Thứ Tư Tuần 3 Mùa Vọng

Thứ ba - 13/12/2022 08:59

             
Thứ Tư tuần 3 mùa vọng
"Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy".
 
cn iii mv t4scaled
 

LỜI CHÚA: Lc 7, 19-23

Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?" Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: "Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?"
Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: "Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta".

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 2: Đấng Cứu Độ là ai? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: Nhìn xem dấu chỉ - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt




Suy niệm 1 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Is 45, 6b-8.18.21b-25 qua lăng kính Lc 7, 19-23, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Siêu độ loài người, về mặt thể xác cũng như thuộc linh, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 45, 6b-8.18.21b-25 : ở đây, cho thấy ơn siêu độ con người không đến từ “hạ giới”, mà đến “từ trời cao” và được gieo trồng trên mãnh đất trần thế (45, 8);  và đây là mối quan hệ giữa các đối tác [“trời cao và đất thấp”, Thiên Chúa và con người], vì thế, đây chính là vấn đề liên quan đến tình yêu giữa các ngôi vị luôn “hướng về nhau” trong tình yêu (45, 22)…
(2) Thứ đến, trong Lc 7, 19-23 : ở đây, Đức Giêsu cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả tự đoán định xem Ngài có phải là Đấng Thiên Sai mà mọi người đang mong đợi hay không, trên cơ sở  những “điều mắt thấy tai nghe”, vốn tương ứng với những gì tiên tri Isaia đã phác hoạ về Ngài [“Đức Giêsu trả lời : ‘Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng’.” (7, 22)]…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Sức mạnh chứng từ của Đức Giêsu-Kitô không chỉ dựa trên lời loan báo, trên lý trí, mà còn dựa trên những việc làm xuất phát từ trái tim yêu thương…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Đấng Cứu Độ là ai? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Dân Do Thái có một hoàn cảnh khá giống với dân Việt Nam là trải qua những thời gian bị đô hộ rất dài. Hơn 400 năm nô lệ Ai Cập, vương quốc Israel phương bắc bị đế quốc Assyria thôn tính và phân tán dân cư đi khắp nơi, vương quốc Giuđa miền nam bị thôn tính và dân bị đưa đi lưu đày Babilon trên dưới 50 năm. Đó là chưa kể những giai đoạn ngắn hơn dân này bị các nước láng giềng lấn chiếm.
Đoạn sách tiên tri Isaia hôm nay là của vị tiên tri đang ở đất lưu đày Babilon cùng với dân. Lúc ấy, đế quốc Babilon suy yếu và đế quốc Ba Tư nổi lên chiếm lấy những vùng đất trước kia của Babilon. Vua Ba Tư là Kyrô có chủ trương cai trị là trả những dân lưu đày về quê để họ an tâm tùng phục nhà vua. Trong bối cảnh ấy, tiên tri Isaia nói với dân rằng hoàng đế Kyrô chính là Đấng Messia được Chúa sai đến để giải thoát dân. Ông Isaia xác định chỉ có một Thiên Chúa duy nhất của toàn thể vũ trụ, Đấng tạo dựng nên đất trời và cũng là Đấng giải thoát dân, chứ không phải vua Kyrô hay bất kỳ thần linh nào khác.
Gợi ý từ bài Tin Mừng đưa chúng ta đến một vấn đề sâu xa hơn và cũng gay go hơn: vị Thiên Chúa cứu độ ấy hành động thế nào? Ông Gioan Tiền Hô thì loan báo về một Đấng Cứu Độ sẵn sàng để tẩy luyện, để trừng phạt, như chiếc rìu đã để sẵn ở gốc cây (x. Lc 3,9), như việc sàng lúa và bỏ thóc lép vào lò lửa (x. Lc 3,17). Còn Chúa Giêsu được chính ông này giới thiệu là Đấng Cứu Độ thì lại không làm thế, chỉ có chữa lành, quan tâm đến người nghèo khổ (x. Lc 7,22)! Vậy Ngài có phải là Đấng Cứu Độ không? Điều này khó chấp nhận với một số người, vì thế, Chúa Giêsu nói: “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Lc 7,23).
Con người bị một vấn nạn lớn là đi tìm Đấng Cứu Độ không phải nơi Thiên Chúa mà nơi tiền của, chức vị, quyền hành. Và vì thế đi đến vấn nạn thứ hai là họ cũng thể hiện đời sống được coi là thành đạt của mình bằng con đường của quyền lực, của sự trấn át trên người khác, của việc áp đặt ý chí của mình trên người chung quanh. Mùa Vọng và Giáng Sinh này mời gọi chúng ta chiêm ngắm lại hình ảnh trung thực về Thiên Chúa và về cách thức Ngài thực hiện ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, để chính mình cũng đi theo con đường ấy.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Nhìn xem dấu chỉ - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Gio-an đưa ra một câu hỏi nguyên tắc. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời thực hành. Gio-an đưa ra một câu hỏi trực tiếp. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời gián tiếp. Gio-an đưa ra một câu hỏi bắt buộc. Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời tự do.
“Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Chính giờ ấy Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy”. Đừng lý thuyết hãy thực hành. Đừng vội phán xét lý sự, hãy bình tĩnh nhìn xem rồi sẽ biết phán đoán. Đừng nói nhiều, hãy hành động. Đừng nghe qua trung gian, hãy tiếp xúc trực tiếp, tận mắt kiểm chứng.
“Hãy về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”. Cứ xem quả thì biết cây. Xem công việc thì biết người làm. Xem dấu chỉ thì có thể nhận biết thực tại. Ai có thể cho người mù được thấy nếu không phải là Đấng dựng nên ánh sáng. Ai có thể cho người chết sống lại nếu không phải là Đấng làm chủ sự sống. Ai có thể thứ tha tội lỗi nếu không phải là Thiên Chúa?
Dấu chỉ hiển nhiên nhưng lại tự do. Hiển nhiên vì ai cũng có thể thấy. Tự do vì không ép buộc. Thấy rồi có thể tin hay không. Tùy tấm lòng. Tự do nhưng lại đầy tính thuyết phục. Và phải tâm phục khẩu phục để cho niềm tin phát xuất tự đáy lòng.
I-sa-i-a cho biết sở dĩ Chúa có thể cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy” vì Chúa là chủ vũ trụ, Người ban sự sống, điều khiển muôn loài và là Chúa duy nhất có thể cứu độ: “Ngoài Ta ra không không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ”.
Lạy Chúa, Chúa là chủ vũ trụ và là chủ đời con. Đời con sẽ không có lối thoát nếu không đi về với Chúa. Con mù tối, què quặt, bất toại, xin Chúa hãy khai sáng để con nhìn ra sự thật, hãy phục hồi để con trở lại đường ngay, hãy ban sức mạnh để con hăng hái tiến bước. Xin cho con noi gương Chúa, làm chứng cho Chúa bằng những việc làm cụ thể. Lạy Chúa, xin mau đến cứu độ con.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây