THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA, TÔNG ĐỒ - LỄ KÍNH

Thứ bảy - 26/10/2024 22:55

THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA, TÔNG ĐỒ - LỄ KÍNH

Lc 6,12-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

12Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, 15Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, 16Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

SUY NIỆM: LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ

Bài Tin mừng và bối cảnh của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta đọc lại cuộc đời và sứ mạng tông đồ của 2 Thánh Simon và Giuđa, và hãy nghiệm xem, qua các ngài, Chúa đang muốn nói với chúng ta điều gì.

Simon mà chúng ta kính nhớ hôm nay không phải là Simon Phêrô, mà là Simon Nhiệt thành. Ông là “đảng viên” thuộc nhóm “quá khích”. Tuy xuất phát từ lòng ái quốc, nhưng nhóm này đã có những hành động hết sức cực đoan. Nhóm này chống lại việc nộp thuế cho đế quốc La Mã, sẵn sàng sử dụng khủng bố để tấn công, và họ không bao giờ dung tha cho bất kì một người Do Thái nào dám bắt tay với Đế quốc. Chính sự quá khích này đã làm bốc nhiệt thêm lòng thù hận giữa Do Thái và La mã thời ấy. Để rồi vào năm 70, La Mã đã đem quân chiếm đóng Giêrusalem - dân Chúa mất đền thờ và phải sống kiếp nô lệ: “Lợi bất cập hại”.

Mang trong mình dòng máu quá khích, Simon theo Chúa Giêsu để muốn nói cho Ngài biết thiện chí của mình, của nhóm mình, và muốn Chúa Giêsu về phe của mình. Simon muốn “cảm hóa” Chúa Giêsu, nhưng không ngờ ông lại bị Chúa Giêsu cảm hóa. Nhưng điều đáng nói ở đây là, mặc dầu Simon biết Chúa đang quyến rũ mình, nhưng ông lại để cho Chúa quyến rũ. Ông đã từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

Thưa anh chị em, trong cương vị là một người kitô, là  một thành viên của Giáo Hội và của Giáo xứ, đôi lúc chúng ta có những sáng kiến hoặc ý kiến của riêng mình, và muốn đóng góp xây dựng; Giáo Hội luôn trân trọng lòng thiện chí ấy của mỗi chúng ta. Nhưng anh chị em hãy nhớ điều này, “người tính không bằng trời tính”, chúng ta tính không bằng Chúa tính. 

Do đó, dù là Cha xứ hay Cha phó, dù là Hội đồng mục vụ hay là bà con giáo dân, thì mỗi người cũng hãy khiêm tốn để cho Chúa thanh luyện lòng thiện chí của mỗi chúng ta. Hãy để ý mình hòa tan trong ý Chúa, chứ đừng bắt ý Chúa hòa tan trong ý mình. Và đừng bao giờ để mình trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là bài học mà chúng ta rút ra được từ Thánh Simon.

Vậy Thánh Giuđa, hay còn gọi là Tađêô để lại cho chúng ta bài học gì? 

Thánh Gioan cho biết, có lần Thánh Giuđa cứ băn khoăn mãi và đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tại sao Thầy chỉ tỏ mình ra cho chúng con mà lại không tỏ ra cho thế gian?” Và Chúa Giêsu cho biết lý do đó là tình yêu: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy…” Kể từ đó, Thánh Giuđa đã chọn lấy tình yêu làm con đường thiêng liêng cho riêng mình. Chính điều ấy đã thúc bách ngài nhiệt thành và hăng say “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem chan hòa vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Thưa anh chị em, nếu chúng ta thật lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và yêu mến nhau, thì mỗi người hãy để cho Chúa nắm lấy tay mình và dắt đi trên con đường mà Chúa muốn chúng ta đi, đó là con đường hiệp nhất, đường yêu thương, đường thứ tha; chứ không phải là đường chia rẽ, đường thù hận. Đó là điều mà Giáo Hội muốn chúng ta học lấy nơi con người của Thánh Giuđa.

Tóm lại, mỗi một vị thánh luôn để lại cho chúng ta ít là một bài học đức tin: Thánh Simon dạy chúng ta “bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa”, còn Thánh Giuđa dạy ta “yêu người như Chúa yêu ta”. Ước gì những điều ấy sẽ giúp chúng ta nên thánh từng ngày. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC SỐNG LÀ THEO CHÚA GIÊSU

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Simon và Thánh Giuđa tông đồ. Cả hai vị thánh là những người bình thường được chính Chúa Giêsu chọn để dạy người khác về tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc sống của các ngài giúp chúng ta hiểu rằng ngay cả những người bình thường, yếu đuối có thể trở thành những vị thánh khi họ quyết định theo Chúa Giêsu. Cả hai được biết đến bằng những tên khác khi còn sống. Thánh Simon được gọi là “Người Nhiệt Thành.” Một người nhiệt thành là người dấn thân một cách mạnh mẽ cho một cái gì đó. Trong trường hợp của Simon, thánh nhân tin chắc vào tầm quan trọng của những người theo luật Do Thái. Khi gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của thánh nhân đã bị thay đổi và thánh nhân tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là theo Chúa Giêsu và đem những lời giảng dạy của Ngài ra thực hành. Từ Thánh Simon chúng ta học biết nhận ra việc theo Chúa Giêsu là quan trọng nhất. Liệu chúng ta có đánh đổi việc theo Chúa Giêsu cho những điều khác không?

Thánh Giuđa cũng được gọi là Giuđa Tađêô. Chúng ta thường dùng tên này để không lẫn lộn với Giuđa là người môn đệ trong nhóm Mười Hai đã phản bội và nộp Chúa Giêsu. Thánh Giuđa là bổn mạng của những người không có hy vọng hoặc đang sống trong những hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhiều người thường cầu nguyện với thánh Giuđa khi họ cảm thấy không có ai hiểu họ và không có ai để họ chạy đến kêu cứu. Họ xin thánh nhân mang những khó khăn của họ đến với Chúa Giêsu. Bởi vì thánh Giuđa có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta biết rằng không có gì là không thể cho những ai tin tưởng vào Thiên Chúa. Từ Thánh Giuđa chúng ta được mời gọi trở nên chỗ dựa cho những anh chị em không tìm thấy nơi nương tựa nơi người khác.

Thánh Simon và Thánh Giuđa hành trình với nhau để dạy người khác về Chúa Giêsu. Bởi vì họ là những chứng nhân đầu tiên về những phép lạ, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nên nhiều người đã tin vào lời chứng của các ngài và tin vào Thiên Chúa. Theo tương truyền, Thánh Simon và Giuđa chết cho niềm tin trong cùng một ngày ở Bêrút. Thi thể của Thánh Giuđa được đưa về Rôma nơi thánh nhân được chôn trong một phần mộ dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Khi chúng ta tôn kính hai thánh nhân, chúng ta được mời gọi học hỏi tất cả những điều cần thiết về Chúa Giêsu để chia sẻ cho người khác như các ngài đã làm. Chúng ta cùng nhau học hỏi những điều cần biết về Chúa Giêsu trong các bài đọc của ngày lễ mừng kính các ngài.

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu chính là “đá tảng góc tường’ trên đó các Tông Đồ là nền móng và mọi người là dân thánh được xây dựng cách vững chắc. Chính Chúa Giêsu là Đấng mang lại sự hiệp nhất của toàn bộ những ai thuộc dân thánh. Chỉ trong Chúa Giêsu, “toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:21-22). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại nền tảng của cuộc sống mình. Đồng thời, những lời này cũng cảnh báo rằng nơi nào có sự chia rẽ và phân tán, ở đó Chúa Giêsu không còn là trung tâm điểm mọi người quy chiếu về.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần thứ nhất (Lc 6:12-16) nói về việc Chúa Giêsu chọn những người mà Ngài gọi là các Tông Đồ. Trong phần thứ hai (Lc 6:17-19), Chúa Giêsu tỏ cho các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn được biết những việc Ngài làm, những việc mà chính họ sẽ được sai đi để thực hiện. Điều chúng ta cần suy gẫm trong lễ kính hôm nay là những điều cần biết về Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta rút ra được điều gì về Chúa Giêsu từ bài Tin Mừng hôm nay?

Điều thứ nhất chúng ta cần biết là Chúa Giêsu luôn dành thời gian để đối thoại với Thiên Chúa. Một cách cụ thể hơn, Ngài luôn cầu nguyện trước khi “đưa ra những quyết định quan trọng: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý đến hai hình ảnh, đó là hình ảnh “núi” và “màn đêm.” Trong Kinh Thánh, hình ảnh “núi” ám chỉ đến nơi Thiên Chúa hiện diện, hay nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi ra núi ám chỉ việc Ngài gặp gỡ Thiên Chúa và điều này xảy ta trong khi Ngài cầu nguyện. Nhìn từ khía cạnh này, cầu nguyện là hình thức mà qua đó chúng ta sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và đồng thời gặp gỡ Ngài cách cá vị. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh màn đêm. Hình ảnh này luôn ám chỉ đến mãnh lực sự dữ. Chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm nhắc nhở chúng ta về việc liên lỉS cầu nguyện, nhất là khi chúng ta đang bước đi trong đêm tối của cuộc đời. Càng gặp khó khăn bao nhiêu, chúng ta phải bám vào Chúa bấy nhiêu.

Điều thứ hai chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Ngài gọi và chọn những người theo Ngài và những người Ngài chọn thuộc mọi tầng lớp khác nhau: “Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội” (Lc 6:13-16). Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hình ảnh “ánh sáng.” Sau khi ra khỏi “bóng đêm” với lời cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, Chúa Giêsu có “ánh sáng” của ban ngày để “kêu và “chọn” các Tông Đồ. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải luôn khôn ngoan trong các quyết định của mình. Chúng ta không quyết định gì, nhất là những quyết định quan trọng trong cuộc sống, nếu chúng ta đang đi trong bóng đêm và chưa có đủ ánh sáng từ Thiên Chúa để thấy rõ mọi sự trước khi quyết định.

Điều thứ ba chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Chúa Giêsu luôn đồng hành và hiện diện với các môn đệ của Ngài. Sự hiện diện của Ngài luôn mang lại sự chữa lành: “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:17-19). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ hai việc quan trọng mà Ngài mời gọi họ học ở Ngài để Ngài sẽ sai họ đi thực hiện là giảng dạy về Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng. Nói cách cụ thể hơn, ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu hoặc các môn đệ của Ngài, ở đó có Tin Mừng được rao giảng và có sự chữa lành. Là những môn đệ Chúa Giêsu, sự hiện diện của chúng ta với những người khác như thế nào: chúng ta có đem Tin Mừng và sự chữa lành cho người khác

Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: KHÔNG GIAN THÁNH

“Anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”. 

Trong một tập sách viết về các giáo xứ, tác giả ví von so sánh các ‘nhà thờ sống’ với các ‘nhà thờ chết’ thế này: “Mục chi của ‘nhà thờ sống’ luôn nhiều hơn mục thu; ‘nhà thờ chết’ không cần nhiều tiền! ‘Nhà thờ sống’ luôn có vấn đề về chỗ đậu xe; ‘nhà thờ chết’ có thừa mặt bằng! ‘Nhà thờ sống’ có thể ồn ào vì trẻ em la hét, chạy nhảy; ‘nhà thờ chết’ đìu hiu như nghĩa trang! ‘Nhà thờ sống’ liên tục thay đổi cách thức hoạt động, luôn cần những không gian thánh; ‘nhà thờ chết’ không cần đổi thay, nhện tha hồ dăng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một Hội Thánh sống động không chỉ cần những không gian sinh hoạt; nhưng quan trọng hơn, các tâm hồn, đền thờ Chúa Ba Ngôi. Đó là những ‘không gian thánh’ không thể thiếu! Thư Phaolô lễ kính hai thánh Simon và Giuđa viết, “Cả anh em nữa, anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”.  

Về Simon và Giuđa, Tân Ước cho biết rất ít. Tên hai vị nằm cuối nhóm Mười Hai, chỉ trước Giuđa Iscariôt. Thế nhưng, kinh ngạc thay, họ vẫn là những ‘không gian thánh’ đầu tiên trong toà nhà Giáo Hội. Như vậy, giữa những trụ cột của toà nhà mang tên “Hội Thánh”, có “Simon nhiệt tâm”, phân biệt với Simon Phêrô, tông đồ trưởng; và “Giuđa con Giacôbê”, hay “Giuđa Tađêô”, phân biệt với Giuđa Iscariôt, kẻ nộp Thầy.

Simon được biết như một người nhiệt thành, có lẽ vì ông thuộc nhóm cực đoan chống lại Rôma. Giuđa, được biết như vị tông đồ cuối cùng mà các tín hữu sơ khai cầu cứu; việc cầu nguyện với Giuđa Tađêô nhắc nhở mọi người về kẻ phản bội cùng tên với ngài. Trong sự quan phòng của Chúa, Giuđa Tađêô trở thành vị tông đồ cuối cùng được cầu xin, trở nên niềm hy vọng sau hết cho nhiều người. Vì thế, truyền thống gọi Tađêô là “Vị Thánh Bảo Trợ cho những người thực sự vô vọng”. Dẫu sao, hai ngài cũng là những môn đệ đầu tiên đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất; Thánh Vịnh đáp ca ghi nhận, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Như thế, cùng với các tông đồ, bạn và tôi là những ‘không gian thánh’ trong toà nhà Giáo Hội. Hãy là một không gian thánh thiện đầy Chúa, nơi cuốn hút mọi người đến với Ngài. Đồng thời, như các ngài, chúng ta lên đường tặng trao Tin Mừng, tạo nên một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của bao người khác. Trong mọi đấng bậc, dẫu hình thức có khác nhau, nhưng bạn và tôi có chung một sứ mệnh đem tình yêu và lòng thương xót Chúa đến cho vô vàn anh chị em gần xa, tận mút cùng thế giới, mãi tận các chân trời.

Kính thưa Anh Chị em,

Mỗi ngày rước Chúa, bạn và tôi là cung điện của Chúa Ba Ngôi ở giữa trần gian; sống động hơn, những “nhà tạm di động” của Chúa Giêsu, Đấng ước mong tâm hồn mỗi người luôn trở nên một chốn rất thánh cho Ngài; để qua chúng ta, Ngài có thể gần gũi, hàn huyên, yêu thương và cảm thông với bao anh chị em khác. Chớ gì chúng ta biết ‘dọn nhà’ thật xứng đáng để đón Ngài, sống thiết thân với Ngài; hầu không chỉ tâm hồn chúng ta thánh, mà môi trường chúng ta cũng thánh; và này đây, một thế giới sẽ thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ‘nhện dăng’ linh hồn con, cho con thật thánh; ở đó, ai cũng có thể gặp Chúa. Cách riêng, những ai chưa một lần nghe nói đến sự thánh thiện!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 

 SUY NIỆM: NGƯỜI CHỌN MƯỜI HAI ÔNG

Câu chuyện

 Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ con đây!”, rồi chạy lại với Thầy Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”. Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi”. Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa. Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”…

Được sự hướng dẫn của thầy Êli, Samuel nhận ra tiếng Chúa và đáp trả: “Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đức Chúa ở với cậu, và cậu không để một lời nào của Chúa ra vô hiệu (x. 1Sm 3,10.19). Samuel đã biến đổi nhờ Lời Chúa, đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại trong lịch sử Israel…

Suy niệm

Thầy Giêsu gọi và chọn mười hai môn đệ không chỉ là những người học trò nhỏ lắng nghe lời Thầy nhưng trở nên người bạn hữu với Thầy (x. Ga 15), người bạn hữu tiếp tục sứ mạng của Ngài khi mang nhiều hoa trái (x. Ga 15) trong sứ vụ đem Tin Mừng cho nhân gian, đó là sứ vụ đem ánh sáng cứu độ mà Chúa Kitô được ủy thác khi Ngài đến thế gian.

Ngài gọi các môn đệ “Các anh hãy theo Thầy” (Mt 4,19) một lời mời gọi lên đường. Hãy gắn bó với Thầy và chia sẻ thao thức của Thầy: Lên đường cùng Thầy chung tay gánh vác sứ vụ mang ánh sáng tình yêu cứu độ.

Người môn đệ theo Chúa bỏ lại cái an toàn êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô, êm ấm bên nghề nghiệp trong khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới như trường hợp của Giacôbê và Gioan, chấp nhận ra khơi, bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc. Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp, để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người, trong sự tận tụy chu toàn sứ mệnh loan báo nước Thiên Chúa.

Trong cuộc sống hằng ngày, Thiên Chúa vẫn gọi tôi và bạn trở nên môn đệ, bạn hữu trong bất cứ vị trí nào của cuộc sống: Người linh mục, tu sĩ, làm người môn đệ qua ơn gọi thánh hiến cuộc sống cho sứ mạng, là bạn hữu và là người môn đệ đem ánh sáng Tin Mừng cho anh chị em. Người tín hữu Chúa Kitô trong bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trao một ngọn nến cháy sáng, ánh sáng đó trong thời gian trở nên sáng rực trong tinh thần nghe tiếng gọi và từ bỏ bước theo…

Ý lực sống

“Người gọi các ông, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

SUY NIỆM: NGƯỜI CHỌN LẤY MƯỜI HAI ÔNG

Bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ, trong đó có thánh Simon Nhiệt Thành và thánh Giu-đa Ta-đê-ô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.

Đức Giê-su lên núi

“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (c. 12).

Trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của nơi Thiên Chúa hiện diện:

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,

được ở trên núi thánh của Ngài. (Tv 15)

Con yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,

Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con. (Tv 18)

Với câu Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trước đó, Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu nguyện.

Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su, chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện.

Và đó cũng là hai chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay Tông Đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu và đời sống dâng hiến của chúng ta.

Đôi khi, nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống của chúng ta.

Đức Giêsu chọn các Tông Đồ

Mỗi lần Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh tâm” trước.

Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các Tông Đồ và ơn gọi của chính chúng ta, không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện trên núi với Thiên Chúa Cha. “Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại Giê-su gọi mười hai môn đệ lại và chọn lấy mười hai ông” (c. 13)

Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa.

Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.

Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời; nhưng theo Thánh Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv 139; Gl 1, 15). Và Chúa gọi đích danh từng người: Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt…(c. 14-15)

Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi: ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi.

Ghi nhớ lòng tin “muôn ngàn đời” của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã “là gì”, thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi “là gì” rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

Đức Giêsu xuống núi cùng với các Tông Đồ

Các Tông Đồ được chọn ở trên núi, nhưng chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là nhìn ngắm sự kiện: Tất cả đám đông tìm cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi người.(c. 19)

Các Tông Đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm, nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người.

Nhưng dù chúng ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng chạm” cho được Đức Ki-tô.

Nhưng thật ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia Đình Nhân Loại mới của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

SUY NIỆM: ĐẶT TÊN 

Văn hóa từ xưa đến nay, nhiều bậc cha mẹ Kitô giáo đánh giá cao việc lựa chọn một tên thánh hay cái tên có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của con mình. Trong cái tên, nó phản ánh đặc điểm của người đó hoặc nguyện vọng của cha mẹ đối với đứa trẻ.

Tin Mừng hôm nay, “Chúa Giêsu kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,13). Kinh Thánh ghi rõ rằng: các ông là những người được tuyển chọn trong số các môn đệ, và được gọi là Tông Đồ (x. Mt 10,2). Con số mười hai tượng trưng cho sự trọn vẹn của Hội Thánh, cũng như nói lên sự liên tục giữa Hội Thánh và Ítraen xưa: mười hai tổ phụ trưởng tộc – mười hai thánh Tông Đồ. Hơn nữa, tác giả Luca còn cho thấy Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh sứ mệnh chọn gọi của Người, “thức suốt đêm để cầu nguyện”. Sự quan trọng và cao cả ấy còn được biểu lộ khi các Tông Đồ được chính Thiên Chúa đặt tên (x. Lc 6,14-16). Những cái tên mà Thiên Chúa đặt trong Kinh Thánh cũng là biểu tỏ định mệnh và ý muốn trở thành linh nghiệm: Ápraham là cha của nhiều dân tộc; Giacóp nghĩa là xin Thiên Chúa che chở; hay Phêrô là đá tảng, người nắm giữ chìa khóa Nước Trời.

Quả thế, theo quan niệm cổ thời “đặt tên” không chỉ để gọi và phân biệt người này người kia nhưng còn nói lên bản chất, ơn gọi và vận mệnh của một người. Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều được gọi là Kitô hữu, là bạn hữu, là môn đệ của Thầy Giêsu. Chúng ta đã có được một nơi nương tựa vững chắc, gặp được kho tàng, không gì đổi lấy được và không cân nào lường được” (x. Hc 6,14-16). Điểm cốt yếu, bạn hữu của Thiên Chúa có ý nghĩa gì cho mỗi người? Nơi tình bạn, ta có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đang hiện diện ân cần bên ta, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống đúng ý nghĩa trong ơn gọi Kitô hữu của mình, để góp phần xây dựng và làm chứng cho Hội Thánh Chúa trong trần gian này. Amen.

Giuse Maria Phạm Văn Thế 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây