Suy niệm - Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm A

Thứ bảy - 25/02/2023 09:43
zalo screenshot 22 2 2023 1212697



Tin Mừng: Mt 4,1-11

1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Người đáp : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

7 Đức Giê-su đáp : “Nhưng cũng đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2:  CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU CHÚNG TA CHIẾN THẮNG CÁC CƠN CÁM DỖ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

Suy niệm 3: THANH TẨY MÙA CHAY: ĐỪNG MẠO DANH THIÊN CHÚA  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung



Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

 

Anh chị em thân mến! Trong sứ điệp mùa chay năm 2022, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta hãy kiên trì làm việc lành, đừng sợ gian nan vì cuối cùng, chúng ta sẽ được gặt thành quả mình đã gieo trồng. Mùa chay là cơ hội tốt nhất để chúng ta gieo trồng những việc tốt, vốn được thúc đẩy bởi chính việc chiêm ngắm Chúa, như Đấng không ngừng gieo trồng những điều thiện hảo cho con người. Nhưng chúng ta đừng quên rằng bên cạnh chúng ta vẫn còn đó kẻ cản đường, kẻ âm thầm, kẻ rình đợi khi ta mất cảnh giác gieo cỏ lùng vào cánh đồng cuộc đời chúng ta. Chúa Nhật thứ nhất mùa chay tập trung vào việc nhận diện những cơn cám dỗ mà ma quỷ tung ra cho chính Chúa Giê-su và những ai bước theo Người

            Theo Tin Mừng, cơn csm dỗ mà Chúa Giê-su trải qua, nói cách chính xác không phải là cơn cám dỗ về trật tự luân lý. Chúng là những đề xuất mà ma quỷ làm cho Chúa Giê-su để dẫn Người đi lệch hướng trên con đường hiểu biết và thực hành sứ vụ của Người. Vì thế, phản ứng của Chúa Giê-su phục vụ như một khuôn mẫu cho những thái độ luân lý của chúng ta, nhưng nó cũng cảnh báo chúng ta không để cho mình hiểu sai về sứ mạng mà Chúa Giê-su tín thác cho chúng ta, những kẻ theo Người

            Hơn bất cứ thứ gì khác, những cơn cám dỗ của Người giúp chúng ta nhận diện, với một sự rõ ràng và trách nhiệm hơn, những cơn cám dỗ đó nơi Giáo Hội của Người và chúng ta những người hình thành nó có lẽ đã trải nghiệm. Thế nào chúng ta có thế là một giáo hội trung tín với Chúa Ki-tô nếu chúng ta không nhận thức về những cơn cám dỗ nguy hiểm nhất mà dẫn chúng ta đi lạc xa khỏi dự phóng và thái độ sống của Người?

            Trong cơn cám dỗ thứ nhất, CGS từ chối dùng quyền năng củaThiên Chúa đê biến đá thành bánh và thỏa mãn cơn đói của Người. Người sẽ không theo con đường của ma quỷ vạch ra. Người sẽ không phục vụ những quan tâm của riềng mình. Người sẽ không dùng Thiên Chúa Cha của Người để thỏa mãn cái tôi của mình. Người sẽ được nuối dưỡng bởi lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Người sẽ hóa bánh ra nhiều chỉ thể thỏa mãn cơn đói của đám đông

            Có lẽ cơn cám dỗ nghiêm trọng nhất của những KTH trong những nước giàu là điều này: dùng tôn giáo để thêm sự thịnh vượng vật chất của họ, để làm yên tôn lương tâm của họ, làm cạn kiệt tính Ki-tô của lòng trắc ẩn bởi sự điếc lác với tiếng kêu của Thiên Chúa Đấng không ngừng kêu to “anh em ngươi ở đâu?”

            Trong cơn cám dỗ thứ hai, CGS từ chối để đạt được quyền lực và vinh quang bằng sự dung, như những người quyền lực vẫn làm, tới sự lạm dụng, dối trá, bất công như là những dụ cụ của ma quỷ. Nước Thiên Chúa không được áp đặt trên bất cứ ai, nhưng dâng tặng với tình yêu. CGS sẽ tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa của người nghèo, người yếu thế và người bị loại trừ

Trong những lần bị mất kiểm soát trên xã hội này, cơn cám dỗ đối với Giáo Hội là cố gắng phục hồi “quyền lực và vinh quang” đã có trong quá khứ, bao gồm một sức mạnh tuyệt đối trên xã hội. Chúng ta đang mất một cơ hội mang tính lịch sử để tham gia vào một kinh nghiệm mới trong phục vụ khiêm tốn và đồng hành với những người nam và nữ hôm nay như những anh chị em đang cần lắm tình yêu và hy vọng

            Trong cơn cám dỗ thứ ba, CGS từ chối hoàn thành sự vụ của mình bằng việc cậy trộng để dễ có được thành công và tự bày tỏ bản thân. Người sẽ không là một Đấng Mesia chiến thắng. Người sẽ không bao giờ đặt Thiên Chúa ở việc phục vụ của những thứ vinh quang chóng qua. Người sẽ ở giữa những người của mình như Đấng phục vụ. Nó sẽ luôn là một cơn cám dỗ cho một ái đó để dùng những không gian tôn giáo cung cấp để tìm kiếm địa vị, danh tiếng và uy tín. Một ít thứ  cũng nực cười trong việc theo Chúa Giê-su như sự phô trương và tìm kiếm để được tôn vinh. Họ đang làm tổn thương Giáo Hội và làm khô cạn Giáo Hội của chân lý



Suy niệm 2:  CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU CHÚNG TA CHIẾN THẮNG CÁC CƠN CÁM DỖ - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức


 

Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô!

Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ và tội lỗi. Trong cuộc chiến này, chúng ta không lẻ loi một mình, vì ở bên cạnh chúng ta còn có Chúa Giêsu, Đấng toàn thắng ma quỷ. Chúng ta có thể học nơi Chúa cách chiến thắng ma quỷ, cám dỗ và tội lỗi.

 “Cám dỗ” là thực hiện một cuộc thử thách cho người nào đó để biết phẩm chất người đó như thế nào, hoặc để biết người ấy nghĩ gì, hoặc để biết người ấy xử sự ra sao.[1] Thiên Chúa đã đặt ra một thử thách cho Ápraham: đó là ông dâng Ixaác làm lễ tế (x. St 22). Ông Ápraham có vượt qua thử thách này không? Kinh Thánh cho chúng ta biết ông đã thi hành theo chỉ thị của Thiên Chúa và Thiên Chúa biết tấm lòng của ông: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” ( St 22,12).

Khi cám dỗ do ma quỷ, “cám dỗ” mang ý nghĩa là xúi giục người nào đó phạm tội.[2] Trong bài một, ma quỷ cám dỗ nguyên tổ loài người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa cấm con người không được ăn trái của cây cho biết điều thiện, điều ác (x. St 2,17). Ma quỷ đã vẻ ra cho con người hình ảnh đầy quyến rũ này là họ “sẽ trở nên như Thiên Chúa” (x. St 3,5) mà “không cần Thiên Chúa, vượt qua Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa”. Hậu quả của việc ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác là việc nhận thấy cơ thể mình trần trịu (x. St 3,7). Họ bị phơi bày, dễ bị tổn thương, và đầy xấu hổ. Lựa chọn tội lỗi của họ là quay lưng lại với Thiên Chúa của Sự Sống. Họ đã chọn cái chết. Cả nhân loại đều bị liên lụy với tội đầu tiên của con người. Thánh Phaolô khẳng định: “vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân” (Rm 5,19).

Cũng chịu ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cho thấy cách thế của mình trái ngược hẳn với nguyên tổ loài người. Ma quỷ cám dỗ Chúa ba lần.

Cơn cám dỗ đầu tiên là việc hóa đá thành bánh. Ma quỷ bắt đầu cám dỗ Chúa như nó đã làm với Evà bằng cách đặt câu hỏi và tìm cách gây ra một số nghi ngờ. Nếu Chúa Giêsu đáp trả thách thức của ma quỷ là sử dụng quyền năng thiêng liêng để thỏa mãn cơn đói của mình, thì Ngài sẽ không còn tin cậy vào Cha Ngài và hành động trái với ý muốn của Cha dành cho mình. Để đáp trả lại cơn cám dỗ này, Chúa Giêsu cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa (Ep 4,17). Chúa đã trích dẫn Đnl 8,3: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Chúa Giêsu chứng tỏ ngài hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý Chúa Cha. Lời và ý muốn của Thiên Chúa là lương thực của Chúa Giêsu (Ga 4,34).

Cơn cám dỗ thứ hai là việc thử thách Thiên Chúa. Một lần nữa, sự cám dỗ của ma quỷ bắt đầu bằng cách cố tạo ra sự nghi ngờ. Nếu Chúa Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, thì chắc chắn Chúa Cha sẽ yêu thương và bảo vệ Ngài. Ma quỷ đã trích dẫn Tv 91,11-12 để thuyết phục Chúa Giêsu rằng Thiên Chúa toàn năng là Đấng bảo bệ người tin tưởng vào Ngài. Để chống lại cơn cám dỗ này, Chúa Giêsu đã vung thanh gươm của Thần Khí từ Đnl 6,16: “Chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Trong Xuất Hành 17,7, dân Ítraen đã xin Thiên Chúa nước uống như thế nào và thử thách Ngài rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”. Chúa Giêsu đã không lặp lại lỗi lầm của họ.

Cơn cám dỗ thứ ba là việc tôn thờ ngẫu tượng. Sự cám dỗ này đã đưa ra một con đường tắt. Chúa Giêsu có thể hoàn thành sứ mệnh theo cách của ma quỷ mà không phải chịu đau khổ. Tất cả những gì Chúa Giêsu phải làm là tôn thờ ma quỷ một lần. Ma quỷ đã khoe khoang rằng tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy là của hắn. Thế nhưng “CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư  (Tv 24,1). Lời hứa ban cho Chúa Giêsu tất cả các nước thế gian đó là một lời hảo huyền, điều này phù hợp với kẻ có biệt danh là “kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Một lần nữa Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để chống lại cơn cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13). Ngài trung thành và sẵn sàng làm theo ý muốn của Chúa Cha, vì Ngài đến để làm theo ý muốn của Cha Ngài.

Những đợt tấn công của ma quỷ không làm cho Chúa Giêsu lung lay tấm lòng con thảo đối với Chúa Cha. Người đã đẩy lui các đợt tấn công này, để chúng ta được hưởng cuộc chiến thắng của Người. Chúng ta vẫn chịu những cơn cám dỗ của ma quỷ, mà chúng là chướng ngại vật trên đường đến với Thiên Chúa, đó là: quyến luyến của cải đời này; quá tự tin vào chính mình mà không cần Thiên Chúa; chạy theo quyền lực của thế gian. Các cơn cám dỗ đều dấy lên trong lòng con người nỗi nghi nghờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Làm thế nào chúng ta chiến thắng các cơn cám dỗ do ma quỷ gây ra? Để chiến thắng ma quỷ thì cần cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa qua việc siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải. Để không nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ thì cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Để trung thành với Thiên Chúa thì cần vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.

Tóm lại, bất kỳ cám dỗ nào do ma quỷ đều là lời dụ dỗ chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ gieo vào lòng người hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, để con người tách mình ra khỏi tương quan và mối hiệp thông với Thiên Chúa. Ma quỷ là kẻ mạnh, nhưng Chúa còn mạnh hơn chúng, nên Chúa đã chiến thắng chúng. Do đó, cùng với Chúa trong trận chiến chống lại ma quỷ, chúng ta cũng sẽ chiến thắng chúng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng Thánh Kinh để chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ, đã dùng chay tịnh và cầu nguyện để có sức mạnh mà thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Xin ban cho chúng con sức mạnh và can đảm để đón nhận thánh ý của Chúa và từ bỏ bất kỳ những gì trái ngược với thánh ý của Chúa. Amen.

 

 

[1] Strong, James: The Exhaustive Concordance of the Bible  : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order. electronic ed. Ontario : Woodside Bible Fellowship., 1996, S. G3985

[2] Swanson, James: Dictionary of Biblical Languages With Semantic Domains  : Greek (New Testament). electronic ed. Oak Harbor : Logos Research Systems, Inc., 1997, S. DBLG 4279, #5




Suy niệm 3: THANH TẨY MÙA CHAY: ĐỪNG MẠO DANH THIÊN CHÚA  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn​​​​​​​
 

Trong cuốn niên giám của Tòa Thánh năm 2020, trang giới thiệu về Đức Thánh Cha, danh hiệu “Đại diện Chúa Kitô/ Vicar of Christ” không còn để trong phần tước hiệu của ngài nữa, mà đưa xuống phía dưới, phần “Các tước hiệu lịch sử”. Điều này làm cho một số người phản kháng. Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi đó là một thứ “khuynh hướng man rợ về thần học” (theological barbarism), và cho rằng cuốn niên giám chỉ là để thông tin, liên lạc, chứ không có thẩm quyền về giáo huấn. Tuy nhiên, cũng có người nghĩ: chẳng lẽ việc bỏ một tước hiệu của Đức Thánh Cha như vậy mà không được thông qua ngài?! Thực ra cuốn niên giám đã làm điều này từ ấn bản 2019 và chỉ ghi: “Phanxicô, giám mục Roma”. Ấn bản 2020 thêm tên rửa tội của ngài “Jorge Mario Bergoglio”, tiếp theo là tiểu sử rút gọn.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha viết: “Trong khi những cam kết thông thường của chúng ta buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen thường lặp đi lặp lại”, thì ngài mời gọi “hãy đi lên ngọn núi cao” với Chúa Giêsu. Thanh tẩy khòi những ràng buộc do bối cảnh lịch sử để đi lên cao, đó là lời mời gọi sống Mùa Chay.

Ma quỷ dùng chiêu bài “thành quả cho sứ vụ” để cám dỗ Chúa Giêsu tùng phục nó. Đáp trả của Chúa Giêsu luôn luôn là tùng phục Thiên Chúa: sống bằng Lời Chúa, không thách thức Thiên Chúa, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.

Đoạn trích sách Sáng Thế khởi đầu với việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người từ bụi đất, và sau ảo tưởng mình có thể bằng Thiên Chúa, bản văn kết thúc là con người nhận ra mình trần trụi!

Người ta tự vẽ cho mình những danh dự, tự gán cho mình những quyền bính trên người khác và sống trong một “thế giới ảo”. Điều đáng tiếc là điều ấy cũng diễn ra trong đời sống Giáo Hội, khiến cho người có trách nhiệm thì chỉ huy hết mọi thứ và giáo dân thì thụ động ngồi chờ chỉ thị! Đó là điều mà Thượng Hội Đồng 2021-2024 đang tìm cách sửa đổi bằng thái độ hiệp hành: cùng hiệp thông và tham gia vào đời sống chung, cùng nhau thi hành sứ vụ.

 

Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 2, 7-9; 3, 1-7 và Rm 5, 12-19 qua lăng kính Mt 4, 1-11, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay A hôm nay cho thấy tính liên đới giữa tội của Ađam-Eva với toàn thể nhân loại, và hiệu qủa hành vi siêu độ của Đức Giêsu-Kitô trên toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 2, 7-9; 3, 1-7 : ở đây, cho thấy những nguyên nhân chính của tội nguyên tổ, đó là không tin vào Thiên Chúa Tình yêu và Lời của Ngài  [“Rắn nói với người đàn bà : ‘Có thật Thiên Chúa bảo : Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?. Người đàn bà nói với con rắn : Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’.” (3, 1b-3)]; và khuynh hướng sở hữu thái quá và bất chính [“Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng qui vì làm cho mình được khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.” (3, 6)]…

(2) Thứ đến, trong Rm 5, 12-19 : ở đây, cho thấy cũng như tội nguyên tổ (Ađam-Eva) liên can đến toàn thể nhân loại (= nhân tính), cũng vậy, ơn siêu độ của Đức Giêsu-Kitô mang giá trị phổ quát, trên toàn thể nhân loại (= nhân tính), mọi nơi và mọi thời, một lần là đủ [“Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu-Kitô, còn dồi dào biết mấy cho muôn người.” (5, 15)]…   

(3) Sau cùng, trong Mt 4, 1-11 : ở đây, cho thấy tự sức riêng mình, con người hầu như không thể nào có thể chiến thắng được những cám dỗ tiền tài, danh vọng, quyền lực và thú vui nhục dục, vốn là hậu quả của tội nguyên tổ; nếu muốn chiến thắng được những cám dỗ nầy, nếu muốn khôi phục lại dung mạo nguyên thủy của mình, con người cần phải “ở trong” Đức Giêsu-Kitô (tức là trong ân sủng và Lời Ngài), cùng với sự thao luyện hằng ngày, đặc biệt trong Mùa Chay nầy [“Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỉ cám dỗ. Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Ngài thấy đói.” (4, 1-2)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) Những cám dỗ mà Đức Giêsu đã phải đối diện với (cơm bánh, nghi ngờ tình yêu và quyền lực của Thiên Chúa, ham muốn quyền lực, danh vọng và địa vị…) là những cám dỗ mà con người mọi nơi và mọi thời đều phải đối diện với…

(2) Những phương thức để chống trả lại và chiến thắng những cám dỗ đó là theo cách của Đức Giêsu : a) phải chống trả bằng Lời Chúa (Mt 4, 4.7.10); b) và chống trả ngay tức khắc, không dây dưa như Eva (St 3, 1-7)…

(3) Cần có một niềm tin cậy tuyệt đối vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa (Mt 4, 10b)…


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây