Chúa Nhật XXIII Thường Niên năm A
Thứ năm - 07/09/2023 09:56
Tin Mừng: Mt. 18, 15-20
Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
SUY NIỆM 1: Sửa lỗi người anh em - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
SUY NIỆM 2: Nghệ thuật nói - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về người sửa lỗi. Chúa dạy, khi sửa bảo nhau cần có một trình tự theo bác ái qua bốn bước. Bước thứ nhất là “một mình anh với nó thôi”; “nếu nó không chịu nghe” thì qua bước thứ hai là “hãy đem theo một hay hai người nữa”; “nếu nó không nghe họ” thì bước thứ ba là “hãy đi thưa Hội Thánh”. Bước cuối cùng “Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Nhưng nên nhớ Chúa luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn cách phó thác người đó cho Chúa mà thôi !
Trong những bước ấy, phải ưu tiên bước một: giữa hai người với nhau. Thông thường, chẳng ai thích bị “sửa lưng” hay “sờ gáy”. Thư gởi tín hữu Do thái nhận định như sau: “đã hẳn bị sửa dạy ngay tại trận thì hình như vui chẳng có, chỉ có buồn; nhưng về sau (mới thấy) nó sinh lợi cho những ai nhờ đó mà được luyện tập: tức là hoa quả bình an công chính” (Dt 12,11). Để việc sửa lỗi có kết quả, cần phải cho người ấy thấy là mình yêu thương họ, muốn họ nên tốt. Chính Chúa cũng làm như vậy: “vì Chúa thương ai, Người mới sửa dạy, con nào Người nhận, Người mới cho đòn” (Dt 12,6).
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nên Ngài không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống (x.Ed 18,23).
Sách Samuel 1 kể rằng: vì ghen tương, vua Saolô quyết tâm giết Đavit, nhưng hoàng từ Gionathan đã tìm cơ hội thuận tiện, rồi khôn khéo và chân thành trình bày với vua cha: “Thưa cha, con trộm nghĩ: Đavit không làm gì chống lại cha. Tất cả những điều anh ta làm đều tốt đẹp và hữu ích cho cha cũng như cho dân Israel… Chính cha đã thấy những việc anh ấy làm và cha đã vui mừng…”. Những lời nói chân thành và hợp tình hợp lý của Gionathan, khiến nhà vua suy nghĩ. Sau đó, nhà vua trả lời: “Vậy, nhân danh Thiên Chúa hằng sống, cha hứa sẽ không tìm giết Đavit nữa”.
Sách Samuel 2 kể câu chuyện hấp dẫn. Một buổi chiều nọ, vua Đavít tản bộ trên sân thượng và chợt thấy một phụ nữ xinh đẹp đang tắm, đó là bà Bat-shêba, vợ của tướng Uria. Vua sai người đưa bà đến với vua. Ít lâu sau, Bat-shêba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua. Đavít tìm cách ‘bán cái’ cho Uria. Vua cho triệu Uria từ mặt trận trở về, cho ông ăn uống no say rồi truyền cho Uria về nhà thăm vợ. Hai đêm liền, Uria nằm ngủ trong đền vua với những tên lính canh mà không chịu về nhà. Thấy kế hoạch ‘bán cái’ không xong, vua Đavít ra lệnh cho tướng Yôab mượn tay quân giặc giết chết Uria ngoài chiến trường.Sau đó, khi đã mãn tang chồng, Bat-shêba được vua Đavít đón vào cung làm vợ chính thức của nhà vua.(x.2 Sam 11 và 12).
Vua Đavít đã phạm tội đoạt vợ giết chồng, thế mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Khi người ta không tự thấy được tội lỗi của mình để sám hối thì cần phải có ai đó đến nhắc bảo họ. Thế là Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh vua. Khuyên vua thì phải khôn ngoan lựa lời. Natan trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông tiếc của không dám bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt”. Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Nó đáng chết, tên ác nhân đó! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm”. Tiên tri Natan thưa: “Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp vợ của ông ta”. Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.Nếu không được tiên tri Natan cảnh tỉnh, vua Đavít đã không nhận ra tội lỗi của mình và không thể hối cải (Lm Ignatiô Trần Ngà).
Tiên tri Natan đã thành công khi sửa lỗi cho vua Đavit. Đó là cả một nghệ thuật nói năng khôn ngoan.
Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, Đức cha Bùi Tuần viết: tôi nhận thấy Chúa Giêsu dạy tôi về sự nói năng.
Chúa dạy tôi phải biết nghệ thuật nói với:
Để nói với tha nhân, Chúa dạy tôi phải nói lời xây dựng. Chúa dạy thật rõ ràng: “nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Sửa dạy chứ không lên án, xây dựng chứ không loại trừ. Điều này đòi phải có lòng yêu thương và coi mọi người là anh chị em thân thiết của mình.
Để nói với tha nhân, Chúa cũng dạy tôi phải nói lời tế nhị. Khi góp ý với ai đó thì cần phải kín đáo “riêng ngươi và nó thôi”, bởi nếu không thì chuyện bé cũng sẽ xé ra to. Điều này cần sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau. Tôn trọng cái tốt vẫn luôn còn nơi mỗi người. Tin tưởng rằng ai, dù lỗi lầm đến đâu vẫn có khả năng hoán cải nên tốt hơn.
Để nói với tha nhân, Chúa còn dạy tôi phải nói lời đối thoại. Chỉ nói khi có “riêng ngươi và nó thôi” còn có nghĩa là biết trao đổi, biết đối thoại với nhau. Điều này cần có thái độ kiên nhẫn và biết sẵn sàng lắng nghe, biết chấp nhận khác biệt của nhau.
Chúa cũng dạy tôi phải biết nghệ thuật nói cùng, đúng hơn là phải cùng nhau nói với Chúa.
Khi nói cùng nhau tức là hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Hiệp thông luôn là một lời mời gọi trong Giáo Hội, là dấu chỉ của Nước Trời. Càng hiệp thông với nhau, chúng ta gắn bó với Chúa và Giáo Hội.
Khi nói cùng nhau trong Chúa tức là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ điều đó”.
Lời Chúa ngày hôm nay thật thiết thực với cuộc sống con người. Lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta biết hoán cải, biết đổi mới trong cung cách nói năng hằng ngày: nếu như xưa kia chúng ta thường nói lời chỉ trích, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời xây dựng; nếu như xưa kia chúng ta thích nói lời gắt gỏng, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời tế nhị; nếu như xưa kia chúng ta chỉ muốn nói lời ra lệnh, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời đối thoại; và nếu ngày xưa chúng ta thường sống khép kín, thì hôm nay Chúa mời chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để có thể cùng nhau dâng lên Người những lời nguyện cầu.
Sửa lỗi cho anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, mục đích là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Lời nói góp ý xây dựng phải có nội dung, ý hướng và cung cách.
Nội dung lời nói phải là sự thực. Đã nói thì phải nói sự thực. Nhưng không phải sự thực nào cũng nên nói. Gán cho người điều xấu không có, đó là vu khống. Tiết lộ hay phổ biến điều xấu người ta có, đó là nói hành. Gièm pha, thêm bớt xuyên tạc, đó là những hình thức và mức độ khác nhau của vu khống và nói xấu.
Ý hướng lời nói phải là sự thiện.Nói để thông tri. Nói để xây dựng. Nhưng có khi nói sự thực với chủ ý phô trương, có khi nói đạo đức với thêm ý quảng cáo chính mình, có khi chỉ trích sự tội kẻ khác với thâm ý hại họ và đề cao bản thân, có khi bênh vực chân lý với hậu ý bênh vực tự ái.
Cung cách lời nói phải là lịch sự.Nói là truyền thông tư tưởng, nhưng cũng đã diễn tả chính mình.Có nhiều kiểu nói cộc cằn, biểu lộ tâm hồn thiếu tế nhị. Có những giọng nói hách dịch, tố cáo một khuynh hướng kiêu căng. Có những lời nói cứng cỏi phơi bày một tính tình nghèo thiện cảm.
Chọn lời mà nói. Chọn chữ mà dùng. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Nói hợp với người nghe. Việc đó không dễ. Chắc không phải vô cớ mà thánh Giacôbê đã quả quyết: “Ai không lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn toàn” (Gc 3,2). (x. Nói với chính mình, Đức cha Bùi Tuần)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con học bài học sửa lỗi cho nhau thật tốt đẹp trong mọi mối tương quan. Xin cho chúng con ơn phân định khôn ngoan để biết suy xét, nói năng và hành động khi sửa lỗi cho nhau. Amen.
SUY NIỆM 3: CẢNH TỈNH VÀ CẢNH BÁO ĐỂ LỢI ĐƯỢC ANH EM − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về việc cảnh tỉnh những người lầm đường và cảnh báo về những nguy cơ để dẫn đường. Tất cả đều được xây dựng trên đức ái, trên tình liên đới. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay có thể làm người ta hiểu lầm rằng cộng đoàn như là chỗ để lên án và loại trừ. Người ta nghĩ nhiều về sự cầm buộc! Thực ra, cả đoạn văn mang ý nghĩa tích cực hơn. Ngay sau chuyện sửa lỗi anh em là đoạn văn nói về sự hợp nhất trong cầu ,nguyện, và khi đó Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn ấy (x. Mt 18,19-20).
Bản văn chúng ta nghe là: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18,15). Bản gốc Hy Lạp thêm từ ngữ: “phạm tội đến anh/ mắc tội với anh” (sins against you /eis se/ ‹εἰς σὲ›/). Nhưng thái độ Đức Giêsu đòi là chính người bị xúc phạm đi đến để góp ý với anh em mình. Đoạn văn sau đó nói đến sự tha thứ cho anh chị em (x. 18,21-35). Điều mong ước là họ nhận ra lỗi và như thế thì “có được” (kerdainó /κερδαίνω/ gain, avoid loss) anh em mình. Những biện pháp sau đó, khi phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác cũng nhằm mục đích đó: cùng nhau tìm lại người anh em của mình.
Thiên Chúa đặt tiên tri Êdêkien làm người canh gác cho nhà Israen (Ed 33,7). Điều này được hiểu về một người thấy xa, trông rộng như người lính đứng trên vọng gác, lên tiếng cảnh báo người khác. Người này nhận được lời cảnh báo từ Chúa để nói lại với dân. Trong bối cảnh hiệp hành của Giáo Hội hôm nay, chúng ta có thể hiểu về vai trò của mọi người đóng góp cái nhìn của mình, sự soi sáng mà mình có thể được đón nhận, để mời cộng đoàn cùng nhau suy nghĩ trước những dấu chỉ của thời đại và cùng nhau đi tới trước. Sự cảnh báo đến từ cộng đoàn.
Đưa người khác về lại cộng đoàn và nhận ra giá trị của cộng đoàn trong việc nhận ra những dấu chỉ, để mời gọi nhau đi tới. Chúng ta “mắc nợ” nhau, “món nợ của đức ái” (x. Rm 13,8).
SUY NIỆM 4: ĐỨC TIN CẦN PHẢI TRẢ GIÁ - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Qua lời Tổng Nguyện của Tuần XXIII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Thiên Chúa đã cứu chuộc và đã nhận chúng ta làm nghĩa tử, nghĩa là, Người đã làm cho chúng ta được tự do và được hưởng gia nghiệp của Người. Điều kiện để được hưởng ơn cứu độ của Người là tin vào Đức Kitô, Con Một của Người.
Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người, và sai chúng ta đi công bố lời hòa giải đó, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay. Công bố lời hòa giải thật không dễ dàng chút nào, nó đòi buộc chúng ta phải có một đức tin vững mạnh, dám đương đầu với những thử thách cam go. Lời hòa giải thật khó công bố, nhưng, chúng ta cũng phải thực hiện và với ước mong, như vịnh gia, trong Thánh Vịnh 94 của bài Đáp Ca hôm nay: Ước gì hôm nay, các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia đã công bố cho vua Xítkigiahu biết: Phải chịu thảm bại trước, rồi mới được cứu thoát sau. Chính vì không tin lời công bố này, mà Xítkigiahu đã chết trong lúc bị lưu đày. Thật vậy, chính trong những cơn gian nan, khốn quẫn, những lúc lo âu, những lúc chịu đòn vọt, tù tội, chúng ta mới cho thấy niềm tin của chúng ta đặt nơi Chúa, bởi vì, tất cả những ai muốn làm đẹp lòng Chúa, đều phải trải qua nhiều nỗi gian truân, mà vẫn một mực trung thành với Người. Điều này Chúa cũng cảnh báo cho ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc một của Thánh Lễ: nếu ông sợ không dám lên tiếng cảnh báo đứa gian ác, thì nợ máu của nó, Chúa sẽ đòi ông. Lên tiếng nói lời cảnh báo những kẻ bất lương, sẽ có nguy cơ rước họa vào thân, như trong trường hợp của ông Gioan Tẩy Giả, chỉ những ai chấp nhận trả giá cho niềm tin của mình vào Chúa, mới dám thực hiện điều Chúa truyền dạy.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói về đức khôn ngoan Kitô giáo qua việc diễn giải các mối phúc, điều mà thế gian sẽ cho là ngu dại và điên rồ. Tuy nhiên, điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, thì Chúa lại thi thố trước mặt phàm nhân, cho những ai đặt niềm tin tưởng và tìm nương náu nơi Người.
Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cho thấy: cái giá phải trả cho đức tin vào Đức Kitô là thực thi giới luật yêu thương, yêu thương thì không làm hại người đồng loại, thấy điều có hại cho tha nhân thì phải giúp họ tránh, đó là yêu thương, yêu thương là chu toàn Lề Luật.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải lên tiếng khi chứng kiến những người xung quanh chúng ta phạm tội, và Người cũng đã dạy cho chúng ta thực hiện công việc này theo từng bước một. Cuối cùng, nếu không được, thì hãy xem đương sự như là người tội lỗi, người thu thuế. Tuy nhiên, đây không phải giới hạn cuối cùng, vô phương cứu chữa, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu đã đối xử thế nào với những người tội lỗi, và những thu thuế mà rút ra bài học. Nếu chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, thì không có gì là không thể, bởi vì, ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ, và rồi, xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, cũng sẽ ban cho.
Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người, và sai chúng ta đi công bố lời hòa giải đó. Động lực đầu tiên thúc đẩy chúng ta thực hiện lệnh truyền này chính là tình yêu của Ðức Giêsu, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta. Chính tình yêu cứu độ này đã thúc bách chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu. Muốn hưởng ơn cứu độ, chúng ta phải tin vào Đức Kitô. Đức tin thì cần phải được tinh luyện qua những thử thách, khi đối mặt với những khó khăn, có người sẽ bỏ cuộc, ngã lòng, bổn phận của những người vững mạnh là tiếp sức, sửa dạy để những ai đang lầm lạc biết quay về nẻo chính đường ngay, khi làm như thế, chúng ta phải chấp nhận trả giá như các ngôn sứ, như chính Đức Giêsu, Đấng đến để cứu chữa những gì đã hư mất và đã chấp nhận thí mạng để làm trung gian hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.
SUY NIỆM 5: BỔN PHẬN SỬA LỖI ANH EM - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Có người từng nói: “Ai vạch cho tôi sai lầm, đó là thầy của tôi. Ai chỉ cho tôi những hành động sai trái, đó là bạn tôi. Còn ai phỉnh nịnh tôi, đó là kẻ thù của tôi.” Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm với đủ loại mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhưng không phải ai cũng có thể tự mình nhận thấy chúng để sửa chữa, nên cần người khác vạch cho mình thấy sai lầm, chỉ cho mình thấy sai trái. Họ có ý tốt với chúng ta là họ muốn chúng ta được hoàn thiện hơn, được thăng tiến hơn, được nên dễ thương hơn mỗi ngày. Chúng ta cũng đã từng sửa lỗi cho người khác với ý như thế. Tuy nhiên, họ xem chúng ta là “thầy” nhưng là “thầy dạy đời”, “thầy nói đạo lý”, và chúng ta cũng từng xem người khác như vậy, chỉ vì không biết cách sửa lỗi. Chúng ta không muốn như thế, nhưng điều khổ tâm là chúng ta lại rơi vào cảnh ngộ là phải sửa lỗi người khác vì đó là bổn phận chúng ta phải làm. Thế nên, Chúa dạy chúng ta cách sửa lỗi cho nhau để người khác không bị dị ứng với chúng ta.
1. Sửa lỗi anh em cách riêng tư
Thời Cựu Ước, các ngôn sứ có trách nhiệm với dân chúng khi cảnh báo họ về hậu quả của việc họ làm. Nói rằng chúng ta có trách nhiệm đối với người khác cũng là nói rằng sẽ có hậu quả cho chúng ta nếu không chu toàn trách nhiệm. Vì vậy, Chúa phán: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Chúng ta cần lên tiếng và thậm chí cảnh báo anh chị em, con cái, bạn bè và người thân của mình khi họ đi chệch hướng. Thờ ơ với sự suy thoái về mặt văn hóa, đạo đức và nhất là về mặt đức tin, trong gia đình, xã hội hoặc cộng đoàn của chúng ta có thể gây bất lợi cho tương lai. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là trở thành “người canh gác” anh chị em mình. Đây là điều Chúa đang nói.
Thật không may là khi mọi việc diễn ra không như ý muốn, một số người trong chúng ta lại thích giữ im lặng hoặc giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra. Do sự thờ ơ hoặc im lặng mà chúng ta thể hiện hôm nay, nỗi day dứt về những tai hại mà người khác gặp phải có thể ám ảnh chúng ta vào ngày mai. Chúng ta cần lưu ý rằng Thiên Chúa phán: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Vậy chúng ta sẽ giúp người khác đang đi trên con đường của sự chết, biết từ bỏ đường lối sai lầm mà đi theo con đường của sự sống như thế nào?
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này chúng ta đọc: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18,15). Chúa Giêsu nói về mọi tội lỗi; Chúa không giới hạn tội vào những tội người khác đã phạm chống lại chúng ta. Trong trường hợp sau này, thật khó để biết liệu điều thúc đẩy chúng ta là lòng nhiệt thành với sự thật hay là lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Trong bất kỳ trường hợp nào, đó sẽ là một cách tự vệ hơn là một việc sửa lỗi trong tình huynh đệ. Khi tội lỗi chống lại chúng ta, nhiệm vụ đầu tiên không phải là sửa sai mà là tha thứ.
Tại sao Chúa Giêsu lại bảo hãy khuyên nhủ anh em mình một cách riêng tư? Trên hết, lời khuyên này thể hiện sự tôn trọng thanh danh và phẩm giá của người anh em mình. Điều tồi tệ nhất là muốn sửa lỗi chồng trước mặt vợ, vợ trước mặt chồng, cha mẹ trước mặt con cái, thầy cô trước mặt học trò, cấp trên trước mặt cấp dưới; nói cách khác, trước sự chứng kiến của những người khác mà sự kính trọng của họ là quan trọng đối với người được sửa lỗi (nếu người được sửa lỗi là người chồng, thì người đó cần sự kính trọng của người vợ; cũng tương tự như thế đối với người vợ, cha mẹ, thầy cô, cấp trên). Sự việc sẽ sớm trở thành một phiên tòa công khai. Sẽ rất khó để người đó chấp nhận sự sửa chữa một cách tốt đẹp. Phẩm giá của anh ta sẽ bị tổn hại.
Chúa Giêsu nói rằng việc sửa lỗi nên diễn ra một cách riêng tư để người đó có cơ hội tự bào chữa và giải thích hành động của mình một cách hoàn toàn tự do. Nhiều khi điều mà người ngoài nhìn vào có vẻ là tội lỗi lại không nằm trong ý định của người phạm tội. Một lời giải thích thẳng thắn sẽ làm sáng tỏ nhiều hiểu lầm. Nhưng điều này không còn có thể thực hiện được khi người đó đã được sửa chữa một cách công khai và sự việc được người khác biết đến.
Khi, vì bất cứ lý do gì, nếu việc sửa lỗi không thể thực hiện được một cách riêng tư, thì có hai điều này không bao giờ được thực hiện thay cho việc đó: một là tiết lộ, mà không có lý do nghiêm trọng và tương xứng, những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của anh em mình cho những người chưa biết, tức là nói xấu anh em mình (x. GLHTCG 2477); hai là vu khống, tức là đề xuất một điều gì đó không đúng sự thật hoặc phóng đại lỗi lầm của người khác. Kinh Thánh dạy: “Anh em đừng nói xấu nhau” (Gc 4,11). Ở một chỗ khác: “Chớ gì giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn” (2 Cr 12,20). “Chuyện ngồi lê đôi mách” không phải là điều gì đó vô hại; nó thật xấu xí và thật đáng trách.
Một bà hay nói xấu đến xưng các tội của mình với thánh Philiphê Nêri và ngài cho bà việc ăn năn đền tội như sau: “Bà về nhà, vặt lông con gà mái, xong bà đi kháp xóm rải lông, rồi bà đến đây gặp tôi.” Làm việc đền tội xong, ngày hôm sau bà đến gặp cha Nêri. Cha xin bà đi lượm lại hết lông bà đã rải. Bà nói: “Không thể được thưa cha ạ!” Cha Nêri trả lời ngay: “Bà thấy không, nói xấu thì dễ, sửa lại hậu quả của nó thì khó”. Như thế bà hiểu mình đã u mê như thế nào khi đi nói xấu người khác!
2. Sẵn sàng để được sửa lỗi
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nhấn mạnh ngay từ đầu: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). “Việc sửa lỗi” cũng có thể nói được là một “món nợ”, nhưng là “món nợ tương thân tương ái”. Khi người chồng được người vợ chỉ thấy những lầm lỗi của mình và quyết tâm sửa chữa chúng, thì khi đó người chồng mắc nợ người vợ của mình, vì trong việc sửa lỗi, cần có tình yêu để cảnh báo hoặc khuyên bảo ai đó. Phẩm chất của tình yêu này không phải là cảm giác hả hê khi vạch trần lỗi lầm của người khác, thay vào đó là sự quan tâm đến lợi ích của người khác, rộng lượng giúp người khác nhìn rõ bản thân họ, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với họ.
Thế nhưng, chúng ta cần lưu ý là kết quả tốt đẹp không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào chúng ta; bất chấp ý định ngay lành của chúng ta, người kia có thể không chấp nhận việc sửa sai, có thể còn cố chấp hơn nữa. Nhưng điều này có thể bù đắp được: Khi bản thân chúng ta được người khác sửa lỗi, kết quả tốt đẹp sẽ phụ thuộc vào chúng ta!
Mỗi chúng ta không chỉ có bổn phận sửa lỗi cho người khác, mà còn có bổn phẩn cho phép người người sửa lỗi mình. Chính ở đây chúng ta có thể thấy liệu ai đó có đủ chín chắn để sửa sai người khác hay không. Bất cứ ai muốn sửa sai ai đó thì phải sẵn sàng để được sửa sai. Lời dạy của Chúa Giêsu về sự sửa lỗi anh em cần luôn được kèm theo lời này của Chúa Giêsu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6,41).
Những điều Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự sửa lỗi cũng có thể rất hữu ích trong việc nuôi dạy con cái. “Sửa lỗi” là một trong những trách nhiệm cơ bản của cha mẹ: “Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con. Ai biết giáo dục con sẽ được thoả lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết” (Hc 30,1-2); “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4). Từ bỏ hoàn toàn mọi hình thức sửa dạy là một trong những điều tồi tệ nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm với con cái mình và thật không may là điều đó lại rất phổ biến ngày nay.
Cha mẹ cần cẩn thận để việc sửa dạy không trở thành một lời buộc tội hay chỉ trích. Khi sửa dạy con cái, cha mẹ chỉ con cái thấy những lỗi chúng đã mắc phải; đừng dùng những lời lẽ gây sát thương để trách móc đứa trẻ. Một ví dụ cụ thể là khi con cái của mình không được giỏi giang, cha mẹ liền quát con to tiếng trước mặt người khác: “Sao dốt thế, điểm kiểm tra chỉ có 6 điểm thì nghỉ luôn đi, tốn tiền ăn học”. Một ví dụ khác là khi con cái của mình lỡ tay đánh rơi cái chén, cái tô hay một vật gì đó, cha mẹ liền quát: “Đồ vô tích sự, chỉ nuôi tốn cơm”. Thay vào đó, hãy chỉ ra tất cả những điều tốt đẹp mà cha mẹ thấy ở con cái và cha mẹ mong đợi điều tốt hơn nhiều ở con cái, theo cách đó việc sửa sai trở thành sự khích lệ hơn là việc trách móc chỉ để xả cơn giận.
Tóm lại, việc sửa lỗi cho nhau không phải là dễ, vì có những trường hợp chúng ta phân vân liệu có nên nói ra hay im lặng. Chúng ta không muốn mạo hiểm gây sứt mẻ cho mối quan hệ của chúng ta với những người chúng ta yêu thương. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là hãy nhớ quy tắc vàng, có giá trị trong mọi trường hợp: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Nếu mỗi chúng ta có được điều này, thì dù chúng ta làm gì: sửa sai hay giữ im lặng, mỗi người vẫn đang làm điều đúng đắn, bởi vì tình yêu không làm điều ác cho ai cả.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sửa lỗi cho nhau vừa thành tâm lại vừa tế nhị. Thành tâm khi chỉ mong điều tốt đẹp và điều lợi ích cho nhau. Tế nhị khi tôn trọng thanh danh và phẩm giá của nhau. Xin giúp chúng con biết lắng nghe nhau, biết đón nhận quan điểm của nhau và biết hiệp nhất trong chân lý. Amen.