Thứ Năm tuần 21 thường niên

Thứ tư - 30/08/2023 09:05
Lời Chúa: Mt 24, 42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.
"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

thu 5 thuong nien 21

Suy niệm 1: Hãy sẵn sàng
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.
Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo
có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.
Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi Kitô hữu,
từ những Kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.
Hãy sẵn sàng vì từng Kitô hữu cũng như cả Kitô giáo
vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.
Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm,
Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,
Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,
nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.
Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.
Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,
không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).
Còn người Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,
nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.
Canh thức không phải là không ngủ.
Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.
Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,
vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.
Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,
nên chúng ta luôn sẵn sàng.
Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,
vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.
Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.
Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.
Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.
Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,
thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).
Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,
anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.
Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,
nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,
thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.
Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.
Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).
Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.
Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.
Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.
Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.
Cả hai thái độ đều không đúng.
Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.
Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
 
Suy niệm 2: Trung tín và khôn ngoan
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Chúa Giê-su cho ta biết mỗi người đều là quản gia của Chúa. Mỗi người được Chúa trao cho một số tài sản và một số nhân sự để ta chăm sóc phục vụ. Theo Chúa, người quản gia tỉnh thức phải là người trung tín và khôn ngoan.
Trung tín là biết rằng mọi sự ta có là của Chúa, nên không được dùng theo ý riêng. Phải dùng mọi của cải Chúa ban để phục vụ Chúa và phục vụ anh em. Người đầy tớ xấu xa lạm dụng quyền thế, thay vì phục vụ thì lại áp bức hành hạ anh em. Người này cũng lạm dụng của cải của chủ, thay vì dùng cho lợi ích chung thì lại vun quén cho bản thân trong việc chè chén say sưa.
Khôn ngoan cho bản thân là biết lo xa, phòng ngừa, không để bị bất ngờ bằng cách tỉnh thức lúc nào cũng sẵn sàng, lúc nào cũng chu toàn nhiệm vụ, dù chủ có về bất ngờ cũng đang nghiêm chỉnh thi hành nhiệm vụ. Khôn ngoan trong nhiệm vụ với anh em là biết đúng giờ đúng lúc phân phát lúa thóc. Phục vụ anh em đúng người, đúng việc, đúng lúc. Đây là điều khó đòi hỏi phải rất tỉnh thức đối với từng người, từng việc và thời cuộc. Người không khôn ngoan tưởng thời giờ còn dài nên sinh ra ăn chơi hưởng thụ và sẽ bất ngờ bị chủ trở về trừng phạt.
Thánh Phao-lô tỏ ra là một người quản gia trung tín và khôn ngoan. Nhận biết mình được tuyển chọn để rao giảng Tin Mừng, ngài đã trung tín với nhiệm vụ cho đến cùng. Được Chúa trao cho các giáo đoàn, ngài trung tín với họ. Khi ở gần, hết lòng rao giảng, dậy dỗ, khuyên bảo, sửa trị. Khi đi xa thì viết thư thăm hỏi và tiếp tục giáo huấn. Và mong ước được gặp gỡ để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ: “Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em, và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em”. Trung tín nên luôn gắn bó với giáo đoàn đến nỗi giáo đoàn trở thành lẽ sống, thành niềm an ủi của ngài: “vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu” (năm lẻ).
Khôn ngoan nên ngài hiểu biết rõ mặt mạnh mặt yếu của từng giáo đoàn mà uốn nắn họ. Sửa chữa những lầm lỗi, nhưng khen ngợi và khích lệ những ưu điểm: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Giêsu Ki-tô”. Khôn ngoan nên ngài luôn hướng lòng các giáo đoàn về ngày cánh chung: “Thiên Chúa sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa” (năm chẵn).
Tôi có là người quản gia trung tín và khôn ngoan của Chúa không?

SUY NIỆM 3:  LIÊN ĐỚI VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ NGƯỜI KHÁC − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Ngày xưa, các tín hữu cao niên thường cầu xin ơn “chết lành”. Ơn này được hiểu là xin cho được có thời gian để sám hối, đền tội trước khi chết. Những bệnh tật của tuổi già được coi là cơ hội để đền tội, hầu bớt thời gian thanh luyện nơi luyện tội. Ngày nay, dường như người ta muốn xin ơn “chết liền” để tránh trở nên gánh nặng cho con cháu, vì con cháu ngày nay bận rộn quá và cũng thực tế quá, không muốn cưu mang cha mẹ già! Nhưng làm sao để “chết liền” là một ân huệ chứ không phải là một nguy cơ cho phần rỗi linh hồn? – Thưa phải chuẩn bị sẵn sàng từng ngày cho cái chết ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 phần: Chúa Giêsu dạy phải sẵn sàng vì không biết giờ nào Chúa sẽ trở lại với mỗi người; đồng thời, Ngài cũng dạy những người có trách nhiệm với người khác hãy biết yêu thương, lo lắng cho họ. Nhưng thử hỏi ai là đối tượng được Chúa Giêsu coi là có trách nhiệm về người khác? Có lẽ người ta dễ dàng trả lời là những người có chức vụ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ là tất cả mọi người. Tại sao? 
Khi nói về người đã lãnh nhận Phép Rửa, giáo lý nói đến các chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế. Ngày nay, nhiều văn kiện của Giáo Hội đổi cách gọi “vương đế” là “mục tử”. Mà mọi tín hữu đều là mục tử theo nghĩa họ có trách nhiệm nào đó về người khác: cha mẹ với con cái, người lớn tuổi với người nhỏ tuổi, người trách nhiệm trong các cộng đoàn đức tin (giáo xứ, cộng đoàn đời sống thánh hiến). Ngay cả những người được coi là “ngang nhau” nhưng cùng sống với nhau thì cũng mang trách nhiệm về nhau. 
Vậy, để có thể luôn luôn sẵn sàng cho “ơn chết liền” thì từng ngày, hãy sống tình liên đới, sống trách nhiệm với người khác. Thánh Phaolô diễn tả khi tín hữu Thêxalônica sống đức tin đã làm cho ngài vui biết chừng nào, và ngài cũng khuyên họ hãy sống tình thương với nhau như ngài đã yêu thương họ. Nếu mỗi đêm trước khi đi ngủ, thấy mình đã sống đức tin và lòng mến trong đời sống hàng ngày, thì biết là mình đã sẵn sàng đón Chúa đến. Còn nếu chưa, ít là sám hối ngay lúc đó và quyết tâm xin lỗi, sửa lỗi vào ngày hôm sau, thì tôi cũng đã sẵn sàng đón Chúa đến với mình. Sống đức tin và lòng mến là đã sống tình liên đới và sống trách nhiệm với tha nhân, và có thể bình an ra trước mặt Chúa bất cứ lúc nào.

SUY NIỆM 4: HÃY THỨC TỈNH - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Thức tỉnh là một đề tài rất khẩn trương đối với Chúa Giê-su, nhưng đối với chúng ta hình như không có tác dụng nào cả. Mỗi khi đọc những lời giảng dạy cuối cùng của Chúa về ngày thế mạt, ngày trời đất này không còn nữa để nhường chỗ cho một Trời mới đất mới xuất hiện, một ngày bất ngờ hoàn toàn.
Mục đích cuộc loan báo của Chúa là để cho người ta thấy kế hoạch  nhiệm mầu và bao la vĩ đại của Thiên Chúa. Trong đó, vấn đề chính yếu là ngày Chúa trở lại trong vinh quang để dẫn đưa mọi người lành đã Phục sinh đi vào Trời mới đất mới, hay là khung cảnh kỳ diệu của Thiên Chúa ở với con người.
Đó là mệnh lệnh vô cùng cao quý cho con người, nhưng vì thế giới này vốn đang làm cho con người tưởng mình chết là hết, mọi sự chỉ vắn vỏi hư vô. Và người ta tìm mọi cách để hưởng thụ cho thỏa cái mong ước tục lụy đời này mà thôi.
Đó là thảm trạng, là bi kịch con người sau ngày phạm tội đã mất hướng nhìn về Thiên Chúa. Cho nên Chúa đã thức tỉnh nhân loại, thức tỉnh riêng những ai đã tin Ngài. Đây là cách nhìn lại giá trị cao cả của con người.
Cha An-tô-ny de Mê-lô kể một câu chuyện sâu sắc để cho người ta hiểu tại sao phải tỉnh thức.
Ngày nọ, có một người nhặt được một cái trứng đại bàng trong rừng. Ông ta đem về bỏ chung với trứng trong ổ gà nhà đang ấp. Chú đại bàng đã nở ra và lớn lên cùng lứa với đàn gà con.
Cứ thế, cả đời đại bàng con chỉ làm những việc mà gà con vẫn làm và cũng tưởng mình là gà. Cho nên nó bới đất tìm mồi, kêu cục tác như gà mẹ, thỉnh thoảng vỗ cánh bay lên nửa thước.
Thấm thoát thời gian trôi qua, đại bàng cũng già. Bữa kia nó thấy một con chim tuyệt đẹp bay phía trên nó trong bầu trời lồng lộng thênh thang. Với dáng vẻ uy nghi dũng mãnh, cánh chim ấy lướt bay trong gió.
Đại bàng nhìn lên kinh hãi. Nó hỏi cái gì vậy ? Một bạn gà của nó trả lời : “Đó là chim đại bàng. Vua của loài chim. Đại bàng thuộc về trời cao, còn bọn mình thuộc về mặt đất. Bọn mình chỉ là gà”.
Cứ vậy, đại bàng ta sống và chết như một chú gà vì nó vẫn đinh ninh mình là gà.
Con người vẫn biết mình lớn lên, già dần rồi chết. Sống là miếng ăn, là thỏa thích nhu cầu xác thịt, thỉnh thoảng nghĩ tới giá trị tinh thần. Nhưng cũng coi cái chết là hết, như mọi sinh vật. Ơn gọi cao sang của mình mà mình không sao biết được. Cần phải tỉnh thức và được thức tỉnh.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, nếu người ta biết được nguồn gốc của mình từ Thiên Chúa mà đến thì hạnh phúc thay ! Nhưng không ai khám phá ra chân lý cao sang đó của con người, và chỉ biết đối phó với một thế giới vừa đầy ước mơ, vừa đầy thực tế đau khổ.
Chúa đến để dạy chúng con đường về cõi sống trường tồn, đường về niềm hoan lạc vô song của Nước Chúa. Nhưng vì đã quen sống tù túng trong những kiến  thức nhỏ bé của mình, con người vẫn chưa tìm được sự sống thật.
Nguyện xin Chúa cho con ý thức được thân phận cao sang của chính mình, và biết say sưa thức tỉnh bao người còn đang nằm trong bóng tối tử thần. Chúa đã sai các tông đồ, môn đệ ra đi gieo hạt giống Tin mừng. Nhưng nếu chính chúng con chưa tỉnh thức để biết sống cuộc sống này như một tiến thân đi về cõi nhiệm mầu của Chúa, thì chúng con sẽ chẳng giúp cho ai hiểu Chúa ở đâu ? Ơn gọi cao sang của con người ở đâu ?
Xin Chúa thương đến đức tin còn yếu kém của chúng con, thiện chí loan báo Tin mừng còn thiếu sót của chúng con. Xin Chúa thiêu đốt con tim giới trẻ, quảng đại hiến dâng cuộc đời mà không do dự. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây