PLD (People Led Develovement) là một quá trình phát triển tự dân dựa trên sáng kiến của cộng đồng với những điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương. Trong đó, người dân cam kết hành động để tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống và để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ những vấn đề của chính họ. Đây là một phương pháp mới để phát triển cộng đồng. Và trong những ngày qua, từ ngày 2/9-6/9/2023, Caritas Phan Thiết đã tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ học hỏi giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học tại các cộng đồng Boon Thớp và Kalip thuộc xã Phan Sơn, thôn Tân Quang – xã Sông Phan, thôn Suối Máu – xã Tân Hà.
Vào các ngày 2-4/9/2023 đã diễn ra hội thảo lúa tại cộng đồng Boon Thớp và Kalip. Đối với anh em đồng bào nơi đây, lúa là cây trồng chủ yếu, là lương thực chính của bà con nơi đây, lúa gạo còn là nguồn kinh tế chính của mỗi gia đình trong làng Phan Sơn này. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc canh tác lúa phụ thuộc rất nhiều vào phân thuốc hóa học, nguồn giống mua từ đại lý. Từ đó dẫn đến nợ rất nhiều, đất đai ngày càng khô cứng, mất chất dinh dưỡng. Với những thao thức muốn thay đổi, một nhóm nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm trồng 35 giống lúa theo hướng hữu cơ với mục đích tìm ra được giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của mình mà không phải phụ thuộc vào phân thuốc hóa học. Ngoài ra, được sự hướng dẫn kỹ thuật của tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm và sự đồng hành của Caritas Phan Thiết, một số nông dân sẽ tiếp tục thực hiện giảm gieo sạ, khử lẫn. Và trong thời gian tới, nông dân sẽ thực hiện mô hình sản xuất lúa giống nhằm giảm bớt chi phí trong việc mua giống từ đại lý. Những hạt lúa giống mà chính tay bà con làm ra sẽ được chia sẻ cho mọi người dân trong làng. Đó chính là niềm vui mà những người nông dân đang mong chờ. Giờ đây nông dân đã trở thành nhà khoa học, họ ý thức và vui với những gì họ đang làm và sẽ hướng tới trong tương lai, họ cầu mong có được nguồn giống lúa phù hợp mà không phải phụ thuộc vào phân thuốc hóa học, vì như anh K’Sởn chia sẻ “Xịt thuốc chết mình chứ không chết sâu”, câu nói tuy dí dỏm nhưng đúng và thật của bà con nông dân.
Xem hình
Sau 3 ngày hội thảo trên đồng ruộng tại các cộng đồng ở Phan Sơn, các chuyên gia và Ban Caritas Phan Thiết di chuyển đến cộng đồng Tân Quang và Suối Máu. Đây là hai cộng đồng sống chủ yếu dựa vào rừng, rừng mang lại sự sinh tồn cho họ. Đoàn chúng tôi đã cùng đi rừng, leo núi với người dân, mới thấy và cảm nhận được sự vất vả khi có được một lít mật ong, một ký măng rừng, hay những ký nho rừng. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện, lắng nghe người dân, nghe người dân nói lên những mong muốn, sáng kiến của chính họ. Từ việc chỉ lấy mật, lấy nho, măng về bán cho các thương buôn với giá rẻ, họ lập thành nhóm để cùng nhau sản xuất ra các sản phẩm phong phú, thiết kế bao bì nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm của cộng đồng với sự đồng hành của Caritas Phan Thiết và tổ chức NTFP – EP Việt Nam (chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ - Việt Nam). Điều này cũng sẽ giúp cho họ có thêm nguồn thu nhập trong gia đình và hướng tới khai thác lâm sản ngoài gỗ (LSNG) bền vững. Đặc biệt hơn cả, đó chính là tinh thần đoàn kết trong cộng đồng được nâng cao, khi họ cùng làm chung với nhau vì sự đoàn kết sẽ tạo ra được sức mạnh.
Chia tay nông dân trong niềm vui, niềm hy vọng và cả những thách thức đang ở phía trước. Caritas Phan Thiết sẽ tiếp tục đồng hành với tất cả anh chị em nông dân thuộc các cộng đồng. Hy vọng trong thời gian tới các công việc sẽ phát triển và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa cho người dân tại các cộng đồng, cùng hướng tới xây dựng một cộng đồng thân thiện với môi trường.
Nguyện xin Chúa tiếp tục chúc lành và ban ơn, để mọi công việc chúng con làm mang lại tình yêu và niềm vui cho mọi người . Xin cám ơn những người nông dân, các nhà khoa học đã cộng tác với chúng tôi trong công việc phát triển này, cám ơn nhà tài trợ Misereor đã luôn đồng hành với chúng tôi trong việc đồng hành và phát triển cộng đồng.
Ban TT Caritas Phan Thiết