Suy niệm - Lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

Thứ tư - 01/02/2023 09:54

Tin Mừng: Lc 2, 22-35
 

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
Suy niệm 2: Bảo vệ ánh sáng--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 3: Lễ Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Ðền Thánh 2017--ĐGH Phanxicô

 

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
 

Nguồn: https://mycatholic.life/.../advent-and.../christmas-octave/
 

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” (Lc 2,29-32)

Hôm nay, chúng ta nhận được lời chứng của tiên tri Simêon. Người đàn ông sùng đạo này được Thiên Chúa hứa rằng ông sẽ được tận mắt nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Giờ đây ông được thấy điều mà ông mong mỏi suốt cuộc đời mình. Simêon đã thức dậy như bao ngày khác. Tuy nhiên, khoảnh khắc Mẹ Maria và Thánh Giu-se mang Hài Nhi mới sinh tới đền thờ, thì từ trong thâm tâm Simêon biết rằng Hài Nhi này chính là Đấng Cứu Thế được hứa ban cho nhân loại.

Lời ca ngợi của ông thật mạnh mẽ: “Muôn lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi… vì mắt con đã được thấy ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn ….” Trong những lời khác, Simêon hiểu rõ cuộc đời ông đã hoàn tất. Ông đã sẵn sàng đón nhận cái chết vì ông đã được ơn tận mắt nhìn thấy Đấng Ki-tô. Ông ẵm Hài Nhi trên tay và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Cha.

Chúng ta phải học hỏi từ ông Simêon thánh thiện này, dù chúng ta không phải nhà tiên tri trong Đền thánh 2000 năm trước, nhưng chúng ta được ơn nhìn thấy Đấng Cứu Độ mỗi ngày qua vô số cách thức Người hiện diện. Hài Nhi mà Simêon ẵm quả thực là Thiên Chúa. Nhưng Ngài là Thiên Chúa trong thân xác của một đứa trẻ.

Chúng ta phải cố gắng nhận ra sự hiện diện của Đấng Cứu Thế xung quanh chúng ta và cùng hân hoan với Simêon. Đấng Ki-tô hiện diện trong mỗi trái tim được dâng cho Thiên Chúa, mỗi nghi thức ở nhà thờ, mỗi bài Thánh Kinh được đọc lên và Ngài đặc biệt hiện diện trong trái tim mỗi chúng ta. Trái tim chúng ta phải là Đền thánh, nơi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu và chúng ta phải đưa Người vào cuộc sống của chúng ta và hân hoan vì Người thật gần chúng ta.

Hôm nay, mỗi người hãy suy ngẫm hình ảnh ông Simêon ẵm Hài Nhi trên tay và nhìn thấy Đấng Cứu Thế bằng xương bằng thịt trong hình hài trẻ thơ. Tìm thấy Đấng Ki-tô như cách Simêon đã thấy và suy nghĩ về biết bao cách thức mà Ngài hiện diện với chính mình. Hãy nhớ rằng Ngài ở rất gần mình và Ngài muốn lấp đầy cuộc đời mình bằng sự bình an của Người.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì lời chứng tuyệt vời của tiên tri Simêon. Tạ ơn Người vì sự trung tín của Người với Simêon qua việc để ông được thấy Người dưới hình hài một trẻ thơ. Xin cho con luôn noi theo gương đức tin ông Simêon để luôn tìm kiếm Người suốt cuộc đời con, luôn đợi chờ Người đến với con dưới biết bao hình hài để trái tim con có thể vui mừng hân hoan trong sự hiện hữu của Người. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa. Amen.

 

Suy niệm 2: Bảo vệ ánh sáng--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
 

Khi dâng Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ tự nhận mình không có quyền trên Đức Giêsu. Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ để Đức Mẹ săm sóc dưỡng nuôi. Đức Mẹ dâng Đức Giê-su trong đền thờ không chỉ nhằm chu toàn lề luật, nhưng là công nhận quyền của Thiên chúa và cũng là để cầu xin Chúa chúc phúc cho Hài Nhi Giê-su.

Lễ Đức Mẹ dâng Con cũng được gọi là lễ Nến. Việc làm phép nến nói lên Đức Giê-su là ánh sáng soi trần gian.

Cụ Si-mê-on đã nhận biết Đức Giêsu là ánh sáng. Nhưng ánh sáng khởi đầu còn non nớt. Mà chung quanh thì bóng đêm và cuồng phong đang thét gào, hằm hè huỷ diệt làn ánh sáng run rẩy yếu ớt vừa ló dạng.

Có bóng tối cám dỗ của loài ma quỉ thâm độc lúc nào cũng rình chờ phá hoại chương trình của Thiên chúa. Có bóng tối độc ác của Vua Hêrôđê ghen ghét vì sợ mất quyền hành. Có bóng tối chán nản do những thất bại trong công cuộc rao giảng. Có bóng tối u mê của đám đông không hiểu những mầu nhiệm Nước Trời. Có bóng tối nhút nhát của các môn đồ mau chóng bỏ cuộc. Có cuồng phong ganh ghét của các thượng tế, luật sĩ. Có bóng tối vô tình của quân lính hành hình. Có bóng tối của cái chết đau đớn tủi nhục.

Đức Mẹ đã là người che chở làn ánh sáng, chống lại mọi bóng tối vây bọc. Đức Mẹ đã ấp ủ làn ánh sáng chống lại bão gió cuồng phong. Vì thế Đức Mẹ đã bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn.

Hôm nay các bà mẹ trong xứ noi gương Đức Mẹ, đến nhà thờ dâng con cho Chúa. Khi dâng con các bà công nhận con cái là hồng ân Chúa ban tặng. Khi dâng con các bà cũng cầu mong Chúa chúc phúc cho tương lai của con cái.

Nhìn những đôi má, những bàn tay trắng hồng của các em nhỏ đang vây quanh bàn thờ, tôi tưởng như đang thấy những mầm cây non mơn mởn vừa mới lú lên khỏi mặt đất.

Nhìn những đôi mắt long lanh, trong sáng, tôi thấy hiển hiện những làn ánh sáng xinh tươi vừa hé.

Đó là ánh sáng đức tin mà các em đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội. Đó là ánh sáng trí tuệ trinh nguyên như một tờ giấy trắng. Đó là ánh sáng nhân đức của một linh hồn chưa vương tội lỗi.

Thế nhưng chung quanh các em có biết bao hiểm nguy rình rập. Những cơn nắng cháy khô hạn tình người rình chực thiêu rụi mầm cây vừa hé. Những lớp bóng tối vật chất đang tìm vây bủa ánh sáng đức tin. Những cơn gió lười biếng đang kéo màn mây ngu muội dập tắt ánh sáng trí tuệ. Những cơn cuồng phong sự dữ đang huy động lực lượng dập tắt ánh sáng nhân đức của linh hồn.

Các bà mẹ đang dâng con cho Chúa. Các bà hãy bảo vệ kho tàng quý giá Chúa trao cho các bà gìn giữ chắc chắn. Khi đương đầu với sự dữ để bảo vệ ánh sáng nơi con cái, các bà sẽ phải chịu những thương tích như Đức Mẹ. Hãy học nơi Đức Mẹ nghệ thuật nuôi dạy con cái, để các cháu bé hôm nay được Chúa chúc phúc sẽ "càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, càng được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến".

Lạy Đức Ki-tô là ánh sáng soi trần gian, xin chiếu ánh sáng ân sủng vào các em nhỏ đang chờ được Chúa chúc phúc, để làn ánh sáng đức tin, ánh sáng nhân đức và ánh sáng trí tuệ Chúa đã nhóm lên trong các em ngày càng vươn cao và lan rộng.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp các bà mẹ can đảm bảo vệ ánh sáng của con cái, để ánh sáng của chúng vẫn còn sáng mãi cho đến ngày ra đón rước Chúa.

 

Suy niệm 3: Lễ Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Ðền Thánh 2017--ĐGH Phanxicô
 

Khi cha mẹ của Chúa Giêsu đưa Hài Nhi chu toàn những qui định của lề luật, thì cụ già Simeon, “được Thần Khí dẫn dắt” (Lc 2:27), đã ẵm Hài Nhi trong tay và đã thốt lên bài ca chúc lành và ngợi khen. “Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2:30-32).

 Cụ già Simeon không chỉ nhìn thấy, mà còn có được đặc quyền ẵm trong tay niềm hy vọng đã đợi chờ từ lâu, vốn lấp đầy ông bằng lời ca tụng. Tâm hồn ông vui vì Thiên Chúa đã đến ngự giữa dân Người; ông cảm thấy sự hiện diện của Ngài bằng xương bằng thịt.

Phụng vụ hôm nay nói cho chúng ta biết rằng trong nghi lễ ấy, Chúa, 40 ngày sau khi hạ sinh, “về bề ngoài đã chu toàn Lề Luật, nhưng trong thực tế Ngài đến để gặp gỡ người tin” (Sách Lễ Rôma, 02/02, Nghi Thức Nhập Cuộc Rước). Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa này với dân của Ngài mang lại niềm vui và canh tân niềm hy vọng.

Bài ca của cụ già Simeon là một bài ca của người có niềm tin, một người vào những ngày cuối đời vẫn có thể thốt lên: “Đúng thật là vậy, trông cậy vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ làm thất vọng” (x. Rm 5:5). Thiên Chúa không bao giờ lừa dối chúng ta. Cụ già Simeon và Anna, trong tuổi già của họ, đã thấy một hoa trái mới, và họ làm chứng cho điều này trong bài ca của mình. Cuộc sống thật đáng sống trong niềm hy vọng, vì Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài. Chính Chúa Giêsu sau này giải thích lời hứa này trong hội đường tại Nazareth: người đau yếu, người tù đày, những người cô đơn, người nghèo, người già cả và các tội nhân, tất cả đều được mời gọi để cùng mang lấy cùng bài ca niềm hy vọng này. Chúa Giêsu ở cùng họ, Chúa Giêsu ở cùng chúng ta (x. Lc 4:18-19).

Chúng ta đã thừa hưởng bài ca đức cậy này từ những người lớn tuổi của chúng ta. Họ đã giúp cho chúng ta trở thành một phần của tiến trình này. Trên gương mặt của họ, trong cuộc sống của họ, trong sự hy sinh hằng ngày của họ chúng ta có thể thấy lời ca tụng này được thể hiện thế nào. Chúng ta là những người thừa hưởng đối với những giấc mơ của những người lớn của chúng ta, những người thừa hưởng đối với niềm hy vọng vố không làm thất vọng những cha mẹ tổ tiên của chúng ta, những anh chị em lớn tuổi hơn của chúng ta. Chúng ta là những người thừa hưởng đối với những người đã đi trước chúng ta và đã có can đảm mơ. Giống như các vị ấy, chúng ta cũng muốn hát, “Thiên Chúa không lừa dối; hy vọng vào Ngài sẽ không làm thất vọng”. Thiên Chúa đến để gặp gỡ dân của Người. Và chúng ta muốn hát bằng cách nhận lấy lời tiên tri của Giô-em và biến thành của riêng chúng ta: “Ta sẽ đổ thần khí của ta xuống trên mọi xác phàm; con trai và con gái ngươi sẽ nói tiên tri, người gìa của ngươi sẽ mơ những giấc mơ, và người trẻ của người sẽ nhìn thấy thị kiến” (2:28).

Thật tốt lành cho chúng ta khi biết mang lấy những giấc mơ của những người lớn, để chúng ta có thể tiên tri trong thời đại của chúng ta và một lần nữa gặp gỡ điều ngay từ đầu đã làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy. Những giấc mơ và những lời tiên tri là cùng nhau. Sự tưởng nhớ về cách mà những người lớn của chúng ta, cha mẹ của chúng ta, đã mơ, và có can đảm để thực thi những giấc mơ này một cách ngôn sứ.

Thái độ này sẽ giúp cho chúng ta sinh hoa trái. Quan trọng nhất, nó sẽ bảo vệ chúng ta khỏi cơn cám dỗ vốn có thể làm cho đời sống thánh hiến của chúng ta trở nên hiếm muộn: cơn cám dỗ về sự sinh tồn. Một sự dữ có thể dần dà bén rễ vào trong chúng ta và trong các cộng đoàn của chúng ta. Não trạng sinh tồn sẽ làm cho chúng ta trở thành những người chỉ biết phản ứng, sợ hãi, chậm chạp và âm thầm nhốt chính bản thân chúng ta trong các ngôi nhà của chúng ta và trong chính những sự hiểu mang tính định kiến của chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn lại những ngày vinh quang – những ngày vốn là quá khứ - thay vì làm thắp lại sự sáng tạo mang tính ngôn sứ được sinh ra bởi những giấc mơ của các vị sáng lập của chúng ta, thì lại tìm kiếm những đường tắt để né tránh những thách đố đang gõ cửa nhà chúng ta ngày nay. Một não trạng sinh tồn sẽ lấy đi những đặc sủng của sức mạnh của chúng ta, vì nó dẫn chúng ta đến chỗ “nội địa hoá” chúng, làm cho chúng trở nên “thân thiện với người sử dụng”, lấy đi khỏi chúng sức mạnh sáng tạo gốc. Não trạng này làm cho chúng ta muốn bảo vệ những không gian, những toà nhà và những cấu trúc, hơn là khích lệ những sáng kiến mới. Cơn cám dỗ về sự sinh tồn làm cho chúng ta quên đi ân sủng; nó biến chúng ta thành những người chuyên nghề về sự thánh chứ không phải những người cha và người mẹ, những người anh chị em của niềm hy vọng ấy mà chúng ta được mời gọi để làm chứng mang tính ngôn sứ. Một môi trường của sự sinh tồn sẽ làm khô héo tâm hồn của những người lớn của chúng ta, lấy đi khả năng mơ của họ. Bằng cách này, nó làm khập khiễng tính ngôn sứ mà người trẻ của chúng ta được mời gọi để loan báo và làm việc để đạt tới. Tắt một lời, cơn cám dỗ sinh tồn sẽ biến điều mà Thiên Chúa trình bày như là một cơ hội truyền giáo thành một điều gì đó nguy hiểm, đe doạ, có tiềm năng phá hoại. Thái độ này không chỉ giới hạn đối với đời sống thánh hiến, mà chúng ta cách riêng cũng được mời gọi để không rơi vào thái độ này.

Chúng ta hãy trở lại với đoạn Tin Mừng và một lần nữa chiêm ngắm cảnh tượng ấy. Chắc chắn, bài ca của cụ già Simeon và bà Anna không phải là hoa trái của sự tự hấp thụ hay một sự phân tích và việc xem lại hoàn cảnh cá nhân của chúng ta. Điều ấy không có ý nghĩa vì họ sẽ bị mắc kẹt trong chính bản thân họ và bị lo lắng rằng một điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra với họ. Bài ca của các cụ được sinh ra bởi niềm hy vọng, niềm hy vọng vốn nuôi dưỡng họ trong tuổi gìa của mình. Niềm hy vọng ấy được ân thưởng khi họ gặp gỡ Chúa Giêsu. Khi Mẹ Maria để cho cụ già Simeon ẵm lấy Người Con của Lời Hứa vào trong vòng tay của mình, thì cụ già bắt đầu hát lên giấc mơ của mình. Bất cứ khi nào Mẹ đặt Chúa Giêsu ở giữa dân của Người, thì họ gặp gỡ niềm vui. Vì chỉ điều này mà tôi mới đem lại niềm vui và niềm hy vọng, chỉ điều này mà tôi sẽ cứu chúng ta khỏi việc sống trong não trạng sinh tồn. Chỉ điều này mà thôi mới giúp cho đời sống của chúng ta sinh hoa trái và giúp cho tâm hồn chúng ta sống động: đặt Chúa Giêsu vào nơi mà Ngài thuộc về, giữa dân của Ngài.

Tất cả chúng ta đều ý thức về sự biến đổi mang tính đa văn hoá mà chúng ta đang kinh qua; không ai hoài nghi về điều này. Do đó, lại càng quan trọng hơn nữa đối với những người nam nữ sống đời thánh hiến phải trở nên một với Chúa Giêsu, trong đời sống của họ và giữa những thay đổi lớn lao này. Sứ mạng của chúng ta – theo từng đặc sủng cụ thể - nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta được mời gọi để trở thành một nắm men trong khối bột này. Có lẽ sẽ có những nhãn hiệu bột tốt hơn, nhưng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta để trở thành nắm men ở đây và bây giờ, nhưng với đôi bàn tay của chúng ta trên chiếc cày, giúp cho lúa trổ sinh, ngay cả khi lúa thường xuyên được gieo giữa những cỏ lùng. Đặt Chúa Giêsu vào giữa dân của Người có nghĩa là có một tâm hồn chiêm niệm, một tâm hồn biết biện phân cách mà Thiên Chúa đang đi qua các ngả đường của các thành phố của chúng ta, các thị trấn của chúng ta và những khu dân cư của chúng ta. Đặt Chúa Giêsu vào giữa dân của Người có nghĩa là nhận lấy và mang lấy những thập giá của anh chị em của chúng ta. Điều đó có nghĩa là muốn chạm vào các vết thương của Chúa Giêsu nơi những vết thương của một thế giới đau thương, đang khao khát và kêu khóc sự chữa lành.

Đặt bản thân chúng ta với Chúa Giêsu vào giữa dân của Người! Không phải như “những nhà hoạt động” tôn giáo, mà như những người nam nữ hằng luôn được tha thứ, những người nam nữ đã được sức dầu trong phép rửa và được sai đi để chia sẻ dầu ấy và sự an ủi của Thiên Chúa với mọi người.

Đặt bản thân chúng ta với Chúa Giêsu vào giữa dân của Người. Vì lý do này, “chúng ta sẽ cảm thấy được sự thách đố của việc tìm kiếm và chia sẻ ‘mầu nhiệm’ của việc sống cùng nhau, của việc hoà trộn và gặp gỡ, của việc đón nhận và cỗ võ lẫn nhau, của việc bước vào cơn bão lớn này, dù hỗn tạp, thì vẫn có thể [với Thiên Chúa] trở thành một kinh nghiệm đúng đắn của tình huynh đệ, một lễ hội của tình liên đới, một cuộc hành hương thánh... Nếu chúng ta biết chọn lấy con đường này, thì sẽ thật là quá tốt lành, quá xoa dịu, quá giải thoát và đầy tràn niềm hy vọng! Hãy ra khỏi bản thân và hoà nhập vào với nhau” (Evangelii Gaudium, 87) không chỉ tốt cho chúng ta; mà nó còn biến đời sống và niềm hy vọng của chúng ta thành một bài ca ngợi khen. Nhưng chúng ta sẽ chỉ có thể làm được điều này nếu chúng ta mang lấy những giấc mơ của những người lớn của chúng ta và biến chúng thành lời ngôn sứ.

Chúng ta hãy đồng hành với Chúa Giêsu khi Ngài tiến bước để gặp gỡ dân của Ngài, để ở giữa dân của Ngài. Hãy tiến bước, không phải với sự phàn nàn hay lo lắng của những người đã lãng quên cách nói lời ngôn sứ vì họ đã thất bại trong việc mang lấy những giấc mơ của người lớn của họ, mà bằng sự bình an và bài ca ngợi khen. Không phải bằng sự hiểu mà bằng sự nhẫn nại của những người đã tin tưởng vào Thần Khí, Thiên Chúa của những giấc mơ và lời ngôn sứ. Bằng cách này, chúng ta hãy chia sẻ điều gì thực sự là của riêng chúng ta: bài ca được sinh ra từ niềm hy vọng.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây