Người chính là Ðức Giêsu Kitô đã khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Lời giảng dạy của Đức Kitô đầy uy quyền vượt trên cả lời giảng dạy của các vị ngôn sứ, thánh Cyrillô thành Giêrusalem cắt nghĩa: “Những vị ngôn sứ khi giảng dạy, nói rằng: “Thiên Chúa phán”, Đức Giêsu không nói như vậy; là chủ của Lề Luật, Ngài đề cập đến những sự việc cao cả của luật: giảng từ những chữ viết luật đến ý nghĩa thật sự của Lề Luật, từ hình thức luật đến thực tế. Lời của Ngài không bao giờ là lời nịnh hót, nhưng là một sự khuyến khích dẫn đến ơn cứu độ. Người ta tin rằng Đấng Mêssia là một vị ngôn sứ, và Ngài sẽ chỉ cho thấy những cao siêu nơi các vị ngôn sứ, cho nên dân chúng ngạc nhiên vì những chủ đề trong lời giảng dạy của Ngài”.
Như Tin Mừng ghi nhận lại, Lời Ngài uy quyền so với lời giảng dạy của các bậc thông thái trong dân, thánh Bède le Vénérable giải thích các bậc thông thái trong dân dựa trên luật và các ngôn sứ còn Ngài từ uy quyền của chính Ngài: “Những người biệt phái hay những vị tiến sĩ luật giảng dạy những gì đã được Môisê và các ngôn sứ ghi chép trong luật. Nhưng Chúa Giêsu giảng dạy như là một người thầy của Môisê và như là vị Thiên Chúa uy quyền, Đấng có thể thêm hay thay đổi luật nếu các điều đó tỏ hiện sự tốt lành”. Ngài uy quyền vì Ngài làm chủ Lề Luật, tạo Lề Luật để con người được hưởng về sự tốt lành, hướng về Cha trên trời.
Ngày hôm nay vẫn còn những thần ô uế và sự dữ. Chúng ta đến bên Ngài, không chỉ để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên và ngưỡng mộ Đấng Quyền năng như dân Do Thái xưa nghe Ngài giảng và thấy uy quyền trên thần ô uế, nhưng mở lòng đón nhận Lời quyền uy. Để Lời tác động xua đuổi mọi thần ô uế ra khỏi tâm hồn của chúng ta…
Ý lực sống
“Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát…
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên…” (Tv 91,14-15).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: CHÚA LÀ CHỖ DỰA CỦA MỖI NGƯỜI
Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Không có Thầy, các con không làm được gì.”
Con người có thể làm được nhiều điều, nhưng cũng có nhiều việc, nhiều vấn đề con người đành bất lực, chịu thua bởi sức người có hạn.
Tuy nhiên, nếu có Chúa trợ giúp và ban ơn, dù việc gì khó đến đâu, cũng thành công và rất hiệu quả.
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy: Chúa Giêsu đã ban cho ông Simon một mẻ cá lớn, dù các ông đã miệt mải cả đêm mà không bắt được một con cá nào.
Simon nhận ra sự bất lực của mình, biết cậy dựa vào Chúa, biết vâng theo ý Chúa: “vì lời Thầy, con sẽ thả lưới".
Từ mẻ lưới đầy cá, ông rất đỗi ngạc nhiên và thán phục quyền năng của Chúa Giêsu. Ông còn được Chúa mời gọi trở nên những ngư phủ bắt lưới người: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Chúa muốn Simon và các bạn ông trở thành người của Chúa, cộng tác với Chúa để ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Kết thúc biến cố đánh bắt cá đêm hôm ấy, “các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.” Chúa Giêsu đã thu phục các môn đệ để biến các ông trở thành người tông đồ.
Qua bài Tin Mừng, chúng ta xác tín rằng:
1. Trong cơn đại dịch Covid-19 này, con người lo lắng và sợ hãi: lo sợ khi bị lây nhiễm bệnh, lo sợ vì bi chết, vì trước mắt đã có quá nhiều người chết vì Covid. Mấy tháng trời không có việc gì làm, nhiều gia đình không có tiền, không ra ngoài mua thực phẩm cần thiết, …và biết bao nhiêu khó khăn thử thách cứ ập đến.  Mọi người đều cảm thấy cuộc sống không có lối thoát, không đủ sức để bước đi. Giữa những sóng gió như thế, chúng ta khao khát Chúa cứu vớt, chúng ta chạy đến tìm trú ẩn nơi Người. Chúng ta cầu xin cho ân sủng đức tin không bao giờ mệt mỏi khi đi tìm Chúa, đến gỏ cửa Trái Tim Người.
Cho dù sống trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn thế nào xảy đến, chúng ta vẫn không ngừng tín thác vào Chúa, tin cậy vào Người. Chúa là chỗ dựa của mỗi người trong chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi thất vọng, trái lại chỉ thấy nhiều điều tốt đẹp, ngoài sức tưởng tượng và ngoài khả năng của ta.
2. Sau mẻ lưới cá nhiều như thế, Chúa đã thu phục các môn đệ trở thành tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
 Như các môn đệ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa, đi rao giảng Nước Trời, chúng ta cũng hãy quảng đại, dấn thân phục vụ Giáo Hội Chúa và công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Nhưng làm sao cho Tin mừng của Chúa được loan báo? Trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, giữa cơn đại dịch này, chúng ta có thể làm bằng việc chia sẻ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, bằng việc thiện nguyện, giúp đỡ, chia sẻ cho nhau chút gạo, rau xanh, củ quả, hoặc các thực phẩm cho nhiều người, nhiều nơi đang bị phong tỏa thiếu thực phẩm cần dùng. Khi lan tỏa ra xung quanh môi trường sống của mình bằng những những hành động cụ thể như thế, là chúng ta cũng đã trở nên ngư phủ mang tin yêu và hy vọng cho thế giới và con người bằng tình yêu phục vụ hy sinh của mình.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương cứu con thoát khỏi những lo lắng, những thử thách trong đời sống khiến con cảm thấy sợ hãi không biết bám víu vào đâu. Chúa là nơi nương tựa, nơi trú ẩn an toàn nhất. Xin Chúa gìn giữ con, gia đình con, và nhiều người xung quanh con, vượt qua cơn đại dịch này. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ và bảo vệ loài người chúng con, cho cơn đại dịch sớm chấm dứt. Xin cho con trở nên môn đệ của Chúa, gieo tin yêu và hy vọng bằng sự chia sẻ cho mọi người những gì thiết thực nhất trong  cuộc sống của họ, của gia đình họ lúc này. Amen.
Lm. Duy Khang

SUY NIỆM: 4 MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
  1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là nơi sinh sốngthường ngày của họ. Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là gọi họ đang lúc họ làm công việc hằng ngày của họ.
Chúa bắt đầu câu chuyện bằng cách “xin” ông Phêrô một việc rất nhỏ: chở Ngài trên thuyền đi ra xa bờ một chút. Và cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn: một mẻ lưới rất nhiều cá và một ơn còn lớn gấp bội là được làm môn đệ Ngài.
“Ông Simon nói: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).
Một lời quả quyết rất đẹp lòng Chúa.
Nếu như Phêrô đã không nghe Lời Chúa, thì sau đó ông sẽ chẳng nhận được những ơn ban to lớn kia. Như vậy chúng ta thấy, sự vâng Lời Chúa đã đem lại những kết quả thật bất ngờ!
Trong tập truyện các thánh ẩn tu Ai Cập vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, người ta đọc được giai thoại sau:
Có một người đàn ông kia đến xin gia nhập một tu viện. Tu viện trưởng cho người đó biết luật cơ bản nhất của đời tu là vâng lời. Người đàn ông hứa sẽ vâng theo tất cả những gì bề trên truyền lệnh. Để thử lòng người đó, tu viện trưởng dẫn ông ra vườn và cắm một cây gậy xuống đất. Ngài bảo người đàn ông hãy múc nước tưới cho đến khi nào cây gậy đó đâm chồi nảy lộc trổ bông trở lại.
Vâng lời bề trên, mỗi ngày người tu sĩ đi bộ hai dặm ra bờ sông Nil gánh nước tưới cho cây gậy khô ấy. Một năm qua rồi mà cây gậy vẫn còn trơ trơ. Lại một năm nữa qua đi, cây gậy vẫn là cây gậy khô. Nhưng người tu sĩ không nản lòng. Sang năm thứ ba, lạ lùng thay, cây gậy khô tự nhiên đâm chồi để rồi trở thành một cây tươi tốt trong vườn.
  1. Khi Phêrô nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Chúa gọi ông. Sự việc đó chứng tỏ Chúa không chê trách và xa lánh người tội lỗi. Ngược lại, Chúa còn gọi những ai biết ý thức thân phận tội lỗi của mình.
Trước mặt Chúa lúc này là một con người Chúa muốn kêu gọi. Chúa không cần biết trước đây Phêrô như thế nào.
Vào dạo tháng 12 năm 1987, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề: “Sự chọn lựa của Thiên Chúa”. Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc hành trình ơn gọi của ngài.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbit uyên thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Đức Tin Công giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của Jean Marie Lustiger dĩ nhiên đi ngược lại, với xác tín của gia đình, nhất là mẹ của cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở qua trại tập trung Đức quốc xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: “Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công giáo. Đây là một cơn bệnh hiểm nghèo”.
Nhưng tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Jean Marie Lustiger đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy vào một ngày thứ năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính toà Orleans. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống vắng… Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Qua quyển tự thuật trên đây, Đức hồng y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng “Ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Đấng Cứu Thế trong nhân loại là một mầu nhiệm của lòng thương xót”. Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Đức hồng y Lustiger, hy vọng, chính là tin rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.
Nói như thi sĩ Paul Claudel, Thiên Chúa viết bằng những đường cong. Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ lời với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mỗi biến cố, mỗi cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật: tiếng nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
Chúng ta biết rằng, cuộc đời của mỗi người trong chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Thiên Chúa yêu thương tôi và chỉ mình tôi mà thôi… Trong muôn ngàn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang yêu thương tôi”.
 Lm Giuse Đinh Tất Quý


SUY NIỆM: THẦN TƯỢNG GIÊSU
Thiếu nhi chúng con rất thân mến, với những gì mà Thánh Luca thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu của chúng ta “không phải dạng vừa”. Trong khi các tông phần lớn là những người đánh cá chuyên nghiệp, và đã thâu đêm suốt sáng nhưng vẫn không bắt được một con nào. Mệt gần chết!
Bỗng nhiên Chúa Giêsu xuất hiện và bảo các tông đồ tiếp tục thả lưới, và thả ngay cái chỗ mà các tông đồ vừa mới kéo lên nhưng không được con nào. Nhưng các tông đồ vẫn thả.
Kết quả hoàn toàn bất ngờ: “Lưới đầy những cá”. Lúc này các tông đồ rất đỗi ngạc nhiên về đẳng cấp của Chúa Giêsu. Đối với các tông đồ lúc này, Chúa Giêsu là một chàng thanh niên “rất chất”, đầy bản lĩnh. Và bỗng chốc, Chúa Giêsu trở thành Idol nỗi tiếng và fan của Ngài là các tông đồ và còn nhiều người khác. Và khi đã hâm mộ, các tông đồ bất chấp, bỏ tất cả thuyền và chài lưới đi theo thần tượng Giêsu.
Chắc ai trong chúng con cũng có 1 thần tượng của riêng mình: có em thì thích diễn viên, có em thích thì ca sĩ, em khác thì thích người mẫu; có em thì thần tượng Hàn Quốc da trắng mũi cao, có em thì thần tượng Việt Nam da đen mũi tẹt.
Thôi thì cha không nói là tốt hay xấu, nên hay không nên, bởi chúng con có nhưng niềm vui của lứa tuổi chúng con, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến việc học hành, không làm cho ba mẹ phải lo lắng và buồn sầu.
Còn điều quan trọng mà lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng con đó là, dù chúng con có thần tượng ai đi chăng nữa thì cũng đừng quên rằng Chúa Giêsu chính là thần tượng tuyệt vời của mỗi chúng ta. Ngài vượt xa mọi thần tượng mà chúng ta đang theo đuổi. Ngài rất chất. Vẻ đẹp của các thần tượng ngoài đời chủ yếu là nhờ đi sửa sắc đẹp, nhờ son phấn. Còn Chúa Giêsu của chúng ta đẹp tự nhiên. Ngài không chỉ đẹp diện mạo bên ngoài nhưng còn đẹp bên trong tâm hồn: Yêu người, thứ tha, vâng lời…
Và chúng con cũng được mời gọi thể hiện mình là fan hâm mộ của thần tượng Giêsu. Nếu chúng con yêu, chúng con thích, chúng con gắn bó với idol của chúng con như thế nào; thì cũng hãy yêu, hãy thích và gắn bó với Chúa Giêsu như thế và nhiều hơn nữa. Nếu fan thích nhìn thần tượng, thì chúng con hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu mỗi ngày qua Thánh lễ, qua những lần viếng Chúa, chiêm ngắm thánh giá trong gia đình; để chúng con thấy Chúa chúng ta đẹp chừng nào. Còn nếu fan thích dán hình thần tượng trong phòng, thì chúng con hãy dán hình Chúa Giêsu thật to và thật cao trong phòng hay góc học tập của riêng mình.
Ước gì chúng con nhận ra được quyền năng cũng như vẻ đẹp của thần tượng Giêsu, và chúng con thích Ngài, yêu Ngài, và theo đuổi Ngài đến cùng. Amen.
Lm. Anton

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây