Thứ Năm Tuần 3 Mùa Vọng

Thứ tư - 14/12/2022 09:33
THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG
"Gioan là sứ thần dọn đường Chúa".
 
cn iii mv t5

 
Tin Mừng: Lc 7, 24-30
Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con". Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông".
Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Gioan là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 3: Hơn cả ngôn sứ nữa _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.


Suy niệm 1: Gioan là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

“Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” (Lc 7,27)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Có một vị ngôn sứ nổi bật trong Tin Mừng. Ông là vị ngôn sứ giao thời giữa Cựu Ước và Tân Ước. Nhiều ngôn sứ trước ông tiên về Đấng Cứu Thế nhưng chưa một lần gặp Ngài, còn ông mở đường cho Đấng Cứu Thế và được diễm phúc thấy Ngài tận mắt và nghe Ngài tận tai. Ông chính là Gioan Tẩy Giả, người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh đã gì về Gioan Tẩy Giả? Lời Thiên Chúa nói trong sách Malakhi về ông rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1). Nếu khi còn đang trong ngục tối, Gioan đã sai hai môn đệ của mình đến hỏi Chúa liệu Chúa có là “Đấng phải đến” không, thì vào lúc đó, Chúa đang thực hiện những việc của Đấng Cứu Thế (x. Lc 7,21) và sai họ về trả lời cho Gioan theo cách “cứ thấy gì nói nấy” (x. Lc 7,22). Những việc Chúa làm sẽ chứng minh cho Gioan biết Chúa Giêsu là Đấng nào. Như thế, Chúa xác định mình là “Đấng phải đến”, còn Gioan là Êlia phải đến (x. Mt 11,14).
Vậy sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là gì? Lời sứ thần của Chúa nói khi truyền tin cho cha của ông là Dacaria cho chúng ta biết ông phải làm gì: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (x. Lc 1,17). Nói theo cách của Chúa ngắn ngọn hơn trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là “đi trước” và “dọn đường”. Tưởng chừng “việc nhẹ lương cao”, đâu ngờ “việc nặng đắt giá” mà cái giá phải trả là mạng sống của mình.
“Đi trước và dọn đường” là dấn bước vào nơi chất chứa hiểm nguy như quân tiên phong tiến ra chiến trường. Chiến trường của Gioan là lòng người. Nơi đó có đục có trong, có thiện có ác, có hiền có dữ, có thật có gian, như người ta vẫn thường nói: “Đáy biển tuy sâu nhưng người đời đo được. Lòng người tuy nông nhưng không ai thấu bao giờ.” Gioan đã chết bởi lòng dạ của Hêrôđia.
“Đi trước và dọn đường” là để dò đường cho người đến sau đi cách dễ dàng. Gioan là người mở đường tâm hồn của con người để cho Chúa ngự đến, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5).
“Đi trước và dọn đường” là khai thông con đường để khỏi cản lối cho người đến sau. Gioan đã khai thông lòng người bằng phép rửa tỏ lòng sám hối (x. Lc 3,3), còn khi Chúa Giêsu đến, phép rửa của Ngài là phép rửa trong Thánh Thần và lửa (x. Lc 3,16).
Ngày nay ai cũng ngại mình là người đi trước và dọn đường, vì lợi ích không có, mà thiệt thòi thì lại nhiều. Nhìn vào gương Gioan, chúng ta hãy là người đi trước trong việc dọn cõi lòng mình bằng việc lấp đầy những thung lũng của lòng ích kỷ bằng đức ái, bạt cho thấp những núi đòi của tính kiêu căng bằng đức khiêm nhường, uốn thẳng cho những quanh co của tính hư nết xấu bằng ngay chính thật thà, san bằng những lồi lõm của đam mê trần tục bằng niềm hy vọng Nước Trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ được tình nghĩa của Chúa đến ngàn đời như lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,10).
Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu cháy bỏng dành cho Chúa và cho công lý, bình an và niềm vui của Chúa. Xin cho chúng con luôn chiếu toả tình yêu và lòng thương xót của Chúa và hướng dẫn người khác đến với niềm vui và sự thật của Tin Mừng. Amen.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Is 54, 1-10 qua lăng kính Lc 7, 24-30, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy ơn siêu độ có được là nhờ hai yếu tố, vừa do ân sủng tình yêu từ Thiên Chúa, vừa do thái độ và hành vi ăn năn sám hối của con người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 54, 1-10 : ở đây, cho thấy Itraen đã được Đức Chúa chuộc về ngay từ khi còn đỏ hỏn, bị vất bỏ trên cánh đồng hoang, được Ngài cho bú mớm săn sóc, lớn lên, được Ngài đón nhận như là mối tình đầu của Ngài, thế nhưng, lại đi phản bội Ngài, chạy theo những thần ngoại bang, rồi trong cơn lửa giận, Ngài đã từ bỏ Itraen, sau một thời gian lại được Ngài nhớ lại, chuộc về, và lập lại với Itraen giao ước tình yêu, lần nầy, là vĩnh viễn…
(2) Thứ đến, trong Lc 7, 24-30 : ở đây, cho thấy sau khi nghe Gioan Tẩy Giả kêu gọi, “toàn dân, kể cả những người thu thuế đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính, và đã chịu phép rửa của ông.” (7, 29), bởi vì họ tin lời của Gioan Tẩy Giả là những lời được Thiên Chúa nói ra, kêu gọi họ ăn năn sám hối, và dọn đường cho Chúa ngự đến…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Cũng như những người Biệt phái và các nhà thông luật thời Chúa Giêsu, biết bao lần chúng ta đã bỏ qua những cơ hội để gặp gỡ được Thiên Chúa, vì đã không tin và bỏ qua những mời gọi của Giáo hội và của những con người của Thiên Chúa…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Hơn cả ngôn sứ nữa _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).  Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.  Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.  Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.  Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.  Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,  và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.  Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.  Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.  Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.  Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.  “Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”  Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).  Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.  Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.  Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.  Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).  Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về  thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.  Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.  Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.  Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),  bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).  Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.  Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước  vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.  Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.  Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,  để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.  Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.  Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.  Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời  đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.  Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.  Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),  còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).  Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.  Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan  vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).  Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.  Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,  còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.  Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,  để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.
Lạy Chúa Giêsu,  xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,  nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,  dễ thấy Chúa hiện diện  và hoạt động trong đời con.  Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,  xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,  khép kín và nghi ngờ.  Xin dạy con sự hiền hậu  để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.  Xin dạy con sự khiêm nhu  để con dám buông đời con cho Chúa.  Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,  vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,  hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây