Suy niệm - Thứ Ba Tuần 1 Mùa Thường Niên

Thứ hai - 09/01/2023 17:36
tdcn 10 01 2023





Tin Mừng: Mc 1,21-28

Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3: Có can gì đến ông?  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy Niệm 4: Uy quyền của Chúa Giêsu  - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 5 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung




 

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao (biên dịch)

Nguồn: http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2019/jan15.htm

 

Bạn có tin rằng Lời Chúa rất có uy quyền giải thoát bạn và biến đổi cuộc đời bạn không? Chúa Giê-su giảng dạy đầy uy quyền. Ngài nói Lời Thiên Chúa mà không ai trước đó nói được như Ngài. Khi các kinh sư giảng dạy, để làm cho lời giảng dạy của họ có thế giá, họ lấy dẫn chứng từ các nguồn khác. Còn các tiên tri nói với uy quyền là người nói thay cho Thiên Chúa:  “Đức Chúa phán”. Còn khi Chúa Giêsu giảng dạy, Ngài không cần uy quyền nào để củng cố lời của mình, bởi Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Như vậy, khi Đức Giêsu nói cũng chính là lúc Thiên Chúa nói. Khi Người ra lệnh, thì cả ma quỷ cũng phải vâng nghe.

 

Niềm tin thể hiện qua tình yêu và ẩn chứa trong niềm hy vọng.

Thánh Augustino đã nhấn mạnh rằng: “Đức tin rất mạnh mẽ, nhưng nếu không có đức mến, thì nó chẳng là gì. Ma quỷ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, nhưng thiếu bác ái, nên không có ích lợi gì. Chúng nói: Chúng tôi phải làm gì với ông (Mc 1,24)?’ Chúng tuyên xưng một thứ đức tin ngắn cụt. Vì vậy, chúng là ma quỷ”.

 

Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng Đức tin thì mạnh mẽ – nó có thể chuyển dời núi non, nhưng nếu không có lòng mến, nó chẳng là gì (1 Cr 13). Kinh Thánh cho ta biết Đức tin chân thật hành động nhờ đức ái (Gl 5,6) và chan chứa niềm hy vọng (Rm 15,13). Đức tin của chúng ta được hoàn hảo trong đức mến, bởi vì tình yêu quy hướng chúng ta đến Đấng tốt lành vô cùng là chính Thiên Chúa, cũng như hướng đến với tha nhân là những người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27).

 

Niềm hy vọng là điểm tựa cho niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Chính vì niềm hy vọng sẽ thanh lọc mọi ước muốn của chúng ta, để chỉ ước muốn những điều tồn tại vĩnh hằng. Đó chính là lý do tại sao Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi những đam mê trong tội lỗi, dối trá và tuyệt vọng. Bede (672-735), vị bề trên đáng kính ở một tu viện nước Anh đã so sánh sức mạnh và quyền lực của Lời Chúa so với trước ma quỷ như sau: “Bởi ma quỷ đã dùng miệng lưỡi nó mà lừa dối E-và, nên nó bị Thiên Chúa phạt và nó không bao giờ có thể nói được nữa.” [Bài giảng Tin Mừng 1.8]. 

 

Đức tin phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa.

Đức tin vừa là đặc ân vô giá Chúa ban, vừa là con người, với ý chí tự do của mình, đón nhận toàn bộ chân lý mà Chúa mạc khải. Để sống, để phát triển mạnh mẽ, vững vàng đức tin, chúng ta cần nuôi chúng nhờ Lời Chúa. Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần để soi dẫn tâm trí chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể lớn lên trong sự thật và trong sự thấu hiểu tình yêu cao cả mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Lời Chúa với sự tín thác và vâng phục, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết điều Chúa muốn dạy chúng ta. Như vậy, chúng ta hãy khao khát được Thiên Chúa dạy bảo và mong muốn hướng tâm trí, thái độ, trái tim và những dự tính của mình, theo Lời Chúa, bởi Lời Chúa là sự thật, tình yêu và sự tốt lành.

 

“Lạy Chúa Giêsu, Lời Ngài là sức mạnh và là sự sống. Ước chi con không bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót nơi Ngài. Lời Ngài có sức mạnh giải thoát chúng con, chữa lành và hồi phục thể xác, tâm trí, trái tim và tinh thần chúng con.”


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

 

Anh chị em thân mến! thánh Augustino đã nói “Hạnh phúc lớn nhất của con người là yêu, say mê và được yêu.” Vâng! Nếu chúng ta chỉ lãnh nhận tình yêu từ người khác “được yêu” và không dâng tặng tình yêu “yêu và say mê yêu,” chúng ta không có hạnh phúc đích thực. Yêu, say mê và được yêu ví tựa dòng suối lãnh nhận nước từ nguồn. Nếu nó giữ mãi mà không dâng tặng, thì dần dà, nước cạn dần và theo tháng năm trở nên tanh hôi bởi cặn bã và sau cùng trở thành dòng sống chết. Trái lại, khi nó không ngừng đón nhận và cho đi, nó vừa mãi trong xanh vừa tạo nên những cánh đồng xanh tươi. Nó hóa thành dòng sông sự sống. Chuyện kể rằng: có người trông được một bụi tre. Ông yêu quý và chăm sóc nó. Ông hạnh phúc thấy nó lớn lên từng ngày. Cây tre cũng cảm được tấm lòng của ông chủ. Rồi một ngày kia, ông đến bên nó với khuôn mặt đượm suy tư. Cây tre dường như cảm thấy ông chủ có tâm sự và lên tiếng hỏi “Ông có tâm sự gì mà trầm tư thế?” Ông chủ bộc bạch: tôi muốn đốn ngang thân bạn. Cây tre rùng mình và cầu xin “ông có thể róc các cành nhỏ nhưng xin đừng đốn ngang tôi.” Ông chủ nói, không chỉ đốn ngang, tôi còn chẻ anh ra làm đôi nữa. Cây tre rớm nước mắt van xin và hỏi vì sao ông lại đối xử với nó như thế. Ông chủ trả lời: tôi muốn dùng bạn làm máng chuyển nước tới những vùng đất cằn khô. Cây tre đau đớn không muốn rời xa ông chủ nhưng cũng không muốn làm phiền lòng ông chủ, người nó yêu mến. Cây tre thân thưa: vâng xin ông cứ dùng tôi theo ý muốn của ông. Thế rồi, ông chủ đã biến cây tre thành máng chuyển nước. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của ông chủ và những cánh đồng hồi sinh và xanh tươi nhờ có nước, cây tre chợt hiểu rằng – hạnh phúc của nó là đây. Chỉ đón nhận tình cảm ông chủ là chưa đủ mà phải làm cho tình yêu ấy triển nở trong đời mình – và đó là hạnh phúc

            Anh chị em thân thương! Tôi và anh chị em như những cây tre của Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa trồng tỉa, chăm sóc và vun tưới bằng ân huệ tạo thành, cứu chuộc và thánh hóa để chúng ta không chỉ là hình ảnh của Thiên Chúa mà còn là con của Người, là chi thể trong Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Ki-tô. Nói như thánh Gioan trong lời tự ngôn: từ nguồn sung mãn của Đức Ki-tô, chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thôi, chúng ta sẽ chưa có hạnh phúc thật và cũng chưa làm cho Thiên Chúa hạnh phúc. Không yêu thương tha nhân như Chúa, chúng ta giống như dòng sống chết, như cây tre xanh tươi đẹp đẽ không chịu đốn ngang để nên máng chuyển nước cho những cánh đồng chết hóa sự sống. Thánh Gioan trong bài đọc thứ nhất nhắc nhớ “Anh em hãy thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” Thánh nhân khẳng định: phàm ai yêu thương thì chứng thực người ấy được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Còn người nào không yêu thương, người ấy không được Thiên Chúa sinh ra và không biết Thiên Chúa. Biết ở đây không ở trên phương diện tri thức nhưng là kết quả của tương quan yêu thương giữa chúng ta với Thiên Chúa.

            Lạy Chúa Giê-su, dưới con mắt người đời, cuộc đời Chúa là một cuộc đời bất hạnh và có lẽ chăng ai muốn có một cuộc sống trần thế như Chúa. Sinh ra trong khó nghèo, lớn lên trong vất vả thiếu thốn. Cuộc sống sứ vụ đầy khó khăn thử thách, bị đối xử cách vong ân bội nghĩa. Không làm gì xấu nhưng lại bị kết án tử và cuối cùng, chịu chết đau thương tủi nhục trên thập tự giá. Nhưng với Chúa đó là hạnh phúc bởi Chúa đã hoàn tất sứ mạng của mình bằng tình yêu “hết mình và hết tình” vì Cha và vì nhân loại theo ý Chúa Cha. HẠNH PHÚC CỦA CHÚA LÀ HẠNH PHÚC CỦA DÒNG SỐNG THƯƠNG CHẠY TỪ TRÁI TIM CỦA CHÚA CHA ĐẾN TRÁI TIM CỦA NHÂN LOẠI QUA TRÁI TIM CỦA CHÚA. Xin dạy và giúp chúng con khát khao, kiếm tìm và dấn thân với tất cả khả năng của mình để đạt được hạnh phúc đích thực như Chúa – HẠNH PHÚC ĐƯỢC NÊN NHỊP CẦU YÊU THƯƠNG GIỮA CHÚA VÀ THA NHÂN NHƯ CHÚA NÊN CON ĐƯỜNG ĐƯA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI GẶP NHAU TRONG CHÂN LÝ VÀ TÌNH THƯƠNG. AMEN



Suy niệm 3: Có can gì đến ông?  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Khi Chúa Giêsu chữa cho người bị quỷ ám ở hội đường Capharnaum, thần ô uế ấy la lên rằng: chuyện của chúng tôi có liên can gì đến ông?! (x. Mc 1,24). Quỷ cho rằng đó là chuyện riêng của nó với người bị ám, không can dự gì đến Chúa Giêsu. Nhưng làm sao không can dự được, vì từ là Thiên Chúa, Ngài Nhập Thể làm người là đã can dự cách sâu xa với loài người rồi! Thiên Chúa không chỉ là Đấng tạo dựng nên con người, nhưng còn là Đấng muốn trở thành con người để cứu họ và các thụ tạo khác. Còn hơn thế nữa, Con Thiên Chúa muốn trở thành anh em với loài người nữa.

“Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Hr 1,10-11).

Nếu Thiên Chúa đã muốn can dự với con người và còn can dự cách sâu xa để mang lấy bản tính nhân loại nữa, thì những ai không biết sống sự can dự với người khác là không hề giống Thiên Chúa chút nào! Mà quả thật, tính cách can dự là tính cách của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Chỉ có một Thiên Chúa muốn can dự mới tạo dựng con người theo hình ảnh của mình. Khi con người phạm tội rời xa Thiên Chúa, thì Ngài có cả một kế hoạch trong suốt dòng lịch sử để đưa con người tới ơn cứu độ. Điều đó giải thích tại sao Thiên Chúa không lìa bỏ Israel, dù họ có tội lỗi, dù họ có “tránh né” Thiên Chúa như thế nào, thì Ngài vẫn cứ “theo đuổi” họ, như cách trình bày của tiên tri Hôsê. Với Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa thực hiện bước cuối cùng của sự liên đới đó, và công trình này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô sẽ được đưa đến chỗ hoàn tất. Thiên Chúa muốn can dự vào cuộc sống con người cho đến cùng để đưa họ về sự hoàn tất của ơn cứu độ.

Sự dửng dưng với người khác là tình trạng của đời sống đô thị ngày nay, và điều ấy có khi xảy ra ngay trong đời sống gia đình, trong đời sống của các cộng đoàn đức tin nữa! Đó là chưa nói đến chuyện người ta thích sống theo ý mình, bất chấp những thiệt hại cho người khác!

Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa liên đới, luôn can dự vào đời sống của con người để cứu độ họ. Chính tình yêu là bản chất của Thiên Chúa đã khiến Ngài sống như vậy! Tôi có sống thực sự như là con cái Thiên Chúa, như là hình ảnh của Thiên Chúa không? Tôi có thiếu kiên nhẫn với những giới hạn của anh chị em không?

Suy Niệm 4: Uy quyền của Chúa Giêsu  - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 

Thiên Chúa toàn năng uy quyền phép tắc. Đó là điều dễ hiểu và dễ tin nhận. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú”(Tv 33, 6). Cho người trinh nữ sinh con. Cho người son sẻ như bà Anna được có người con xuất sắc là Samuel. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người thì khác. Chúa Giêsu tuy là người nhưng gây ngạc nhiên vì Người rao giảng như Đấng có uy quyền.

Uy quyền trong lời nói. Người đưa ra một giáo lý mới mẻ. Người nói xác quyết. Vì Người biết rõ mọi sự. Vì Người từ trời xuống nên biết rõ những sự trên trời. Vì Người từ Chúa Cha mà ra nên chỉ có Người biết Đức Chúa Cha. Hơn nữa Đức Chúa Cha đã trao cho Người nhiệm vụ làm người lãnh đạo thập toàn, đưa muôn vàn con cái đến vinh quang. Thày cả Hêli cũng có uy quyền trong lời nói. Vì thầy nói lời của Thiên Chúa. Thầy truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa khiến bà Anna đang lo buồn được bình an. Tuy nhiên thầy không có uy quyền trong việc làm vì thầy không thể tự mình làm được những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu không chỉ uy quyền trong lời nói mà còn uy quyền trong việc làm. Không chỉ nói mà còn làm. Những việc làm chưa từng có trong thế giới loài người. Chữa bệnh đã khó nhưng còn thấy được. Phục sinh kẻ chết thì tuyệt nhiên ngoài khả năng của con người kể cả những danh y tài ba lỗi lạc nhất. Nhưng Người còn thống trị được ma quỉ. Đây là điều hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu có toàn quyền chế ngự được thiên nhiên, vũ trụ, con người và cả ma quỉ cũng phải vâng phục.

Tuy nhiên uy quyền Người chỉ đạt tới mức thập toàn sau khi đã trải qua đau khổ và nhất là trải qua cái chết. Đó chính là để cảm thông với nhân loại. Và nhất là để chiến thắng quyền lực cuối cùng của ma quỉ là cái chết. Từ đó mở ra nguồn ơn cứu độ cho con người. Mở cho con người con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Vì thế uy quyền lớn lao nhất của Chúa Giêsu đó là uy quyền thương yêu. Vì thương yêu nên dám hi sinh mạng sống mình. Vì dám chết nên khuất phục được thần chết. Vì thế uy quyền của Chúa Giêsu chính là sự sống cho nhân loại.

Xin cho chúng ta biết đi theo người trên đường thương yêu. Hoàn toàn tin tưởng nơi tình yêu thương của Người. Theo Người trên con đường hi sinh. Đó chính là con đường sự sống.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 5 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-    Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Dt 2, 5-12 qua lăng kính Mc 1, 21-28, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy uy quyền mà Đức Giêsu có là uy quyền của chính Thiên Chúa, và sở dĩ Ngài có được là do bởi vì đã vâng phục Cha trong mọi sự, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 1, 21-28 : ở đây, cho thấykhông chỉ loài người mà cả thần ô uế cũng thừa nhận uy quyền của Đức Giêsu [“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. Lập tức,… có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : ‘…Ông Giêsu Nadaret,…tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ !” (1, 22.23.24)]…

(2) Thứ đến, trong Dt 2, 5-12 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu trở nên vị lãnh đạo thập toàn là nhờ Ngài đã tuân phục Thánh Ý Cha, trải qua con đường thập giá, đến hy sinh cả mạng sống mình, vì tình yêu [“Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang…nên Ngài đã cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.” (2, 10)]…

 

2-    Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Uy quyền có được cách đích thực là do tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa, chứ không phải là do “buộc được” Thiên Chúa hay tha nhân phải làm theo ý của mình…

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây