Suy niệm - Thứ Năm sau Lễ Tro

Thứ tư - 22/02/2023 08:48
thu nam sau le tro



Tin Mừng: Lc 9, 22-25

22
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?”

Kính thưa quý ông bà, anh chị em thân mến trong Đức Kitô.

1. Chúng ta được Thiên Chúa ban cho tự do chọn lựa (GLHTCG 311). Cho nên, trong cuộc đời này, chúng ta được chọn lựa giữa “cõi sống” và “cõi chết” (GLHTCG 1470). Vậy giữa hai con đường này, chúng ta chọn lựa con đường nào?

2. Bài đọc một được trích từ sách Đệ Nhị Luật. Đây là cuốn sách thứ năm và cuối cùng của bộ Ngũ Thư. “Đệ Nhị Luật”, tức “luật thứ hai” (deuteros: thứ hai và nomos: luật), vì thế cũng được gọi một cách ngắn gọn “Thứ Luật”.  Nhan đề này được Kinh Thánh Hy Lạp đặt cho sách vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Sách Đệ Nhị Luật được trình bày dưới hình thức năm bài diễn từ của ông Môsê được cho là đang ngỏ lời với dân Ítraen trước khi dân tiến vào Đất Hứa. Họ cần những lời nhắc nhở về lịch sử Giao Ước và những yêu sách mà Giao Ước đòi hỏi. Đoạn văn chúng ta vừa nghe trong bài đọc một được trích vài câu trong Đệ Nhị Luật chương 30. Đó là lời của ông Môsê khuyên dân hãy rút bài học từ cuộc sống để biết khôn ngoan chọn lựa sự sống và hạnh phúc, bằng cách nghe và đem Luật Chúa ra thi hành (x. Đnl 30,15-20).

3. Quả thật, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và cho họ sống trong tình bằng hữu với Ngài. Là một thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống trong tình bằng hữu đó bằng cách tự do suy phục Thiên Chúa. Điều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người không được ăn trái của cây cho biết điều thiện, điều ác, “vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,l7). “Cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,l7) là một biểu tượng diễn tả ranh giới không thể vượt qua mà con người, trong tư cách là thụ tạo, phải nhìn nhận một cách tự do và tôn trọng một cách tin tưởng. Con người lệ thuộc Đấng Tạo Hoá; nó phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy định việc sử dụng sự tự do” GLHTCG 396).

4. Thế nhưng, con người đã sử dụng ân ban tự do để lựa chọn con đường dẫn đến cõi chết khi giơ tay hái trái của cây cho biết điều thiện, điều ác mà ăn (x. St 3,6). “Trong tội này, con người đã chọn mình hơn Thiên Chúa vàqua đó đã khinh thường Thiên Chúa” (GLHTCG 398). Cũng thế, ngày hôm nay chúng ta lại từ chối Thiên Chúa và chọn những thứ khác. Vì sự an toàn của bản thân, chúng ta không dám vượt qua chính mình để mang Tin Mừng đến cho người khác. Vì sợ mất công việc, mất địa vị, chúng ta đã để Thiên Chúa phải lặng lẽ đứng ngoài lề cuộc sống. Như thế, chúng ta đã đánh mất bản thân.

5. Thế nhưng, “sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi” (GLHTCG 410). “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl  4,4-5).  Đây  là  Tin  Mừng  Chúa  Giêsu  Kitô,  Con  Thiên Chúa: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài. Ngài đã thực hiện những lời hứa với tổ phụ Abraham và con cháu ông. Ngài đã thực hiện vượt quá mọi điều chúng ta mong ước: Ngài đã sai Con yêu dấu của Ngài tới” (GLHTCG 422). Thầy Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đã đến thế gian và dạy cho con người biết rằng: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25). Câu Lời Chúa này được Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập dòng Tên, cứ nhắc đi nhắc lại mãi cho bạn mình bạn là thánh Phanxicô Xaviê. Ban đầu Phanxicô Xaviê khó chịu nhưng cuối cùng Lời này đã đánh động Phanxicô: ngài được biến đổi, gia nhập dòng Tên và trở thành nhà truyền giáo không mệt mỏi cho vùng Á Châu. Quả thật sở hữu cả thế gian này cũng không đủ cân xứng với giá trị một con người, bởi vì “nhân linh ư vạn vật” con người có giá trị linh thiêng mà Thiên Chúa đã phú ban khi tạo dựng. Phẩm giá con người con cao quý hơn nữa bởi vì đã được cứu chuộc bởi chính mạng sống của Thầy Giêsu.

6. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta nhìn lại những lựa chọn của bản thân. Vẫn còn đó những người đã lựa chọn “từ Chúa bỏ đạo” để được vinh thân phì gia. Vẫn còn đó những người giấu giếm đức tin Công Giáo của mình để khỏi bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc…Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật, cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường, mất đi những cơ hội tiến thân và nhiều điều thiệt thòi khác nữa từ chính thể chế chúng ta đang sống. Trước cảnh đời trái ngang và đắng lòng này, chúng ta hãy nhớ rằng: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25). Dù đời này có lên đến đỉnh quyền lực hay tỉ phú sang giàu, tất cả chúng cũng chỉ là số không tròn trĩnh khi chúng ta về với nấm mộ và linh hồn ra trước toà Thiên Chúa. Để không phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, chúng ta cần sống có mục đích. Mục đích đích thực của đời người được xây dựng trên ý nghĩa Tin Mừng. Sống theo Tin Mừng của Thầy Giêsu là dám chọn những giá trị vĩnh cửu cho dẫu phải đánh đổi bằng những điều ta đã từng rất coi trọng. Khi sống theo Tin Mừng, chúng ta tìm thấy mục đích của cuộc sống mới nơi Thiên Chúa. Vậy, làm sao chúng ta có thể chọn những giá trị vĩnh cửu đây?

7. Hằng ngày, chúng ta có nhiều và rất nhiều những lựa chọn. Hãy để tình yêu là động lực cho những lựa chọn ấy. Vui tươi thay vì buồn bã, tha thứ thay vì tức giận, nhẫn nại thay vì hậm hực, tin tưởng thay vì nghi ngờ, yêu thương thay vì thù hận. Từ đó, cuộc sống mỗi ngày tràn đầy tình yêu Thầy Giêsu hơn. Khi Thầy Giêsu sẽ trở nên sống động nơi chúng ta, cuộc sống chúng ta bừng sáng lên niềm hạnh phúc của một người được tự do thật sự.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa. Chúa cho chúng con sống trên trần gian này là cho chúng con rất nhiều những chon lựa. Xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa để sống cho Tình Yêu của Chúa, biết can đảm chấp nhận những trái ý nghịch lòng để cùng hiệp thông với Chúa trên con đường thánh giá cứu độ các linh hồn. Ước mong những chọn lựa ấy viết lên những trang Tin Mừng sống động trong cuộc sống của chúng con, những trang Tin Mừng chỉ viết về Chúa Giêsu. Amen.




Suy niệm 2:  LỰA CHỌN SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn​​​​​​​

 

Nói cách nào đó, cuộc đời chúng ta là những cuộc chọn lựa giữa sự sống và sự chết. Nhưng vấn đề được đặt ra: đâu là sự sống thực sự và đâu là sự chết thực sự. Những người nghiện ma tuý đã bước vào đó khi chọn lựa những giây phút “thăng hoa”, những lúc bay bổng, nhưng cuối cùng thì đó không phải là sự sống mà là cái chết! Sự say mê quyền lực thể hiện trong nhiều lãnh vực của cuộc sống: chính trị, các tổ chức (ngay cả trong Giáo Hội), công việc, gia đình. Khi thể hiện quyền lực, người ta tưởng rằng mình đang sống ở mức độ cao hơn người khác, nhưng cuối cùng là rơi vào vòng lẩn quẩn của thù hằn, sợ hãi, loại trừ nhau. Hưởng thụ làm cho người ta tưởng rằng đó là hạnh phúc, nhưng khi hưởng thụ quá đáng và bất chính, người ta lại bị những hậu quả nơi bệnh tật của thân xác, nơi tinh thần ích kỷ và dửng dưng trước sự thiếu thốn của người chung quanh.

Điều khó khăn là sự chết lại mang dáng vẻ của một đời sống hấp dẫn, và ngược lại, sự sống lại mang dáng vẻ thiếu hấp dẫn! Điều đáng tiếc là người ta dễ rơi vào chọn lựa sự chết hơn là sự sống!

“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Thiên Chúa đặt cuộc đời của mỗi người trong đôi tay của chính họ và họ được tự do chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Cần có một cái nhìn xa và sâu để có thể nhận ra đâu là sự sống đích thực, chứ không dừng lại ở dáng vẻ bên ngoài. Khi biết “chết đi”, thì ngay trên hành trình duơng thế này, chúng ta đã cảm nhận được những kinh nghiệm về sự sống. Khi biết hy sinh bản thân để sống cho người khác, chúng ta nhận được niềm vui và hạnh phúc của những người chung quanh, sự đáp trả của tình thân, của lòng thương mến. Và chính nơi người dấn thân cách vị tha cũng cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc sâu xa nơi lòng mình, trong cuộc sống của mình.

Mùa Chay đặt chúng ta vào sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết.

 

Suy niệm 3: Từ bỏ mình - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Bước vào Mùa Chay, chúng ta nghe Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta từ bỏ mình.

Bài Tin Mừng hôm qua đã nói đến việc quay trở về với chính mình để nhận ra con người thật của mình. Vì một khi đã nhận ra những lỗi lầm thiếu sót, những tính mê nết xấu, thì chúng ta bắt đầu sống hối cải bằng cách từ bỏ mình. Hai tư tưởng của bài Tin Mừng này là từ bỏ mình và vác thập giá mình. Nhưng từ bỏ mình là gì và thập giá mình là thập giá nào?

Từ bỏ mình

Từ bỏ mình nằm trên hai phương diện: từ bỏ những tính mê nết xấu của mình đã đành, mà còn phải tích cực tiến xa hơn nữa là quên mình đi vì Chúa và vì anh em, theo gương Chúa Giê-su, Đấng đã từ bỏ cả mạng sống mình vì chúng ta. Vì thế mà Chúa Giê-su mới nói: “Ai liều mất mạng sống mình...”.

Nhìn lại quá khứ, mỗi người chúng ta đã qua bao nhiêu Mùa Chay rồi mà chưa dứt khoát được với những tính mê nết xấu và tội lỗi thường quen phạm? Thánh vịnh 50 nói thật đúng: Tôi vốn sinh ra trong tội lỗi. Một trong những lý do mà chúng ta chưa dứt khoát được tội lỗi mình là vì chúng ta không biết chạy đến với Chúa, như những người bệnh tật trong Phúc Âm; họ biết mình bệnh tật nên họ nôn nóng chạy đến với Chúa để xin Chúa chữa lành cho họ. Còn ta, khi thấy mình tội lỗi lại không muốn chạy đến với Chúa ngay. Lý do thứ hai là đời sống Ki-tô hữu của chúng ta chưa có chất Phúc Âm. Lời Chúa chưa phải là kim chỉ nam cho cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Bỏ mình còn có nghĩa tích cực là quên mình đi vì Chúa và vì anh em. Quên mình vì nghĩ đến kẻ khác, muốn phục vụ kẻ khác; quên mình vì muốn sống tha thứ, nhịn nhục và yêu thương. Con người sinh ra vốn sống ích kỷ. Muốn sống quên mình vì Chúa, vì anh em thật là khó; cần phải có ơn Chúa, cần phải biết chạy đến với Chúa, cần phải có một đời sống Phúc Âm.

Hãy vác thập giá mình

Nhiều người hiểu thập giá mình là những rủi ro, bệnh hoạn, những bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng thập giá của mỗi người chúng ta còn là những cuộc chiến chống lại mọi khuynh hướng xấu, tội lỗi trong ta. Thập giá của mỗi người còn là những người thân cận hằng ngày ta tiếp xúc. Một triết gia Pháp (Jean Paul Sartre) đã viết: “tha nhân là hỏa ngục. Nhưng ông ta quên rằng nhiều khi mình cũng là hỏa ngục cho kẻ khác.

Trước khi dạy chúng ta, chính Chúa Giê-su đã làm gương, đã liều mình cho đến chết vì chúng ta. Chúa không trao cho chúng ta những thập giá vượt quá sức của chúng ta. Khi trao thập giá, Người luôn ban cho chúng ta các ơn cần thiết giúp ta vác được nó mà đi theo Người. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, đó là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của chúng ta thôi. Chúa Giê-su biết rõ điều này nên Người dạy chúng ta phải từ bỏ chính mình trước đã rồi mới vác thập giá. Khi từ bỏ chính mình chúng ta sẽ cậy dựa vào Chúa, sẽ bước đi dưới sự nâng đỡ của Chúa. Nhờ ơn phù trợ ấy chúng ta sẽ vác được thập giá của mình và mạnh dạn theo Chúa lên đỉnh đồi Can-vê, can đảm chịu đóng đinh với người để cùng được sống lại với Người.



Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Đnl 30, 15-20 qua lăng kính Lc 9, 22-25, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy trong hiện sinh của mình, con người luôn phải đối diện với những chọn lựa “sinh-tử” đi theo hay chống lại đường lối của Thiên Chúa, và chính những chọn lựa đó làm nên căn tính và thân phận của con người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Lc 9, 22-25 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy căn tính và thân phận của mỗi người tùy tương quan tình yêu của họ đối với Ngài, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người [“Rồi Đức Giêsu nói với mọi người : ‘…Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy’.” (9, 23a. 24)]…

(2) Thứ đến, trong Đnl 30, 15-20 : ở đây, cho thấy sống hay chết tùy theo việc người ta chọn lựa Đức Chúa hay là thần linh nào khác [“Ông Môsê nói với dân rằng : ‘Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn : hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai họa’.” (30, 15)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Thế giới tục hóa cách sai lầm vẫn nghĩ rằng để con người được tự do và hạnh phúc, cần phải hạ bệ hay loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, và ra khỏi cuộc đời mình… Nhưng, thực tế lại cho thấy ngược lại rằng khi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới và cuộc đời mình, con người lại càng bị trở thành nô lệ của chính mình, và của các thần tượng giả dối khác…

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây