Suy niệm - Thứ Sáu Tuần 3 Mùa Chay

Thứ năm - 16/03/2023 10:43
cn iii mc t6 1 1



Tin Mừng: Mc 12,28b-34

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: HÀI HOÀ GIỮA CÁC TÌNH YÊU − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.



Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Hãy trở về với Chúa trong khiêm nhường bạn sẽ tìm được sự thật và sự thật đó là ơn cứu độ sẽ giải phóng chúng ta khỏi những sai lầm giả trá và ban cho chúng ta hạnh phúc viên mãn. Ngôn sứ Hô-sê, được Thiên Chúa sai đến với dân Israel để nói cho họ biết vì sao họ phải trở về với Chúa? Trở về bằng cách nào? Trở về sẽ được gì?
Trước hết, Israel hãy trở về với Thiên Chúa của họ chứ không phải thần linh của các dân lân bang vì tội lỗi họ đã phạm đánh gục họ. Tội của họ là cậy dựa vào những sản phẩm do tay người phàm làm ra như các ngẫu tượng dân ngoại, các loại sức mạnh phàm nhân như vua chúa trần gian, tiền tài, danh vọng, địa vị và thú vui trần gian. Họ ngã gục vì bỏ tựa nương vào Chúa để tìm tựa nương vào người đời. Hiện tại bi thương của họ là hậu quả của việc bất trung bội tín với Chúa
Kế đến, phải trở về với Chúa và xin ơn tha thứ bằng những lời cầu nguyện. Thiên Chúa không cần những lễ vật bên ngoài như chiên bò béo tốt. Người cần tấm lòng thống hối và con tim nhận biết Người. Người cần những lời ngợi khen, những tiếng reo vui của tình yêu, lòng tin và niềm cậy trông.
Cuối cùng, trở về với Chúa, Israel được Chúa chữa cho khỏi tội bất trung, được Chúa yêu hết tình. Người sẽ như làn sương mai tưới mát và làm Israel đẹp như khóm huệ trổ bông, như vuờn nho trĩu quả và niềm vui bừng lên như men nồng rượu mới.
Được đọc lên trong mùa chay, trang Tin Mừng chỉ cho chúng ta thấy, trở về bên Chúa chính là trở lại với Chúa Ki-tô, sẽ được hưởng niềm vui ơn cứu thoát. Người kinh sư trong Tin Mừng Marco có vẻ thiên chí chứ không có thái độ tiêu cực: anh đến gần Chúa và hỏi Người trong một thái độ khiêm tốn “Thưa Thầy, trong mọi giới răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”  Là một kinh sư, một chuyên viên lề luật lại tiến đến hỏi một nhà rao giảng lang thang, không trường lớp, xuất thân từ làng quê Nagiaret với nghề thợ mộc như Chúa Giê-su, về điều răn quan trọng của lề luật thực sự là một điều hiếm có. Theo cách diễn tả chứng tỏ ông ta là người có uy tín trong giới kinh sư vì thánh Marco ghi: sau khi nghe Chúa Giê-su đối đáp với vị kinh sư, không ai dám chất vấn Người nữa. 
Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su hay đúng hơn, sự khiêm tốn đến với Chúa Giê-su đã giúp vị kinh sư nhận ra, Giê-su không chỉ giúp ông nắm được cốt lõi của lề luật mà còn giúp ông thấy rõ hơn về Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Ông đã được Chúa Giê-su cứu thoát khỏi khung của lề luật và hy lễ của dân cũ để bước vào một không gian mới trong đó tình yêu và sự sống với Thiên Chúa và anh em là môi sinh. Hiểu được điều này sẽ không còn xa nước Thiên Chúa
Lạy Chúa Giê-su, đã bao nhiêu mùa chay đi qua cùng với lời mời gọi sám hối quay về với Chúa, bao nhiêu dịp thuận tiện cho việc sám hối trong đời sống đức tin của cộng đoàn Hội Thánh từ địa phương tới hoàn vũ, và đôi khi cả những tai nạn và tai họa chúng con đối diện và vượt qua như lời cảnh báo “sám hối nếu không sẽ chẳng còn có lần sau” – thế nhưng tất cả đều qua đi mà không được chúng con tận dụng. Chúng con cô tình nhắm mắt bịt tai để không nghe, không thây và không sám hối. Nguyên nhân của tình trạng trên có lẽ vì chúng con chưa nhận ra tình trang “đang vấp ngã trong tội của mình” vì bất trung bội tín với Chúa, với Hội Thánh và anh em. Không trở về với Chúa nên chúng con đâu khi nào dâng lên Chúa lời cầu nguyện mang tính ngợi khen. Không trở về với Chúa, chúng con cũng chẳng cảm nghiện được niềm vui của thứ tha và đổi mới Chúa tăng ban. Tất cả trở thành thứ vòng luẩn quẩn kéo chúng con vào vòng xoáy không lối thoát của sự xa cách Chúa và sa vào vòng tay của thế gian, ma quỷ và những gì thuộc về nó. Xin giúp chúng con nhận ra tình trạng sắp chìm và đang chìm xuống như Phê-rô để kêu lên “Thầy ơi! Xin cứu con, con chết mất!” Xin giúp chúng con nắm chặt tay Chúa để được Chúa kéo lên và đưa về con thuyền Hội Thánh, nơi đó, Chúa ở giữa và tiếp tục tiến về bến bờ hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen


Suy niệm 2: HÀI HOÀ GIỮA CÁC TÌNH YÊU − Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Câu chuyện về hai giới răn trọng nhất có bối cảnh khác nhau một chút giữa 3 Tin Mừng Nhất Lãm. Matthêô thì cho thấy một bầu khí hơi căng thẳng, người thông luật hỏi Đức Giêsu như là đưa ra một cái bẫy để bắt bẻ Người (x. Mt 22,34-35). Còn Luca thì trình bày theo kiểu đối đáp (x. Lc 10,25-28): người thông luật hỏi Đức Giêsu làm sao để được sự sống đời đời, Đức Giêsu hỏi lại ông đã đọc thấy gì trong Lề Luật, ông nêu ra hai giới răn ấy, và Đức Giêsu bảo đúng đấy và hãy làm như vậy thì được sống. Ở đây hai giới răn được chính viên thông luật đúc kết từ Lề Luật và đó như là một hiểu biết của người thông thạo. 
Còn Tin Mừng Marcô thì trình bày theo lối khác. Viên thông luật hỏi Đức Giêsu đâu là giới răn lớn nhất, Đức Giêsu kể ra hai giới răn, rồi viên thông luật tán đồng và lặp lại ý Đức Giêsu vừa nói như là ông cũng cảm nhận đúng như thế. Thấy vậy, Đức Giêsu khen: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12,34). Một cách nhìn đầy thiện cảm của Đức Giêsu dành cho viên thông luật này.
Hiểu được sự hài hoà giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa và lòng yêu mến dành cho tha nhân, đó là đạt đến đỉnh cao của đời sống đạo. Tiên tri Hôsê trong bài đọc 1 cho thấy người ta tìm đến các thần linh để cầu khấn điều người ta muốn, người ta tự tạo ra những thần tượng để thoả mãn điều khát vọng của mình. Chỉ tìm kiếm chính mình, đó là lối giữ đạo thờ thần tượng là chính bản thân mình. Khi nào xác tín và sống được sự hài hoà giữa các tình yêu, thì đấy mới là hiểu đạo, mới là sống được điều cốt lõi của niềm tin vào Thiên Chúa.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi... Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12,30-31). Khi hài hoà được cả ba tình yêu ấy thì mới là tình yêu thật, nếu không, chỉ còn lại là tình yêu chính mình cách ích kỷ. Khi hài hoà, ba tình yêu ấy cùng lớn lên, phát triển vượt bật, và mang lại hạnh phúc sâu xa.



Suy niệm 3: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT - ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Ngay từ thời Cựu Ước, tất cả lề luật quy tụ về Tình yêu. Vừa khi ông luật sĩ hỏi Chúa: “Trong các điều răn, điều răn nào trọng nhất?” Chúa trích luật ra trả lời ngay: “Đây là giới răn trọng nhất: Nghe đây hỡi It-ra-el, Thiên Chúa, Đức Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất, ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực” (Mc 12,30).
Đây là lời kinh nhật tụng mà người Do thái nào cũng đọc vào mỗi buổi mai. Chúa cũng nhất trí với các kinh sư như vậy. Điều răn đầu tiên: Yêu mến Thiên Chúa.
Xét lại cuộc sống hằng ngày xem ta đã yêu mến hết lòng chưa? Có nghĩa là khi làm việc gì cũng làm sao cho đẹp ý Chúa, với tấm lòng của người con thảo. Một người có đời sống nội tâm sâu xa, sẽ không khó gì mà không hướng về Chúa Cha, như Chúa Giê-su, nhiều khi là một cách mặc nhiên, nhưng tâm tình yêu mến như sức sống âm thầm triền miên nơi con tim mình.
Không những yêu “hết lòng” mà còn “hết trí khôn”, cũng có nghĩa là trong suy nghĩ của mình không có ý lìa xa ý Chúa, muốn yêu Chúa hết trí khôn, phải lưu ý đến Lời Chúa, đó là ánh sáng cho trí khôn. Người yêu mến hết trí khôn sẽ không rời hình ảnh Chúa Ki-tô, Đấng sẵn sàng hành động theo thánh ý Cha.
“Và hết sức lực”: từ tâm tình ý chí đến suy tư chín chắn đúng hướng Tin Mừng, và cuối cùng đến hành động. Hành động say sưa, nhiệt tình, hành động can đảm, hành động khôn ngoan để Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Bạn hãy để cho lời kinh vang lên tới Chúa, từ con người đến hành động, con người có nội tâm, yêu mến cuộc sống sẽ tỏa ánh sáng và hương thơm của nhân đức.
Yêu mến Thiên Chúa, sẽ tự nhiên dẫn tới yêu thương anh em mình: “Đây là giới răn thứ hai…hãy yêu thương anh em như chính mình”.
Vị luật sĩ chỉ hỏi một giới răn thôi, nhưng Chúa lại đem ra hai. Chúa đi xa hơn suy nghĩ con người. Chúa bổ túc, kiện toàn làm cho bộ luật hoàn hảo.
Tình yêu là cốt lõi của Tin Mừng, của đời sống Phúc Âm. Đó là Tin Mừng Chúa rao giảng cho đến hơi thở cuối cùng.
Mùa Chay, chúng ta cần xét kỹ luật Chúa dạy đây. Ta đã biết yêu Chúa chưa? Tình yêu tôi thể hiện ở đây đã trọn vẹn chưa: hết tâm hồn, trí khôn, sức lực?
Ai là anh em tôi? Tôi có loại trừ ai, có giận hờn ai không? Tôi đã thể hiện tình yêu trong hoàn cảnh nào? Tôi có dám hy sinh, dám quên mình không? Tôi có nghĩ đến anh chị em trước khi nghĩ đến mình tôi không? Sự tha thứ của tôi thế nào? Lòng nhân từ của tôi ra sao?


Suy niệm 4 - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật,
các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema,
kinh này được người Do-thái đọc sáng chiều mỗi ngày :
“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi,
tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4).
Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).
Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.
“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18).
Và ngài kết luận : “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).

Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh.
Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất : yêu mến.
Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân :
đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do-thái cách đây hai ngàn năm.
Đó cũng là câu trả lời của ngài cho các kitô hữu hôm nay.
Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.
Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30).
yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác,
vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.
Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước.
Ăn ngay ở lành không đủ.
Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành.
Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân.
Thương người như thể thương thân.
Nhưng đối với tôi thương thân là gì ? Tôi cần gì trong cuộc sống ?
Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ…
Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.

Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu.
Ông hỏi, nhưng không có ý thử ngài.
Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí.
Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ,
dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa.
Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.

Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình
để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó.
Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn,
nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây