Suy niệm - Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm A

Thứ bảy - 18/02/2023 17:36
mt 5



Tin Mừng: Mt 5,38-48

38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Oán hận, ghen ghét làm cho cuộc sống con người bất an, rối loạn, có khi sụp đổ nữa! Phe nhóm, đấu đá, tính toán hơn thiệt làm cho người ta sống trong lo âu, sợ hãi! Thế nhưng, người ta cứ ở mãi trong tình trạng như vậy! Tìm kiếm, giành giựt với nhau làm gì, để rồi khi cái chết đến vào lúc người ta không ngờ, thì đành phải nhắm mắt xuôi tay thôi! Tha thứ, quảng đại, chia sẻ thì mang lại bình an, thanh thản, hạnh phúc nơi tâm hồn và trong tương giao với người khác, nhưng người ta cứ bảo là không làm được, là thua thiệt!

Chúa Giêsu dạy yêu thương mọi người, bất kể họ đối xử tốt hay xấu với mình (Tin Mừng), nhưng chúng ta cứ cho là khó quá, không thể làm được. Nhưng nếu không thể làm được thì Chúa Giêsu đã không dạy chúng ta làm. Nói làm gì nếu điều ấy không thể thi hành! Chúa Giêsu biết điều ấy làm được và phải làm như vậy, thì con người mới được giải thoát, bằng không thì cuộc đời chỉ là một mớ bòng bong! Người chỉ cho chúng ta con đường để giải thoát, để sống hạnh phúc.

Tại sao tình yêu thương mang lại bình an, hạnh phúc cho con người?

Khi yêu thương, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa (Tin Mừng). Thời ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống “hình ảnh” Ngài thì cũng chính là nơi lòng yêu thương này. Thiên Chúa tạo dựng là Đấng làm cho vạn vật, nhất là con người, được hiện hữu, được yêu thương, được phát triển. Sách Lêvi dạy đời sống thánh thiện như Thiên Chúa cũng chính là yêu thương người đồng loại. Thánh Phaolô bảo rằng sự chia rẽ, ganh ghét người khác là xúc phạm đến họ như là Đền Thờ của Thiên Chúa. Như vậy, yêu thương chính là nên giống Thiên Chúa, là sống thánh thiện như Thiên Chúa, là trở thành Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự trị. Đó chính là lý do mà lòng yêu thương làm cho con người được hạnh phúc, bình an.

Sự thù ghét làm cho con người bị ràng buộc, cuộc sống bị rối reng, bị phá vỡ. Còn lòng yêu thương thì giải thoát, bình an và hoan lạc! Hãy tập tha thứ, tập sống quảng đại từ những suy nghĩ, những thái độ và hành động giản dị hàng ngày, tôi sẽ cảm nhận dần dần sự giải thoát, bình an và niềm vui của đời người.

 

Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Lv 19, 1-2.17-18 và 1 Cr 3, 16-23 qua lăng kính Mt 5, 38-48, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên A hôm nay cho thấy khi mời gọi mọi người hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5, 48), hẳn Đức Giêsu muốn cho chúng ta yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt, bằng một tình yêu nhưng không (vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới), như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 5, 38-48 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy tình yêu của Cha Ngài là như vậy, nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên [“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng : ‘Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính’.” (5, 38a.43-45)]…

(2) Thứ đến, trong Lv 19, 1-2.17-18 : ở đây, cho thấy Thiên Chúa vẫn luôn là mô mẫu của tình yêu nhưng không cho tất cả mọi người mọi nơi và mọi thời [“Đức Chúa phán với ông Môsê rằng : ‘Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Itraen và bảo chúng : Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh…Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa’.” (19, 1-2.18b)]…

(3)Sau cùng, trong 1 Cr 3, 16-23 : ở đây, Phaolô cho thấy cơ sở để tất cả mọi người cần phải được yêu mến và tôn trọng, đó là bởi vì mỗi người là Đền Thờ trong đó Thiên Chúa-Ba Ngôi ngự trị [“Thưa anh em, nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (3, 16-17)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) Trong khi hầu như tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thì điều tạo ra sự khác biệt giữa người kitô-hữu và không kitô-hữu đó là tình yêu nhưng không (vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới)…

(2) Để có thể yêu như Thiên Chúa yêu, người ta phải để Thiên Chúa yêu trong mình. Điều đó chỉ có thể được khi con người và Đức Giêsu-Kitô “ở trong nhau”, hay nói cách khác, là khi con người sống trong Tình Yêu…

(3) Người ta chỉ yêu cách nhưng không, khi yêu tha nhân vì tha nhân chứ không phải vì bản thân mình…



Suy niệm 3: Nên thánh bằng yêu thương -  ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
 

Ngay từ thời đầu của Giáo Hội, những tín hữu Kitô đã được gọi là “các thánh”. Chính Thánh Phaolô đã dùng danh xưng này để chỉ những người đã gia nhập Giáo Hội qua bí tích Thanh Tẩy. Khi gọi họ là “các thánh”, chắc hẳn vị Tông đồ vừa muốn diễn tả đời sống tốt lành của các tín hữu, đồng thời muốn nhấn mạnh tới lý tưởng, mục tiêu mà các tín hữu phải đạt tới. Kitô hữu là người đang cố gắng để thánh hóa bản thân, làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, để rồi lời nói của chúng ta là lời của Chúa, việc làm của chúng ta là việc làm của Chúa, chúng ta hiện diện nơi đâu là có Chúa hiện diện ở đó.

Như vậy, nên thánh không phải chỉ là tình trạng thiên đàng sau khi chúng ta đã chết, mà là một quá trình biến đổi để hoàn thiện chính mình, để rồi ngay khi còn đang sống ở đời này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, qua việc được chiêm ngưỡng Chúa bằng đức tin và tình mến. Nên thánh cũng không phải ảo tưởng hay giấc mơ về một thế giới xa vời, như để quên đi những đau khổ hiện tại.

Khái niệm nên thánh như đã nêu trên làm cho đời sống tín hữu không khô cứng, vô vị, nhưng luôn sống động và vươn lên không ngừng. Người ước ao nên thánh là người muốn sống ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Họ không dừng lại ở một cuộc sống đơn điệu, nhưng luôn khám phá ra niềm vui của đức tin và sự tốt lành của Chúa. Cuộc sống mà dừng lại sẽ giống như ao tù. Con người không lý tưởng sẽ giống như ngõ cụt. Họ không biết mình sống cho ai và để làm gì.

Nên thánh là một lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân riêng của Ngài. Lời Chúa phán với ông Môisen cho chúng ta thấy rõ: “Hãy nói với toàn thể con cái Israen: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Bài đọc I). Lý do của ơn gọi nên thánh là: vì Chúa là Đấng Thánh. Ai muốn thuộc về Chúa thì phải nên giống như Ngài. Thánh thiện chính là được san sẻ một phần vinh quang của Chúa, để rồi ngay khi sống ở trần gian, chúng ta đã tỏa sáng trong cuộc đời qua những cử chỉ tốt đẹp của mình đối với đồng loại. Sau khi nhắc lại lệnh truyền nên thánh, tác giả sách Lêvi quảng diễn chi tiết về khái niệm thánh: đó là yêu thương anh chị em, đừng quở trách họ. Không được trả thù, không được oán hận. Trái lại phải yêu mến người khác như chính bản thân mình.

“Thương người như thể thương thân”. Đó là nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt Nam. Nét đẹp này đã gặp gỡ lời dạy “Yêu đồng loại như chính mình” của Cựu Ước và còn hơn thế nữa, là lời dạy “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” của Tân Ước. Để có thể yêu thương kẻ thù, mỗi người phải vượt lên chính mình, để chiến thắng thù hận và chấp nhận mọi thị phi. Yêu thương kẻ thù là một nhân đức anh hùng, là bằng chứng của sự từ bỏ chính bản thân và là tình yêu thương ở mức tuyệt hảo. Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, đó là bằng chứng của lòng bao dung và tha thứ trọn vẹn.

Nên thánh không dừng lại ở một khái niệm lý thuyết, nhưng phải được thể hiện cụ thể trong việc làm và lối sống. Nên thánh trước mặt Chúa là có một lối sống ngay thẳng chân thành. Tuy vậy, sự ngay thẳng chân thành ấy phải được kiểm chứng qua mối tương quan hằng ngày với tha nhân. Một cách rất cụ thể, Chúa Giêsu nói đến luật yêu thương và những lời khuyên để đem luật đó vào cuộc sống. Đức yêu thương Chúa Giêsu truyền dạy ưu việt hơn những lệnh truyền của Cựu Ước. Vì vậy, Chúa nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Qua những lời tuyên bố trên, Đức Giêsu chứng tỏ Người có sứ mạng kiện toàn lề luật. Người dựa trên nền tảng Luật Cựu ước, đồng thời mặc cho Luật ấy một giá trị cao siêu hơn, hoàn hảo hơn. Tình yêu thương Chúa dạy không chỉ được thực hiện nơi người đồng bào, người cùng phe cánh hay người làm ơn cho chúng ta mà thôi, nhưng là hết mọi người không phân biệt. Luật mới của Chúa không chỉ bao gồm những điều cấm đoán, nhưng khuyên dạy làm những điều tích cực cho tha nhân. Chính điều này làm cho lối sống của người tín hữu khác với những thực hành của những người thu thuế và người biệt phái. Đối với người tín hữu, không có ai là kẻ thù hay người ngoại, vì hết thảy mọi người trên trái đất đều là anh chị em của cùng một Cha trên trời. Mức độ thánh thiện của một người được lượng giá qua tình bác ái mà họ thực hiện đối với người xung quanh. Một người sống khép kín, dửng dưng trước nỗi đau của người bên cạnh, không thể nên thánh.

Thánh thiện còn là nhận ra phẩm giá cao quý của mình trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta không hiện  hữu như một đồ vật vô tri vô giác, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Bài đọc II). Biết được phẩm giá của mình để tôn trọng thân xác và trau dồi bản thân trong những lãnh vực khác nhau. Chỉ những ai biết yêu mến trân trọng bản thân mình, thì mới có thể yêu mến trân trọng tha nhân. Tác giả thư gửi giáo dân Côrinhtô cũng chỉ rõ đâu là điều quan trọng đích thực mà chúng ta tìm kiếm: đó là Đức Kitô. Người là lý tưởng và mẫu mực cho chúng ta trong hành trình nên thánh. Một khi quy hướng về Đức Kitô, sẽ không còn chia rẽ và ganh ty bè phái như thực trạng của cộng đoàn Côrinhtô lúc bấy giờ, tức là người thì cho mình thuộc về Phaolô, người thì thuộc Apôlô, người thì thuộc Kêpha.

Nên thánh bằng yêu thương. Đó là thông điệp mà Lời Chúa muốn thông truyền cho chúng ta. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội đã thực hiện lời mời gọi của Chúa, cổ võ tình yêu thương, phá bỏ những ngăn cách, hòa giải những bất hòa và nâng đỡ người bé mọn. Chúng ta mỗi người đều là chi thể của Giáo Hội, chúng ta có ý thức được lời mời gọi nên thánh qua việc thực thi đức yêu thương không?

“Ai không có sức mạnh để tha thứ, cũng không có sức mạnh để yêu thương” (Martin Luther King Jr.).

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây