Thứ Hai tuần 21 thường niên

Chủ nhật - 27/08/2023 09:22
Lời Chúa: Mt 23, 13-22

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?
"Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề".

cn xxi tn t2

Suy niệm 1: Đạo đức giả
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc.
Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho.
Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu,
Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói Khốn cho,
khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu.
Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này.
Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24)
cũng đã lắm khi dùng lối nói này để tố cáo những người quyền thế.
Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ,
và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa.
Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ.
Khi nói khốn cho, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai,
cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!”
Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21).
“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).
Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa,
hay kết án anh phải đời đời hư mất.
Đúng hơn đây diễn tả một tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.
Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70,
có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái
với những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó.
Các vị kinh sư và những người pharisêu đầy quyền lực
không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh.
Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9, 22).
Như thế họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13).
Các vị kinh sư và nhóm Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo.
Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa.
Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này
có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình.
Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15).
Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề.
Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ,
nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20),
thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).
Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.
Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo
vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay.
Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa,
chứ không khép lại hay gây cản trở?
Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời?
Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ?
Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
 
Suy niệm 2: Lãnh đạo sáng suốt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Vận mệnh một cộng đoàn tùy thuộc rất nhiều vào lãnh đạo. Lãnh đạo sáng suốt sẽ giúp cộng đoàn phát triển. Lãnh đạo sai lầm sẽ tàn phá cộng đoàn nhanh chóng. Chúa Giêsu chê trách người Pha-ri-sêu vì họ đưa dân vào chỗ sai lạc, chết chóc.
Họ sai lạc vì giữ tín đồ lại cho mình, chứ không dẫn đưa kẻ tin đến với Chúa. Tự giam hãm, trói buộc mình trong những mớ luật lệ tỉ mỉ, phức tạp làm thui chột sức sống, họ không chịu vào Nước Trời mà còn ngăn cản không cho người khác vào.
Họ sai lạc vì dẫn đưa người khác đến chỗ chết, xô đẩy họ vào hỏa ngục khi loan truyền một thứ đạo không mến Chúa, cũng chẳng yêu người.
Họ sai lạc quá xa khi đưa ra một thứ đạo dừng lại ở vật chất, hình thức bên ngoài. Thề thốt và tin rằng những vật chất quí giá là vàng bạc và lễ vật có thể chứng giám lời thề. Nhưng không đặt mình trước mặt Chúa, thiếu đức tin vào Chúa. Đạo không có Chúa chỉ là trống rỗng. Thờ phượng chỉ dừng lại ở vật chất và lễ nghi chỉ là lừa bịp. Sống đạo chỉ vụ lề luật là một thứ vong thân, tha hóa khiến ta thành nô lệ.
Thánh Phao-lô tỏ ra là người dẫn đường sáng suốt khi không biến mình thành ngẫu tượng. Tuy được dân đón nhận, tin yêu, thánh nhân không bắt họ dừng lại nơi mình, nhưng đã dẫn họ đến với Chúa. Ngài biết rằng tín hữu có niềm tin không phải nhờ tiếng nói của ngài nhưng “còn có quyền năng của Thánh Thần” (năm lẻ).
Ngài khen ngợi dân thành Thessalonica vì họ đã biết “từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với thiên Chúa để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Hơn nữa họ đã vượt qua những khó khăn thử thách mà vẫn vững tin vào Chúa, vẫn yêu mến Chúa và nhất là vẫn trông cậy, chờ đợi Chúa Giêsu Kito, Đấng Cứu Độ ngự đến.
Ngài mặc khải cho họ biết đạo Chúa là đạo tình yêu. Ngài chúc mừng tín hữu Thessalonica vì họ “là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em”. Vì thế đạo không phải là một khái niệm trừu tượng hay một mớ luật lệ vô hồn. Vì trong đạo họ được sống trong tự do, được gặp gỡ Thiên Chúa sống đọng trong một tương quan liên chủ thể.
Với người lãnh đạo sáng suốt, dân Chúa được dẫn đưa trên đường ngay nẻo chính, được gặp Chúa. Và được sống. “Như thế, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người” (năm chẵn).

SUY NIỆM 3: LỚN LÊN TRONG TỔNG THỂ − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Bài đọc thứ nhất trong lễ thánh Augustinô nói về một tổng hợp khá tuyệt vời giữa đức tin và tình yêu, giữa Thiên Chúa và con người. Phải chăng điều đó nói lên phần nào kinh nghiệm tâm linh của thánh Augustinô khi khám phá được đức tin kitô giáo, khi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và nói “sao Chúa cho con yêu Chúa quá muộn màng!”, và khi có kinh nghiệm về chính mình nữa khi cầu xin cho được biết Chúa đồng thời cũng biết bản thân mình. 
Với cụm từ “Thiên Chúa ở lại trong người ấy”, tác giả thư thứ nhất Gioan diễn tả tình trạng của người biết yêu mến anh chị em mình: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” (1Ga 4,12). Lần thứ hai, cũng với cụm từ ấy, tác giả diễn tả về người tin vào Đức Giêsu Kitô: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.” (1Ga 4,15). Tình trạng Thiên Chúa ở lại nơi một người và người ấy ở lại trong Thiên Chúa, được nhận ra khi người ấy có Thánh Thần: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.” (1Ga 4,13).
Đức tin và tình yêu phải được sống cùng với nhau. Tôi và người khác phải được hoà nhịp cùng nhau. Không có đức tin, tình yêu không có nền tảng từ tình yêu trao ban chính mình của Thiên Chúa, và do đó, không thể vượt trên mọi toan tính hơn thiệt của con người. Không có tình yêu dành cho tha nhân thì đừng nói đến đức tin, bởi vì đó chỉ là “đức tin chết” (Gc 2,17). Người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô thì được Thánh Thần dẫn dắt để không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
Những lệch lạc, những ì ạch chẳng đi tới đây của đời sống tôn giáo là ở chỗ không sống được tính tổng thể này. Thiếu điều này hay điều kia, thiếu đức tin hoặc thiếu tình yêu; thiếu đón nhận người khác vào cuộc đời của mình. Những cách thức này khiến cho đời sống tôn giáo chỉ dừng lại ở hình thức mà không làm kitô hữu trưởng thành, tiến nhanh và tiến xa được!

SUY NIỆM 4: BẤT HẠNH THAY - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Đối với Chúa Giê-su trong những lời rao giảng của Ngài, có những lời loan báo hạnh phúc thực sự trong tương lai, mà cũng có lời loan báo mối bất hạnh cho một lớp người nào đó. Đây không phải là những lời chúc lành (phúc thay) hay chúc dữ (khốn cho các ngươi hay bất hạnh thay), mà những loan báo, những điều Chúa thấy trước.
Khi Chúa loan báo “phúc thay cho anh em là những người nghèo khổ”, ở đây không có ý tôn vinh cái nghèo, vốn là cái hoàn cảnh dễ làm cho người ta bị mất nhân phẩm. Nhưng là hạnh phúc là ở nơi Thiên Chúa, vì tình thương của Ngài vốn đặc biệt ưu đãi những người chịu thiệt thòi thiếu thốn trên đời này, vì những lý do bất khả kháng.
“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người pha-ri-siêu giả hình...” Đây là một loan báo cho thái độ không hợp với Tin mừng, không trung thành với giao ước của tình yêu. Hậu quả trước mặt Thiên Chúa là cái lối đạo đức giả không được Thiên Chúa chấp nhận trong Nước Ngài. Vì Chúa thấu suốt lòng con người, biết rõ đâu là ý định xấu xa của họ.
Nhất là với vai trò lãnh đạo tôn giáo, mà họ lại làm cho người tín hữu đi vào con đường lầm lạc, làm thiệt hại cho người có đạo đức đã lâu hay tân tòng. Họ đóng cửa Nước Trời hơn là mở ra. Trách nhiệm đó rất là lớn.
Khi tấm lòng thiếu chân thành rồi, thì các lời dạy dỗ sẽ sai lạc tiếp theo. Đó là những lề luật tỉ mỉ chẳng đáng kể gì cũng bắt người ta giữ. Thề thốt bừa bãi không thể là một cách đứng đắn để bệnh vực sự thật.
Với lương tâm trong sáng, người ta dễ dàng đối xử với nhau và tạo nên một xã hội huynh đệ hòa bình.

Cầu nguyện :
 Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến trần gian với cả một tình yêu vô biên, với tấm lòng trong sáng, nhưng Chúa lại gặp những người giả hình với lương tâm dối trá, mà đó lại là những người có nhiệm vụ dạy dỗ kẻ khác. Khi Tin mừng chưa đến, lời Chúa chưa được công bố thì con người dễ sống theo thế tục. Luật sĩ, biệt phái, một mặt sống trung thành với lề luật, nhưng lại không quan tâm đến lời các tiên tri, những người giúp họ sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Giờ đây, chính Chúa ngỏ lời với chúng con, chính Chúa bày tỏ tình yêu và trực tiếp dành cho chúng con ân huệ sự sống. Xin Chúa giúp chúng con luôn luôn yêu mến và trung thành với Tin mừng của Chúa. Vì trước khi vào nhà Chúa, chúng con đã sống trong môi trường đức tin bị tinh thần thế tục lấn át. Người ta không quan tâm đến lời Chúa, chưa sống dưới ánh sáng Tin mừng của Tình yêu. Đó là một lối sống đạo theo hình thức, theo khuôn khổ đã sẵn. Nhưng Chúa đến để vào tận nhà tâm hồn con, với cuộc sống không còn hình thức, không còn khuôn khổ nữa.Chúa trong con,con trong Chúa. Chúa biến cõi lòng con thành ngai tòa của Chúa. Chúa biến trái tim con thành sự sống của Chúa. Cả hai chỉ còn là một. Đây là huyền diệu tình yêu khôn tả. Lạy Chúa, con chỉ muốn tan biến đi trong Chúa, tan biến ý trí kẽm cỏi của con, tan biến mọi mơ ước của con, tan biến chính cuộc sống của con. Con không còn sống cho chính mình mà chỉ sống cho Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con khi chúng con đi tìm vinh dự thế tục, khi chúng con chưa biết tìm vinh quang trong Chúa, khi chúng con chưa trọn Chúa cho trọn vẹn, khi lòng chúng con chia phôi đôi ngả, trong khi Chúa lại hiến trọn chính mình cho chúng con rồi.
Ôi Thánh Thể nhiệm màu, Thân mình Chúa cao siêu vô tận. Mình con đây chút phận bèo trôi. Dù đất trời ngàn trùng cách biệt, vì yêu con Chúa hiến trọn đó thôi ! Chúa ôi ! Amen

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây