Lễ Thánh Gia Thất - Năm A

Thứ năm - 29/12/2022 08:16
80280071 679038972499971 1151179586130673664 n


Tin Mừng: Mt 2, 13-15. 19-23

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Sứ mạng của gia đình xây dựng bình an - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

Suy niệm 4: Gương gia đình hạnh phúc - TGM. Ngô Quang Kiệt


Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

Ngày hôm qua, chúng ta được mời gọi nhìn vào hang đá Chúa, không chỉ dừng lại ở sự thương cảm cho em bé được sinh ra trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn trăm bề, mà còn được mời gọi nhận ra nhận ra dung mạo của chính Thiên Chúa Ngôi Hai, Đấng tạo thành muôn vật muôn loài với Chúa Cha và Thánh Thần, vì yêu đã thành xác phàm và cắm lều giữa chúng ta. Trong thánh lễ hôm nay, chúa nhật ngay sau lễ giáng sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào hang đá để chiêm ngắm một gia đình – nơi ấy dù khó khăn thử thách bủa vây tư bề vẫn toát lên sự an bình, ấm áp của một tình yêu: tình yêu với Chúa, với nhau và với sự sống của con cái
1. Maria vì tin tưởng tín thác vào Chúa và người chồng của mình đã đáp lời xin vâng trước ý muốn của Thiên Chúa nơi cuộc đời mình
Trong tư cách một tín hữu Do Thái, Maria chắc chắn hiểu rõ cái giá phải trả cho sự bất trung bội tín trong đời hôn nhân khi đáp tiêng xin vâng trước lời đề nghị của sứ thần “Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên con trẻ là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao.” Nói mình mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, ai có thể tin được – đó chẳng phải là chuyện hoang đường sao? Làm sao Giu-se có thể tin được điều này. Tuy nhiên, Maria vẫn can đảm đáp tiếng xin vâng “để Ngôi Lời được thụ thai trong cung lòng của Mẹ.” Chắc chắn, một đằng Maria tin vào Thiên Chúa Đấng có thể làm đươc mọi sự, Đấng sẽ lo liệu cho mẹ như chính Abraham khi vâng lời đem con mình là Isaac sát tế cho Thiên Chúa với xác tín rằng “Lễ Vật Chúa sẽ liệu cho.” Đằng khác, Maria cũng tin vào Giu-se một người công chính, một con người cẩn trọng trước tất cả mọi hành động. Maria tin Giuse sẽ được Thiên Chúa soi sáng để đưa ra quyết định đúng đắn. Cũng phải nói đến tình yêu của Maria với dân tộc mình vì người con mẹ sinh ra “sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vit tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.” Người sẽ phục hồi dân tộc và quốc gia của Mẹ theo khuôn mẫu của triều đại Đa-vit. Thật may mắn cho Maria vì mẹ đã đặt niềm tin đúng chỗ.

2. Giu-se vì tin vào Thiên Chúa và tin vào Maria đã chọn một giải pháp tốt nhất cho khủng hoảng của đời sống gia đình
Tin “Maria mang thai,” mà lại sau một thời gian xa nhà thực sự như một tiếng sét ngang tai đối với Giu-se. Giu-se có nhiều lý do để tin rằng Maria bất trung bội tín với mình. Tuy nhiên, Giu-se đã không vội vàng để đưa ra một kết luận, một biện pháp xứ lý theo luật cho sự bất trung của Maria. Giu-se, tuy không giải thích được việc Maria mang thai, nhưng lại tin rằng Maria, một con người như cô ấy, không thể và không bao giờ phản bội mình. Tin Mừng theo thánh Matthew hé mở cho thấy Giu-se, cũng giống như tổ phụ Gia-cop, phải vật lộn với Thiên Chúa để tìm kiếm một quyết định đúng đắn cho trường hợp của ông. Giu-se không thể chọn một trong hai. Là người công chính, ông phải tuân hành luật Chúa. Bao che cho người có tội cũng là đồng lõa. Nhưng là người chồng, Giu-se không thể hại Maria và đứa trẻ vô tội mà cô ấy đang cưu mang. Ông tin Chúa sẽ cho ông một giải pháp khi sống theo lương tâm ngay chính. Và Thiên Chúa đã không thể Giu-se phải thất vọng. Người đã sai thiên thần đến báo tin cho Giuse và còn hơn nữa, tỏ cho ông thấy đứa trẻ vợ ông đang cưu mang là ai và trách nhiệm của ông là gì. Nhờ tin vào Chúa và Maria, Giu-se đã cứu được cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm của sự đổ vỡ.

3. Giê-su cũng bày tỏ tình yêu với Chúa Cha và vâng phục với cha mẹ
Giê-su, tên được đặt cho Ngôi Lời khi trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta theo lệnh của sứ thần trong buổi truyền tin.  Ngôi Lời làm người trong một gia đinh bé nhỏ nghèo hèn là do ý muốn của Thiên Chúa Cha. Này Con xin đến để làm theo ý Cha. Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là những lời đầu tiên cuả Chúa Giê-su nơi trần thế được ghi lại “Cha mẹ tìm con để làm gì. Cha mẹ không biết con phải lo công việc cho nhà Cha con sao?” Chúa Giê-su cho thấy rõ trước khi là con của loài người trong một gia đình, Người đã là con trong gia đình của Thiện Chúa. Ưu tiên của Người là gia đình của Thiên Chúa cũng là Cha của Người. Công việc cứu độ nhận loại là công việc của nhà Thiên Chúa, do Thiên Chúa trao đó. Tuy nhiên, lo việc cho nhà Cha, cho Thiên Chúa không loại trừ công việc của nhà con người mà thánh Giuse và Đức Maria là đại diện. Bởi đó, thánh Luca kết luận trình thuật này bằng những lời sau “sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaret và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều aaystrong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.”
Rõ ràng có một sự thiếu hiểu biết của Giu-se, nhất là Maria với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su muốn nói cho Maria trách nhiệm ưu tiên của mình với công việc mà vì nó Người được Chúa Cha sai đến trần gian. Còn Maria, với tình mẫu tử, thì muốn Giê-su nằm trong sự kiểm soát của mình vì lo sợ những điều bất trắc cho con mình. Tuy nhiên, thay vì khăng khăng ở lại với ý muốn của mình để hóa nên xung đột, cả Chúa Giê-su và Mẹ Maria đã chọn một giải pháp dung hòa để tình yêu với Chúa và với nhau được lên ngôi. Maria ghi nhớ, suy niệm mọi điều để hiểu về con mình với nhà Cha mà con nói tới trong đền thờ, còn Giê-su theo mẹ về nhà sống trong vâng phục, để được lớn lên trong tầm vóc trước mặt người đời và nghĩa ân với Thiên Chúa
Lễ thánh Gia Thất quả là một cơ hội rất tốt để chúng ta, trong tư cách người cha người mẹ và những người con chiêm ngắm và học tâp gương sống của các ngài. Sự xung đột trong đời sống gia đình chắc chắn không thể tránh khỏi. Điều quan trong là cách chúng ta tiếp cận và giải quyết nó sao cho tình yêu giữa các thành viên với nhau và với Chúa được lên ngôi. Thay vì chọn giải pháp thắng thua qua những quyết định vội vàng, thiếu bình tĩnh, nghĩ suy dẫn đến xung đột và đổ vỡ, các thành viên gia đình nên chọn giải pháp dung hòa, cả hai bên cùng thắng cùng thua để mối quan hệ có cơ hội được phát triển như Giu-se với Maria và Maria với chính Giê-su. Đặc biệt trong thế giới hôm nay, những tiến bộ của khoa học và các phương tiện truyền thông khiến con cái càng trở nên khó hiểu với cha mẹ. Khi cha mẹ khăng khăng giữ lấy những quan điểm cũ của mình mà phớt lờ những nhu cầu của con cái hoặc khi con cái phớt lờ những giá trị truyền thống quý giá, muốn phá đổ tất cả thì đổ vỡ chính là kết quả cuối cùng. Cách tốt nhất chính là “người khôn ngoan biết tìm kiếm để dùng cả những cái cũ và mới trong kho của mình.” Xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse, Mẹ Maria và thánh Giu-se ban cho gia đình anh chị em biến sống theo gương thánh gia thất, quan tâm xây dựng tương quan tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình bằng niềm tin và tình yêu; và tương quan với Chúa trong tin yêu và vâng phục tuyệt đối. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Sứ mạng của gia đình xây dựng bình an - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn


Khi đọc những điều liên quan đến các dân tộc thời bán khai, tôi có cảm nghĩ: sao họ man rợ, ác độc quá! Nhưng có lẽ đối với họ đó là chuyện bình thường. Con người ngày càng văn minh, biết ý thức bảo vệ nhiều thứ: thiên nhiên, thú vật, trẻ em, người khuyết tật, người già... Thấy có vẻ nhân bản hơn. Nhưng đồng thời, tôi cũng thấy con người hôm nay có nhiều thứ cũng ác tâm lắm: chiến tranh, khủng bố, bạo lực, giết người hàng ngày cách dễ dàng (ngay cả giữa những người trong cùng gia đình) vì những lý do không đáng, và... chất độc trong thực phẩm cho bao nhiêu người ăn! Đó là chưa nói đến chính trị, các nhà lãnh đạo có thể thí mạng người dân để họ tiến thân!!! Mà dần dần, dường như “những thủ phạm” thấy đó cũng là chuyện bình thường!!! Vậy thời nào con người độc ác hơn?! Không dễ trả lời đâu!
Những bạo lực gia đình, những cuộc ly hôn để lại những đứa trẻ thiếu mẹ hoặc cha; tuy dù họ vẫn còn sống, nhưng họ đi tìm hạnh phúc riêng mà bỏ lại những đứa con! Những đứa con ấy “rơi vào tay” những người không phải là cha, là mẹ của chúng, và bạo lực dễ xảy ra cho chúng! Gia đình đổ tội cho xã hội là nguyên nhân gây ra lối sống bạo lực, nhưng phần xã hội cũng đổ tội ngược lại là chính gia đình đã đưa vào xã hội những con người bạo lực! Khó đổ tội cho ai, nhưng các gia đình cần mang lấy trách nhiệm đào tạo những con người mang lại bình an bằng chính cuộc sống của gia đình.
Thời của thánh Phaolô lâu lắm rồi và ngài cũng bị ảnh hưởng của tư tưởng thời đại. Thế nhưng, ngay từ thời ấy, ngài vẫn nói được rằng để có thể có được đời sống gia đình bình an, hoà thuận, thì cần có sự hợp tác của hai bên: vợ biết phục tùng chồng và chồng cũng phải biết yêu thương vợ đến độ hy sinh tính mạng vì vợ nữa; con cái biết vâng lời cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng đừng làm con cái ức chế (bài đọc 2)! Thành viên các gia đình hãy yêu thương nhau và tránh làm tổn thương nhau!

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1- Sứ địêp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Hc 3, 2-6.12-14 và Cl 3, 12-21 qua lăng kính Mt 2, 13-15.19-23, Phụng vụ Lời Chúa Lễ Thánh Gia Thất (năm A) hôm nay cho thấy dung mạo của đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa, theo khuôn mẫu Thánh Gia, như được phản ảnh, trước tiên, trong  Cl 3, 12-21 : ở đây, Phaolô cho thấy khuôn mẫu của đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa phải như thế nào [“Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau…Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (3, 12-13.14.18-21)]…
(2) Thứ đến, trong Hc 3, 2-6.12-14 : ở đây, cho thấy ai kính sợ Đức Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ, và ngược lại ai hiếu thảo với cha mẹ thì cũng sẽ kính sợ Đức Chúa, hai vấn đề nầy có tương quan hỗ tương và biện chứng với nhau [“Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền với các con…Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ. Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm mẹ an lòng. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi…Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.” (3, 2.6.12.14)]… 
(3) Sau cùng, trong Mt 2, 13-15.19-23 : ở đây, cho thấy Thánh Gia là một gia đình mẫu mực, trong đó cha mẹ, con cái (Đức Maria, Thánh Giuse và Đức Giêsu) luôn luôn âm thầm tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và vâng theo, luôn lắng nghe nhau, mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người, và vì đại cuộc của Cha [“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng : ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy’ !” (2, 13)]…
 
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Trong những tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, gia đình như thế nào thì các phần tử trong gia đình thường là như vậy. Vì thế, những tấm gương tốt của ông bà, cha mẹ rất quan trọng trong việc định hình nhân cách và căn tính kitô của con cháu…
(2) Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tín rằng để giải quyết bất cứ chuyện gì trong gia đình, ngoài xã hội, đều cần có sự trợ giúp của ân sủng Chúa…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4: Gương gia đình hạnh phúc - TGM. Ngô Quang Kiệt


Ngày lễ Thánh Gia là ngày lễ của các gia đình. Để làm khuôn mẫu cho các gia đình, ta tưởng Giáo Hội sẽ đưa ra hình ảnh một gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái sum họp quanh bàn ăn, quanh chiếc ti vi. Hoặc chí ít cũng là cảnh thánh Giuse làm thợ mộc với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Bên cạnh là Đức Maria đang ngồi khâu vá hoặc nấu nướng. Nhưng không, Giáo Hội mời gọi ta chiêm ngắm cảnh Thánh Gia chạy trốn bạo vương Hêrôđê giữa đêm hôm khuya khoắt.
Thánh Gia đã biết đến những hiểm nguy đe dọa hạnh phúc gia đình. Nhưng các Ngài đã biết cách gìn giữ gia đình bình an qua cơn dông tố. Các bài sách thánh đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta những bí quyết mà Thánh Gia sử dụng để giữ được hạnh phúc gia đình.
Bí quyết thứ nhất đó là vâng nghe Lời Chúa. Thánh Giuse vâng lệnh Chúa truyền một cách mau mắn và tuyệt đối. Dù lệnh truyền ban ra giữa đêm khuya, Ngài thức giấc thi hành tức khắc. Dù lệnh truyền rất khó khăn Ngài vẫn mau mắn vâng lời. Đức Maria và Chúa Giêsu cũng có một thái độ vâng phục tuyệt đối như thế. Thánh ý Thiên Chúa luôn luôn là mệnh lệnh tuyệt đối. Lời Chúa dạy luôn luôn là kim chỉ nam. Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình các Ngài. Vì thế, dù gặp nhiều gian nan thử thách, gia đình các Ngài vẫn giữ được hạnh phúc.
Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là vốn quý nhất. Con cái là vốn quý nhất nên các Ngài đã đem hết sức lực ra bảo vệ. Khi có những nguy cơ đe dọa, các Ngài đem con cái chạy trốn tránh xa. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả: thời giờ, nhà cửa, tài sản, nghề nghiệp và công việc làm ăn, mong đem con cái đến nơi an toàn. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài không ngần ngại nâng niu phục vụ. Hình ảnh thánh Giuse đi bộ dắt lừa cho Chúa Giêsu và Đức Maria là hình ảnh của một người chủ gia đình hết lòng nâng niu phục vụ vợ con. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Đức Maria đã dõi theo con đến cùng, nhẫn nhục đứng bên thập giá chia sớt đau khổ với con.
Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ. Chúa Giêsu là một người con hiếu thảo. Tin Mừng tóm tắt cuộc sống thơ ấu của Người bằng một câu ngắn gọn: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51). Sự hiếu thảo của Chúa Giêsu được thấy trong tiệc cưới Cana. Khi đám cưới thiếu rượu, Đức Maria xin Người giúp. Tuy chưa đến thời điểm, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ cho nước biến thành rượu để giúp đám cưới theo yêu cầu của Mẹ. Cảm động hơn hết là giây phút cuối đời, khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến Mẹ nên đã gửi gấm nhờ thánh Gioan, môn đệ yêu quý, chăm sóc Mẹ.
Ngày nay, nhiều gia đình đang trong tình trạng báo động. Từ thời mở cửa, gia đình Việt Nam đã biến chuyển mãnh liệt theo chiều hướng nguy hiểm. Số cặp vợ chồng ly dị tăng nhanh một cách đáng sợ. Con cái không còn vâng lời cha mẹ như xưa. Theo đà tiến triển kinh tế, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn, nhưng con cái lại bỏ bê học hành, lao vào con đường ăn chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, làm cho cha mẹ buồn lòng, gia đình tan nát.
Để bảo vệ gia đình trước làn sóng văn minh vật chất, hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, ta hãy học hỏi mẫu gương Thánh Gia.
Trước hết, cha mẹ phải coi con cái là vốn quý nhất Chúa ban cho gia đình. Vốn này cần được quan tâm chăm sóc không phải chỉ bằng tiền bạc, phương tiện vật chất mà quan trọng hơn, bằng tình thương, sự săn sóc, dạy dỗ uốn nắn ngay từ khi còn thơ, sự hiểu biết, cảm thông khi đến tuổi trưởng thành. Dù thành công trong xã hội mà con cái hư hỏng thì vẫn là thất bại cả cuộc đời. Vì thế, phải bảo vệ con cái khỏi các bạo vương Hêrôđê thời đại. Đó là sách báo phim ảnh xấu. Đó là bạn bè xấu. Đó là tệ nạn xì ke ma túy. Nếu cần phải đem con cái trốn chạy khỏi nanh vuốt của bạo vương, tìm nơi an toàn để cho con cái sinh sống, ăn học và giữ được đạo đức.
Đáp lại, con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo vừa là một đức tính của người có lương tri vừa là một thái độ khôn ngoan của người khiêm tốn. Có lương tri và có sự khôn ngoan, người trẻ mới tiến xa và trở nên hữu ích cho xã hội.
Sau cùng, cả gia đình phải sống theo Lời Chúa dạy. Lời Chúa là nền tảng của gia đình. Sống theo Lời Chúa là xây dựng gia đình trên nền đá vững chắc. Gia đình sống theo Lời Chúa sẽ vững vàng qua mọi bão lốc thời đại.
Gia đình Công Giáo sống theo Lời Chúa không những giữ được hạnh phúc cho gia đình mà còn đóng góp vào việc xây dựng xã hội trong hoàn cảnh đạo đức đang xuống cấp hiện nay.
Lạy Thánh Gia, xin giúp gia đình chúng con sống theo gương lành của các Ngài. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây