Thứ Hai tuần 22 thường niên

Chủ nhật - 03/09/2023 22:11
Lời Chúa: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"
Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: "Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình"; "điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông". Người nói tiếp: "Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

thu hai tuan xxii mua thuong nien

Suy niệm 1: Trả lại tự do
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sabát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc 13, 16),
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
 
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
 
Suy niệm 2: Chúa Kitô niềm hy vọng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Có gì đó cay đắng và đau xót. Bao năm mòn mỏi đợi chờ Đấng Cứu Thế, nhưng khi Chúa Giê-su đến thực hiện lời hứa, ứng nghiệm những tiên báo trong Lề Luật và các Tiên Tri thì người Do thái không những không tin, thậm chí còn chối bỏ và muốn giết Người. Còn gì đau đớn hơn khi: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Chúa Giê-su đã dành hết tâm huyết cho quê hương. Loan báo lời I-sai-a ứng nghiệm. Loan báo chương trình cứu nhân độ thế khởi đầu. Công bố chương trình hành động của việc cứu độ. Nhưng chuyến trở về quê hương thật bẽ bàng. Có lẽ vì họ có thiên kiến Người xuất thân nghèo hèn, trong gia đình bác thợ mộc Giuse. Và họ đã lỡ cơ hội. Đánh mất niềm hi vọng.
Họ có ngờ đâu chính sự nghèo hèn, sự thất bại của Chúa Ki-tô, đặc biệt cái chết nhục nhã trên thánh giá của Người chính là cơ hội cho một đức tin chân thực hoàn toàn khác biệt với niềm tin dựa trên những giá trị trần gian. Chính vì thế, với giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chỉ rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Đó là một sứ điệp thô nhám, mộc mạc, không trau chuốt, tô vẽ. Nhưng đó là chân lý, là niềm hi vọng. Để những ai tin Chúa có một đức tin nguyên tuyền không dựa vào sự khôn ngoan của người đời. “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì hác ngoài Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá…Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (năm chẵn).
Chính nhờ Chúa Giê-su Ki-tô chịu chết và sống lại mà ta có niềm hi vọng. Vì ta cũng sẽ được sống lại với Chúa. Và cả những người thân yêu của chúng ta cũng thế. Vì thế thánh Phao-lô an ủi dân Tét-xa-lô-ni-ca: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su…. Rồi đến chúng ta là những người đang sống, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (năm lẻ).
Đó chính là niềm hi vọng lớn lao cho chúng ta. Đó chính là niềm an ủi, là động lực giúp ta vượt qua quãng đường trần thế đầy chông gai thử thách. Đó cũng chính là đích tới của chúng ta những người đặt trọn niềm tin nơi Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Quả thật Thiên Chúa đã dùng sự yếu hèn mà thắng vượt những sự hùng mạnh của thế gian. Dùng sự điên rồ của thánh giá mà thắng sự khôn ngoan của con người.

SUY NIỆM 3: NGƯỜI QUEN BIẾT TẦM THƯỜNG − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Người ta thường nói: “Nhất thân, nhì thế” hay là “Nhất thân nhì thế tam ngân tứ chế”. Nếu có người quen quyền thế và giàu có thì được hưởng nhờ. “Văn hoá” Việt Nam –đúng hơn là “lối sống” Việt Nam− là “cúi mình” trước người quyền thế, giàu có, đàng khác lại xem thường người không có chức quyền và nghèo nàn! 
Khi nghe lời giảng của Đức Giêsu và những gì đã nghe biết về Ngài trước đó, nhiều người ở Nadarét thán phục Ngài, nhưng cũng có nhiều người viện dẫn gia đình, dòng họ của Ngài không lấy gì làm giàu có, không lấy gì làm quyền thế, để từ khước giá trị của lời nói và việc làm của Ngài. Đó chỉ là con bác thợ mộc, con bà Maria là một phụ nữ bình thường, và dòng họ Ngài cũng thế. Và họ xem thường Đức Giêsu! Cùng lối suy nghĩ, lối sống ấy, người Do Thái kỳ vọng một Đấng Messia đến từ trời hay từ một nơi huyền bí nào đó: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” (Ga 7,27).
Người ta thường dễ thương với người ngoài và thần tượng hoá họ, còn với người trong nhà, với người trong cộng đoàn thì bất ổn trong tương quan và xem thường nhau. Người ta thường hướng về những sự kiện, những biến cố quan trọng, còn những điều thường ngày, những người sống bên cạnh thì hững hờ, không đón nhận cách trân trọng! Nhưng Thiên Chúa lại coi trọng những cái hàng ngày đó. Ngài xét xử về những hững hờ với người giản dị, bé nhỏ tôi gặp gỡ trên đường đời (x. Mt 25,40. 45; Lc 13,25-25). Ngài coi trọng sự trung tín trong những điều bé nhỏ (x. Mt 25,21). 
Người ta áp đặt cả khuynh hướng quyền lực lên Thiên Chúa nữa trong cách suy nghĩ về việc bàu cử. Đức Maria, thánh Giuse được coi là người có quyền lực trên Thiên Chúa. “Trên trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”! Quyền năng của Thiên Chúa không giống như cách suy nghĩ và quan niệm trần thế của con người!
Giản dị với nhau và tôn trọng nhau, những người bé nhỏ mà tôi gặp gỡ hàng ngày, mà tôi sống với. Cần biết khám phá giá trị của những việc phục vụ âm thầm, giản dị hàng ngày. Cần biết trân trọng và vui thích trong những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày. 

SUY NIỆM 4: SỨ MỆNH ĐỨC GIÊ SU - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

     Từ tuần lễ này đến hết năm phụng vụ, tuần 34 thường niên. Chúng ta đọc Tin Mừng Thánh Luca, với cái nhìn mới về Đức Giê su. Vì thánh Luca là người lương dân ở Antiokia trở lại, không bị gò bó bởi những truyền thống tư tưởng  Do Thái.
    Luca trở lại vào tuổi trưởng thành có lẽ do Thánh Phaolo và mau chóng trở thành người đồng hành với tông đồ Phaolo trên đường truyền giáo.
    Là người lương dân, một thầy thuốc, một người có văn hóa cao, có năng khiếu sử học - Ngài đã chịu ảnh hưởng của Tin Mừng Matthêu và Maccô nhưng vẫn có một đường hướng xây dựng biên soạn Tin Mừng riêng của mình với những đặc điểm của một Tin Mừng của niềm vui, của lòng thương xót, của đời sống nội tâm và cầu nguyện... Tin mừng Luca còn là Tin mừng có tính xã hội, nhằm thăng tiến con người nghèo khó, bị áp bức, đề cao phẩm giá người phụ nữ, trẻ em...
    Chương Tin mừng hôm nay khai mạc cuộc rao giảng của Đức Giêsu, với cuộc ra mắt và giảng dạy tại Hội Đường ở quê hương Nagiareth của mình.
    Ta có thể tưởng tượng thái độ cử chỉ thân thương của Ngài với những người đồng hương, thân quyến. Ai cũng chờ đợi Ngài về làng sau khi nghe tiếng đồn lạ lùng về Ngài. Ngài vào hội đường nơi ghi bao nhiêu kỷ niệm của thời trưởng thành, nơi Ngài đã cùng chung với quê hương chia sẻ Lời Chúa, ca hát Thánh Vịnh.
    Nhưng hôm nay Ngài thay thế thầy Rabbi để suy niệm một đoạn Thánh kinh của tiên tri Isaia, mà Ngài có ý trích dẫn.
    “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,
    Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi
    Để tôi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó,
    Người sai tôi đi công bố cho người bị giam cầm biết họ được tha...”
    Đây là đoạn kinh thánh ám chỉ công trình cứu độ của Ngài mà chính Thánh Luca sẽ trình bày. Có thề nói lòng thương xót của Thiên Chúa được nói đến trong Tin mừng Luca là cả một giòng suối bất tận khơi nguồn từ những lời sấm tuyên cáo từ thuở xa xưa này của tiên tri Isaia.
    Ai là người sẽ thực hiện lời tuyên sấm đó? Chính là Đức Giêsu, chính Ngài tự tiết lộ nguồn gốc Thiên sai của mình.
    “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quí vị vừa nghe”.
    “Và mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Điều đáng tiếc là họ đang chờ đợi một điều mà vĩ Thiên sai không thể đáp ứng được. Thiên Chúa có đường lối làm việc kỳ diệu của Ngài, mà người đồng hương lại muốn điều khiển chương trình đó. Họ đòi Ngài phải ưu đãi quê hương, phải làm phép lạ chữa bệnh nhiều “làm phúc nơi nao mà để cầu ao rách nát”. Tinh thần cục bộ địa phương, hướng về vật chất, dành dật ưu đãi, đã........ trở thành hành động của Ngài, hành động của một vị Thiên Chúa, của Chúa Thánh Linh đang can thiệp vào lịch sử nhân loại với một mục đích đem lại những lợi ích tuyệt vời nhất cho con ngườ. Các bạn Nagiareth đã bỏ mất cơ hội và cũng báo trước sự khước từ của cả Dân tộc mà “Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình”.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê su yêu mến, trên đường về quê hương, Chúa hồi hộp và vui mừng đem về cho quê hương mình Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay chính quê hương, chính thái độ của những người đồng hương đã làm cho Chúa phải buồn vì người ta tỏ ra xa lạ với đường lối kỳ diệu của Thiên Chúa. Người ta chỉ muốn có ngay những ưu đãi vật chất hơn là một tình yêu bao la mà ai ai cũng được hưởng nhờ.
    Họ tỏ ra quá khích, tỏ ra chỉ đón nhận những ai làm theo ý họ.
    Lạy Chúa đó là dấu hiệu đang tỏ hiện từ từ, Dân Thánh Chúa lại loại trừ Chúa. Điều làm cho Chúa phải rơi lệ đến bao lần trên Giêrusalem, thành thánh mà Chúa yêu thương.
    Nguyện xin Chúa thương đến cộng đoàn chúng con đây, một cộng đoàn được tuyển chọn để cùng Chúa đem Tin mừng cho quê hương mình. Xin Chúa cho chúng con hiểu rõ đường lối của một kế hoạch kỳ diệu nhằm cứu độ cả nhân loại. Và nhất là sau khi biết đến lương thương và đường lối đó, chúng con đem hết tâm lực của mình để thực hiện những gì Chúa chờ đợi nơi chúng con. 
    Chúa muốn chúng con hãy dấn thân làm chứng cho tình yêu đó. Chúa muốn chúng con nối dài bàn tay ban ơn lành của Chúa. Chúa muốn chúng con mở rộng con tim tuổi trẻ, hấp thủ lấy Thần Khí của Chúa để hành động đem Tin mừng cho người nghèo khó, đem niềm vui cho những người đau khổ bất hạnh trên đời. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây