Thứ Ba tuần 20 thường niên – Đức Maria Nữ Vương

Thứ hai - 21/08/2023 03:28
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

29072020 103046

SUY NIỆM 1: Tôi là nữ tì của Chúa-- Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Maria, một thôn nữ của ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.
Cô đã đính hôn, và cứ sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.
Cuộc sống của Cô bề ngoài chẳng có gì khác thường.
Nhưng bên trong, Cô là một kiệt tác của Thiên Chúa.
Đơn giản vì Cô được tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu
để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.
Thiên Chúa đã làm những điều tốt đẹp nhất cho Cô
để Cô xứng đáng với đặc ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.
Thiên Chúa muốn Con Một của Ngài làm người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người mẹ trần thế cho Người Con ấy.
Maria được chọn và được chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.
Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của Cô.
Maria có chấp nhận cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không?
Một Thiên Chúa tôn trọng tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.
Thiên Chúa cần sự gật đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin
để Con của Ngài được làm người ở trên trái đất.
Thiên Chúa khiêm tốn không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.
Ngài muốn Con của Ngài được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.
Đúng hơn đây là chuyện Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.
Lời chào của sứ thần làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).
Maria được chào là Đấng đầy ân sủng,
nghĩa là người được Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.
Ngài vẫn luôn ở cùng Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.
Sứ thần báo tin Cô sẽ thụ thai một con trai.
Người Con này là Con Đấng Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).
Hẳn Maria biết ngay là mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,
một danh dự mà bao thiếu nữ Do thái mong đợi.
Nhưng Maria vẫn chưa hiểu làm sao Cô có thể thụ thai
khi Cô chưa làm lễ thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).
Sứ thần cho biết việc Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.
Cô có con là vì “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô
và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).
Người chồng tương lai của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.
Con của Cô sẽ được gọi là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.
Maria đã nói tiếng Xin Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).
Cô đã thụ thai từ khi nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.
Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.
Ngài cũng cần từng người chúng ta để cứu độ cả nhân loại.
Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,
thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

SUY NIỆM 2: VƯƠNG QUYỀN THẦN LINH − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Lễ Đức Maria Nữ Vương diễn tả lòng sùng kính từ xa xưa đối với Đức Maria đầy quyền năng. Lễ này được đặt vào ngày thứ tám sau lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời như muốn diễn tả quyền năng ấy khi Ngài đã về trời. Tuy nhiên, phải hiểu thế nào về quyền năng này của Đức Maria để tránh những hiểu lầm sinh ra đối kháng với anh chị em thuộc các kitô giáo khác, bởi vì khi bàn về vương quyền của Chúa Kitô, thánh Phaolô viết: 
“Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” (1Cr 15,25-28).
Trước hết phải nói là văn hoá nhân loại khiến cho chúng ta tưởng tượng về vương quyền của Thiên Chúa giống như của các vua chúa trần gian, với toàn quyền sinh sát, để khẳng định mình, tuỳ ý theo cảm tính. Và ở đó có sự cạnh tranh, phân chia quyền lực. Trong lãnh vực tâm linh, không có chuyện cạnh tranh hay phân chia quyền lực này. Tất cả đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không nên tán dương Đức Maria cách quá đáng làm Mẹ “ái ngại”. Lời Chúa hôm nay chỉ nói về vương quyền của Thiên Chúa và Đức Maria như người nữ tỳ khiêm tốn.
Kế đến, việc tôn sùng Đức Maria đôi khi mang nét cảm tính và vì ích lợi cho người tôn sùng, cho nên có những suy nghĩ rằng: xin ơn với Đức Maria dễ hơn, là mẹ Ngài dễ cảm thông hơn; từ đó đi đến suy nghĩ: Đức Maria quyền thế trước mặt Chúa lắm, xin gì cũng được! Người ta làm cho Thiên Chúa trở thành xa xôi, nghiêm khắc, không hiểu lòng người... Khi đề cao Đức Maria quá đáng, người ta lại hiểu sai về Thiên Chúa! Tất cả là vì lợi ích của người xin ơn thôi. Những kinh cầu, nếu không cẩn thận, cũng rơi vào trường hợp tương tự. Người ta suy tôn Đức Maria, thánh Giuse lên tột đỉnh để mong các ngài ban cho ơn mình muốn xin! Lối suy tôn ấy mang màu sắc ích kỷ!
Việc suy tôn Đức Maria Nữ Vương nên hiểu như là hoa trái của hành trình người nữ tỳ. Ngày nay, khi được Thiên Chúa đón nhận, Đức Maria trở thành người cộng tác đắc lực với Thiên Chúa cho ơn cứu độ của con người. Đức Maria chia sẻ cùng tấm lòng của Thiên Chúa dành cho hạnh phúc nhân loại.

SUY NIỆM 3: Đức Maria Nữ Vương – Biến cố truyền tin--Giuse Đinh Thành Đạt SDB
Một phụ nữ mang trong mình mầm sống đã được 7 tháng, chị hết sức vui mừng và hạnh phúc, nhưng chị lại không có được sức khỏe bình thường như những bà mẹ khác.
Sau khi đã theo dõi sức khỏe của chị một thời gian dài, bác sĩ quyết định nói cho chị biết sự thật rằng bệnh của chị hiện tại không cho phép chị sinh em bé, nếu chị sinh con thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì vậy chị chỉ có thể chọn lựa một là bỏ em bé, hai là giữ lại thai nhi nhưng chị sẽ có nguy cơ mất mạng rất cao. Họ rất thông cảm với chị và mong chị suy nghĩ cho kỹ hầu có được quyết định đúng đắn.
Người mẹ trẻ hết sức bối rối và đau lòng, nhưng sau một thời gian, chị đã quyết định hy sinh bản thân cho con mình được sống.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận được rất nhiều thông tin mỗi ngày. Có những thông tin chỉ hời hợt, nhưng cũng có những thông tin thật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi người.
Nếu có người đưa đến cho bạn hai thông tin nào đó rất quan trọng, một tin vui và một tin buồn thì bạn sẽ muốn nghe loại nào trước? Có thể chúng ta sẽ phân vân chưa biết chọn tin nào trước, nhưng một thực tế là thông tin ấy có liên quan đến cuộc sống của chúng ta, bạn không thể nào phủ nhận nó được và cần có thêm chút thời gian để chọn lựa.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Maria cũng lâm vào hoàn cảnh phải tiếp nhận một thông điệp gửi đến từ sứ thần của Chúa, nhưng ngài không có được thời gian để suy nghĩ, chọn lựa như người mẹ trong câu truyện trên, dù rằng đây là một tin trọng đại liên quan đến cả cuộc đời Mẹ. Trong hoàn cảnh của Mẹ phải đối diện lúc này là một vinh dự cao cả, một sự thiện tuyệt đối không thể chối từ: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao". Có lẽ cũng có người trong chúng ta thắc mắc rằng việc làm Mẹ Thiên Chúa là một vinh dự lớn lao như vậy thì có gì phải chần chờ, có gì mà khó khăn, có gì mà bối rối? Nếu là tôi thì sẽ nhận lời tức khắc!
Chúng ta sẽ nghĩ thế nào nếu chính chúng ta trong hiện tại là một cô gái mười sáu trăng tròn, bỗng dưng có một vị thiên sứ hay một người nào đó đến báo tin rằng chúng ta sẽ có thai và đứa con đó là Thiên Chúa? Liệu chúng ta có đủ niềm tin để đón nhận hay không?
Khi chúng ta nói cho người khác rằng con của mình không phải là kết quả của người phàm và đó là Thiên Chúa, liệu họ có tin không? Chúng ta sẽ xoay xở thế nào trong cuộc sống để nuôi dưỡng con mình bằng kinh nghiệm non trẻ ấy?
Đức Maria thời ấy lại còn phải đối diện với việc giải thích thế nào cho người bạn đời của mình tin và hiểu. Hơn nữa vào thời ấy, một khi người phụ nữ nào không chồng mà có con sẽ phải đối diện với việc bị ném đá cho đến chết!
Việc Đức Maria mang thai trong thời điểm này chẳng khác nào người mẹ trong câu truyện trên đang đón nhận một thông tin liên quan đến chính mạng sống của mình.
Chính việc can đảm đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và tín thác hoàn toàn vào Ngài để thực hiện trọn vẹn sứ vụ của mình cách hoàn hảo, Đức Maria đã trở nên một Nữ Vương trong việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Cuộc sống của chúng ta không thiếu những thông tin tích cực lẫn tiêu cực ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng ta, và không ít lần chúng ta đã than trách, đã chạy trốn trước những thách đố của cuộc sống và rất có thể đã không còn sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Vì vậy chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria trong cách đón nhận từng biến cố, chúng ta không phản ứng nóng vội trước mọi thông tin, nhưng là tìm ra ý Chúa và luôn sẵn lòng thực thi thánh ý Thiên Chúa trong lời thưa "xin vâng" bằng sự khiêm nhường sâu thẳm và tín thác vào Chúa quan phòng theo gương Mẹ Maria.
Trong mỗi biến cố của cuộc sống, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ và tin rằng Đức Maria Trinh Nữ Vương sẽ luôn che chở và phù giúp chúng ta khi chúng ta chạy đến cùng ngài.

SUY NIỆM 4: Mẹ tuyệt vời--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
Câu chuyện
Sự tôn sùng Đức Trinh Nữ Vương đã có từ lâu đời trong Giáo hội: Vào thế kỷ thứ tư, thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng hậu và sau đó các Giáo phụ cũng như các Tiến sĩ Hội thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ XI cho đến XIII đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: “Kính mừng Hoàng hậu Thánh Thiện”, “Kính mừng Hoàng hậu Thiên Ðàng”. Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách Nữ vương của Đức Maria.
Đức Giáo hoàng Piô VII vào thế kỷ XIX đã cho phép một số giáo phận mừng lễ Đức Trinh Nữ Vương. Đức Giáo hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính Đức Trinh Nữ Vương đặc biệt. Đức Giáo hoàng Piô XII đã long trọng dâng loài người cho trái tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Vương vào năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ hai đang ngập tràn. Năm 1944, chính Đức Giáo hoàng Piô XII đã truyền mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương trong Giáo hội toàn cầu. Ngày 1 tháng 11 năm 1954, tức bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về Trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân Rôma”.
Cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô VI thực hiện vào năm 1969, Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức tám ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời. Chính Đức Phaolô VI định nghĩa về Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: Tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền” (Tông huấn Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria).
Suy niệm
Tại Nadarét hẻo lánh, Maria đón một vị khách lạ, sứ thần Gabriel đến với lời chào: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Lời chào và sự loan báo của sứ thần làm Maria bối rối vì cô Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse, vì không hiểu hết sự việc hơn nữa mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả. Sứ thần Gabriel giải thích: “Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” lời tiên báo của ngôn sứ về hồng ân vĩ đại cho con người: Thiên Chúa ở với dân Người như ngôn sứ Isaia nói về tên Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7,14), Thiên Chúa ở cùng nhân loại nhưng trước hết với và qua Đức Maria: Đấng được Đức Chúa ở cùng, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế.
Maria thắc mắc làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, cô đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ thần giải thích: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ”. Sứ thần quả quyết: “Uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, sứ Thần khẳng định: “Vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Dù chưa hiểu và biết rõ hết sự việc, Maria khiêm tốn đặt toàn bộ cuộc đời của mình trong thánh ý của Thiên Chúa qua việc đáp trả: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”, Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian, như một tôi tớ khiêm cung, yêu mến và phó thác trong tin tưởng.
Thánh Augustinô cho ta thấy vai trò cao cả của Đức Maria trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa: “Đấng các tầng trời không đủ sức chứa, lại được cưu mang nơi cung lòng một người phụ nữ. Mẹ điều hành Vị Thủ Lãnh của chúng ta; Mẹ mang Đấng mà chúng ta đang ở trong; Mẹ ban tặng sữa cho Đấng là Bánh của chúng ta”. Những lời ca tụng trên đây làm nổi bật tất cả những đặc ân, tước hiệu, cũng như vinh dự của Đức Maria phát xuất từ vai trò có một không hai của Ngài: Mẹ Đấng Cứu Thế. Người Mẹ ấy đã âm thầm chia sẻ, cộng tác với Con Mình trong những ngày gian khổ ở trần thế Maria vẫn luôn “xin vâng” hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Khi hoàn tất sứ vụ ở trần gian, Maria được rước về Trời cả hồn lẫn xác, để rồi được đặt làm Nữ Vương Thiên Quốc, tiếp tục vai trò cầu bầu như người Mẹ của cả nhân loại: “... Đức Maria sáng chói như Nữ hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở” (Marialis cultus, 6)
Chúng ta mang tâm tình cùng với Đức Giáo hoàng Piô XII: “Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”.
Ý lực sống:
“Kính chào Ðức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào Lẽ Cậy Trông”. (Trích Salve Regina)

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây