Chúa Nhật XIX thường niên năm A

Thứ năm - 10/08/2023 10:22


Tin Mừng: Mt, 14, 22-33
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”

phe ro mat long tin

SUY NIỆM 1: Xin cứu con – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không?
Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ!” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
in cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.


SUY NIỆM 2: TÌNH PHỤ TỬ CỦA THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

    Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XIX, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta đã được phúc gọi Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta phải ngày càng hiếu thảo với Người, để chúng ta đáng được hưởng gia nghiệp mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Thật vậy, Chúa Nhật XIX Thường Niên là Chúa Nhật của tình phụ tử, tình Cha chí ái: các bản văn Lời Chúa được các nhà phụng vụ lựa chọn đều xoay quanh chủ đề này. Mở đầu bằng bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Hôsê cho thấy: Thiên Chúa như người cha nhân từ, bị con cái đối xử bạc bẽo: Khi Ítraen còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về, nhưng ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi. Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Mặc dù, bị con cái đối xử bạc bẽo, nhưng, ngôn sứ Hôsê cho biết: Thiên Chúa vẫn một dạ xót thương, và Người không hành động theo cơn nóng giận. Điều này được sách các Vua quyển thứ nhất nói đến trong bài đọc một của thánh lễ: Ngôn sứ Êlia đang bị bách hại, ông những mong Thiên Chúa ra tay can thiệp, tiêu diệt những kẻ đang truy cùng diệt tận ông. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hành động theo cơn nóng giận: không ở trong gió bão, không ở trong trận động đất, không ở trong lửa, nhưng, lại hiện diện qua làn gió hiu hiu…

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách trích từ sách Đối Thoại của thánh Catarina về Thiên Chúa là Cha Quan Phòng, thánh nữ có cùng tâm tình với thánh Phaolô khi nói: Làm sao con có thể yên tâm khi thấy con được hưởng sự sống, còn dân Chúa lại chìm trong sự chết? Trong bài đọc hai, thánh Phaolô viết cho những tín hữu Rôma: là những người dân ngoại, thánh nhân cho biết: mặc dù, họ không phải là con cháu của các tổ phụ về mặt huyết thống, nhưng, họ vẫn thuộc về dõng dõi của các ngài, vẫn là con cái của Thiên Chúa, và khi thánh Phaolô nói điều này, thì ngài đã cam chịu bị nguyền rủa bởi những người đồng bào của mình, và chấp nhận bị xa lìa Đức Giêsu về mặt huyết thống. 

Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 84, vịnh gia cho thấy Thiên Chúa là Cha nhân ái qua việc Người tỏ lòng nhân hậu và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử qua việc Người ban cho chúng ta Ngôi Lời, Con Một của Người, làm Đấng trung gian hòa giải giữa chúng ta với Người, để: tín nghĩa, ân tình được hội ngộ; hòa bình, công lý được giao duyên. Người sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Người, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

Trong bảy ơn Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức đi trước ơn kính sợ, khi nghe nói tới “đạo đức”, chúng ta nghĩ ngay tới các nhân đức. Tuy nhiên, ơn đạo đức (Piety, don de piété) dịch đúng phải là: ơn hiếu thảo, là đạo làm con. Một người con năng chạy đến với cha là người con có hiếu. Ơn kính sợ cộng với ơn hiếu thảo khiến ta: kính sợ Chúa như con cái yêu mến, kính sợ Cha hiền. Ơn hiếu thảo là một ơn riêng của Chúa Thánh Thần, và với ơn này, chúng ta mới dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình (x. Ga 4,6; Rm 8,15). Các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình: ngày càng hiếu thảo với Chúa, để ta đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. 

Chúng ta phải hiếu thảo với Chúa bằng cách nào? Thưa, bằng cách tin tưởng, phó thác như con thơ trong tay Cha nhân hiền. Chắc hẳn, chúng ta đã từng chứng kiến cảnh: ông bố tung đứa con bé nhỏ của mình lên không trung, có em thì thích thú, phấn khởi, bảo bố tung nữa đi, nhưng, cũng có em lại quấy khóc, và đòi bố mau mau bỏ mình xuống đất, đâu là điểm khác nhau giữa hai em bé này?

Chúng ta ở trong trời đất này, đầu đội trời chân đạp đất, chúng ta không thể đi trên nước, nhưng, thánh Phêrô lại xin được đi trên mặt nước mà đến với Đức Giêsu. Khi tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thánh nhân đã đi được trên nước, nhưng, khi thấy gió nổi lên, thì đâm sợ, mà bị chìm xuống, và bị Chúa trách: kém lòng tin. Nếu chúng ta tin tưởng mình đang ở trong vòng tay của Chúa như con thơ đang được bố tung hứng, thì sóng gió cuộc đời có hề chi, ngược lại, chúng ta lại còn thấy thích thú, phấn chấn nữa là khác.

Bài Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa là Cha quan phòng, luôn có mặt để giải cứu con cái mình thoát những điều nguy hại. Tin Mừng thuật lại: Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ, rồi để mặc cho nó vận hành theo những quy luật của nó, nhưng, Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn nhập cuộc, Người đã xuống thuyền cùng với con người, đồng cam cộng khổ với con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, ấy thế mà, Thiên Chúa lại muốn trở nên giống con người trong thân phận phàm nhân. Người đã lấy nhân tính khốn cùng và tội lỗi của Ađam làm đám mây che khuất thần tính vĩnh cửu của Người. Thiên Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho những ai kính sợ Người. Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, nhưng, chúng ta kính sợ Chúa: không như người đầy tớ khiếp sợ ông chủ hà khắc, mà là, kính sợ Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền. Xin cho chúng ta biết ngày càng sống hiếu thảo với Chúa để đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!


SUY NIỆM 3: GẶP GỠ SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG THINH LẶNG VÀ TRONG THỬ THÁCH - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

“Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Chúng ta sống trong một thế giới đầy ắp âm thanh: tiếng đài phát thanh, tiếng TV, tiếng điện thoại, tiếng tin nhắn, tiếng xe cộ, tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng nói chuyện… Cho dù có những giây phút hiếm hoi không có âm thanh, ngôn từ hay thông tin, thì tâm trí của chúng ta cũng đầy ắp những suy nghĩ liên miên về đủ thứ chuyện: chuyện nhà chồng, chuyện nhà vợ, chuyện nhà mình, chuyện con cái... Thế nhưng, trong tâm trí của chúng ta, chúng ta dành một chỗ nào cho tiếng của Chúa cất lên hay không? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho biết rằng chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng Chúa nói hay là gặp được Chúa hiện diện trong sự thinh lặng và trong thử thách. 
1. Gặp Được Chúa Hiện Diện Trong Thinh Lặng
Ngôn sứ Êlia trong bài đọc thứ nhất đã cảm nghiệm được Thiên Chúa vào đỉnh điểm của đêm tối đức tin của mình. Trước đó, vị ngôn sứ đã cảm thấy ghê tởm trước thái độ tồi tệ của dân được Chúa chọn đã quay lưng lại với Thiên Chúa mà tôn thờ thần Baan do hoàng hầu Ideven là vợ của Vua Akhát truyền bá. Êlia đã hăng say chiến đấu chống lại cái ác này, giết chết 450 tiên tri của thần Baal trên núi Cácmen. Tức giận vì điều này, hoàng hậu Ideven thề sẽ lấy mạng Êlia. Chạy trốn khỏi cuộc truy sát của hoàng hậu độc ác, Êlia tìm ẩn náu trong một cái hang trên núi Khôrép. Ở đó Thiên Chúa tỏ mình ra không phải trong một cơn gió to xẻ núi vỡ đá, không phải trong một trận động đất làm tan nát đất đá, không phải trong một đám lửa thiêu rụi mọi thứ, nhưng trong tiếng gió hiu hiu nhẹ thổi. Chính trong luồng gió dịu dàng Êlia nhận ra tiếng Chúa. 
Kinh nghiệm của Êlia chỉ cho chúng ta tầm quan trọng của sự thinh lặng, vì thường trong sự thinh lặng của cõi lòng chúng ta, Thiên Chúa nói rõ ràng nhất. Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Điều thiết yếu không phải là những gì chúng ta nói với Thiên Chúa mà là những gì Thiên Chúa nói với chúng ta và qua chúng ta. Trong thinh lặng, Ngài sẽ lắng nghe chúng ta; và trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với tâm hồn chúng ta; và trong thinh lặng, chúng ta sẽ nghe tiếng Ngài”.  Để thuận tiện cho việc lắng nghe tiếng Chúa, các buổi cử hành phụng vụ phải có các thời điểm thinh lặng và cầm trí không lời. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta rất sợ thinh lặng. Chúng ta chỉ muốn lấp đầy không gian cõi lòng chúng ta bằng những lời nói, âm nhạc. 
Nỗi sợ thinh lặng không chỉ trong phụng vụ, mà còn trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, khi ở nhà, chúng ta thường dán mắt vào đâu?  Hoặc màn hình tivi để xem phim, thời sự, game show, chương trình thực tế…  Hoặc màn hình điện thoại thông minh để nhắn tin, chơi điện tử, lướt facebook, xem tiktok… Những hình ảnh chúng ta nhìn, những chương trình truyền hình chúng ta xem, những âm thanh chúng ta nghe, những lời chúng ta nói, những game điện tử trên mạng chúng ta chơi… đi qua cửa ngỏ của đôi mắt, đôi tai, đôi tay mà chiếm đầy tâm trí chúng ta, không còn chỗ cho sự thinh lặng.                
Chúng ta không thể tìm thấy Chúa trong ồn ào, náo động. Chúa ban cho chúng ta đặc quyền nghe được giọng nói của Ngài trong thinh lặng. “Vị thánh nghèo thành Átxidi tên là Phanxicô rất nổi tiếng cõi lòng nhạy cảm trước công trình của Đấng Tạo Hóa. Chuyện kể rằng, ngày nọ thánh nhân ngồi bệt trên bãi cát, chiêm ngắm đất trời. Bất chợt ngài quay qua nói với người anh em đồng hành: “Thầy Lêô ơi, chúng ta hãy học tập nơi những viên đá này đi!”. Thầy Lêô ngạc nhiên hỏi: “Chúng ta học gì cơ ạ?” Thánh Phanxicô trả lời: “Học im lặng”.  
Để có thể thực hiện sự thinh lặng thì cần tập luyện.
Chúng ta cần rèn luyện đôi mắt biết thinh lặng khi nhìn ngắm sự tốt lành của Thiên Chúa ở khắp nơi và che mắt lại với lỗi lầm của tha nhân để không xét đoán hay lên án họ.   
Chúng ta cần rèn luyện đôi tai biết thinh lặng khi luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa và bịt tai lại với thứ tiếng nói xuất phát từ thói đàm tiếu, thói ngồi lê đôi mách, những lời thiếu bác ái, những lời đơm điều đặt chuyện. 
Chúng ta cần rèn luyện  miệng lưỡi biết thinh lặng khi ngợi khen Thiên Chúa và nói Lời Chúa hằng sống chính là Sự Thật, là lời thắp lên, thôi thúc và mang lại bình an, hy vọng, niềm vui; và tiết chế những lời nói gây tổn thương, nhục mạ, những lời thô thiển tục tĩu. 
Chúng ta cần rèn luyện tâm trí biết thinh lặng khi mở cho sự thật và việc hiểu biết về Thiên Chúa trong cầu nguyện và khép lại trước tất cả những gì là dối trá; những tư tưởng tiêu cực, những xét đoán vội vàng, những nghi ngờ sai lầm với tha nhân; những thù hằn và những dục vọng. 
Chúng ra cần rèn luyện một con tim biết thinh lặng khi yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình và thương người như Chúa thương, và tránh xa tất cả những gì là ích kỷ, hận thù, đố kỵ, ghen ghét và tham lam. 
Trong sự thinh lặng chúng ta mới nghe được lời an ủi của Thiên Chúa như ngôn sứ Êlia đã nghe được tiếng thì thầm an ủi của Chúa trong một làn gió nhẹ. 
2. Gặp Được Chúa Hiện Diện Trong thử thách
Bên cạnh sự thinh lặng tạo nên không gian nội tâm cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, thử thách cũng là không gian Thiên Chúa hiện diện để chúng ta gặp được Ngài. 
Trong bức thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô chia sẻ tình yêu sâu xa của ngài đối với đồng bào Do Thái của mình và than thở nỗi ưu phiền và đau khổ của ngài về việc họ chối bỏ Chúa Kitô. Đó là thử thách thánh Phaolô gặp phải trong việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thể dân Ítraen. Bất chấp sự cứng lòng của họ, thánh Phaolô vẫn bám chặt vào những lời hứa của Thiên Chúa với họ. Dựa vào vô số đặc ân mà người Do Thái đã nhận được như là “được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa” (Rm 9,4), kể cả việc cùng huyết thống với Chúa Kitô (x. Rm 9,5), thánh Phaolô hy vọng một ngày nào đó dân tộc mình sẽ tin nhận Chúa Kitô. 
Đến với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cứu Phêrô khỏi bị chìm xuống biển và làm cho sóng im biển lặng. Trong Thánh Kinh, biển ẩn chứa quyền lực ma quỷ, thù nghịch với Thiên Chúa. Người ta tin rằng biển là nơi ở của kẻ chết. Do đó, việc Chúa Giêsu đi trên biển có ngụ ý rằng Ngài có thẩm quyền trên mọi quyền lực, tự nhiên hay siêu nhiên. Cho dù tình trạng khó khăn của chúng ta có sâu đến đâu, sóng gió sợ hãi của chúng ta có dữ dội đến mấy, Chúa Giêsu vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ những điều sau đây.
Thứ nhất, chống lại cơn cám dỗ của tư tưởng sai lầm về Đấng Cứu Thế. Tại sao Chúa Giêsu sai các môn đồ lên thuyền khi biết họ sẽ băng qua những gì là sóng to gió lớn nơi biển hồ Galilê? Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn no nê, Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền để qua bờ bên kia. Điều này là do phản ứng từ đám đông. Họ đã nhìn thấy những gì họ muốn nơi một Đấng Cứu Thế và vì vậy họ muốn tôn Ngài làm vua bằng mọi giá. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã cùng với đám đông suy nghĩ theo hướng này. Ngài bắt họ lên thuyền sang bờ bên kia trong khi Ngài giải tán đám đông. Ngài đã làm điều này để cứu họ khỏi cơn cám dỗ của thánh công sau phép lẹ hóa bánh ra nhiều. 
Thứ hai, chống lại nỗi sợ hãi bằng đức tin. Sợ hãi giống như một loại virus tấn công vào gốc rễ đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Rõ ràng, chúng ta có lý do để sợ hãi và nỗi sợ hãi của chúng ta là có thật trước tình hình của mọi thứ trên thế giới ngày nay (suy thoái kinh tế, mất an ninh ngay cả ở những nơi thờ phượng, bệnh tật, cái chết bất ngờ, đó chỉ là một số ít). Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng gặp phải nỗi sợ hãi thực sự: Con thuyền ra xa bờ và bị cơn bão dữ dội lật nhào giữa biển khơi trong bóng tối của màn đêm. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho họ khi nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Họ đã tin và nỗi sợ hãi của họ cũng tan biến. Ngày nay, Chúa vẫn tuyên bố về quyền năng của Ngài với chúng ta, yêu cầu chúng ta đừng sợ hãi vì Ngài ở đó vì chúng ta khi chúng ta lèo lái con thuyền trên biển đời. Mặc dù Chúa không hứa hẹn một chuyến đi không có bão tố nhưng Chúa hứa sẽ ở với chúng ta. Tất nhiên, thuận buồm xuôi gió không tạo nên người thủy thủ giỏi. Vì vậy, chúng ta cần có đức tin như Phêrô đã xin Chúa Giêsu đi trên mặt biển. 
Thứ ba, học hỏi từ khó khăn. Đức tin đã giúp Phêrô đi trên mặt biển đến với Chúa Giêsu. Nhưng ngay khi ông rời mắt khỏi Chúa Giêsu và tập trung vào cơn bão, ông đã bắt đầu chìm xuống. Để có thể đi trên biển đời, chúng ta cần hướng mắt về Chúa Giêsu chứ không phải vào nỗi khó khăn của riêng mỗi người. Chúa Giêsu có thể biến những thử thách của chúng ta thành những cơ hội tuyệt vời; và những thử thách của chúng ta có thể là một sự huấn luyện trong trường đức tin hoặc một bài học trong trường đời. Cơn bão là cơ hội để Phêrô và các môn đệ còn lại được vững tin. Chúng ta đừng bao giờ quên kêu cầu Ngài như Phêrô khi cảm thấy như mình sắp chìm.
Tóm lại, chúng ta hãy dành thời gian cho thinh lặng, tìm kiếm những giây phút gặp gỡ Thiên Chúa. Giống như ngôn sứ Êlia, ước gì chúng ta chăm chú lắng nghe lời thì thầm dịu dàng của Thiên Chúa dù sống giữa những ồn ào sôi động của cuộc sống. Giống như thánh Phaolô và thánh Phêrô, mong sao chúng ta hướng mắt về Chúa Giêsu, ngay cả khi gặp thử thách. Chúng ta hãy nhớ rằng trong những cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta một cách sâu xa, biến đổi tâm hồn chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta sống như những môn đệ trung thành. Xin cho cuộc đời chúng con được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con tin cậy vào quyền năng của Chúa. Như Chúa đã dang tay ra để cứu Phêrô khỏi chìm, chúng con cũng xin Chúa đưa tay ra cứu giúp chúng con. Xin giúp chúng con luôn hướng mắt về Chúa mỗi khi giông bão của cuộc đời hay những phiền nhiễu xung quanh chúng con nỗi lên. Xin cho chúng con mạnh dạn bước đi trong đức tin, vì biết rằng Chúa luôn ở bên chúng con. Amen. 

SUY NIỆM 4: THIÊN CHÚA Ở ĐÂU ? Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Người ta dễ dàng nhận biết Thiên Chúa hiện diện nơi những hiện tượng đáng sợ, nơi những sự kiện lớn lao. Thiên Chúa hiện ra trên núi Sinai để ký giao ước với dân Do Thái đã xuất hiện bằng sấm chớp, lửa bừng bừng, đất rung chuyển. Dân chúng thấy vậy thì sợ hãi và hứa tuân giữ Lề Luật Chúa dạy. 
Tuy nhiên, Thiên Chúa còn có cách hiện diện khác nữa. Tiên tri Êlia, trong cuộc đấu tranh với những người thờ thần Baal, đã xin Thiên Chúa sai lửa từ trời xuống thiêu huỷ con bò mộng ướt đẫm. Tuy nhiên, sau biến cố đó, dù ông là người phục vụ cho vị Thiên Chúa uy nghi đó, ông cũng phải chạy trốn cuộc bắt bớ của vua Akháp và hoàng hậu. Trong khi trốn trong núi đá, đã có gió bão, động đất, lửa ập tới, nhưng ông biết không có Thiên Chúa trong đó. Còn khi có cơn gió hiu hiu, thì ông biết Thiên Chúa đến và ông ra đón Ngài. Có những khi Thiên Chúa hiện diện trong sự đơn giản, dịu dàng như vậy đó. Và đó vẫn là một Thiên Chúa thần bí, con người không thể thấy rõ ràng, đó là hình ảnh của ông Êlia ra đón Chúa nhưng lại lấy áo choàng che mặt!
Trong cơn sóng gió, các môn đệ trên thuyền không thấy có Chúa Giêsu ở với mình. Khi thấy bóng Ngài trên mặt nước, họ còn tưởng Ngài là ma. Thiên Chúa hiện diện trong cơn cùng khốn khi con người tưởng chừng không có Chúa.
Chỉ nhận ra Thiên Chúa trong những điều vĩ đại thì chưa đủ. Ngài còn hiện diện trong những cái thường nhật hàng ngày, nơi những con người giản dị, có khi tầm thường, trong những cơn thử thách, những khó khăn nữa. Những lúc này, người ta thường than thở: Thiên Chúa đâu rồi, sao không cứu tôi?! Nhưng Thiên Chúa vẫn đang ở đó và đang hoạt động. Nhận ra Thiên Chúa trong những điều giản dị, trong những hoàn cảnh khó khăn, đó mới là đức tin sâu sắc mà Thiên Chúa cần nơi các tín hữu. Đó mới là đức tin trưởng thành.      


SUY NIỆM 5: Yêu mến và tín thác vào Chúa Giêsu
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)


Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai Cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do Thái rời bỏ Ai Cập đến Biển Đỏ thì quân Ai Cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai Cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai Cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê. Trong dịp hành hương Đất Thánh vào Mùa Chay vừa rồi, tôi có đi thuyền ngắm trời mây sông nước trên Biển hồ Galilê.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).
Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.
Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.
Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”.
Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài.
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên. Tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài là chúng ta sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời.
Lời Chúa gởi đến hai sứ điệp, yêu mến và tín thác nơi Chúa Giêsu.
1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an: Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bảo của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.
2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu: Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải: sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người: Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, thì càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm.
Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen (Mana).

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây