Suy niệm lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Thứ tư - 07/12/2022 07:19
LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.
 
cn ii mv t2 vonhiem 1


Lời Chúa: Lc 1,26-38
“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Các lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

Suy niệm 2: Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội - Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3: Nhớ lại và lắng nghe - ĐGM. Bùi Tuần


Suy niệm 1: Các lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Đại thi hào Dante ca tụng Đức Maria, Mẹ Đồng trinh, là “khiêm tốn và cao trọng”.[1]  Khiêm tốn là vì Mẹ, bằng sự chấp nhận trọn vẹn và hoàn toàn đối với kế hoạch của Thiên Chúa, đã giúp cho Con Thiên Chúa trở nên xác phàm. Cao trọng là vì Chúa Cha đã ban cho Mẹ các hồng ân, trong đó đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, để xứng với nhiệm vụ cao cả là làm Mẹ Đấng Cứu độ (x. GLHTCG 490).
Giáo Hội đã tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng” (LG 56). Vì thế, mỗi lần tôn vinh Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là mỗi lần Giáo Hội diễn tả niềm tin rằng các lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện: Giao ước của Người không thất bại, nhưng đã sinh ra một gốc rễ thánh thiện, từ đó nảy mầm Quả Phúc của toàn vũ trụ, là Đức Giêsu Đấng Cứu Thế.[2]
Đoạn văn Sáng Thế mà chúng ta nghe ở bài đọc một nói đến sự thù nghịch giữa Người Nữ và con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Đó là lời loan bào đầu tiên về Đấng Cứu Chuộc, về cuộc chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ của Người Nữ này trước con rắn hiện thân của Satan. Trong đoạn văn này, truyền thống Kitô giáo nhận ra hậu duệ của Người Nữ là Đức Kitô; còn Người Nữ là Đức Maria, Mẹ của Đức Kitô. Như thế, Đức Mẹ là người đầu tiên được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi (x. GLHTCG 411).
Quả thật, lời hứa của Thiên Chúa đã thành hiện thực. Khi đến thời đã định Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà (x. Gl 4,4). Giờ đây, chúng ta hãy đến với khung cảnh của biến cố trọng đại là Con Thiên Chúa xuống thế làm người và đến ở giữa chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ giữa sứ thần với Đức Mẹ, sứ thần đã gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28). Thánh Bede, trong một bài giảng, đã ca ngợi Mẹ rằng: “Mẹ thực sự đầy ân sủng, “ơn phúc” của Thiên Chúa ban xuống cho mẹ, người đầu tiên trong số các phụ nữ, Mẹ dâng lên Thiên Chúa món quà cao quý nhất là sự đồng trinh của mình. Do đó, Mẹ, là người cố gắng bắt chước cuộc sống của một thiên thần, thì rất xứng đáng để tận hưởng trải nghiệm nhìn thấy và nói chuyện với một thiên thần. Mẹ thực sự đầy ân sủng, đã được ban ơn để sinh ra Chúa Giêsu Kitô, chính là Đấng mà nhờ Người ân sủng và sự thật đã đến […] Mẹ thật là diễm phúc giữa các phụ nữ, là người chưa từng có tiền lệ trong phận liễu yếu đào tơ, Me vui mừng trong niềm vinh dự về việc được làm mẹ cùng với vẻ đẹp của sự đồng trinh, vì thật là xứng hợp khi một người mẹ đồng trinh sinh ra Chúa Con.”[3]
Nếu như tội lỗi là bất tuân Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài, thì trái lại Đức Mẹ luôn chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, luôn tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Con Mẹ để phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc, và luôn sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, vì nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội nguyên tổ ngay từ lúc tượng thai trong lòng mẹ là thánh Anna và suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào (x. GLHTCG 411). Vì thế, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là việc Thiên Chúa đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời trong Đức Kitô (x. Ep 1,3), để Mẹ “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep 1,4) mà xứng đáng làm Mẹ của Con Ngài. Phụng vụ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã gợi lên điều ấy: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ …”.
Những lời của thánh Phaolô áp dụng cho Đức Mẹ, thì cũng được áp dụng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng có những nét “khiêm tốn” và “cao trọng” hiện diện ở nơi mỗi người chúng ta. “Cao trọng” là vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa: Theo lời thánh Catarina Siêna, “Chúa đã say mê con người, vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu, để nó nếm được sự Tốt lành vĩnh cửu của Chúa” (x. GLHTCG 356). “Khiêm tốn” là vì chúng ta cần đến sự trợ giúp của ơn Chúa trong cuộc chiến cam go chống lại quyền lực sự dữ để gắn bó với điều thiện hảo (x. GLHTCG 409).
Khi mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong mùa Vọng, Giáo Hội cho chúng ta một mẫu gương hoàn hảo của việc chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế ngự đến với chúng ta. Đức Mẹ dạy chúng ta bài học về sức mạnh của ơn Chúa: Ơn Chúa luôn chiến thắng tội lỗi (x. Rm 5,20). Chúng ta hãy cậy dựa vào công nghiệp của Chúa Kitô để chiến thắng dục vọng của mình. Đức Mẹ còn dạy chúng ta bài học về việc phục vục chương trình cứu độ của Chúa. Chúng ta hãy để cho thánh ý của Thiên Chúa xé ngang những dự định của mình bằng tiếng “xin vâng” như Đức Mẹ. Đức Mẹ còn dạy chúng ta bài học về hy vọng. Chúng ta được cứu độ nhờ Chúa thương xót chứ không do sự cố gắng của chúng ta. Đây là nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo. Khi những bài học đó trở nên sống động nơi cuộc đời của chúng ta, chính là lúc các lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện ở nơi chúng ta. Do đó, những lời thánh Augustinô nói về Đức Mẹ: “Đức Mẹ thật là diễm phúc vì Mẹ đã tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ đã cưu mang thân xác Người” (GLHTCG 506), cũng có thể được nói về chúng ta: “Chúng ta thật là diễm phúc vì chúng ta đã tin vào Đức Kitô hơn là vì chúng ta đã cưu mang thân xác Người”.
Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ là “người đầy ơn phúc”, xin cho chúng con biết mở rộng lòng mình để lãnh nhận đầy tràn ân sủng của Chúa. Mẹ đã dâng lên Chúa món quà cao quý là sự đồng trinh của mình, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Mẹ đã thưa xin vâng với Chúa, xin cho chúng con biết nói “có” với tình yêu của Chúa và nói “không” với lòng ích kỷ. Amen.


[1] http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/267206
[2] http://daminhrosalima.net/tin-giao-hoi-hoan-vu/duc-me-vo-nhiem-nguyen-toi-vi-dac-an-cua-thien-chua-16344.html
[3]Just, Arthur A.: Luke. Downers Grove, Ill. : InterVarsity Press, 2005 (Ancient Christian Commentary on Scripture NT 3 3), S. 13
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội - Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ.
Đặc Ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bằng chứng về sức mạnh của Ân Sủng trên tội lỗi và sự chết. Phụng vụ đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng. Thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Giữa “màu tím đợi chờ và hy vọng” chợt bừng lên “màu trắng tinh tuyền” của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ý nghĩa phụng vụ gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu rỗi. Cánh cửa thiêng liêng mở ra cho Dân Chúa bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể.
Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, liên tiếp có hai chân lý về Đức Maria đã được Giáo Hội định tín. Đó là: tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1.11.1950). Qua hai tín điều này, Giáo Hội tuyên tín và khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai tận cùng của lịch sử. Một khởi đầu sáng tạo với vẽ đẹp “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và cuối cùng, với công trình Nhập Thể - Cứu Chuộc của Chúa Con, toàn thể nhân loại lại được nâng lên trong ánh quang phục sinh như “Đức Maria hồn xác lên trời”.
Lòng sùng kính Đức Maria là cả một cảm nghiệm sâu xa của niềm tin Dân Chúa qua dọc dài lịch sử với nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Sách Sáng thế kể rằng: con người được tạo dựng trong yêu thương và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, địa đàng hạnh phúc ấy không may đã khép lại với nguyên tổ. Đánh mất địa đàng, con người cũng mất luôn hạnh phúc được chia sẻ sự sống thân mật và vĩnh hằng với Thiên Chúa. Cái chết đã trở thành một bản án chí tử. Thiên Chúa tình yêu đã hé mở chân trời hy vọng : “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó. Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó chính là “Tin Mừng đầu tiên”, Tin Mừng nguyên thủy. Niềm hy vọng trải dài xuyên suốt lịch sử con người từ buổi hồng hoang cho đến ngày Lời hứa được thực hiện.
Từ cuộc “đỗ vỡ ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ. Đức Maria đã được chọn từ muôn thưở: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ”. Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ thực hiện lời hứa “đạp dập đầu con rắn” mà Thiên Chúa đã công bố thuở xưa. Người nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm : “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.
Như thế, rõ ràng mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của Dân Chúa. Đặc Ân này, huyền nhiệm này nắm giữ một vai trò, một ý nghĩa, một điều kiện có tính quyết định trong con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng của nhân loại. Nói cách khác, Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Trinh Nữ Maria chính là “Tin mừng về cuộc chiến thắng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”.
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ai năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẽ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ. Mẹ đầy ơn Chúa. Sứ Thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
“Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.
Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại. Đức Maria gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” như sách Giáo Lý đã viết : “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Những đặc ân của Đức Maria có được là kết quả đi trước nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, như sách Giáo Lý xác tín : “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô : Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (GLCG # 56). Ngoài ra, Đặc ân Vô Nhiễm cũng còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ hôm nay :“Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa”.
Mẹ Maria chính là thụ tạo đầu tiên hưởng được lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa công bố ngay buổi đầu với Nguyên tổ.
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Giáo Hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Mẹ Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả nhân loại, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).
Năm 1492, hơn 500 năm trước đây Colombô đã khám phá ra Châu Mỹ. Ông đã dùng con tàu mang tên: Maria Vô Nhiễm. Colombô đặt tên cho hòn đảo đầu tiên ông đặt bước chân là San Salvador để tôn kính Đấng Cứu Thế. Hòn đảo thứ nhì mang tên Conception, Mẹ Vô Nhiễm để tôn kính Mẹ Chúa Kitô.
Vào năm 1673, hơn 300 năm trước, cha Monquette, một linh mục thám hiểm gan dạ, người đầu tiên tới sông Mississipi, một thác nước khổng lồ chạy dài 3.000 km xuyên qua 10 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngài đặt tên cho con sông miền Tây này là “Maria Vô Nhiễm”.
Balboa và Cortez, hai nhà thám hiểm nổi tiếng cũng có lòng tôn sùng Maria Vô Nhiễm.
Giáo dân Việt Nam rất sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Năm 1960 khi thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, các Giám mục đã dâng đất nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm giữa Mùa Vọng, cộng đoàn chúng ta được nhắc nhở thêm nữa về thái độ sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với Ân Sủng hầu biến cuộc sống trở thành một mãnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mãnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Đức Mẹ đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng chín tháng cưu mang trong tình yêu.
Xin Mẹ cũng giúp chúng con chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình yêu mến như Mẹ. Amen.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Nhớ lại và lắng nghe - ĐGM. Bùi Tuần

Mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm là một niềm vui của các con cái Đức Mẹ. Có nhiều cách mừng.
Riêng tôi, khi cuộc đời đã sang thu, sắp bước vào mùa đông, tôi mừng lễ Đức Mẹ vô nhiễm một cách cũng rất riêng tư.
Tôi mừng lễ bằng cách vừa nhớ lại Đức Mẹ trong Phúc Âm, vừa nhìn lại Đức Mẹ trong đời tôi. Để rồi lắng nghe Mẹ nhắn nhủ hôm nay.
Nhớ lại.
Tôi thấy Đức Mẹ thuở xưa trong Phúc Âm cũng là Đức Mẹ trong chuyến đi dài đời tôi.
Đức Mẹ dạy tôi bằng Phúc Âm. Đức Mẹ cũng dạy tôi bằng những dắt dìu trong dòng lịch sử.
Nếu cần tóm tắt, thì xin vắn gọn thế này:
Đức Mẹ, tuy được ơn vô nhiễm, nhưng cũng chịu nhiều đau đớn, để góp phần vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Đúng như lời tiên tri Simeon đã báo trước: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,25).
Những con cái Mẹ, nhất là tôi, mình đầy ô nhiễm, càng không được phép miễn khỏi thánh giá. Ít là phần nào.
Chúa Giêsu là con Mẹ, xưa “đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2,8).
Đức Mẹ nên giống Chúa cứu thế không phải ở sự chịu đóng đinh, nhưng ở sự Mẹ chịu những lưỡi gươm đâm vào lòng. Những lưỡi gươm vô hình, với những nhát đâm vô hình, cùng những vết thương vô hình. Vô hình, nhưng thực sự đau đớn.
Chẳng nói hết được những đau đớn đó của Mẹ.
Còn những con cái Mẹ, thì kẻ cách này, người cách nọ, họ cũng được thanh luyện bằng trải qua những đớn đau lớn nhỏ. Đớn đau của họ tự nó chẳng có gì là giá trị. Nhưng nhờ Mẹ nhuộm nó vào tình yêu của Mẹ, nên nó trở thành bông hoa.
Những bông hoa như thế nơi tôi chẳng nhiều. Nếu muốn tìm nó, thì phải tìm ở những dòng nước mắt.
Trước hết là hoa sám hối trong những nước mắt ở cuộc chiến nội tâm.
Cuộc chiến nội tâm của tôi cũng đã có một người xưa trải qua và diễn tả rất rõ. Đó là thánh Phaolô. Ngài phơi bày như những tiếng nức nở nghẹn ngào: “Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu, vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm..
Bởi đó tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí. Nó giam cầm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.
Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,14-25).
Cuộc chiến nội tâm giữa thiện và ác nơi thánh Phaolô chỉ được tả là rất cam go. Còn chiến thắng hay chiến bại thì không thấy ngài nói. Phần tôi, có lúc thắng và cũng có lúc bại. Vì thế mà tôi sám hối. Sám hối là bông hoa đầu tiên tôi dâng lên Mẹ vô nhiễm. Mẹ đã thương giúp tôi trở về, như Mẹ đã giúp kẻ trộm lành xưa chịu treo trên thập giá.
Bên cạnh bông hoa sám hối trồng trong dòng nước mắt ăn năn, tôi có thể lượm được một bông hoa khác. Tôi tạm gọi nó là hoa cảm thương trôi trong dòng nước mắt bất lực không thể phục vụ.
Biết bao lần, tôi cảm thấy đau đớn vì bất lực trong việc loan báo Tin Mừng. Tôi nghĩ Đức Mẹ xưa đã khóc khi phải chấp nhận âm thầm bồng con trốn sang Ai Cập và ở lại đó ẩn mình trong cảnh nghèo khó (Mt 2,13-18).
Đức Mẹ chắc cũng đã khóc, khi phải chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ và bị giết (Ga 19,25-27). Mẹ đã không cứu được con mình. Nhưng Chúa lại muốn như vậy. Sự vâng lời như thế còn đau hơn là chết.
Chương trình cứu độ của Chúa rất khác ý nghĩ của con người. Chúng ta tưởng sẽ cứu được các linh hồn và làm vinh danh Chúa, nhờ những phô trương quyền bính, cao rao chức tước, thổi phồng uy tín, tổ chức lễ lạt linh đình. Nhưng tất cả sẽ không có giá trị bằng sự vâng phục ý Chúa. Ý Chúa là muốn ta chấp nhận hạ mình xuống, đi theo con đường Chúa cứu thế đã đi, và Đức Mẹ vô nhiễm cũng đã vâng ý Chúa bước theo từng bước.
Ngoài ra, biết bao lần, tôi cảm thương đau đớn vì bất lực trong việc cứu giúp những người cần được giúp đỡ, hoặc về vật chất hoặc về tinh thần. Tôi muốn giúp. Nhưng ý muốn của tôi đụng vào những giới hạn khắp nơi của tôi. Những giới hạn đó càng ngày càng lớn, khi tuổi tác bệnh tật càng tăng lên. Phục vụ trong những tình trạng này sẽ chỉ còn là tập trung vào cầu nguyện và dâng đau khổ với tình yêu siêu nhiên lên Chúa giàu lòng thương xót, qua trái tim Mẹ vô nhiễm, để góp phần nào vào việc loan báo Tin Mừng.
Chính trong những tình trạng này, mà tôi được thu hút nhiều hơn đến việc lắng nghe Đức Mẹ nhắn nhủ con cái Mẹ đang sống trong thời điểm hiện nay.
Lắng nghe.
Thời điểm hôm nay là một thời điểm rất đáng ngại. Ngại vì ma quỉ và thế tục xấu đang cố tình tạo ra một môi trường ô nhiễm. Tôi không muốn nói về môi trường ô nhiễm sinh thái, mà về môi trường phong hoá và luân lý.
Ô nhiễm khắp nơi. Ai cũng phải sống chung với ô nhiễm. Nhưng khả năng và mức độ chịu ảnh hưởng ô nhiễm sẽ tuỳ theo ba cái mốc này:
Nơi chốn, lứa tuổi và giới phái.
Nơi chốn là một nước, một vùng, hoặc một văn hoá, một tôn giáo hay không tôn giáo, hoặc một giai cấp, một mức sống, một tổ chức. Có nơi ô nhiễm hơn nơi khác.
Lứa tuổi là lớp già, lớp thanh niên, lớp thiếu nhi, lớp trẻ thơ. Có lớp tuổi dễ bị ô nhiễm hơn lớp tuổi khác.
Giới phái là nam, là nữ. Có giới phái dễ bị ô nhiễm hơn giới phái khác.
Hiện nay, làm sóng ô nhiễm mạnh nhất về phong hoá là hưởng thụ độc hại. Người ta tìm mọi cách để tìm hưởng thụ đó. Hưởng thụ nhờ danh vọng, chức tước, địa vị, quyền lợi, tiền bạc, ăn uống, tiện nghi, giải trí, sắc dục, vv.... Nếu không cảnh giác, thì cả những gì vốn được tôn trọng là thánh thiêng, cũng có thể bị lợi dụng cho mục đích hưởng thụ xấu xa.
Trước một nguy cơ lớn mạnh và tinh vi có khả năng tiêu diệt những giá trị thiêng liêng, đẩy các linh hồn vào tay thần dữ, để chúng tha hồ lôi xuống hoả ngục, Đức Mẹ vô nhiễm đã hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima, ở Mễ Du và nhiều nơi khác, để tha thiết kêu gọi nhân loại sám hối, khiêm tốn đi vào đàng thiện. Kẻo sẽ quá muộn.
Vậy ta hãy lắng nghe Mẹ, mà vâng phục ý Chúa. Chính bản thân ta hãy trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần, trong đó ta được hưởng thụ những gì là chân thiện mỹ, bình an, hạnh phúc đích thực và bền vững.
Tôi có cảm tưởng là nhiều người hiện nay đang sống như không có lương tâm, hoặc với một cái tâm đã lạnh cứng. Không còn khả năng rung cảm với những nỗi đau của Chúa, của Đức Mẹ, của Hội Thánh, của những kẻ khốn cùng đang dở sống dở chết xung quanh mình.
Nhưng tôi vẫn tin vững vàng lời Chúa phán trong Phúc Âm: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Nhất là với lời cầu bầu của Đức Mẹ vô nhiễm. Nên sự phục hưng lại Hội Thánh giữa một thế giới đầy ô nhiễm sẽ thực hiện được.
Nhưng đừng quên sự phục hưng như thế phải bắt đầu từ mỗi người chúng ta, con cái của Mẹ vô nhiễm.
Trong mỗi người, việc phục hưng sẽ bắt đầu và nhấn mạnh ở cái tâm. Cái tâm làm sao giữ không bị nhiễm, sẽ dẫn đưa tất cả con người về đàng thiện. Không bị nhiễm là nhờ thánh giá. Hoặc bị nhiễm mà được rửa sạch cũng là nhờ thánh giá.
Chúng ta ít là hãy ước muốn việc đó, và dâng ước muốn chân thành đó lên trái tim Mẹ vô nhiễm. Người là Mẹ Chúa Cứu thế và cũng là mẹ chúng ta. Người là hy vọng của những ai sống bé mọn và tín thác nơi trái tim vô nhiễm đầy tình mẫu tử dịu dàng xót thương của Người. Người là nơi trú ẩn của những kẻ lỗi lầm biết sám hối. Người là Đấng cầu bầu đắc lực nhất trước toà Chúa cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây