TIn Mừng: Ga 1,43-51
43 Khi ấy, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói : “Anh hãy theo tôi.” 44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói : “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo : “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?” Ông Phi-líp-phê trả lời : “Cứ đến mà xem !” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giê-su trả lời : “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói : “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !” 50 Đức Giê-su đáp : “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói : “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Anh chị em thân mến! không ít người trong chúng ta đã nghe, thấy thậm chí đã làm: đem tiền bạc dâng cúng cho các nhà thờ để xây dựng các cơ sở tôn giáo hay các dịp đại lễ, trong khi những người thân yêu bên cạnh, thậm chí cha mẹ già của mình thì bỏ bê, hắt hủi, thiếu thốn. Một ít ki-tô hữu sống ở nước ngoài, trong khi trốn tránh việc đóng góp cho những nhu cầu chính đáng của cộng đoàn mình đang sinh hoạt, lại gởi tiền về đóng góp cho những cộng đoàn ở quê nhà. Làm sao chúng ta có thể yêu người ở xa cách chân thành khi những người ở gần, người thân cận lại bị bỏ rơi. Chúa chẳng đã dạy chúng ta phải giữ cả điều lớn lẫn điều nhỏ, yêu cả người ở xa lẫn người thân cận đó sao? Người thân cận không chỉ là người bên cạnh mà là tất cả những người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ở tầm mức Giáo hội tại các quốc gia, một điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ về Giáo Hội tại Việt Nam. Thật nực cười, trong khi các Đấng Bậc giới thiệu hay trực tiếp xin trợ giúp xây dựng các cơ sở tôn giáo, luôn mãi với điệp khúc “giáo dân nghèo” để đánh động lòng trắc ẩn người khác, thì những giáo hội được cho là giàu có và thường xuyên giúp chúng ta lại không có tiền để xây những công trình tôn giáo, nhất là vô số những nhà thờ mang tầm cỡ thế giới như ở Việt Nam. Trong khi những giáo hội tại Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Ý...thừa tiền để làm việc bác ái giúp đỡ các giáo hội nghèo, trong đó có Việt Nam; còn Giáo Hội tại Việt Nam lại thừa tiền để làm những công trình tôn giáo thế kỷ nhưng thiếu tiền cho các hoạt động bác ái, cho những người nghèo. Phải chăng chúng ta đang rơi vào lối sống đạo: chỉ cần đóng góp cho nhà thờ, nhà xứ hay các công trình tôn giáo, hay nói theo kiểu hôm nay, lo cho công việc của nhà Chúa thì không phải quan tâm đến nhu cầu tha nhân, dù đó là những người thân hay những người xung quanh đang rất cần sự trợ giúp của chúng ta. Chúa Giê-su đã lên án lối giải thích luật của một số kinh sư và biệt phái “các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Chúa” vì họ cho rằng “những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (x. Mc 15, 1- 6). Thánh Gioan cũng lên án giáo lý sai lạc của những kẻ phản Ki-tô vì họ cho rằng: người có tương quan tốt với Thiên Chúa không còn phải tuân giữ giới răn và bận tâm về những nhu cầu của tha nhân nữa (x. 1 Ga 2, 4; 2, 9 và 3, 10)[1]. Thánh nhân chỉ ra tiêu chuẩn để biện phân tình yêu đích thực trong Ki-tô giáo: căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng xót thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được. Đức Ki-tô và sự thí mạng mình vì yêu Chúa Cha và yêu nhân loại là khuôn mẫu và tiêu chuẩn của mọi tình yêu. Dấu chỉ có tình yêu Thiên Chúa ở lại trong tâm hồn không phải là xây nhiều cơ sở tôn giáo hoành tráng trong tiếng rên siết của những người dân nghèo, đói nhưng là hành động bác ái xót thương chia sẻ miếng cơm manh áo cho những người nghèo. Một Giáo Hội không có nhà thờ to lớn hoành tráng nhưng nhiều tổ chức và hoạt động bác ái sẽ có Chúa và tình yêu của Người hơn là một Giáo Hội có nhiều công trình tôn giáo to lớn nhưng lại thiếu hay vắng bóng những tổ chức và hoạt động bác ái, chăm sóc người nghèo. Nhà thờ Chính Tòa Phan Thiết có lẽ là nhà thờ xấu nhất trong các nhà thờ chính tòa của các giáo phận tại Việt Nam. Nhưng người ta đâu biết rằng đó là đường lối Đức Cố Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi thể hiện như khẩu hiệu Giám Mục của mình “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Bằng sự trợ giúp không mệt mỏi của mình, hàng ngàn căn nhà tình thương, đường xá, cầu cống, lớp học tình thướng, giáo điểm truyền giáo...được thực hiện. Một con người không mỏi mệt trong hoạt động bác ái thay vì chú tâm vào những công trình mang tính thế kỷ. Yêu thương đích thực trong Ki-tô giáo không phải trên môi miệng nhưng trong hành động, không phải chỉ với người xa lạ mà cả người bên cạnh mình. Công trình tôn giáo đồ sộ có đáng để tự hào không khi người giáo dân chung quanh oằn mình trong đói nghèo, thất nghiệp, khi phải nhặt nhạnh chắt bóp từng đồng để sống qua ngày, để chu toàn nghĩa vụ đóng góp. Chúng ta đang sỉ nhục Thiên Chúa hay vinh danh Người?
Lạy Chúa, Chúa giáng sinh làm người vì chúng con chứ không phải vì Chúa. Chúa muốn chúng con đến với Chúa, tin Chúa, yêu Chúa không phải vì Chúa nhưng vì chúng con. Chúa biết rõ chỉ khi đến và ở lại trong Chúa và tình yêu của Chúa, chúng con mới được sống và sống hạnh phúc. Đến với Chúa, chúng con không phải chỉ được biến đổi thăng hoa và làm cho cái tôi ích kỷ nơi chúng con lớn lên mà quan trọng là để chúng con trở nên những người con bé nhỏ trong yêu thương, phục vụ và hiến dâng mạng sống mình vì anh chị em. Xin giúp chúng con tránh xa để không rơi vào những sai lạc trong tư tưởng cũng như trong hành động mang tính phản Ki-tô, trái lại luôn trung thành với giới răn mến Chúa yêu người như Chúa dạy và nên gương cho chúng con. Amen.
[1][1] Kinh Thánh Ấn Bản 2001, UBCGKPV. NXB Tôn Giáo, Dẫn nhập tổng quát thư 1, 2, 3 Gioan, trang 2725.
Trong phần II của Thư thứ nhất của thánh Gioan (2,29-4,6), tác giả nói đến việc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa bằng cách tuân giữ lời Ngài, cách riêng là giới răn yêu thương, bởi vì khi ấy họ được sinh ra bởi Thiên Chúa, sống giống như Thiên Chúa, là bước từ cõi chết của ma quỷ mà bước vào cõi sống, bước vào thế giới ánh sáng của Thiên Chúa. Ai yêu thương anh chị em mình là đang sống trong Thiên Chúa.
Chiếc thang nối từ trời xuống đất trong thị kiến dành cho ông Giacóp (x. St 28,12) nói lên rằng Thiên Chúa cùng đi với ông và ban cho ông làm gia nghiệp vùng đất mà ông đang nằm ngủ và thấy thị kiến. Khi nói với ông Nathanaen, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh chiếc thang ấy và ví đó là chính Người, để nói rằng Thiên Chúa vẫn luôn phù trợ Dân Ngài khi sai Đức Giêsu đến với Dân như Đấng Messia, và việc phù trợ này không chỉ là ban cho một số ơn cần thiết, mà là ban chính Con Một Thiên Chúa, là Thiên Chúa, cho nhân loại! Thật là một cách thức kỳ diệu để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho con con người! Chúa Giêsu nói với ông Nathanaen: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” (Ga 1,50).
“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.” (1Ga 3,14). Và:
“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3,18).
Trong hành trình dương thế này, chúng ta cứ “chạy qua chạy lại” giữa bóng tối và ánh sáng, tức là giữa yêu thương và ghen ghét! Hàng ngày chúng ta được mời gọi bớt yêu thương “nơi đầu môi chót lưỡi” để những lời nói, những hành động yêu thương phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Nếu chúng ta để cho tình yêu của Chúa Kitô thay đổi tâm hồn mình, thì chúng ta có thể thay đổi thế giới”.
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 3, 11-21 qua lăng kính Ga 1, 43-51, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy con người chỉ thực sự sống (= trong ngôn ngữ của Ga, khi nói sự sống, luôn được hiểu đó là sự sống thuộc linh [psuché] và sự sống vĩnh hằng [zoè]), khi con người yêu thương, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 3, 11-21 : ở đây, cho thấy con người chỉ thực sự yêu thương khi yêu như Đức Giêsu-Kitô yêu thương, hay khi được “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa-Tình Yêu làm người, Đấng, trong cùng lúc, vừa là nguyên lý vừa là nguyên mẫu của sự sống tình yêu, thuộc linh và vĩnh hằng, [“Căn cứ vào điều nầy, chúng ta biết được tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (3, 16)]…
(2) Thứ đến, trong Ga 1, 43-51 : ở đây, cho thấy, cách cụ thể, tình yêu của Thiên Chúa-Cha đối với Con (1, 49.51), tình yêu nhưng không của Đức Giêsu đối với Philipphê (1, 43) và tình yêu chia sẻ của Philipphê đối với Natanaen (1, 45-46)…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Điều duy nhất tạo ra sự sống thuộc linh và vĩnh hằng nơi con người, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân…
(2) “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân.” (1 Ga 3, 15)…
(3) Chính tình yêu mới tạo ra sự sống của muôn loài…
Nhân loại chìm trong bóng tối. Chúa Giê-su đến chiếu lên ánh sáng. Ánh sáng bừng lên làm những thôn xóm nghèo hèn tăm tối sáng lên rạng rỡ. Ai có ngờ ngôi sao lạ tắt đi ở Giê-ru-sa-lem. Để sáng lên ở Bê-lem. Thiên thần không ca hát trên những cung điện xa hoa ở thủ đô. Nhưng ca hát bên mái tranh nghèo Bê-lem. Làng quê Na-da-rét bé nhỏ nghèo hèn: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được”. Nay sáng lên rực rỡ.
Ánh sáng bừng lên trong tâm hồn u mê tăm tối. Một câu nói thôi. Đã xuyên thấu tâm can Na-tha-na-en. Bừng sáng tâm trí. Để ông thốt lên lời tuyên xưng sớm nhất trong Tân Ước: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en”.
Ánh sáng bừng lên báo hiệu thiên đàng hạnh phúc: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.Đó chính là ánh sáng ban sự sống. Sự sống đời đời.
Thánh Gio-an nhận biết đó là ánh sáng tình yêu. Ma quỉ phủ lên thế giới màn tối hận thù chết chóc. Ngay từ đầu Ca-in đã giết A-ben. “Chúng ta đừng bắt chước Ca-in: nó là người của ác thần, nên đã giết em mình…Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết”.
Chúa Giê-su đến chiếu lên ánh sáng tình yêu ban sự sống đời đời. Tình yêu hệ tại sự quên mình. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta”. Chúa xuống trần chịu chết vì yêu thương ta. Để ta được sống.
Để sống trong ánh sáng và có sự sống, ta cũng phải đi vào ánh sáng tình yêu của Chúa. Chính vì thế thư Gio-an dạy ta: “Chúng ta hãy yêu thương nhau…Chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em”. Yêu thương là phải cho đi. Là phải hi sinh quên mình như Chúa Giê-su: “Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lầm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu thiên Chúa ở lại trong người ấy được”?
Xin Chúa chiếu ánh sáng tình yêu vào tâm hồn con. Để bước đi trong tình yêu. Và đạt đến sự sống đời đời.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆMTác giả: Truc Ho Si
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn