suy niệm - Thứ Tư Tuần 1 Mùa Thường Niên

Thứ ba - 10/01/2023 09:10
myhn 11 01 2023


 


Tin Mừng: Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 3: Mang lấy đau khổ của người khác - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy Niệm 4: Mầu nhiệm hiệp thông - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt


 

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)

Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/o2014g/

Tin Mừng hôm nay tiếp diễn ngày hôm qua nói về một ngày hoạt động trong hành trình công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cũng vào ngày Sa bát đó, sau khi phục vụ trong hội đường, Chúa Giêsu đến nhà của hai người môn đệ là Simon và Andrê ở Ca-phác-na-um. 

 

Khi đến nơi, Chúa Giêsu biết tin mẹ vợ ông Phêrô phải nằm trên giường vì bị sốt. Ngài liền lại gần, cầm lấy tay và đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay, bà khoẻ dậy và phục vụ các ngài. Việc phục vụ này không phải là vai trò của người nữ trong gia đình. Hơn thế, đây là cách để nói lên vai trò của tất cả Ki tô hữu, cả người nam và người nữ, để phục vụ. Chữa lành không chỉ là giúp một người lành bệnh mà còn nâng đỡ để người ấy trở nên hăng hái trở lại và phục vụ cộng đồng. 

 

Chiều đến, khi ngày Sa bát qua đi, người ta được tự do đi lại hơn. Vì thế, một số lượng lớn người bệnh kéo đến với Người để được chữa khỏi mọi bệnh tật và được giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ. “Cả thành xúm lại trước cửa,” đó là cánh cửa của ngôi nhà nơi Chúa Giêsu ở. Nhà của Chúa Giêsu phải chăng là nơi quy tụ những ai thân cận với Chúa, như là cộng đồng dân Chúa thường quy tụ nơi nhà thờ. “Nhà của Chúa” là biểu tượng cho nơi Chúa ở, nơi quy tụ mọi người xung quanh Chúa Giê-su, cũng là biểu tượng của Giáo Hội, của cộng đoàn. Vậy khi những người nghèo khổ, người bệnh, và những người bị mất tự do mà không còn tìm đến cộng đoàn của chúng ta để tìm sự chữa lành nữa, nâng đỡ, thì chúng ta cần suy nghĩ lại đời sống chứng nhân của người Ki-tô hữu chúng ta.

Sớm ngày hôm sau, Chúa Giêsu rời khỏi đó và đến một đồi vắng mà cầu nguyện một mình. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm ở Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu biết mình vẫn cần cầu nguyện để lấy lại năng lượng thiêng liêng và kết nối với Cha Ngài và cũng để nhận ra những nhu cầu chính đáng hơn mà dân chúng ở các thành khác đang cần. 

Tuy Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, nhưng Ngài chỉ có thể hiện diện ở một nơi trong một thời diểm nhất định, và trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giê-su chỉ có thể “đụng chạm” được một số lượng ít người, để Tin Mừng được rao truyền khắp nơi, Ngài rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Khi Chúa Giêsu trở về sau buổi cầu nguyện, Ngài không quay trở lại Ca-phác-na-um, mặc dù chắc chắn có nhiều người cần được chữa lành và giúp đỡ ở đó. Thay vào đó, Chúa tiếp tục đến các hội đường khắp Ga-li-lê để công bố tin mừng Nước Trời và làm cho tin mừng đó được cụ thể hóa bằng việc chữa lành bệnh tật và giải phóng những ai bị giam cầm bởi sự dữ.

 

Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự ứng trực, sẵn sàng. Chúng ta đừng ngần ngại khi có thể giúp đỡ cho những ai cần chúng ta thực sự. Đồng thời, cũng hãy biết những giới hạn của bản thân. Cho dù chúng ta có thể rất hào phóng và cho đi rất nhiều, chúng ta cần cân bằng giữa những nhu cầu của tha nhân và biết những giới hạn của bản thân. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác bằng cách làm mọi việc cách hết mình và trở nên kiệt sức. Nên nhớ chúng ta cũng cần dành ra một khoảng thời gian ‘có chất lượng' để ở với Chúa, để cầu nguyện và để suy ngẫm về thứ tự ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống. Chúa Giêsu đã làm gương cách tuyệt vời cho chúng ta trong đoạn bài đọc ngày hôm nay.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 2 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Dt 2, 14-18 qua lăng kính Mc 1, 29-39, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy là người, đã từng nếm qua những hạnh phúc cũng như bất hạnh của kiếp người, Đức Giêsu, hơn ai hết, thông cảm với những mơ ước của con người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 1, 29-39 : ở đây, cho thấy dung mạo tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người [“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết Ngài là ai.” (1, 32-34)]…

(2) Thứ đến, trong Dt 2, 14-18 : ở đây, cho thấy để siêu độ con người, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã trở nên người hoàn toàn giống như mọi người, ngoại trừ tội lỗi [“Bởi thế, Đức Giêsu đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Ngài đã từng trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (2, 17-180]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20) : đó là dung mạo kitô-hữu đích thực.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 3: Mang lấy đau khổ của người khác - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Bài tường thuật ngắn gọn ngay phần đầu của Tin Mừng Marcô về một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu cho thấy Người đã mang lấy gánh nặng bệnh tật của mọi người trên bản thân mình. Sau lời rao giảng đầu tiên khai mạc Nước Trời: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15) cùng với việc chọn lựa bốn môn đệ đầu tiên, là tường thuật về việc chữa lành. Trừ quỷ, chữa lành cho bà mẹ vợ của ông Phêrô và chữa lành cho vô số người bệnh tật từ khắp nơi trong thành phố Capharnaum kéo đến. Sau đó còn có hàng loạt những việc chữa lành khác nữa! Chúa Giêsu được mô tả ở đây như thể hiện hình ảnh Người Tôi Trung của Chúa mang lấy bệnh tật của dân.

“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,

đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,

còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,

bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.” (Is 53,4)

Thư Hipri nói đến “độ sâu” của việc mang lấy những yếu đuối của con người nơi Chúa Kitô bằng cách Ngài mang lấy cùng một huyết nhục với chúng ta (bài đọc I).

Nhưng không chỉ có thế. Khi mang lấy huyết nhục của con người, Chúa Giêsu Kitô còn giải thoát con người khỏi sự sợ hãi trước cái chết và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi ma quỷ nữa!

Cưu mang, sợ hãi và tội lỗi. Những điều này liên hệ đến nhau. Khi cảm thấy không được cưu mang, người ta lo sợ; khi cảm thấy bị loại trừ, người ta dấn sâu vào tội lỗi. Cảm nhận mình được cưu mang, bất chấp những giới hạn của mình, người ta cảm thấy bình an và vui tươi dấn thân trong một đời sống tốt lành.

Tạ ơn Chúa vì chúng ta có một vị Thiên Chúa luôn cưu mang chúng ta, bất chấp chúng ta có trở đi trở lại trong tội lỗi. Nơi Ngài, chúng ta luôn có dịp để bắt đầu và lại bắt đầu! Xin cho tâm tình tạ ơn ấy cũng đưa chúng ta đến thái độ cưu mang anh chị em chung quanh với những giới hạn của họ.

Suy Niệm 4: Mầu nhiệm hiệp thông - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 

Chúa Giês-su hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha nên việc cầu nguyện là một việc vừa tự nhiên vừa là nhu cầu thiết yếu của Chúa Giê-su. Bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện, Người múc lấy sức mạnh và tìm những chỉ dẫn cho mọi hoạt động từ nơi Chúa Cha. Không chỉ hiệp thông trong tâm tình mà còn trong hành động. Nên Người đã xuống thế làm người theo chương trình của Thiên Chúa. Trong suốt cuộc đời Người không làm gì tự ý mình, nhưng hoàn toàn làm theo thánh ý Chúa Cha. Vâng lời Chúa Cha cho đến bằng lòng chịu chết trên cây thánh giá. Đó là cuộc hiệp thông trọn vẹn. Hoàn toàn từ bỏ bản thân. Để thánh ý Chúa Cha được thể hiện.

Người cũng hoàn toàn hiệp thông với nhân loại. Hiệp thông trọn vẹn với nhân loại nên Người trở nên đồng huyết nhục, trở thành anh em của mọi người. Người đã sống hoàn toàn như một con người. Sống cuộc sống vất vả của người thợ mộc. Lang thang đây đó, “không có nơi tựa đầu”. Chịu đói chịu khát. Trải qua biết bao thử thách và đau khổ. Chịu cám dỗ. Bị phản bội. Bị trao nộp. Chịu hành hình và chịu chết. Người luôn ở gần những người nghèo khổ bệnh tật để giúp đỡ họ. Hãy chiêm ngắm cảnh tượng Người cầm tay bà nhạc mẫu của Phêrô, ân cần nâng dậy và chữa khỏi bệnh tật. Hãy chiêm ngắm cảnh tượng lớp lớp trùng điệp người bệnh vây quanh Người. Tất cả trở nên một cơ thể đau khổ vì Người hoàn toàn hòa nhập với con người. Hiệp thông trọn vẹn với con người, Người trở thành người đại diện, người trung gian, trở thành vị Thượng Tế nhân từ và trung tín dâng tâm tình thờ phượng lên Đức Chúa Cha. Và lời cầu nguyện của Người được đẹp lòng Thiên Chúa. Hiệp thông trọn vẹn với con người nên Người đã dùng cái chết mà giải phóng con người khỏi nô lệ sợ hãi cái chết. Và vì đã trải qua thử thách đau khổ Người có thể cứu những ai bị thử thách (năm lẻ).

Sa-mu-en phần nào giống Chúa Giêsu. Kết hợp mật thiết với Thiên Chúa nên “không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”. Kết hợp mật thiết với toàn dân. Ông quên bản thân mà lo cho việc dân việc nước. Ông đã sống mầu nhiệm hiệp thông (năm chẵn).

Để hiệp thông phải từ bỏ chính mình. Chúa Giê-su đã từ bỏ chính mình. Hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Hoàn toàn hiến mình vì nhân loại. Từ mầu nhiệm hiệp thông phát sinh nguồn ân phúc bao la cho nhân loại. Xin cho chúng ta hiểu điều này. Biết sống mầu nhiệm hiệp thông. Để thế giới được chứa chan ân sủng của Chúa.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây