Suy niệm - Lễ Hiển Linh

Thứ bảy - 07/01/2023 07:52
04012020 090756



Tin Mừng: Mt 2,1-12

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

           
Anh chị em thân mến! chúng ta đang sống trong năm mà Hội Thánh mời gọi con cái mình “củng cố mối liên hệ hiệp thông với Chúa và anh em” như hoa trái của năm hiệp hành. Thiết nghĩ, trình thuật Tin Mừng về việc các nhà chiệm tinh nhận ra ánh sao lạ lên đường tìm kiếm Vua Do Thái mới sinh, gặp gỡ, bái lạy rồi lên đường khác mà về nhà mình, là kinh nghiệm quý báu cho mọi thành phần dân Chúa trong việc sống tinh thần Hiệp Hành

  1. Cùng nhau nhận diện và phân định dấu chỉ “sao lạ”.

Theo niềm tin ngoại giáo, sự sinh hạ của một vị vua mới thường được liên kết với sự xuất hiện của một sao lạ. Truyền thống Do Thái lại liên kết niềm hy vọng vào Đấng Cứu Thế, Đấng Ki-tô với một ngôi sao xuất thân từ nhà Gia-cop (Ds 24, 17). Chúng ta không biết 3 nhà chiêm tinh này có làm việc cùng nhau như một nhóm hay không, nhưng rõ ràng rằng, họ đã phát hiện một ngôi sao lạ, và dựa trên những nguồn tư liệu có được, cùng với những đánh giá cá nhân để đi đến kết luận ngôi sao lạ họ thấy báo tin: “vua người Do Thái mới sinh.” Trang Tin Mừng cho thấy họ cùng nhau lên đường với một đích: tìm vua người Do Thái mới sinh để triều bái Người. Một khởi đầu của tiến trình hiệp hành – hiệp nhất từ những khác biệt qua đối thoại trong chân thành, khiêm tốn và tuân phục sự thật như nó được tỏ bày qua phân định trong ánh sáng Chúa Ki-tô.

  1. Cùng nhau lên đường và giải quyết khó khăn

Khó khăn được trình thuật Kinh Thánh cho biết: ngôi sao lạ dường như đứng yên hoặc biến mất khi dẫn họ đến Giê-ru-sa-lem. Điều này khiến hành trình của các ông như đi vào ngõ cụt, không biết đường hướng nữa mà tìm. Không thất vọng hay chán nản bỏ cuộc, lại một lần nữa, họ bàn thảo để rồi, trong khiêm tốn, quyết định tìm sự chỉ dẫn, không phải nơi cơ cấu phẩm trật tôn giáo là các Thượng Tế mà nơi những chuyên viên Kinh Thánh Do Thái tại Giê-ru-sa-lem “Đức Vua người Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở phương Đông và chúng tôi đến để triều bài Người.” Vâng, nhờ khiêm tốn tìm hỏi và đón nhận những ý kiến các nhà chuyên môn, các chiêm tinh được biết Vua người Do Thái sinh “tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép: phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” Một khám phá mới về vua Do Thái qua Kinh Thánh: sự sinh ra của vị vua này là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với dân Israel qua những ngôn sứ, những người được Thiên Chúa chọn để nói nhân danh Ngài. Vua Israel là một vị vua đặc biêt bởi không như một bạo chúa hay một quân vương cao sang quyền lực, Người thực hiện sứ mạng vương đế trong vai trò mục tử, điều mà Chúa Giê-su sau này tuyên bố: Tôi là mục tử nhân lành hiến mạng để chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10). Tóm lại, nhờ cùng nhau giải quyết và vượt qua khó khăn, hành trình tìm kiếm Vua Do Thái mới sinh từ chỗ khá mơ hồ, giờ trở nên rõ ràng hơn bởi dấu chỉ của Lời Kinh Thánh. Dĩ nhiên sự liên kết trong tin tưởng giữa họ với nhau càng mạnh mẽ hơn, họ tiếp tục lên đường theo ánh sao lạ và những chỉ dẫn của Kinh Thánh đế đến nơi vua người Do Thái mới sinh

  1. Niềm vui đích thực của mọi cuộc hiệp hành chính là Chúa Ki-tô và cuộc gặp gỡ Người trong niềm vui

Thánh Matthew diễn tả “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, và mộc dược mà dâng tiến.” Họ mừng rỡ không phải vì thấy lại ngôi sao chỉ đường, mà đúng hơn, vì họ thấy ngôi sao trong một ánh sáng mới – không phải là một hiện tượng thuần tự nhiên mà một ngội sao phép lạ (miracle) mà đường đi của nó được dẫn dắt bởi chính Thiên Chúa. Ngôi sao ấy đứng yên khi họ tới Giê-ru-sa-lem hỏi các chuyện viên Kinh Thánh về nơi vua người Do Thái mới sinh ra, kế đó, dẫn họ không chỉ tới Bê-lem mà còn tới chính xác nơi ở của Chúa Giê-su mới dừng lại.[1] Matthew dùng những từ ngữ rất mạnh để diễn tả niềm vui của các nhà chiêm tinh: vui mừng quá đỗi với niềm vui trọng đại; vui dường nào hạnh phúc dường bao niềm vui của họ; ánh sao đổ đầy họ với niềm phấn khích. Đó là một niềm vui không thể diễn tả được thành lời.[2]Không chỉ là niềm vui hoàn thành hành trình kiếm tìm và đạt được ước nguyện, mà còn là và quan trong là, niềm vui gặp gỡ và nhận ra vua người Do Thái là một Ai Đó lớn lao đến nỗi, không ngần ngại sấp mình thờ lạy Người và dâng tặng những món quà quý giá mà họ mang theo trong suốt hành trình cam go của mình.

  1. Hoa trái của sự hiệp hành

Hoa trái của hiệp hành đích thực là một cái nhìn và một lối sống khác được định hình từ cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô. Có lẽ, khi được Hê-rô-đê được triệu tập cách bí mật với lời dặn dò “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người,” các nhà chiêm tinh vẫn chưa nhận ra được âm mưu của Hê-rô-đê. Hơn nữa, trong thế giới Kinh Thánh cũng như ngoại giáo, vua là con thần linh, nên những lời của vua là thánh chỉ, là chân thật, đáng tin. Vâng lệnh và làm theo ý vua là bậc chính nhân quân tử. Kháng chỉ chống lệnh vua là chấp nhận án tử, thậm chí tru di cửu tộc. Có thể nói, các chiêm tinh lúc ấy rắp tâm sẽ làm theo lời dặn dò của vua. Cuộc gặp gỡ với Hài Nhi Giê-su đã thay đổi tất cả. Nhờ ánh sáng của ngài chúng con nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng của Hài Nhi gúp họ nhận ra bóng tối trong con người và âm mưu của Hê-rô-đê. Giờ đây, bảo vệ Hài Nhi Giê-su mới là ưu tiên trong cuộc đời họ. Họ sẵn sàng chống lệnh vua để lên đường khác về nhà. Một hoa trái khác của hiệp hành chính là hành trình trở về của các nhà chiêm tinh. Vì là đường khác nên cũng là đường lạ, vậy mà không có sao lạ dẫn đường nữa. Vâng! một khi gặp được Đức Ki-tô và có Người trong tâm hồn, những dấu chỉ không còn cần nữa. Đời sống đạo cũng thế, một khi đã thực sự “ở lại với Chúa trong tình yêu” và tương tại trong nhau rồi thì những gì bên ngoài mang tính dấu chỉ không còn quan trong nữa. Vì khi đã yêu rồi, con tim sẽ thay lời. Ta ngắm nhìn Chúa và Chúa ngắm nhìn ta là đủ

Anh chị em thân mến!

Hiệp hành là cùng đi với nhau trong sự tôn trọng và liên kết những khác biệt nơi mỗi người. Hiệp hành phải hướng về một đích chung là Chân Lý. Chân lý không có nơi đâu khác ngoài Chúa Ki-tô, Đấng là ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG. BỞI ĐÓ, HIỆP HÀNH KHÔNG THỂ TÁCH RỜI CHÚA KI-TÔ VÀ LỜI CỦA NGƯỜI. Để tìm thấy ý muốn và chỉ dẫn của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, người tham gia hiệp hành cần khiêm tốn lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của những nhà chuyên môn thay vì ảo tưởng về một kiến thức được ban do chức vụ. Các nhà chiêm tinh, những người làm công tác khoa học biết khiêm tốn lắng nghe các nhà chuyên môn Kinh Thánh để được chỉ dẫn cách chính xác nơi Chúa ở. Thiếu sự khiêm tốn, tiến trình hiệp hành sẽ thất bại vì không gặp được Chúa Ki-tô hay một Đức Ki-tô do chính họ nặn ra bởi lòng kiêu căng đố kỵ. Đỉnh cao của Hiệp Hành không phải là những đại hội, những tham luận, những chia sẻ hoặc bất cứ thứ gì nhưng là cuộc gặp gỡ ân tình với Đức Giê-su Ki-tô của đoàn người tham gia hiệp hành. Nhưng làm sao có thể biết được mình đã gặp gỡ được Đức Ki-tô? Thưa đó là niềm vui lớn lao, niềm vui trong tâm hồn, niềm vui thiếng thánh, niềm vui không thể diễn tả thành lời mà là những tiếng reo vui trong lòng. Như Chúa nói “Thầy nói với anh em những điều ấy để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui anh em được nên trọn vẹn.” Niềm vui có Chúa và lời của Người ở lại trong chúng ta. Niềm vui ấy thể hiện qua cuộc sống mới – một cuộc sống được định hình bởi Chúa Ki-tô, được cắt tỉa bởi Chúa Cha nhờ Lời và trong quyền năng Thần Khí. Hoa trái của hiệp hành là thứ hoa trái tồn tại muôn đời do đó, thời gian sẽ là thước đo cho hoa trái hiệp hành. Những thứ hoa trái giả tạo, hoa trái áp đặt thần khí, hoa trái của bàn giấy, báo cáo ...rồi sẽ như bong bóng của xà phòng. Nó đẹp long lanh muôn sắc nhưng vỡ tan và chẳng để lại gì hết.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là hoa trái của hiệp hành với Chúa Cha và Thánh Thần, vì thế, cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa hóa mang lại niềm vui và ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Xin giúp chúng con biết sống tinh thần hiệp hành như Chúa, như các nhà chiêm tinh, để cuộc sống của chúng con luôn là một cuộc sống mới, sống khác được thúc đẩy bởi Lời của Chúa và trong quyền năng Thánh Thần. Amen

[1] M. Eugene Boring, “The Gospel of Matthew,” in New Interpreter’s Bible, ed. Leander E. Keck, vol. 8 (Nashville: Abingdon Press, 1994–2004), 142.

[2] Barclay Moon Newman and Philip C. Stine, A Handbook on the Gospel of Matthew, UBS Handbook Series (New York: United Bible Societies, 1992), 41.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 2: Ánh sáng trong bóng tối - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức


Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô.

Lúc mặt trời lặn, “bóng tối” như tấm màn bao phủ đất trời. “Bóng tối” của đất trời khiến chúng ta liên tưởng đến “bóng tối” của lòng người, nơi đó chất chứa bao điều xấu xa và tội lỗi, như lời Chúa Giêsu nói: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Vì vậy, làm thế nào để chúng ta xua tan bóng tối trong cõi lòng mình?

Điều bi thảm là rất nhiều người tìm kiếm những điều trái với luân thường đạo lý, ăn ở trái với lễ nghĩa gia phong. Họ sống trong bóng tối của tội lỗi đang bao trùm lấy họ, bao trùm lấy trái tim và tâm hồn họ. Hơn nữa, điều tồi tệ nhất của cuộc đời họ trong bóng tối là họ thậm chí không nhận ra rằng mình đang ở đó, hoặc nếu có, thì họ cũng họ không biết phải quay về đâu hay phải làm gì, để thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng của mình.

Trái ngược với những người có tà tâm, các nhà đạo sĩ là những người thiện tâm đã tìm thấy Chúa, mặc dù họ không thuộc về dân Ítraen, dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Thật vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa không là của riêng của một dân tộc nào, mà là dành cho mọi người. Tiên tri Isaia đã thấy viễn cảnh chư dân từ khắp nơi sẽ tuôn đến Giêrusalem để thờ lạy Thiên Chúa: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha : tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA” (Is 60,1.3.6). Thánh Phaolô cũng nói đến mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô sẽ được bày tỏ cho muôn dân để họ được hưởng ơn cứu độ: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các Dân Ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

Viễn cảnh mà vị tiên trị phác họa, mầu nhiệm mà thánh tông đồ loan báo đã thành hiện thực ở nơi các vị đạo sĩ. Họ đã nghiên cứu các vì sao và đã giải thích các dấu chỉ của thời đại. Họ kết luận rằng Chúa đã gửi “Ai” đó đặc biệt đến trần thế này: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Vì vậy, họ đã từ bỏ cuộc sống êm ả của mình, đã đi từ miền đất phương Đông xa xôi đến thành thánh Giêrusalem, để thờ lạy một Hài Nhi vừa mới chào đời là Vua vinh hiển và là Chúa càn khôn. Ngay cả những lễ vật mà họ dâng kính lên Hài Nhi biểu tỏ tấm lòng thần phục suy tôn của họ trước Hài Nhi. Vàng biểu thị Hài Nhi là Vua. Nhũ hương biểu thị Hài Nhi là Chúa. Mộc dược ám chỉ cuộc tử nạn của Hài Nhi sau này, khi đó tấm bảng treo trên thập giá có ghi dòng chữ: “Người này là Giêsu, Vua người Do Thái” (Mt 27,37).[1]

Nếu như các nhà Đạo sĩ sống trong ánh sáng của Chúa trong một nền văn hóa và thế giới ngoại giáo, thì vua Hêrôđê, các tư tế và giới lãnh đạo tôn giáo của Giêrusalem lại sống trong bóng tối ngay giữa lòng dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Dân tộc ấy đã mong chờ ngày Đấng Cứu Thế đến. Họ đã cầu nguyện và đã hy vọng rằng những lời tiên tri của Isaia sẽ được ứng nghiệm trong cuộc đời của họ. Thật trớ trêu là khi những lời tiên tri được ứng nghiệm, người dân lại mù quáng trước những gì đang diễn ra, đã quá chìm đắm trong bóng tối của thời đại. Giống như rất nhiều người ngày nay, họ say sưa tìm kiếm sự an toàn kinh tế, sự đảm bảo của giàu có. Họ cố gắng giành lấy quyền lực để ít nhất có thể kiểm soát cuộc sống của chính họ.

Điều bi thảm là Hêrôđê và giới lãnh đạo tôn giáo đã hoàn toàn bỏ lỡ ánh sáng có thể giải phóng họ khỏi bóng tối trong cõi lòng họ và bóng tối của nền văn hóa và thế giới. Họ tìm đến với Kinh Thánh, là ngọn đèn soi cho họ bước, là ánh sáng chỉ đường họ đi (x. Tv 119,105): “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” (Mt 5,5-6). Thế nhưng họ lại chẳng cởi mở cõi lòng của họ để cho ánh sáng từ ngọn đèn Lời Chúa soi chiếu vào. “Bóng tối” đã chiếm ngự hoàn toàn tâm trí họ: “Vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” (Mt 2,7). Ông hỏi cặn kẽ không phải là đến thờ lạy hài như các nhà đạo sĩ, mà là để tìm giết Hài Nhi. “Bóng tối” trong lòng người quả thật là tối biết bao.

Thánh Quấtvunđêô, trong một bài giảng, đã viết về Hêrôđê như sau: “Khi nghe các nhà chiêm tinh báo tin có vị Vua Cao Cả đã chào đời, vua Hêrôđê dao động. Và để khỏi mất ngôi vua, ông đã muốn thủ tiêu Người. Giả như ông tin Người thì ở dưới thế này ông đã được sống yên ổn, và trong cuộc sống mai sau ông sẽ được hiển trị muôn đời. Hỡi vua Hêrôđê, ông sợ điều chi khi nghe tin Vua Cao Cả chào đời? Người đâu có đến để lật đổ ông, nhưng để chiến thắng ma quỷ. Nhưng nào ông có hiểu điều ấy nên đã dao động và giận dữ. Và để thủ tiêu một đứa trẻ ông đang tìm, ông đã nhẫn tâm giết bao đứa trẻ khác […] chính khi nổi giận vì một em bé, ông đã suy phục em bé đó rồi”.[2]

Bức màn “Bóng tối” của thế gian sẽ còn che phủ trong ba mươi năm nữa cho đến khi nhân loại tìm giết Ánh Sáng thế gian (x. Ga 8,12; 9,5) đã trưởng thành trong Chúa Giêsu người Nadarét, ngay lúc đó “bức màn” bóng tối như “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mt 27,51) để ánh sáng của Giêsu chiếu tỏa khắp dương gian. Vì sống trong Ánh Sáng của Thiên Chúa, nên các nhà đạo sĩ đã “được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2,12). Vì sống trong cùng một ánh sáng, nên thánh Giuse được báo mộng là đem Hài Nhi trốn sang Ai Cập để lánh nạn cuộc tàn sát những đứa trẻ vô tội bởi tay vua Hêrôđê (x. Mt 2,13-18).

Để có thể sống trong thế giới vẫn còn bóng tối của tội lỗi và xấu xa, chúng ta hãy sống trong Ánh Sáng của Chúa Giêsu.

Trước hết, hãy mở cửa tâm hồn để Ánh Sáng Giêsu tràn vào. Có câu chuyện kể như sau: Ngày kia, một nhóm học giả đến gặp một bậc tôn sư. Đột nhiên, thầy hỏi một câu hết sức lạ lùng: “Thiên Chúa ở đâu?. Những học giả cười nhạo thầy: “Ôi sao thầy hỏi ngớ ngẩn thế? Cả thế giới không tràn ngập vinh quang Thiên Chúa sao?”. Vị thầy quyết định đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của chính mình: “Thiên Chúa ở nơi mà người ta để cho Người bước vào”.[3] Chúng ta sẽ vẫn mãi sống trong bóng tối của ma quỷ, tội lỗi, dục vọng bất chính, ham muốn xấu xa, mà hướng đi của chúng là sự chết (x. Rm 8,6), nếu ánh sáng của Chúa Giêsu không được thắp lên trong cõi lòng của chúng ta. Vì vậy, bước theo ánh sáng Giêsu như các nhà đạo sĩ năm xưa là đi đến sự sống: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

Thứ đến, hãy trở thành ngôi sao cho người khác để dẫn đưa họ đến gặp Chúa. Ngôi sao đã dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ đến gặp Hài Nhi Giêsu. Một ngôi sao nào đó vẫn thường xuất hiện cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy nó trong cuộc sống và trái tim của những người tốt lành xung quanh chúng ta. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng hãy biết dành những nghĩa cử cao đẹp, những hành vi nhân ái, những việc lành phúc đức, những cử chỉ thân thương dành cho người khác, nhất là những người cần lòng quảng đại và tình yêu của chúng ta.

Cuối cùng, hãy dành dành thời gian và tạo không gian để lắng nghe tiếng Chúa. Thiên Chúa vẫn liên tục nói với chúng ta qua lời Chúa nói trong Thánh Kinh, lời Mẹ Hội Thánh dạy, những buổi cử hành Phụng Vụ, nhất là Thánh Lễ, những buổi đọc kinh trong gia đình, những giây phút thinh lặng cầu nguyện. Chúng ta đọc được lời này trong Kinh Thánh: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Những khi chúng ta chúng ta dành dành thời gian và tạo không gian để lắng nghe tiếng Chúa, chính là khi chúng ta sẽ mở cửa để đón Chúa ngự vào ngôi nhà tâm hồn của mình, nơi đó chúng ta sống gần gủi và thân tình với Chúa.

Tóm lại, “Hiển linh” là việc Chúa Giêsu Kitô tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại. “Hiển linh” có nghĩa là không ai ở ngoài mặc khải về lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa. “Hiển linh” là ánh sáng của Thiên Chúa xua tan bóng tối của tội lỗi và mê muội trong tâm trí, cõi lòng và cuộc sống của chúng ta. Ước mong chúng ta mở lòng ra đón nhận Ánh Sáng của Thiên Chúa trong mọi việc chúng ta làm trong những ngày tháng sắp tới.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân, Chúa đã mang lấy thân phận yếu hèn của chúng con, để nhờ ánh sáng của Chúa lôi cuốn, chúng con nhận biết và yêu mến Thiên Chúa vô hình. Xin cho chúng con một lòng tin mạnh mẽ để chúng con không mệt nhọc theo Chúa trên hành trình trần thế. Xin cho chúng con một lòng cậy vững vàng để chúng con không mỏi mắt hướng nhìn về chốn trường sinh bất diệt. Xin cho chúng con một lòng mến nồng nàng để chúng con không chán chường yêu Chúa là Đấng mà con tim chúng con hằng khao khát và muốn yên nghỉ muôn đời. Amen.

 

[1] X. https://loi-nhap-the.com/ch-nht-l-hin-linh335/

[2] Lễ các thánh anh hài tử đạo, Kinh sách, bài đọc II.

[3] Bruno Ferrero, Cuộc Sống Như Ánh Bình Minh, nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 15.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Lên đường đi tìm Chúa tôi - Lm. Giacôbê Tạ Chúc


Một lối gọi bình dân cho ngày lễ hôm nay: Lễ Hiển Linh, hay lễ ba vua, lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Theo Thánh Ma-thê-o, đây là ba nhà thông thái, đạo hạnh, làm nghề chiêm tinh. Họ thấy có ánh sao lạ xuất hiện. Lập tức, các nhà đạo sỹ cất công lên đường để đi tìm Hài Nhi vừa mới sinh ra.

Một hành trình mạo hiểm, và không ít nguy nan. Họ lên đường, cất công đi, băng rừng vượt suối, và sẵn sàng đón nhận bao hiểm nguy đang rình rập. Có một chút gì đó rọi chiếu vào tận sâu trong tâm hồn. Theo Thánh sử Ma-thê-ô, ba nhà đạo sỹ này, xuất thân từ những con người sáng giá, thế giá, họ giàu có, và là những người dân ngoại thuộc những miền đất xa xôi. Theo Thánh Luca thì, khi Chúa sinh ra, Thiên Thần báo tin cho những mục đồng, những con người nghèo khổ và khiêm nhu. Hai cách diễn tả cho thấy, rõ ràng Tin mừng trong ngày lễ hôm nay, muốn giới thiệu mầu nhiệm nhập thể, cách phổ quát hơn, không chỉ đóng khung trong con cái thuộc dân được tuyển chọn, mà Ngôi Lời nhập thể đã đi đến với những vùng ngoại biên, điển hình là ba nhà đạo sỹ. Một hành trình dài và vất vả, ánh sao lúc ẩn lúc hiện, như dòng đời lắm lúc đục trong. Những bước chân mỏi mòn theo thời gian, nhiệt huyết của những nhà đạo sỹ cũng gặp lắm những trái ngang, và cay nghiệt. Đành tạm dừng chân ở Giê-ru-sa-lem, và họ dò hỏi Vua Hê-rô-đê: “Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”. Bí quá thì đành liều, họ đâu biết lòng dạ của ông vua này, kinh thành một phen húa vía, một cuộc hội nghị nhanh chóng được xác lập. Và theo lời Tiên tri Mi-kê-a (TK 8 TCN), thì tại Bê-lem, một làng nhỏ trong đất Giu-đê-a, là nơi hạ sinh của Đấng Cứu Thế. Sau những lời căn dặn hết sức chu đáo của Hê-rô-đê, họ tiếp tục cho một hành trình hơn  9 cây số ở phía trước. Dấu chỉ ánh sao lúc này lại xuất hiện, ba nhà đạo sỹ cứ thế từng bước theo ánh sao đi đến thờ lạy Chúa Hài Đồng.

Cuộc ra đi của các nhà đạo sỹ có điều gì đó nhắc nhở cuộc Xuất hành ra khỏi đất Ai-cập của dân Do thái. Bốn mươi năm cũng những lần ra đi, tìm về miền đất hứa, họ ra đi mà dòng lệ trào tuôn rơi. Hay cũng giống như hành trình đức tin của Tổ phụ Ab-ra-ham, Thiên Chúa gọi ông và sai ông đi, đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết Thiên Chúa là Đấng trung tín và luôn giữ lời hứa. Đi tìm Chúa, là một nổ lực không bao giờ yên nghỉ. Nếu như, các đạo sỹ không cất công lên đường, thì sẽ chẳng có những giây phút sung sướng, đến nghẹn ngào khi họ gặp thấy Hài Nhi và thân mẫu là Đức Maria. Tìm thì sẽ gặp, và gõ thì sẽ mở cho, đáp lại những tấm chân tình của các vị khách lặn lội từ những nơi xa xôi hẻo lánh, Thiên Chúa đã cho họ gặp thấy Chúa, qua dấu chỉ của ánh sao, qua lời Chúa từ trong thánh kinh, mà các nhà đạo sỹ đã truy tầm.

Lạy Chúa, chúng con tìm Chúa từ rạng đông cho đến lúc hôn hoàng, chính đức tin dẫn lối chúng con đi, mặc dù những đêm đen như chẳng còn đèn, những khi bình minh, nhưng bị che phủ bởi những áng mây đen. Xin cho mỗi tâm hồn luôn được chiếu rọi bởi những vì sao, và cũng xin ơn Thánh gạn đục khơi trong, cho con mắt thể xác và tâm hồn, để chúng con tìm đến thờ lạy Chúa, và tiến dâng lên, những lễ vật : Vàng, Nhũ hương, Mộc dược, tượng trưng cho niềm tin của mỗi người trong chúng con, Amen.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Is 60, 1-6 và Ep 3, 2-3a.5-6 qua lăng kính Mt 2, 1-12, Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hôm nay cho thấy “mầu nhiệm” được mặc khải ở đây không phải là những khái niệm trừu tượng, hay là những sự vật nào đó, mà là một Hài Nhi cụ thể, hữu hình, có mẹ có cha, vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; và “vinh quang” được tỏ bày ở đây, cũng không phải là những sức mạnh phô trương hào nhoáng giả tạo bên ngoài, mà là một Hài Nhi sơ sinh, bé bỏng, yếu đuối, nằm trong máng cỏ bò lừa, và sức mạnh của Ngài là vô địch, vì đến tự nội lực bên trong của Ngài, từ Thiên Chúa, vì thế, là toàn năng, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 2, 1-12 : ở đây, cho thấy “điều” mà các nhà chiêm tinh nhìn thấy không chỉ là một Hài Nhi sơ sinh, bé nhỏ, nằm trong máng cỏ bò lừa, có mẹ có cha, mà còn chính là vị quân vương muôn dân hằng mong đợi [“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Ngài.” (2, 11)]…

(2) Thứ đến, trong Ep 3, 2-3a.5-6 : ở đây, cho thấy “mầu nhiệm” được mặc khải đó là chính Đức Giêsu-Kitô, vốn được giữ kín với các thế hệ trước, nay nhờ Thần Khí của Ngài được mặc khải ra cho mọi dân tộc, để trở nên nguồn ơn siêu độ cho muôn dân, mọi nơi và mọi thời [“Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Ngài đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô…Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (3, 2-3a.6)]…

(3) Sau cùng, trong Is 60, 1-6 : ở đây, cho thấy vinh quang mà “Itraen” có được là đến từ Đức Chúa, và nếu chư dân có tuốn về với họ chính là vì họ phản ảnh ánh sáng vinh quang của Đức Chúa, vì Đức Chúa đang ở với họ [“Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.” (60, 3)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay

(1) Là kitô-hữu, chúng ta chỉ có thể là những ngôi sao dẫn đường đưa người ta về với Thiên Chúa, khi chúng ta “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, tức là khi chúng ta “được kitô-hoá”, trở thành như Đức Giêsu-Kitô, yêu thương Thiên Chúa, Giáo Hội của Ngài, và tất cả mọi người…

(2) Là kitô-hữu, có nghĩa là ngôi sao dẫn đường, không phải đến bất cứ nơi nào khác và đến với ai khác, mà là dẫn người ta đến với “Hài Nhi nằm trong máng cỏ”, đến với Đấng bị đóng đinh trên Thập Giá, vốn là hiện trường của Tình yêu nhưng không, tự huỷ, vị tha, “vì loài người chúng ta” và “để cứu độ chúng ta”…

(3) Là kitô-hữu, có nghĩa là ngôi sao dẫn người khác không phải đến với chính mình, mà là đến với Đức Giêsu-Kitô và Giáo Hội-Thân Mình của Ngài…

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây