CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – NĂM C Lc 6,27-38

Thứ bảy - 22/02/2025 03:41
4536579c 8f2b 4088 badb 152bf1f8116d

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Lc 6,27-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
SUY NIỆM:  YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
 Lời Chúa: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ” (Lc 6,36).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học mới mẻ là thực hiện bác ái với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù, và sống từ bi nhân hậu như Cha trên trời là Đấng từ bi nhân hậu với hết thảy mọi người:
Sao - lê độc ác mưu sâu,
Nhưng còn Đa - vít nuốt sầu thứ tha.
Đúng như Lời Chúa dạy ta:
Yêu thương, giúp đỡ, thứ tha kẻ thù.
Vinh quang hạnh phúc thiên thu,
Chúa dành để thưởng đền bù công lao.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa để chúng ta biết sống yêu thương, bác ái với hết thảy mọi người như Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng ta. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ  bi nhân hậu và hay thương xót. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa yêu thương hết thảy mọi người và đã nêu gương tha thứ cho chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Con người sinh ra trong đời này là để yêu thương và được yêu thương. Tình yêu thương ấy được bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thương này là cốt lõi trong Đạo và trở thành giới luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi;  ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Giới luật này đã được ghi trong sách Thứ luật và sách Lêvi. Các bậc khôn ngoan, các tiến sĩ luật Do Thái và ngoại giáo đã đưa ra áp dụng luật này vào trong thực tế: “Điều ngươi không muốn người ta làm cho chính mình, thì ngươi cũng đừng làm cho ai khác”. Như thế, con người mang sẵn trong mình sách lề luật và quy tắc đích thật về thái độ phải có đối với đồng loại.
Thưa anh chị em, bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy một mẫu gương sáng chói về thái độ yêu thương và tha thứ cho kẻ thù: chỉ vì ghen tức mà vua Saolô đã xua quân lùng bắt Đavít, người tôi trung tài giỏi. Dù vậy, đứng bên đầu giường có sẵn cây giáo của Saolô đang ngủ say li bì, Đavít cũng không hạ sát kẻ đã gây đau thương tột độ cho mình. Ông chỉ lấy cây giáo và bình nước của Saolô và lẳng lặng ra đi khỏi doanh trại địch, rồi gọi bầy tôi của Saolô tới mà nhận về. Dù sống trong luân lý: “răng đền răng, mắt đền mắt” nhưng Đavít cũng đã thực hiện được giáo huấn mới của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình”. Vì, “Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy”. Phải yêu thương như vậy, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Với luật mới của Chúa Giêsu, tha nhân không chỉ là những người đồng chủng, những người yêu thương, làm ơn cho mình nhưng là tất cả mọi người. Vì, Thiên Chúa cho mưa rơi xuống trên người lành và kẻ dữ. Đàng khác, Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ của Người phải đạt mức độ toàn vẹn và tuyệt đối hơn nữa, yêu thương cả kẻ thù và “Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán. Đừng kết án thì các con khỏi bị kết án”. Vì, Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta theo lối cư xử của chúng ta trong ngày phán xét chung thẩm.
Chuyện kể rằng, trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang quằn quại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ: “Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy!”. Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thanh niên trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận đánh tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra giữa chiến hào, tháo chiếc Thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hình ảnh và gương bác ái của viên sĩ quan Anh giúp chúng ta suy nghĩ về đời sống của mình, đồng thời hướng cái nhìn của chúng ta vào Chúa Giêsu, Thầy dạy và là tấm gương toàn vẹn về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta phải yêu thương, tha thứ cho những ai làm hại chúng ta. Vì chúng ta là con cái Thiên Chúa, Đấng nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Chúng ta đong đấu nào thì cũng sẽ được đong trả bằng đấu ấy. Vì thế, chúng ta muốn Thiên Chúa tha tội của chúng ta thì chính chúng ta cũng phải yêu thương tha tội cho những người xúc phạm đến chúng ta.
Nguyện xin Chúa xót thương và ban ơn trợ giúp để chúng ta biết thành tâm tìm kiếm và thực thi những điều đẹp ý Chúa. Amen.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM: HÃY SỐNG NHÂN TỪ NHƯ CHA TRÊN TRỜI
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy đối xử nhân từ với nhau như Cha chúng ta là Đấng nhân từ.
Để minh chứng cho lời mời gọi này, bài đọc I chúng ta vừa nghe kể lại hình ảnh Vua Đavit và hành động nhân từ của ông. Tuy Đavit đã 5 lần 7 lượt bị vua Saun tìm cách giết hại, khiến ông phải “trốn chui trốn lủi” đến nỗi không có lấy 1 ngày được yên thân. Nhưng khi ông có cơ hội, khi người ta chỉ cho ông biết làm cách nào để khử trừ vua Saun, thì thay vì chọn báo thù, Đavit đã chọn mở rộng lòng nhân từ khi nói rằng: “Không được giết đức vua, vì có ai lại tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu”.
Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống nhân từ qua những việc làm hết sức cụ thể, đó là: yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình; đừng xét đoán, đừng lên án; và hãy tha thứ cho nhau.
Thưa anh chị em, đó không phải là lời mời gọi suông. Nhưng Chúa chúng ta đã sống và làm như thế.
Cuộc đời của Chúa Giêsu đã đối diện với quá nhiều bất công và oan ức. Người ta tìm mọi cách để vu oan giá họa cho Ngài, họ bày kế lập mưu để đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết; rồi trên đoạn đường từ Giêrusalem đến đồi Gôn-gô-tha, người ta đã cười nhạo, sỉ vả, khạc nhổ, lột áo, đánh đòn, và sau cùng là đóng đinh Ngài vào thập giá, nhưng Chúa chúng ta vẫn không 1 lời oán trách. Và Ngài còn cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Khi được mời gọi sống nhân từ theo gương Chúa Giêsu, nhiều người lý luận rằng: tại sao con phải tha thứ cho bà hàng xóm lắm chuyện sát bên nhà chuyên nói hành nói xấu con; tại sao con phải tha thứ cho người chồng, người vợ bạc tình bạc nghĩa; tại sao con phải tha thứ cho thằng con rể trời đánh thánh đâm, tha thứ cho đứa con dâu hỗn xược với mẹ chồng, hay tha thứ cho bà mẹ chồng cay nghiệt ấy; tại sao con phải tha thứ cho người chống đối, phá hoại làm gia đình con tan nát…?
Biết là rất khó, nhưng Chúa Giêsu cho biết, chúng ta cần và phải sống nhân từ với 3 lý do sau đây thưa anh chị em:
Lý do thứ nhất, vì nếu chúng ta xét đoán người khác thì chúng ta cũng sẽ bị chính Thiên Chúa xét đoán. Thành thật mà nói, làm người ai mà lại không có những lỗi lầm phải không thưa anh chị em: không nặng thì nhẹ, không ít thì nhiều; không lỗi với Chúa thì cũng lỗi với người, không lỗi với tha nhân thì cũng lỗi với chính mình. Vì thế, “anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán”.
Lý do thứ 2, vì chỉ khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho nhau thì chúng ta mới được Thiên Chúa thứ tha. Điều này vô cùng quan trọng, vì nếu Chúa chấp tội thì chẳng có ai rỗi được đâu thưa anh chị em.
Và lý do thứ 3 thì Chúa Giêsu giải thích rất rõ: là người Công Giáo, mà nếu chúng ta chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì chẳng có gì để tự hào cả, bởi ngay cả những người ngoại giáo và những người tội lỗi vẫn làm được như thế. Nhưng chúng ta được mời gọi, hãy yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho cả những người xúc phạm đến mình. Là người con cái Chúa, chúng ta cần phải có 1 tấm lòng quảng đại và nhân từ như thế. Bởi đó mới đích thực là nét đẹp của tình yêu Kitô giáo.
Tóm lại, sứ điệp lời Chúa hôm nay chỉ muốn lặp đi lặp lại với chúng ta một điệp khúc này, đó là: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ; anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán; và anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Amen
Lm. Antôn

SUY NIỆM: YÊU KẺ THÙ
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, giáo huấn trọng tâm và quan trọng nhất của Chúa Giêsu là giới răn yêu thương: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đây cũng là giới răn mà bất cứ người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã làm một cuộc “cách mạng” khi đưa giới răn yêu thương này đến cực biên của nó khi Người dạy các môn đệ:Anh em hãy yêu kẻ thù”.
Yêu kẻ thù, làm ơn cho những kẻ ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” là những điểm mới lạ và độc đáo của Tin Mừng mà Chúa Giêsu truyền cho những ai tin theo Người. Vì đối với người Do Thái, “yêu tha nhân” là chỉ yêu người đồng loại, nghĩa là những người cùng tôn giáo với họ. Ðặc nét của luân lý Kitô giáo là yêu, nhưng không phải ở chữ yêu” trống không, vì mọi nền luân lý đạo đức trên trái đất này đều đòi hỏi điều đó. Yêu của Kitô giáo là yêu như Chúa đã yêu, yêu đến cùng, yêu không loại trừ một ai, ngay cả kẻ thù.
Nhưng hãy coi chừng! Chúa không dạy chúng ta chấp nhận sự bất công và không kháng cự trước cái ác! Yêu kẻ thù” không có nghĩa là dung túng, im lặng để điều ác tàn phá và hủy diệt sự sống và con người, nhưng là dùng tình yêu để chiến thắng sự ác; là nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa và phẩm giá cao quý của con người vượt lên trên tất cả những điều xấu mà họ gây ra. Vì vậy, chúng ta tố cáo và lên án sự ác nhưng không kết án và đóng khung con người trong sự xấu và tội lỗi.
Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” là một hình thức công khai của tình yêu thương và hy vọng vào sự biến đổi của họ, cũng như tin tưởng vào Chúa là Ðấng duy nhất có quyền xét đoán. Như thế luật công bình mới này vượt xa luật tự nhiên ăn miếng trả miếng.”
Ai vả má anh bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.” Chúng ta thường hiểu cách giới hạn lời dạy này của Chúa Giêsu ở nghĩa đen! Ðưa má bên kia không có nghĩa là cho kẻ xấu có dịp tát thêm một lần nữa, và tiếp tục làm việc hung bạo. Chính Chúa Giêsu, khi bị một tên vệ binh của vị thượng tế vả mặt, Người không đưa má bên kia, nhưng ôn tồn hỏi: Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó, mà nếu Ta nói phải thì tại sao anh lại đánh Ta?” (Ga 18,23). Đưa má bên kia là hành động cho thấy khuôn mặt tình thương không bạo tàn, không báo oán cũng chẳng báo thù. Ðó là kim chỉ nam cho những ai muốn chọn Mối Phúc thật, và hiểu rằng ăn miếng trả miếng” chỉ là bước đầu cho một chuỗi phản ứng liên tục của bạo lực. Vì thế, đó cũng là con đường mà các nhà bất bạo động chọn để tìm kiếm hòa bình và công lý cho đất nước hay dân tộc của họ.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ... Hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Thiên Chúa không xét đoán, không kết án một ai, Người tha thứ cho mọi tội nhân. Và Người muốn chúng ta sống như Người! Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14). Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau, vì chính chúng ta đã được Người tha thứ tất cả mọi tội lỗi chúng ta đã phạm.
Có nhiều người áy náy vì nhiều khi đã tha thứ rồi mà vẫn không quên được những việc xấu người khác gây ra cho mình. Chúng ta cần hiểu rằng tha thứ không có nghĩa là quên. Tha thứ là từ bỏ ý muốn trừng trị hay trả thù người đã gây ra những điều xấu cho mình, nhưng chúng ta không thể bắt trí nhớ quên đi những gì người đó làm cho mình. Trí nhớ được Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải để quên! Hơn nữa việc “không quên” giúp chúng ta không cho người đó có cơ hội tiếp tục gây tổn hại hay làm điều không tốt cho chúng ta. Tha thứ và quên là hai lãnh vực khác nhau, nên chúng ta có thể tha thứ mà vẫn có thể không quên.
Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu là giới răn chúng ta phải học và thực hành mỗi ngày trong suốt cuộc đời làm Kitô hữu. Quả là không dễ dàng gì để yêu kẻ thù, làm ơn, chúc lành và cầu nguyện cho những người làm hại chúng ta. Nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và là con đường để chúng ta được “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5,48) theo lời mời gọi của Người. Mặc dù luôn ý thức về sự yếu đuối và khiếm khuyết của mình, nhưng chúng ta cũng đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa. Người không bao giờ từ chối ban ân sủng và sức mạnh của Người để giúp chúng ta vượt qua những giới hạn của bản thân và sống cho điều thiện hảo. Vì như lời Chúa đã nói với thánh Phaolô “ơn ta đủ cho con”.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
 
SUY NIỆM:
Theo Tin Mừng Mát-thêu, trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã đề cập tới những đức tính cốt yếu của người môn đệ Chúa. Đã là cốt yếu thì hẳn cũng là khó khăn vất vả mới tập tành và thể hiện trong cuộc sống. Đặc điểm của những đức tính này là đi ngược với cách ứng xử của con người trong xã hội, do đó những đức tính ấy làm cho khuôn mặt Ki-tô hữu không giống ai, nhiều khi họ thấy mình lạc lõng giữa dòng đời. Nhưng tất cả những đức tính ấy được gồm tóm trong câu kết luận của Chúa Giê-su: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca sau khi trình bày bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su dưới đất bằng, cũng ghi lại một câu kết luận của Chúa về một vấn đề vô cùng gai góc – yêu thương kẻ thù – khi Người lấy Chúa Cha làm tiêu chuẩn: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Thật là “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”! Thánh Mát-thêu trình bày con đường nên thánh của Ki-tô hữu một cách bao quát, pháp lý và nguyên tắc. Còn thánh Lu-ca thì vẽ con đường nên thánh cho ta một cách đơn sơ hơn, thực tế hơn, tuy không có nghĩa là dễ dàng hơn đâu. Vậy vấn đề thánh Lu-ca nêu lên gợi cho ta mấy thắc mắc: ai là kẻ thù của ta và tại sao lại lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù?
  1. a) Ai là kẻ thù?
Tôi nhớ câu đầu trong bài hát “Kẻ thù ta” của một ông nhạc sĩ Việt Nam (Phạm Duy) là: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai?” Khi xác định một người là “kẻ thù của ta” thì ta đã ngầm hiểu rằng người ấy có tội đối với ta. Tội lớn thì thù lớn, khó mà tha và quên được; còn tội nhỏ thì cũng có thể tha và quên được vì khi nhìn lại chính mình ta thấy mình cũng có nhiều tội nhỏ đối với người khác.
Trong bài giảng, Chúa Giê-su đã nêu lên một số hành động của kẻ thù ta: nguyền rủa, vu khống, vả má, đoạt áo ngoài của ta. Chắc chắn một điều là thực sự ta không có lỗi gì để đáng chịu những hành vi bất công ấy. Vậy khi làm những hành vi bất công ấy cho ta, họ đã có lỗi với ta và trở thành kẻ thù của ta.
Nói người lại ngẫm đến ta! Khi ta xúc phạm đến một người là ta có tội với người ấy và ở mức độ nào đó ta trở thành kẻ thù của người ấy. Nếu quả như vậy, thì tất cả chúng ta đều là kẻ thù của Thiên Chúa. Đúng thế, kẻ thù đích thực của Thiên Chúa là ma quỷ và sự dữ. Ma quỷ còn muốn kéo theo con người cùng với chúng làm kẻ thù của Chúa khi nó hoạt động trong ta, cám dỗ ta sa ngã phạm giới răn Chúa. Mà ai trong thế gian này chẳng có tội, ngoại trừ Đức Ki-tô? Cho nên tội nguyên tổ đã đưa toàn thể nhân loại vào tư thế kẻ thù của Thiên Chúa. Giả như Thiên Chúa không yêu thương “kẻ thù” của Người là nhân loại tội lỗi, thì Người đã để họ hư mất luôn cho rồi và Người sẽ tạo dựng một nhân loại khác thay thế! Nhưng bản chất của Thiên Chúa là yêu thương và nhân từ, nên Người không hành xử trái với bản tính của Người. Cũng giống như trong Tin Mừng Mát-thêu, bản chất của Thiên Chúa là hoàn thiện, nên ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Người. Do đó, Thiên Chúa mới hoạch định một kế hoạch gọi là nhiệm cục cứu rỗi, để Người lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù của Người.
  1. b) Tại sao phải lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù và biểu lộ lòng nhân từ cách nào?
Một cách cụ thể qua con người Chúa Giê-su, ta có thể nhận ra nhân loại đã xúc phạm Thiên Chúa như thế nào và Thiên Chúa đã đối xử lại với họ ra sao. Ai nói Chúa Giê-su không bị nguyền rủa và chúc dữ? Thân nhân Người cho Người là một tên khùng (Mc 3:21). Các kinh sư bảo Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám (Mc 3:22). Trước giờ chết trên thập giá, Thiên Chúa còn bị nguyền rủa và chúc dữ: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39). Chúa Giê-su đã bao lần bị vu khống lân la với những kẻ xấu nết và tội lỗi. Kẻ thù Chúa muốn kết luận về Người: Gần mực thì đen mà! Bị vả má và đánh đòn thì vô kể, đến nỗi Phi-la-tô muốn dùng hình ảnh đau thương của Thiên Chúa làm người (Ecce homo) để gợi lòng thương hại của con người, vậy mà cũng không xong.
Nhưng Đấng dạy ta phải thương yêu kẻ thù đã sống trọn vẹn bài học ấy trước khi dạy ta. Người chúc lành cho mọi người. Người vẫn một lòng thương cả ông Phê-rô lẫn Giu-đa. Người đã cầu nguyện cho họ, xin Cha tha thứ cho họ. Từ trên thập giá Người đã tha thứ cho kẻ thù của Người. Những tên lính chia nhau áo ngoài, Người cho luôn cả áo trong. Người còn cho nhân loại luôn cả những giọt nước và máu cuối cùng trong trái tim yêu thương của Người. Đó là tất cả những cách cụ thể Chúa Giê-su biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Chúa Giê-su bao giờ cũng thực tế. Dạy nhiều quá, chúng ta đâu có nhớ và làm nổi. Cho nên Người đưa ra một vài điều thực tế nhất, những điều ta hay gặp nhất trong đời sống hằng ngày. Đó là đừng xét đoán, đừng lên án, và hãy tha thứ. Lòng nhân từ sẽ là cặp kính để ta nhìn người khác, cặp kính đó chính Thiên Chúa ban cho ta. Nhìn qua đó, ta sẽ không thấy được ai là kẻ thù ta, mà chỉ thấy người khác là con Chúa, là người anh chị em của ta.
  1. c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Yêu thương kẻ thù và tha thứ cho kẻ thù là hành vi của duy Thiên Chúa nên loài người không thể làm được. Nhưng Thiên Chúa đã cho con người khả năng có thể yêu thương kẻ thù và tha thứ kẻ thù khi Người cho chúng ta một con người mẫu là Chúa Giê-su. Vậy tôi đã học nơi Chúa Giê-su ở những điểm này chưa? Tôi có kết hiệp với Người để yêu thương và tha thứ kẻ thù của tôi không? Nếu không, thì tôi phải làm gì để kết hiệp với Chúa Giê-su?
Ai là kẻ thù gần nhất của tôi? Hoàn cảnh thù ghét như thế nào? Tôi có cách thức cụ thể nào để yêu thương và tha thứ người ấy?
Tôi tập cách nào để không lên án và xét đoán người khác?
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận người khác là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.” – Trích trong PRIER
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

SUY NIỆM: HÃY ĐỐI XỬ NHÂN TỪ 

Theo khuynh hướng đổi chác tự nhiên của loài người, thì ai làm ơn cho mình, mình nên trả ơn cho họ; ai ghét mình, mình phải ghét lại; ai chửi mình, mình phải chửi lại họ. Theo luật công bình cũng vậy. Luật công bình trong Cựu ước đòi: mắt đền mắt; răng đền răng. Điều đó có nghĩa là ai móc mắt mình, mình có quyền móc lại mắt họ, và ai bẻ gẫy răng mình, mình có quyền bẻ lại răng họ, Luật cônh bình trong xã hội hiện tại cũng vậy. Người phạm pháp phải bị kết án tuỳ theo tội nặng nhe họ đã phạm.
Vì thế mà lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay phải yêu kẻ thù có thể trở thành đề tài cho người đời nhạo báng. Làm sao người ta có thể yêu kẻ thù? Ai lại nhu nhược đến nỗi theo lời Chúa dạy khi người khác vả má này, mình lại đưa cả má kia cho họ vả. Ai lại khờ dại đến nỗi khi người khác lấy áo ngoài, lại cho cả áo trong. Ai lại vô tư đến nỗi khi người khác lấy gì của mình, mình không đòi lại. Trong cái xã hội hưởng thụ và tranh sống, cái nguyên tắc yêu vô vị lợi của Chúa xem ra như là một giáo lý không tưởng, xa lạ với cuộc sống thực tế.
Chúa đến dạy ta luật từ bi, nhân hậu và bác ái thay vì luật báo thù báo oán. Nếu chỉ nghĩ đến chuyện tư lợi, trao đổi và đề đáp, thì đó là đổi chác và thương mại. Chúa nhận xét: Nếu anh em yêu những kẻ yêu thương mình,.. làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình,.. cho vay mà hi vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa, ngay cả người tội lỗi cũng làm như vậy (Lc 6:32-34). Và rồi Chúa bảo: Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hi vọng được đền trả (Lc 6:35). Và Chúa bảo thêm: Anh em hãy có lòng nhân từ, … Anh em đừng xét đoán, … Anh em đừng lên án, … Anh em hãy tha thứ, … Anh em hãy cho, … (Lc 6:36-38).
Hôm nay ta cần nhận thức rằng xét đoán là quyền của Chúa, và chỉ có Chúa là Đấng phán xét công minh, vì Chúa thấu suốt tâm hồn của mỗi người. Khi ta đoạt lấy quyền xét đoán của Chúa, thì cái xét đoán của ta rất dễ bị sai lầm. Ngay cả tại tòa án dân sự, mặc dầu có luật sư biện hộ cho can phạm, chánh án và bồi thẩm đoàn cũng sai lầm. Theo hiệp hội tranh đấu cho tự do nhân quyền ở Hoa ky, thì từ năm 1900 tới 1992, có 25 người bị hành quyết oan, vì toà kết án lầm và 318 người bị tù cũng vì toà án lầm lẫn. Trước toà án lương tâm của mỗi người, biết bao lần ta cũng kết án người khác cách vô căn cớ. Tệ hơn nữa ta còn kết án người khác là xấu thay vì chỉ kết cái cái hành động xấu của họ. Hành động xấu của một người có thể chỉ xẩy ra một lần vì yếu đuối hay vì bệnh hoạn. Ta kết án người khác nhiều khi chỉ dựa trên một lời nói, một cử chỉ hay một hành động của họ, thay vì dựa trên toàn diện con người của họ và dựa trên tất cả các công việc làm của họ.
Nguyên tắc từ bi, nhân hậu, bác ái của Chúa dạy ta tránh việc phê bình, xét đoán. Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn phê bình, chỉ trích và xét đoán. Vậy có lẽ ta cần tìm ra cái căn nguyên cội rễ của việc tại sao có chuyện phê bình, xét đoán vô cớ. Tìm ra cái căn nguyên cội rễ của việc hay phê bình chỉ trích vá xét đoán vô căn cớ là bước khởi đầu cho việc chữa trị tính xét đoán. Sở dĩ người ta phê bình, chỉ trích, xét đoán có thể là để che đậy những cái chướng, những khuyết điểm và thất bại của mình để đánh lạc hướng người khác về mình. Và đó là một hình thức tự vệ.
Sống đức ái chân thực như lời Chúa phán là cái thước đo mối liên hệ của mỗi người với Chúa, thước đo mức độ đời sống thiêng liêng của mỗi người. Ta không thể trở nên môn đệ đích thực của Chúa, nếu giáo lý về đức ái chân thực của Chúa không ăn nhập gì đến cuộc sống hiện tại của mỗi người.

 Lm. Trần Bình Trọng


SUY NIỆM: YÊU CẢ KẺ THÙ MÌNH  
Sự khôn ngoan đích thực được thể hiện không chủ yếu bằng lời nói nhưng bằng cách sống trong đời sống thường ngày của mỗi người.
Yêu kẻ ghét mình
Đavid bị vua Saul thù ghét, săn đuổi để giết, nhưng Đavid vẫn sống theo Luật Chúa, không hại kẻ Thiên Chúa xức dầu phong vương khi có thể làm điều đó. Dưới cái nhìn nhân loại, Đavid đã hành xử dại dột, bỏ mất một cơ may “nghìn năm một thuở” để khử trừ kẻ thù mình, nhưng Đavid đã chọn Thiên Chúa, không chọn lợi ích trước mắt theo con người. Giữ luật Chúa, là yêu người, và yêu kẻ thù ghét mình.
Chúa Yêsu trong tin mừng theo thánh Luca hôm nay đã dạy: “yêu kẻ thù ngươi, làm điều tốt cho kẻ ghét ngươi, chúc lành cho kẻ nguyền rủa ngươi, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi ngươi… Cho kẻ xin ngươi, đừng đòi lại điều người ta lấy của ngươi, làm cho người khác điều ngươi muốn người khác làm cho mình… Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, không kết án thì sẽ không bị kết án. Tha thứ thì sẽ được tha thứ. Cho thì sẽ được tặng lại… Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha là Đấng thương xót”. Nếu mỗi người sống theo những điều Chúa dạy trên, người đó sẽ sống bình an hạnh phúc.
Đức Yêsu là người đã sống trọn vẹn điều Ngài đã dạy. Những người thù ghét Ngài, tìm cách làm hại Ngài, hành hạ Ngài, giết Ngài, Ngài vẫn yêu thương. Trên thập giá Ngài vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho họ. Ngài chỉ biết yêu mà thôi.
Không dễ để yêu kẻ ghét mình
Làm sao có thể yêu được kẻ thù ghét mình, luôn nói xấu mình, luôn tìm cách làm hại mình? Nội chuyện nhìn thấy mặt người đó, mình đã cảm thấy khó chịu, làm sao nói đến chuyện yêu người đó, thích người đó?
Yêu có nhiều mức độ, chẳng hạn không ao ước những điều chẳng lành cho họ, không muốn làm hại họ, muốn điều tốt lành cho họ. Về cảm tính, có thể mình không dễ dàng để cười hoặc nói chuyện với họ, nhưng nếu mình cố gắng vượt qua chính mình để nói hoặc cười, là mình đang “yêu” họ đó. Tình yêu không chủ yếu hệ tại cảm tính nhưng do lý trí. Chẳng hạn trong nghi thức bí tích hôn phối, vị đại diện Hội Thánh không điều tra “anh chị có yêu nhau không?”, nhưng “anh chị có tự do không?”, và lời thề hứa không là “yêu nhau” nhưng “sẵn sàng nhận X (hoặc Y) làm chồng (hoặc vợ), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy lúc gian nan cũng như lúc thịnh vượng, để yêu thương và tôn trọng suốt đời”. Yêu thương và tôn trọng ở đây được hiểu như hành vi của lý trí và ý muốn, chứ không phải của cảm tính. Nói như vậy không muốn phủ nhận khía cạnh cảm tính, thân xác của tình yêu.
Con vật chỉ sống theo khuynh chiều của thể xác hay bản năng; con người sống theo lý trí. Sống theo lý trí, không là lừa dối mình, nhưng là sống theo ơn gọi làm người. Nếu lý trí thấy điều nào đó là đúng, là phải làm thì mới là người tốt, thì người ta phải sống theo điều đó dù mình thấy sợ, hay điều đó làm tổn hại về lợi ích vật chất của mình. Khi người ta có khunh chiều xác thịt, và lý trí thấy không được làm như vậy, vì như vậy là sai trái, thì người ta không được làm. Xin Chúa giúp mỗi người nhận ra lời mời gọi vươn lên làm con Chúa, và xin Chúa cho mỗi người có nghị lực để thực hiện những gì Thiên Chúa gợi lên trong tâm trí mình.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Yêu kẻ thù ghét mình, được gì và mất gì?
  2. Tại sao Kitô giáo là đạo “yêu thương”?
  3. Xin bạn liệt kê những câu Kinh Thánh nói về yêu thương.
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
 
SUY NIỆM: HÃY Ở NHÂN TỪ NHƯ CHÚA CHA
Tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đào luyện các môn đệ và dạy dỗ dân chúng. Lời Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, những người đang nghe Chúa nói, cũng là lời dành cho mỗi chúng ta đang nghe chính Lời Chúa qua thừa tác viên của Giáo hội giờ này: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây” (Lc 6, 27). Chúa bảo chúng ta điều gì? Thưa, Chúa bảo:  “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). Yêu kẻ thù ư, làm điều tốt cho kẻ không thích ta ư, chúc phúc cho ai nói xấu ta, và cầu nguyện cho ai đối xử tệ với ta ư? Thật không dễ dàng chút nào hết. Nhưng đây là bốn chi tiết để sống đời Kitô hữu của chúng ta.
Ghét kẻ thù là lẽ thường tình, làm ơn hay chúc phúc cho kẻ thù và những người thuộc phe đối lập là chuyện ngược đời, nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng phải lội ngược dòng và hành xử với tư cách là con cái Chúa, giống Cha trên Trời. Ý thức mình là con phải nên giống Cha, và học sống sao cho có lòng nhân từ như Chúa Cha: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Đây không phải là một câu khẩu hiệu, mà là một sự dấn thân của đời sống người Kitô hữu. Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng toàn năng, toàn thiện. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa khích lệ chúng ta trở nên giống như Ngài, đầy tràn tình yêu và lòng trắc ẩn. Trở nên giống Thiên Chúa là trở nên hoàn hảo, nghĩa là hãy ở nhận từ và biết xót thương anh em.
Có người hỏi: Liệu những lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Chúng ta là những con người sống trong thế gian làm sao có con tim đầy ắp yêu thương để yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu và sống nhân từ như Chúa sống?
Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa giống như một người cha hay người mẹ yêu thương hết mọi loài, đặc biệt con người bằng một tình yêu cao với khôn ví. Thiên Chúa không nói suông, mà Ngài đã làm trước, bằng chứng là “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Gioan còn viện lý: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11). Đavit đã không dám tra tay đụng đến Saolê, người đã được Chúa xức dầu, ông việc cớ: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” (1 Sm 26, 22-23).  Cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trên thập giá là đỉnh cao của lịch sử của tình yêu ấy. Thiên Chúa là Tình Yêu, còn chúng ta là kẻ có tình yêu, nên chúng ta có lúc yêu lúc ghét, nghĩa tình yêu của chúng ta sẽ luôn có khiếm khuyết. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở nhân từ như Chúa Cha, Chúa muốn chúng ta hãy trở thành dấu chỉ, và chứng nhân của lòng từ tâm Chúa giữa thế gian.
Thế còn Giáo hội, vì được cấu thành bởi những con người bất toàn như chúng ta, Giáo hội cũng khó có thể, nhưng Giáo hội trở thành bí tích của lòng nhân từ Chúa trong thế giới, chúng ta được mời gọi để trở thành chứng nhân của lòng Chúa từ tâm. Lòng từ tâm ấy được thể hiện bằng hai động từ: “Tha thứ” và “Cho đi” như Chúa bảo: “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37).
Đứng xét đoán” (Lc 6,37) ở đây không phải là không phê phán ai cho dù người ấy gây gương mù gương xấu. Nếu hiểu chữ xét đoán như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại lên án những kẻ gây gương mù.
Chữ “xét đoán” ở đây được hiểu là chỉ trích, phê bình, lên án người khác cách vô trách nhiệm. Chúng ta thường hay xét đoán không tốt cho người khác là điều mà Chúa cấm. Chúa Giêsu cũng đã từng so sánh thái độ của người con Chúa với thái độ của các luật sĩ, biệt phái… họ thường ra vẻ đạo đức, hay lên án người khác và cho rằng chỉ có mình mới tốt, còn tất cả mọi người anh em khác là không tốt bằng.
Tại sao Chúa dạy người con Chúa không được xét đoán và lên án? Thưa là vì con người nhân vô thập toàn không có quyền lên án, cũng không thể xét đoán đúng và công bằng được, chỉ có Chúa là Đấng công mình, cầm quyền sinh tử mới có quyền lên án, kết án con người. Ngài là Đấng nhân từ đã không lên án, vậy cớ sao ta lại lên án nhau. Tuy nhiên, Chúa cho phép con người nhận định về nhau, phê bình nhau với tình yêu thương xây dựng, và giúp nhau thăng tiến.
Còn câu Chúa nói: “Đừng lên án các người sẽ không bị lên án” (Lc 6, 37). Câu này không có nghĩa là nếu chúng ta không bao giờ lên án ai thì Chúa không lên án chúng ta dù chúng ta tội lỗi. Thưa không phải thế. Câu này chỉ muốn nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừng đối xứ với họ như vậy, đó là cách xử từ tâm.
Hãy tha thứ” Chúa bảo chúng ta phải tha thứ. Đơn giản vì chúng ta đã được Thiên Chúa thứ tha.  
Hãy cho…Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều, vượt xa công trạng của chúng ta. Chúa Giêsu không nói điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không cho đi, nhưng nếu chúng ta thấy rõ có một luận lý chắc chắn: theo cách mà người ta nhận lãnh từ Thiên Chúa, thì người ta hãy cho anh em mình như thế, và theo đúng cách mà người ta cho một người anh em, thì người ta sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa!
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con ngày một nên giống Chúa hơn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây