SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Mt 7,21-29
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa ! lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?” 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ
SUY NIỆM 1:
1. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc lại một điều quan trọng: phải đem ra thực hành những điều đã nghe:
"Không phải những người nói "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Cha Thầy trên Trời thì mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).
Kẻ nghe và thực hành thì giống như người xây nhà trên đá vững chắc, kẻ chỉ nghe mà không thực hành thì giống như người xây nhà trên cát.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ nói về sức khỏe con người đã đồng ý với nhau rằng, để sống khỏe, sống an vui thì mỗi ngày phải tập thể dục đều đặn, ăn uống cách quân bình, và nhất là thực hành việc tốt cho kẻ khác. Đó là quan điểm căn bản mà hiện nay các bác sĩ Hoa Kỳ thường khuyên các thân chủ đến khám bệnh.
Chính vì thế mà hiện nay, để đề phòng bệnh, các bác sĩ, những nhân viên phụ trách về sức khỏe, đang cố gắng cổ võ một phong trào sống và làm việc tốt, quan tâm đến việc phục vụ tha nhân để phòng bệnh. Các nhà nghiên cứu quan sát thêm, tại sao làm việc tốt cho kẻ khác lại giúp cho chính đương sự sống an vui không bệnh hoạn.
Bác sĩ Highchery vừa qua đời, đã kể lại kết quả công việc nghiên cứu lâu dài của ông về điểm này như sau: khi đương sự làm việc để phục vụ kẻ khác thì nhận lại niềm vui, lòng biết ơn nồng nhiệt của người thụ ân. Cảm nghiệm được niềm vui và lòng biết ơn này, tạo ra nơi cơ thể người thi ân một cảm giác ấm áp. Cảm giác ấm áp này lại kích thích cơ thể bài tiết ra thêm nhiều chất kháng tố, chống lại những xâm nhập của vi trùng bệnh và làm cho đương sự cảm thấy rất thoải mái, quên hết những ưu phiền.
Để thử nghiệm nguyên tắc làm việc tốt để chữa bệnh và phòng bệnh, bác sĩ Horis tại bệnh viện của đại học California ở San Francisco đã khuyến khích các bệnh nhân hãy làm việc tốt giúp đỡ lẫn nhau để mau lành bệnh. Kết quả trông thấy được là những bệnh nhân nào sẵn sàng làm việc tốt cho kẻ khác thì mau lành bệnh hơn là các bệnh nhân ích kỷ, sống khép kín trong những âu lo phiền muộn riêng mình.
2. "Những ai thực hiện ý Cha Thầy trên Trời thì mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21).
Năm 1971, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã loan báo việc trao giải thưởng Gioan 23 cho mẹ Têrêsa thành Calcutta với những lời lẽ như sau: "Giải thưởng được trao cho một nữ tu khiêm tốn, âm thầm, nhưng không lọt qua được đôi mắt quan sát của những ai đã chú ý đến công việc phục vụ bác ái cho những người nghèo. Nữ tu có tên là Têrêsa thành Calcutta. Từ 20 năm đã qua, trên khắp các nẻo đường đất nước toàn cầu, nữ tu thực hiện một cách tuyệt diệu sứ mạng tình thương đối với những người cùi, những kẻ già lão bị bỏ rơi và những trẻ em mồ côi".
Đây là bí quyết phục vụ người nghèo của mẹ: "Bí quyết đời sống tôi rất đơn sơ. Đó là cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện, tôi được phúc say mê yêu mến Chúa Kitô và tôi hiểu được rằng, cầu nguyện là yêu mến Chúa và thực hành Lời Chúa. Cầu nguyện giúp tôi nhớ lại và sống Lời Chúa phán: "Ta đói, các con cho Ta ăn, Ta đau yếu, bị cầm tù, các con đã đến viếng thăm.” (Mt 25,35).
Có lần mẹ đã phát biểu: tôi muốn các nữ tu của tôi luôn có nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của họ. Tôi đã cho về nhà nhiều thiếu nữ dự tu, vì họ chưa vui vẻ đủ, họ không có khả năng để cười. Khi tôi thấy các nữ tu đi làm việc mà mặt mày ủ rũ, nụ cười chưa tươi nở trên môi, tôi liền nói với họ: "Các chị hãy về nhà ngủ một giấc, rồi sau đó mới đi làm việc, các chị quá mệt mỏi rồi".
Mẹ Têrêsa quả đã sống cho đến cùngnhững đòi hỏi của Tin Mừng. Mẹ đã nhiều lần quả quyết rằng, công việc mẹ và các nữ tu của mẹ đang thực hiện không phải là công tác xã hội mà thiết yếu là hành động bác ái. Hành động bác ái hay sống bác ái là sống rao giảng Tin Mừng, mà nói đến Tin Mừng là nói đến vui tươi, hân hoan.
Vâng! Tin Mừng phải được thể hiện qua cuộc sống, đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa, Ngài mới là Chén Máu Thánh bổ sức cho con, mời anh em con uống lấy trọn đời con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa, Ngài mới thật sự là đường
Nhưng con lại có thể chỉ đường cho anh em con bước đi.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa, Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể làm cho ánh mắt anh em con thêm sáng ngời long lanh. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
SUY NIỆM 2: THỰC THI Ý CHÚA.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lần phát biểu: Tôi muốn các nữ tu của tôi luôn có nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của họ. Tôi đã cho về nhà nhiều thiếu nữ dự tu, vì họ chưa vui vẻ đủ, họ không có khả năng để cười. Khi tôi thấy các nữ tu đi làm việc mà mặt mày ủ rũ, nụ cười chưa nở trên môi, tôi liền nói với họ: "Các chị hãy về nhà ngủ một giấc, rồi sau đó mới đi làm việc, các chị quá mệt mỏi rồi".
Mẹ Têrêsa quả đã sống cho đến cùng những đòi hỏi của Tin Mừng. Mẹ đã nhiều lần quả quyết rằng công việc mà Mẹ và các nữ tu của Mẹ đang thực hiện không phải là công tác xã hội, mà thiết yếu là hành động bác ái. Hành động bác ái hay sống bác ái là sống và rao giảng Tin Mừng, mà nói đến Tin Mừng là nói đến vui tươi, hân hoan. Do đó, thật mâu thuẫn khi Tin Mừng được sống với bộ mặt ủ rũ, khi Tin Mừng được loan báo với cung giọng buồn thảm.
Tin Mừng phải được thể hiện trước tiên qua cuộc sống của người rao giảng Tin Mừng, đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu bật những đòi hỏi ấy qua dụ ngôn hai ngôi nhà: ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, dù mưa sa bão táp cũng không thể làm lay chuyển, đó là hình ảnh người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ không chỉ lắng nghe lời Ngài, mà còn đem áp dụng vào cuộc sống. Ngôi nhà xây trên cát, đó là hình ảnh của những người nghe lời Chúa, nhưng không đem ra thực hành.
Tin Mừng vốn không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ được hiểu biết suông, mà để được thực thi; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể. Tựu trung đây cũng là sự nối dài và đòi hỏi của mầu nhiệm Nhập Thể trong đời sống đức tin. Thiên Chúa Nhập Thể làm người không chỉ là một chân lý trừu tượng, Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt; Ngài không phải là khách bàng quan đứng ngắm nhìn lịch sử nhân loại, Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, Ngài không rao giảng Thập giá như một lý thuyết suông. Ngài đã thực sự vác lấy Thập giá và đón nhận mọi khổ đau của con người. Do đó, tuyên xưng Thiên Chúa Nhập Thể làm người không phải chỉ là tuyên xưng một chân lý, mà thiết yếu là đi vào con đường Nhập Thể của Ngài.
Không thể có Kitô giáo và niềm tin Kitô mà không có dấn thân; không thể là môn đệ Chúa Kitô mà không đi lại con đường của Ngài; không thể rao giảng Tin Mừng bằng những lời nói suông; không thể sống niềm tin Kitô mà không mỗi ngày cố gắng nên hoàn thiện như Cha trên trời. Chúng ta vốn thán phục những người làm nhiều, hơn là những kẻ nói nhiều. Nói mà không làm là kẻ dối trá, nói một đàng nhưng làm một nẻo là kẻ lừa gạt. Tất cả rồi cũng qua đi, chân lý chỉ thực sự chiếu tỏ bằng cuộc sống trung thực mà thôi.
Nguyện xin Chúa gia tăng ý thức ấy nơi chúng ta. Xin cho niềm tin chúng ta tuyên xưng trên môi miệng được diễn đạt một cách sống động qua cuộc sống mỗi ngày. Xin cho đức ái luôn chiếu tỏa bằng những hành động cụ thể, để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3:
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói: “Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”. Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
1. Ơn cứu độ và Lề Luật
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật. Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức mà thôi, làm vì bị buộc và để lương tâm và người khác không chê trách, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống.
Chính vì thế mà Đức Giê-su nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu!” Và Ngài cũng nói, có những người danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác. Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Chúa nhấn mạnh: Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi.
Ở đây Đức Giê-su không nói thi hành “Lề Luật”, nhưng là thi hành “ý muốn của Cha Thầy”, và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà ý muốn của Thiên Chúa lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
2. Ý muốn của Chúa Cha
Như thế, để được vào Nước Trời, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thi hành “ý muốn của Chúa Cha”. Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ: khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phài nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.
3. Lời của Đức Giê-su
Vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha: đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng: Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Và nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này. Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện cần phải có để vào nước trời. Đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Xin cho chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và nổ lực đem lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ thế hy vọng chúng ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Có một câu chuyện kể rằng: Một người nông dân nghèo, được vào thiên đàng, ông nhìn thấy người ta mang những vật rất kỳ lạ vào trong nhà bếp. Ông thắc mắc và lên tiếng hỏi: Cái gì thế? Có phải để nấu súp không ?
Không phải. Đó là những cái tai của con người. Khi sống ở trần gian, tai giúp họ nghe những điều tốt lành, nhưng họ không làm điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có tai của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Một lát sau, người nông dân lại nhìn thấy người ta mang vào nhà bếp những vật kỳ lạ khác. Ông cũng lên tiếng hỏi: Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?
Không phải. Đó là những cái lưỡi của con người. Khi sống trên đời, lưỡi khuyên bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ lại không sống; không làm những điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có lưỡi của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Như vậy để được hưởng trọn vẹn hạnh phúc nước trời không chỉ có nghe và nói những lời hay ý đẹp mà thôi. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy trong đời sống.
Nghe lời Chúa không chưa đủ, điều quan trọng là phải thực hành lời Chúa.
Bởi lẽ thực hành lời Chúa thì được xem là người khôn ngoan, vì đã xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là đá. Cho dù mưa sa, bảo táp cũng không tài nào sụp đỗ. Ngược lại nếu chỉ nghe và nói lời Chúa mà thôi, thì được xem như người khờ dại, vì đang xây dựng đời mình trên nền cát. Do đó khi mưa sa, gió bảo thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Xin Chúa cho chúng ta không chỉ giữ đạo trên môi miệng mà điều quan trọng là biết lắng nghe và đem lời Chúa áp dụng vào thực tế đời sống. Nhờ thế chúng ta mới xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc nước trời.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5: ĐIỀU KIỆN VÀO NƯỚC TRỜI
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
Người ta thường nói “con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay”, con đường đó tùy thuộc vào sự đáp trả của mỗi người trước lời Chúa. Mỗi ngày chúng ta nghe lời Chúa, ca tụng vinh quang của Ngài trong các giờ kinh nguyện và tâm sự với Ngài qua các giờ nguyện gẫm. Phải chăng chúng ta đã hoàn thành phận sự của người Kitô hữu và chúng ta đương nhiên sẽ vào nước trời trong ngày sau hết? Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở suy nghĩ đó và mãn nguyện với nó thì chúng ta sẽ giống như “người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy giống như “người khôn xây nhà trên đá”; Ngài đòi hỏi chúng ta phải làm chứng cho Nước Trời không chỉ ở trên môi miệng mà còn qua việc thực hành yêu thương bác ái trong chính cuộc sống của mình. Đó là điều kiện tiên quyết cho những người môn đệ chân chính muốn vào Nước Trời.
Lạy Chúa, như Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, con người thời nay cần “chứng nhân” hơn là “thầy dạy”, xin cho mỗi người chúng con luôn ý thức sứ mạng chứng tá của mình trong cuộc sống hôm nay, để Nước Thiên Chúa luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi.
Tu sĩ Phêrô Trần Thái Đức, SVD