SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 5,24-34
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.
25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?
26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?
27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?
28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;
29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.
30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!
31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.
33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.
34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
SUY NIỆM 1: KHÔNG THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ
Chúa Giê-su dứt khoát nói với ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Ai lo tìm những giá trị đời này sẽ bỏ quên Thiên Chúa. Ai tìm Thiên Chúa sẽ không màng gì những lợi lộc đời này. Vì Thiên Chúa đã ban cho ta điều cơ bản nhất: sự sống. Thế mà ta cứ lo tìm những gì phụ thuộc. “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Chúa đưa ra ví dụ cụ thể. Chim trời không gieo không gặt vẫn được Chúa nuôi dưỡng. Bông hoa ngoài đồng không dệt không may mà áo đẹp còn hơn vua chúa. Huống chi chúng ta là con cái của Chúa. “Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” Vì thế Chúa khuyên ta cứ an tâm phục vụ Thiên Chúa. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.
Gio-át là người hai lòng hai dạ. Ông đã thờ phượng Chúa. Nên được Chúa phù hộ. Qua thầy cả Giơ-hô-gia-đa. Nhưng nghe lời xiểm nịnh của các thủ lãnh Giu-đa ông đã thay lòng đổi dạ. Bỏ “Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng”. Tư tế Da-ca-ri-a, là con tư tế Giơ-hô-gia-đa, đứng lên ngăn cản. “Họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa”. Vì thế Chúa đã từ bỏ ông. Một số ít quân đội A-ram tiến đánh. Nhưng số đông Giu-đa thua trận. “Vua bị giết ngay trên giường. Vua đã chết,…nhưng không được chôn nơi phần mộ hoàng gia” (năm chẵn).
Thánh Phao-lô là người chỉ chọn phụng sự Thiên Chúa. Ngài đã từ bỏ mọi lợi lộc trần gian. Tuy được Thiên Chúa yêu thương ban tràn đầy ân sủng. Một ân huệ lớn lao là được đưa lên tầng trời thứ ba. Nhưng ngài vẫn còn chịu đau khổ. “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi”. Đó là thiệt thòi ngài chịu nơi trần gian. Ngài tha thiết xin Chúa “cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Và điều lạ lùng xảy ra. “Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi… Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Khi hoàn toàn không còn trông cậy gì ở trần gian. Chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ làm việc. Và thánh nhân “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô”. Từ bỏ trần gian. Chỉ phụng sự Chúa. Sẽ có tất cả (năm lẻ).
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM 2: HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA
Có thể nói đời người là chuỗi những ngày lắng lo và trăn trở: Từ lo lắng về đồng tiền bát gạo của gia đình, đến lo lắng về công việc làm ăn; từ lo lắng chuyện học hành tương lai của con cái, đến lo lắng về sức khỏe bệnh tật của bản thân và mọi người trong nhà. Không có tiền đi mượn người khác lo đã đành, nhưng có tiền cho người khác mượn cũng phải lo như thường. Đã vậy, xã hội chúng ta đang sống chẳng đảm bảo được gì cho tương lai, lại khiến chúng ta càng phải lo lắng hơn.
Có người lo lắng đến sinh bệnh sinh tật, có người lo lắng đến mất ngủ mất ăn. Có người lo lắng đến nỗi không dám hy sinh dù chỉ một ngày thậm chí là một giờ cho các công việc chung của nhà Chúa. Thôi thì Giáo Hội là “mẹ” luôn đồng cảm với anh chị em, bởi cuộc sống này bắt chúng ta phải như thế: mình không lo thì ai lo cho bây giờ!
Thế nhưng trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng quá lo lắng, vì Ngài sợ chúng ta vì quá lo lắng về cái ăn cái mặc ở đời này mà quên đi việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Mà trên thực tế đã có như vậy thưa anh chị em. Có những người vì quá lo lắng nên lúc nào cũng bận rộn bon chen “làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm cả ngày Chúa nhật”, để rồi quên luôn những bổn phận phải giữ trong ngày của Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không nên lo lắng theo kiểu như thế với 3 lý do sau đây: Lý do thứ nhất là vì ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó cả. Nếu chúng ta quá lo lắng, thì cuộc đời của chúng ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc và bình an, dù chỉ 1 ngày. Lý do thứ hai, Chúa Giêsu từng chất vấn chúng ta rằng: “Thử hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay” hay không? Hãy suy gẫm thật kĩ về điều này thưa anh chị em. Và lý do thứ ba, cho dù sự lo lắng bon chen của chúng ta có chiếm “được cả thế gian này mà mất đi phần linh hồn thì cũng chẳng có ích lợi gì”. Là một người kitô hữu giữ đạo cả đời, cuối cùng mất phần rỗi linh hồn thì còn ý nghĩa gì nữa không thưa cộng đoàn?
Nếu ai đó dám chắc rằng, tôi lo lắng nhưng tôi vẫn hạnh phúc và bình an, tôi lo lắng nhưng tôi vẫn đảm bảo linh hồn sẽ được cứu rỗi; và nếu ai đó dám chắc rằng, tôi lo lắng và sẽ kéo dài được đời mình; thì cứ việc lo. Còn không, thì mỗi người “hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. Đó là điều mà lời Chúa hôm nay muốn nhắn gởi đến tất cả chúng ta.
Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau đây của Chúa Giêsu: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo không gặt, mà Cha của anh em vẫn nuôi chúng. Hay như hoa huệ ngoài đồng, chúng không trồng không tưới, mà Cha của anh em vẫn cho chúng mọc lên tươi tốt; thì huống gì là anh em. Vậy ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy. Amen.
Lm.Antôn
SUY NIỆM 3: LÀM TÔI THIÊN CHÚA
Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ không thể vừa làm tôi tớ của Chúa vừa làm nô lệ cho tiền tài. Tiền tài ở đây không chỉ là của cải vật chất mà còn là những danh vọng, thú vui theo thói thế gian. Trên hành trình về quê trời, mỗi người phải đưa ra những quyết định để chọn lựa giữa Thiên Chúa và thế gian. Chúa Giêsu liệt kê một loạt những mối bận tâm mà con người thường mắc phải như ăn uống, quần áo, sắc đẹp, tuổi thọ… ngày đêm làm điên đảo tâm hồn. Nhưng cuối cùng tất cả những thứ đó đều bỏ con người và từng người cũng phải bỏ chúng vì tất cả chỉ là tạm bợ.
Trong thực tế, không biết bao nhiêu lần, chúng ta đã bỏ Chúa để chọn lựa thụ tạo hoặc thế gian. Chúng ta gạt bỏ Đấng yêu thương mình thật lòng để chạy theo những tình cảm chóng tàn, những ngôn tình gian dối. Mỗi người cần can đảm nhìn vào con người của mình để nhận thấy mình đang chọn lựa và làm tôi cho ai hoặc điều gì? Nếu đối tượng chúng ta đang theo đuổi hay tôn thờ mà không phải là Chúa, thì cần dừng lại và từ bỏ ngay. Chúng ta chỉ có sự bình an đích thực khi làm theo lời Chúa Giêsu dạy. Đó là hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước, vì chỉ có nơi Thiên Chúa, chúng ta mới no thỏa hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu.
Lạy Chúa, sống giữa thế gian đầy dẫy những cám dỗ nhiều khi làm chúng con lạc lối. Xin cho chúng con đừng bao giờ tự tin vào sức mình, nhưng luôn nương tựa vào Chúa. Xin cho chúng con luôn khám phá thấy niềm vui khi được ở với Chúa để can đảm nói không trước những cám dỗ bên ngoài cũng như bên trong chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4: TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG
Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.
Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.
Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá…
Hôm nay, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!
Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong vòng tay Chúa để được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa và biết cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa đang thực hiện trong trần thế hôm nay. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5:TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA
Bài Tin Mừng hôm nay như một lời phản tỉnh cho mỗi người: Đừng quá chú trọng đến của cải, vật chất nơi trần gian này nhưng hãy tin vào Đấng có thể biết tất cả mọi nhu cầu của chúng ta.
Cơm ăn, áo mặc, nước uống… là nhu cầu hết sức bình thường mà bất kỳ ai cũng cần đến. Đức Giêsu không bảo rằng những thứ ấy không cần thiết, nhưng Ngài bảo chúng ta đừng quá bận tâm tìm kiếm những thứ nay còn mai mất này. Ngài mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Cha toàn năng và hết mực yêu thương, Đấng thừa biết chúng ta cần gì. Chính Người cũng đang chăm lo cho từng thụ tạo mà Người tạo dựng nên. Ngay cả những thứ xem ra con người ít quan tâm đến như cỏ dại, hoa huệ… cũng được Cha trang hoàng lộng lẫy. Vì thế, hãy để tâm tìm kiếm thực tại vĩnh cửu, đừng lo lắng về những gì thuộc về trần thế, bởi những thứ ấy Người sẽ ban thêm cho.
Lối sống bận rộn của cuộc sống hiện đại nhiều khi cũng tác động lên đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta cũng dễ bị cuốn theo vòng xoáy tìm kiếm của cải vật chất phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mà quên đi việc tìm kiếm Nước Trời. Đức Giêsu trấn an và thức tỉnh chúng ta để chúng ta có thể hướng tầm nhìn về trời cao, nơi chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm kiếm Chúa trước rồi những của cải vật chất Ngài sẽ ban cho sau. Xin đừng để những của cải thế gian làm mờ mắt chúng con.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD
SUY NIỆM 6: PHÓ THÁC TRONG TAY CHÚA
Câu chuyện
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, được mệnh danh là vị Giáo hoàng của lòng nhân hậu. Một ngày kia, có một vị Giám mục đến gặp Ngài và chia sẻ những lo âu, nhọc nhằn, mất ngủ… vì trách nhiệm chủ chăn, rồi xin ngài cho một lời khuyên. Sau khi nghe những tâm sự của vị Giám mục, Đức Giáo hoàng mỉm cười và nói: “Khi mới được bầu làm Giáo hoàng, tôi cũng lo âu và mất ngủ như Đức Cha vậy. Thế rồi một hôm trong giấc ngủ, có một thiên thần hiện đến vỗ vào cái bụng to của tôi và nói: “Gioan ơi, ngươi chớ lo lắng thái quá, hãy phó thác trong tay Chúa và nghỉ ngơi cho khỏe”. Kể từ hôm đó, tôi không bị mất ngủ nữa”.
Suy niệm
Lo âu, đó là sự thương tình của con người, đặc biệt là trước những sự việc quan trọng, trách nhiệm nặng nề và lao công vất vả trong cuộc sống để mưu sinh…
Thế nhưng, Chúa Giêsu muốn con người sống trong bình an hạnh phúc, Ngài muốn con người “đừng lo lắng”.
Chúa Giêsu đã khuyên dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những sự khác, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,33-34). Ngài đưa ra hình ảnh chim không lo gieo trồng và làm lụng vất vả vẫn được nuôi sống, hoa đồng nội không dệt may vẫn được mặc sắc màu đẹp tươi, tất cả được đặt dưới sự quan phòng của Tạo hóa. Hình ảnh quá ấn tượng, tuyệt vời diễn ra chung quanh mỗi ngày mà ta chưa nghiệm ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cho vạn vật của vũ trụ. Hình ảnh cũng dễ làm chúng ta có thể hiểu sai ý của Đức Kitô: Đừng làm gì cả, sống vô tư như anh chàng ngồi dưới gốc cây chờ sung rụng. Thật thế, Đức Giêsu đã không nói rằng không nên làm việc. Ngài cũng không bao giờ khuyến khích con người lười biếng, vô tư ỷ vào lòng bố thí của bá tánh khi đi ăn xin, vô nghề nghiệp.
Thiên Chúa luôn khuyến khích con người lao công, vì chính Ngài đã truyền cho con người ngay từ thuở tạo dựng vũ trụ: “Hãy thống trị đất và bắt nó phục tùng” (St 1,28). Đức Giêsu khẳng định của ăn có được là do lao công: “Vì thợ đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10).
Lo lắng làm việc là trách nhiệm của con người với Thiên Chúa với anh em với vũ trụ vạn vật nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa”, gợi lên ý nghĩa Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cầu nguyện nước Chúa và danh Cha trước hiển trị trên trời và dưới đất rồi mới đến cơm bánh nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
“Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” cũng có nghĩa là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa theo yêu cầu và luật lệ của nước Ngài.
Cho nên, việc tìm kiếm nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính, là sự dấn thân như bài giảng bát phúc đã trình bày (x. Mt 5,1-12).
Tuy nhiên, sự nỗ lực của con người không chỉ là sự cố gắng của bản thân mà cùng đồng hành với Thiên Chúa, Đấng luôn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế như lời hứa của Ngài (x. Mt 28,20), Đấng tỏ ra với con người qua lời ngôn sứ Isaia: “Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15).
Chúa Giêsu khuyên dạy: “Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc…” (Mt 6,25). Tin mừng Matthêô dùng 6 lần động từ “lo lắng” cùng với lời khuyên nhủ: “đừng lo” để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” (x. Mt 6,8.32). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em (x. 1Pr 5,7).
Cuộc sống hằng ngày vốn nhiều lo lắng: Lo lắng và ám ảnh một quá khứ vất vả, thất bại khiến chúng ta không dám bước vào hiện tại và tiến tới tương lai. Lo lắng về một hiện tại chưa thành công, còn nhiều vất vả, không đủ nương tựa vào cuộc sống, khiến ta luôn mệt mỏi không dám dấn thân; lo lắng về việc cơm áo gạo tiền, khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu triền miên. Vì thế, sẽ lo lắng về một tương lai mịt mù không có chút ánh sáng để tiếp tục bước đi. Giữa biển đời ngập tràn lo âu, lời thánh Âugustinô chia sẻ cho chúng ta: “Phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài”.
Ý lực sống:
“Tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người” (Hc 2,6).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 7:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “anh không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Tại sao Chúa lại bảo các ông như vậy?
Thưa, bởi vì khi con người quá bám víu vào vật chất, họ sẽ đánh mất những giá trị đạo đức cao quý và đặc biệt là mất sự sống đời đời. Cụ thể, có rất nhiều người khi còn nghèo khó thì còn có anh có em, có cha có mẹ, có bạn bè … và cách cư xử rất khiêm tốn vì biết rõ, họ chẳng có gì để hãnh diện. Nhưng khi họ trở nên giàu có thì thước đo của họ là tiền bạc. Cho nên, họ thường đặt mình lên một nấc thang khác. Họ coi tiền bạc là trên hết, họ quên cả cha mẹ, anh em họ hàng. Họ vênh vang tự phụ.
Khi có của, con người dễ tự hào, tự cao tự đại mà khinh chê người khác. Bởi tiền bạc vật chất luôn tạo ra cho con người một sự an tâm giả tạo, khiến con người lầm tưởng tiền bạc vật chất là chỗ dựa vững chắc cho họ mà quên mất đích điểm cần hướng tới là đời sống tâm linh.
Chính vì vậy mà Chúa bảo không được làm tôi tiền của. Khi nói điều đó, Chúa không bảo: vật chất không cần. Nhưng tiền bạc vật chất chỉ là phương tiện giúp cho cuộc sống hiện tại của ta. Nó không phải là tất cả. Tiền bạc vật chất tự nó không tốt, không xấu. Nó xấu hay tốt là do người sử dụng nó.
Do đó, nếu quá coi trọng tiền bạc thì con người sẽ trở thành nô lệ cho nó. Ta phải luôn nhớ rằng: tiền bạc vật chất luôn là một “tên đầy tớ tốt”, nhưng lại là một “ông chủ xấu”.
Cho nên, ta đừng bao giờ để cho tiền bạc vật chất làm chủ cuộc đời ta. Nó sẽ biến ta thành nô lệ. Bởi vì trên đời này thiếu gì những kẻ nô lệ cho tiền bạc vật chất. Họ sẵn sàng bán thân, bán nhân phẩm để kiếm tiền. Sẵn sàng đâm thuê chém mướn để kiếm tiền.
Vậy, ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ làm tôi tiền bạc vật chất. Phải luôn làm chủ bản thân trước những cám dỗ về tiền bạc vật chất, để ta không bị nô lệ cho tiền bạc. Ta cũng hãy luôn nhớ rằng: chúng ta chỉ có một “ông chủ” là Thiên Chúa và là đích điểm ta cần nhắm tới là Nước Trời. Amen.
Lm Phêrô Mai Viết Thắng