SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 21/05/2024 06:16
SUY  NIỆM THỨ TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
(Mc 9,38-40)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”
39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

SUY NIỆM 1: SỐNG ĐÓN NHẬN NHAU
Bài Tin mừng hôm nay kể lại phản ứng của Thánh Gioan trước sự việc có mấy người nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Đáng nói hơn nữa là những người này trừ được quỷ, còn Gioan và nhóm 12 thì không làm được điều đó. Có lẽ trong lòng Thánh Gioan cũng nhen nhúm một chút ganh tỵ, ganh tỵ vì cảm thấy bản thân mình, anh em của mình và ngay cả Thầy mình, có nguy cơ mất “bản quyền” trừ quỉ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu lại không muốn Thánh Gioan và các tông đồ ngăn cản những người ấy.
Thật ra ngay từ những trang đầu của Sách Thánh đã cho ta thấy sự xuất hiện của lòng ganh tỵ và những hậu quả ghê tởm của nó: Vì ganh tỵ mà Cain đã giết chết em mình là Abel, cũng vì lòng ganh tỵ mà vua Saun đã tìm mọi cách tiêu diệt thánh vương Đavid… Và cứ thế, ganh tỵ cứ nhen nhúm trong lòng con người. Ngay cả chính Chúa Giêsu cũng trở thành nạn nhân của thảm họa này.
Không nói đâu xa, cuộc sống quanh ta cũng nhan nhn xảy ra những điều tương tự như thế: Vì ganh tỵ mà nhiều người đã thêu dệt, “thêm mắm thêm muối”, thậm chí là dựng chuyện để nói xấu hủy hoại nhân phẩm người khác; vì ganh tỵ mà tình bạn tri kỉ bỗng dưng trở thành tình thù địch, tình làng nghĩa xóm trở thành “kín cổng cao tường – đèn nhà ai nấy sáng”,  cũng vì ganh tỵ mà thậm chí anh chị em trong cùng một gia đình thay vì yêu thương bỗng trở nên hận thù.
Thấy người ta nghèo hơn mình thì khinh, còn thấy người ta giàu hơn mình thì lại ghét! Thấy người ta dở hơn mình thì “trề môi bĩu mỏ”, còn thấy người ta giỏi hơn mình thì bảo “cũng thường thôi”! Thấy người ta khô khan nguội lạnh thì cho là phường tội lỗi, còn thấy người khác sốt sắng siêng năng thì bảo là đạo đức giả….Cuộc sống mà cứ ganh đua thua thiệt như thế thật sự rất mệt mỏi thưa anh chị em.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xây dựng một xã hội, một Giáo Hội và một cộng đoàn giáo xứ trên nền tảng của tình thương, của sẻ chia và bao bọc lẫn nhau. Mỗi người phải biết đón nhận những điều tốt từ người khác chứ đừng ganh tỵ loại trừ; vì cái duy nhất còn lại sau cùng vẫn là đức mến, là tình yêu.
Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta mở rộng cõi lòng, để mỗi người biết đón nhận nhau trong tình thương mến, và cùng giúp nhau thăng tiến mỗi ngày một hơn trên con đường tiến tới sự trọn lành. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”
• Các môn đệ muốn bảo vệ Đức Giêsu. Họ sợ ảnh hưởng của người khác trên Thầy mình nên đã cố ngăn cản họ không theo Thầy. Ý hướng của các ông tốt lành nhưng nó lại không hợp với đường hướng của Đức Giêsu.
• Ngay cả những người nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ cũng cho thấy họ đặt Giêsu làm điểm qui chiếu và đi cùng đường lối với Thiên Chúa rồi. Chính vì thế Đức Giêsu vẫn bênh vực họ.
• Xã hội hôm nay người ta cũng hay bắt chước theo để làm điều này điều kia. Thế nhưng, việc bắt chước theo Đức Giêsu vẫn mãi là một thách đố cho con người. Nhất là việc mỗi người từ bỏ đi nơi mình những cám dỗ của ma quỷ và những quyến rũ của nó.
Tôi được mời gọi gì khi thấy những người khác cùng đi chung con đường với tôi? Tôi sống sự hiệp nhất và cùng nhau nói về Chúa như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con luôn có cái nhìn tích cực và sống tích cực.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 3: PHE NHÓM
Các môn đệ cảm thấy khó chịu và ngăn cản những ai không thuộc vào nhóm mình mà lại lấy danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Chúa Giêsu nghe biết như vậy liền chỉnh lại suy nghĩ của các ông. Ngài muốn các môn đệ luôn có một cái nhìn rộng mở, bỏ đi tư tưởng phe nhóm khép kín. Chỉ cần người ta không chống đối mình thì coi như họ ủng hộ mình. Mặc dù người ta không chính thức là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng nếu họ noi gương Ngài làm những việc tốt lành cho người khác thì cũng là môn đệ của Ngài. Đối với Thiên Chúa, không có sự phân biệt đối xử hay phe nhóm, nhưng chỉ có một gia đình duy nhất vì mọi người đều là con cái của Thiên Chúa.
Trong các sinh hoạt chung, chúng ta thường hay tạo ra những phe nhóm. Những ai hợp ý với mình thì lập thành một nhóm. Chính suy nghĩ này đã tạo nên sự chia rẽ trong đời sống chung. Ngoài ra, chủ trương phe nhóm còn làm cho chúng ta không đón nhận được những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho anh chị em mình. Chính đầu óc phe nhóm làm cho chúng ta nghèo nàn trong ân sủng. Chúng ta chỉ có một nhóm duy nhất là thuộc về gia đình Thiên Chúa và là môn đệ của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những suy nghĩ phe nhóm hẹp hòi, ích kỷ để có thể mở lòng đón nhận tất cả mọi người như Chúa luôn mở rộng vòng tay ôm hết toàn thể nhân loại. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:  BAO DUNG VÀ HỢP TÁC
1. Hôm qua, Đức Giê-su dạy các môn đệ bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Đức Giê-su để trừ quỷ thì Gio-an khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Đức Giê-su chẳng những không ngăn cấm họ mà con sửa dạy các môn đệ của mình:
– Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là: ”Ai không theo ta tức là nghịch với ta”.
– Đức Giê-su dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta”.
2. Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Sa-ma-ri không tiếp đón Đức Giê-su và các môn đệ Ngài? Đó chính là Gio-an. Ông cũng muốn độc quyền cho Chúa hay các Tông đồ mà thôi. Nhưng Chúa lại bảo: ”Chớ ngăn cản họ… (c.39). Chúa muốn nói rằng dù là ai mà nại vào danh Ngài tức là đã có lòng tin vào quyền của Chúa rồi. Vậy khi trừ được ma quỷ càng làm tăng giá trị đức tin nơi người đó và nạn nhân. Và đó là một vinh danh Thiên Chúa.
Ở đây, Chúa muốn dạy các môn đệ một bài học đừng ganh tị nhau trên con đường phục vụ Thiên Chúa. Mỗi người phải ý thức mình là một phần trong cơ thể. Tuy các chi thể khác nhau nhưng làm thành một thân thể duy nhất. Mỗi một chi thể phải làm xong, và làm hoàn hảo công tác của mình. Cho nên, hãy ý thức rằng những chức vụ khác nhau trong Giáo hội không phải là sự phân chia giai cấp mà là những công tác khác nhau của những cá nhân trong một tập thể Hội thánh Chúa phục vụ cho vinh danh Thiên Chúa mà thôi.
3. Thần học mục vụ ngày nay có đề cập đến hai hạn từ “bao hàm” và “loại trừ”. Các môn đệ ngăn cản người ngoài nhóm lấy danh Chúa trừ quỷ thuộc hạng “loại trừ”, còn cung cách của Đức Giê-su là “bao hàm”, bao dung chấp nhận người ngoài nhóm lấy danh mình trừ quỷ, bởi vì nhân danh mình là một cách nào đó đã có liên hệ với mình. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người mang tâm thức “loại trừ” thường mặc cảm tự ti, luôn sợ bất lợi cho mình hoặc phe nhóm mình.Vì thế, tốt nhất là ngăn cản, không muốn cho ai hành động. Còn người có khuynh hướng “bao hàm” sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt  có thể mang lại lợi ích chung. Điều này càng đúng hơn cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý (5 phút Lời Chúa).
4. Sự cộng tác là cần thiết và ích lợi.
Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Đó cũng là tâm trạng của các môn đệ Đức Giê-su. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy. Đức Giê-su trả lời: ”Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật,  ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Walt Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã được sự nghiệp lớn lao (Mỗi ngày một tin vui).
5. Vườn hoa Giáo hội Chúa thì muôn mầu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến của từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.
Là người con của Chúa trong lòng Giáo hội, chúng ta không ganh tị với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.
Ngoài ra, trong khi phục vụ Giáo hội, chúng ta phải đặc biệt tránh cái thành kiến, nó làm lệch lạc sự việc, nó chẳng khác gì cặp kính mầu mà ta đeo trước mắt. Người đeo mắt kính tròng trắng sẽ thấy cảnh vật sáng sủa. Trái lại, với cặp kính mầu hồng, cảnh vật cũng đượm mầu hồng, nhưng với cặp kính đen, mọi sự sẽ ra u buồn đen tối.
6. Truyện: Bao dung và hợp tác.
Truyện ngụ ngôn Ấn Độ có kể như sau: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.
Trước tiên thần gọi Durianna, một vua nổi tiếng tàn ác đến: ”Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một người có lòng tốt”. Durianna đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: ”Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng là quảng đại, bao dung, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: ”Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa”.
Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: ”Lạy ngài con xin lỗi, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, tham lam, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp, vì cho dù vấp ngã mọi người đều có lòng tốt” (Góp nhặt).
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 5:  AI LÀ NGƯỜI THEO CHÚA?

Bài Tin Mừng hôm nay khá ngắn gọn nhưng để lại cho chúng ta bài học sâu sắc.
Các môn đệ là những người được chính Chúa Giê-su tuyển chọn sau khi đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Chính vì vậy, có thể nói các ông là những người gần Chúa Giê-su, được lắng nghe và hiểu về giáo huấn của Người nhất. Vậy mà hôm nay, ông Gio-an - người được coi là người môn đệ Chúa yêu lại thốt lên những lời đậm chất ghen tỵ và ích kỉ.
Thái độ này mỗi người trong chúng ta có lẽ ai cũng có. Chúng ta thường hay tự hào cho rằng mình theo đạo Thiên Chúa là tốt nhất và khinh chê những đạo khác, coi họ là những người không đạo đức, thánh thiện như chúng ta. Chúng ta còn lấy danh Thiên Chúa ra để đe dọa như nói: Chúa phạt. Điều đó khiến chúng ta trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ và kì thị. Hơn nữa, chúng ta còn có thái độ quy hướng về mình, mọi ơn lành Chúa ban chỉ biết giữ cho bản thân. Chúa ban cho của cải, tài năng, sức khỏe nhưng không biết chia sẻ và phục vụ người khác nhưng chỉ muốn làm ích lợi cho riêng mình, cũng không muốn ai hơn mình, nếu có ai hơn thì coi đó là sự bất công. Chúng ta luôn bắt Chúa làm theo kế hoạch và suy nghĩ của chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa giàu lòng thương xót và luôn quảng đại với hết mọi người. Xin giúp chúng con trở nên những cánh tay nối dài của Chúa giữa trần gian, hầu làm cho muôn dân đều được hưởng ơn cứu độ.
Lm Phaolo Đào Văn Trường :
SUY NIỆM 6:
Hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại, sau khi Chúa chỉnh đốn các môn đệ về việc các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất để được hưởng lợi, để được thống trị kẻ khác, thì ông Gioan liền khoe với Chúa là ông đã có công ngăn cản được một người nhân danh Chúa mà trừ quỷ. Ông tưởng hành động của ông sẽ được Chúa tán đồng, khen ngợi.
Nhân cơ hội đó, Chúa đã chỉ rõ cho các ông thấy thái độ hẹp hòi và ý nghĩ thiển cận của Gioan, không muốn cho người khác được hưởng ân huệ của Thiên Chúa, không cho người khác được bằng mình, chỉ vì một lý do là người đó không thuộc về phe nhóm của các ông.
Việc làm của Gioan bộc lộ rõ thái độ ích kỷ, chỉ muốn độc quyền giữ Chúa cho riêng nhóm của mình. Giống như những người Do thái, họ luôn luôn nghĩ họ là dân riêng của Chúa, chỉ có họ mới được hưởng ân huệ của Chúa còn người khác thì không. Đó là thái độ ích kỷ, đó không phải là ý Chúa.
Ngay lúc đó, Chúa đã chỉ cho Gioan và các môn đệ thấy rằng: “đừng ngăn cản người ta. Vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Cũng ngay lúc ấy, Chúa đưa ra một nguyên tắc cho các ông, đó là: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua đó, Chúa muốn chỉ cho các ông thấy việc trừ quỷ nhân danh Chúa chính là việc tốt để tôn vinh Thiên Chúa. Vì giải thoát cho một người bị quỷ ám là một việc tốt. Cho nên, đừng ngăn cản họ.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng có cái nhìn hẹp hòi ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác. Đừng nghĩ mình độc quyền về ơn cứu độ mà không biết chia sẻ cho người khác. Xin Chúa cho chúng ta hãy có lòng quảng đại và có cái nhìn cởi mở. Đừng ngăn cản việc làm tốt nơi người khác, bất luận họ là ai. Hãy luôn nhớ rằng: “vinh quang của Thiên Chúa là cho con người được sống”. Amen.
Lm Phêrô Mai Viết Thắng
SUY NIỆM 7: 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 7 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.
Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói, việc làm thuận theo thánh ý Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giảng Viên cho thấy: Giá trị của cải vật chất và mọi thứ phú quý giàu sang đều dẫn đến thất vọng. Sách Giảng Viên đã đi trước và báo trước giá trị của Tin Mừng. Chết là mất tất cả, chỉ còn lại một tài sản duy nhất: đó là đã sử dụng của cải mình có, theo thánh ý Thiên Chúa: Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có, chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng. Con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa: Số phận con ở trong tay Ngài. 
Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói, việc làm hướng về những gì thuộc thượng giới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Giêrônimô: Mọi công lao vất vả của con người trên trần gian này là để cho miệng ăn, răng nhai và bụng tiêu hoá. Đành rằng thức ăn làm khoái khẩu đôi chút, nhưng chỉ khoái bao lâu thức ăn còn ở trong miệng mà thôi. Người thông thạo Kinh Thánh, vất vả làm việc mà lòng không được thoả thuê, vì lúc nào cũng muốn học hỏi thêm. Người ấy hăm hở tìm hiểu những gì thuộc về sự sống, và đi con đường chật hẹp đưa tới sự sống. Người ấy nghèo về các việc xấu, nhưng lại, biết Đức Kitô là sự sống cư ngụ ở đâu. 
Tư tưởng, lời nói, việc làm đẹp ý Chúa là tư tưởng, lời nói, việc làm khiêm nhường tự hạ trước Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê đã khiển trách những kẻ tự phụ kiêu căng: Thay vì nói: “Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia”, thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 48, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Đức Giêsu đã chọn con đường khiêm nhường tự hạ để cứu độ chúng ta. Ngoài Đức Kitô, không có con đường nào khác dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Bao lâu chúng ta còn muốn đi theo con đường riêng của mình, thì bấy lâu, chúng ta còn đang lầm đường lạc lối, và cửa tử đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Chúng ta chỉ là đất sét trong tay người thợ gốm, ấy thế mà, chúng ta cứ tưởng mình là chủ tể, cứ bắt Chúa và người khác phải suy nghĩ, nói năng và hành động theo cách của chúng ta. Ước gì chúng ta biết khiêm nhường tự hạ trước Chúa, để Chúa có thể uốn nắn tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta quay về với chính lộ. Ước gì chúng ta biết tôn trọng những khác biệt của người khác: họ có thể không suy nghĩ, nói năng và hành động giống chúng ta, nhưng, như Chúa nói: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Ước gì chúng ta hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM 8:
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha 3 điều: gìn giữ các môn đệ trong đức tin, che chở các ông khỏi thế gian, và thánh hiến các ông theo sự thật.
Chúa Giêsu tỏ lòng yêu thương các môn đệ, một tình yêu đặc biệt, như tình của thầy đối với trò, như tình của cha đối với các con cái. Thật vậy, bản thân Chúa phải đối diện với những giờ phút đau thương của thập giá, tử nạn và phục sinh; Ngài muốn lôi kéo các môn đệ vào hoàn cảnh cụ thể của mình, để cùng chung số phận của ngài.
Khi cầu xin cho các môn đệ được ơn gìn giữ, Ngài biết trước những khó khăn thử thách đời tông đồ của họ; Ngài cũng nhìn thấy trước những đau buồn, chán nản nơi các ông, và sợ các ông ngã lòng, nên Ngài đã xin Chúa Cha luôn gìn giữ họ, để họ được nâng đỡ trong đức tin, và luôn trung thành với sứ mạng Chúa trao phó cho họ.
Khi cầu xin cho các môn đệ được che chở các ông khỏi thế gian, Chúa Giêsu nhìn thấy trước những cám dỗ của thế gian, dễ lôi cuốn các ông, dễ làm cho các ông bị hư mất. Vì thế, Ngài muốn giải thoát các ông khỏi những cạm bẫy của thế gian, bằng sự bảo vệ, che chở của Chúa Cha: “Xin gìn giữ họ trong Danh Cha”, bằng sự che chở của Chúa Giêsu: “Con đã canh giữ để không một ai trong họ phải hư mất”,  và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Đấng Bầu chữa sẽ ở với và ở trong các môn đệ luôn mãi” (Ga 14,16-17).
Khi cầu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ hiểu rằng: các ông được thánh hiến, có nghĩa là các ông được Chúa tách ra khỏi thế gian tội lỗi, nhiều cạm bẫy, để từ nay các ông thuộc trọn về Chúa. Đồng thời, chính bản thân các môn đệ là những được Chúa chọn gọi làm tông đồ, thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Khi suy niệm bài Tin Mừng này, mỗi người chúng ta cảm nghiệm tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Dù trong cuộc sống có nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách gian nan, chúng ta tin vào ơn của Chúa luôn nâng đỡ, bảo vệ chúng ta nhờ ơn của Chúa. Vì thế, chúng ta hãy luôn kết hiệp với Chúa, và năng cầu nguyện với Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Hơn nữa, chúng ta đã được Chúa thánh hiến qua Bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái của Chúa, thuộc trọn về Chúa. Để giữ mãi hình ảnh và vẻ đẹp này, chúng ta phải không ngừng xin ơn đổi mới và canh tân bản thân, để gột bỏ con người tội lỗi, yếu đuối, và những thói xấu thế gian.
Cuối cùng, được thánh hiến, chúng ta cũng trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa. Chúng ta phải làm gì để cho Tin Mừng của Chúa được gieo vãi? Muốn làm chứng, chúng ta phải là ánh sáng, là men, là muối cho thế gian. Làm chứng cho Chúa là làm chứng về sự thật: Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, tác nhân chính cho công cuộc tông đồ của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta.
Lm. Duy Khang
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây