Ngày 21 tháng 12 - Mùa Vọng

Thứ ba - 20/12/2022 09:04
 
Ngày 21 tháng 12 - Mùa Vọng

 
myhn 21 12 2022


(Lc 1,39-45)
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
 
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Mùa vọng không chỉ là mùa chúng ta chờ mong chúa mà còn là chúa khát mong gặp gỡ chúng ta trong hạnh phúc và niềm vui - Lm. Augustinô
Suy niệm 2 - Nhóm Bạn đường linh thao
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Thiên Chúa đi tìm người yêu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn




Suy niệm 1: Mùa vọng không chỉ là mùa chúng ta chờ mong chúa mà còn là chúa khát mong gặp gỡ chúng ta trong hạnh phúc và niềm vui - Lm. Augustinô

            Lời Chúa hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm trước mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể cứu độ nhân loại là mầu nhiệm tình yêu. Thiên Chúa Ngôi Hai như người nam lìa bỏ Cha cùng với mọi sự mình có để kết hợp với người mình yêu là toàn thể nhân loại. 
Bài trích sách Diễm Ca chúng ta vừa nghe được trích trong cuốn sách các bài ca của vua Salomon. Đoạn sách này được xếp vào một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Theo bản văn, đó là hành trình vượt qua muôn đồi núi trong hân hoan của chàng trai đến gặp người bạn tình của mình. Chàng trai luôn khát khao được nghe giọng nói, được thấy khuôn mặt của người mình yêu. Ở chiều ngược lại, khi chiêm ngắm người yêu đang tới, nàng thiếu nữ cũng vui sướng hạnh phúc vì được yêu. Chắc chắn khi đưa vào kinh bộ của mình, dân Chúa đã nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi chàng trai và người yêu của chàng chính là dân Chúa. Sau khi giải thoát con cháu Gia-cóp khỏi ách thông trị của người Ai-câp, tại núi Xi-nai, Thiên Chúa đã giao ước với đoàn dân vừa được Người giải thoát để biến họ thành dân riêng, thành gia sản của Người (Am Sơgular). Các ngôn sứ, đặc biệt là Hô-sê đã dùng hình ảnh “tình yêu vợ chồng” để diễn tả mối quan hệ giữa Chúa và dân của Người
Cũng vậy, khi nhận vào kinh bộ của mình, nghĩa là nhìn nhận cuốn sách này được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng nhận ra hình ảnh mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa từ trời cao bỏ lại mọi sự trên trời và tất cả vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa đến làm người, thành Emmanuen để cứu độ nhân loại là cuộc tình giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Thánh Phaolo triển khai sâu hơn mối liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa trong Đức Ki-tô với Hội Thánh qua hình ảnh hôn nhân. Hội Thánh là hiền thê của Chúa Ki-tô, còn Chúa Ki-tô là Đức Lang Quân của Hội Thánh. Cả hai nên một với nhau trong một Nhiệm Thể mà Chúa Ki-tô là Đầu, còn Hội Thánh là Thân Thể.
Câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe ghi lại hành trình Mẹ Maria viếng thăm người chị họ của mình là Ê-li-sa-bet sau khi  được biết bà đã mang thai trong lúc tuổi già người vốn bị coi là son sẻ. Nhưng có lẽ đó chỉ là bề nổi của trình thuật mà thôi, điều quan trong chính là cuộc gặp gỡ của hai đứa trẻ vẫn đang còn trong bụng mẹ: một là Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ nhân loại, còn trẻ kia được chọn làm tiền hô và người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Qua cuộc viếng thăm, Đấng Cứu Độ đã thực hiện cuộc gặp gỡ mang tính cứu độ đầu tiên với Gioan Tẩy Giả và Ê-li-sa-bet mẹ của ông. Cuộc gặp gỡ đầy niềm vui khiến Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng mẹ và lan tỏa sang người mẹ, để đến lượt bà cũng được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, niềm vui cứu độ. Hành trình này khởi đầu cho một hành trình của Đấng Cứu Độ mang Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng Nước Thiên Chúa đến cho mọi người
Lạy Chúa Giê-su, chỉ còn vài ngày nữa, cùng với toàn thể nhân loại, chúng con sẽ hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa giáng sinh làm người để cứu chuộc chúng con. Theo mạc khải của các bài đọc hôm nay, chúng con nhận ra Chúa đang khát khao để gặp chúng con. Chúa đang như băng qua núi, nhảy qua đồi để đến gặp chúng con, những người Chúa yêu thương dù chúng con còn bất xứng. Không những thế, Chúa mong được thấy chúng con đang tỉnh thức với đôi mắt sáng của người đang canh thức đợi chờ, đang khát khao được nghe, được thấy và đón tiếp Chúa vào tâm hồn chúng con. Chắc chắn, Chúa không muốn bắt gặp chúng con không chuẩn bị để đón tiếp Chúa. Nếu thế, chắc Chúa sẽ buồn lắm. Chúa ơi! Chắc bây giờ không ít người đang vất vả ngược xuôi để kiếm miêng kiếm manh áo trong những ngày này khi các xí nghiệp, công ty không còn việc để làm nữa; có người tranh thủ sắm sửa những gì cần thiết cho có không khí giáng sinh: cây thông, hang đá, treo đèn; lại có người chuẩn bị kế hoạch nghỉ ngơi, tham quan và thậm chí đua xe hay những bữa tiệc thâu đêm…Và thường những kế hoạch này rất ít có chỗ cho Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng thời gian còn lại của mùa vọng để chuẩn bị thật tốt cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Xin cho niềm vui giáng sinh thành một cuộc gặp gỡ cứu độ giữa Chúa với chúng con, nhờ đó, chúng con được hưởng bình an mà Chúa muốn mang đến cho những người được Chúa thương, những người thành tâm thiện chí, được như thế, chúng con cũng làm cho Chúa vui mừng. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2 - Nhóm Bạn đường linh thao
 
Tin Mừng Luca hôm nay tường thuật cho về cuộc găp gỡ đầy hoan hỉ và sáng ngời đức tin của hai người phụ nữ đang chuẩn bị cho thiên chức cao quý và vĩ đại. Cao quý vì thiên chức làm mẹ, và vĩ đại vì đứa con mà cả hai cưu mang đều sẽ thay đổi hoàn toàn lịch sử của cả nhân loại mãi muôn đời.
 
Tuy có một chút khác nhau, khi Maria mang thai trong độ tuổi thiếu nữ trẻ trung, tràn trề nhựa sống; Còn bà Ê-li-sa-bét thì đã cao niên, cái tuổi đáng nhẽ đã con đàn cháu đống. Thế nhưng, ngay cả sự khác biệt này cũng toát lên một niềm tin chung nồng nàn của cả hai người phụ nữ, ấy là tin vào lời Thiên Chúa, vào kế hoạch vĩ đại của Ngài khi cả hai đều mang thai trong một hoàn cảnh hết sức lạ lùng và khó tin trong mắt người phàm.
 
Sự có mặt của Mẹ Maria nơi căn nhà của bà E-li-sa-bét chốn miền núi xa xôi đã nói lên tình yêu mau mắn và sẵn sàng lên đường để đem hạnh phúc, sự giúp đỡ, niềm an ủi cho tha nhân của Mẹ.
 
Khi vừa nghe tin chị họ mang thai, Mẹ đã “vội vã lên đường”, không một chút chần chờ. Nếu xét theo góc độ của con người bình thường, thật dễ dàng để thấy hành động này của Mẹ Maria là một sự bồng bột và thiếu suy nghĩ. Bởi khi ấy, Maria vẫn còn là một thiếu nữ bé nhỏ, vậy mà lại dám quyết định lên đường đến một vùng núi, lại còn xa xôi nữa. Ấy là chưa kể khi ấy Maria lại còn đang mang thai, có biết bao cái “lỡ chẳng may” có thể sẽ xảy đến cho Mẹ trong hành trình này. Đến đây, có lẽ chúng ta phải khựng lại mà thừa nhận một điều rằng: dường như trong cuộc sống, chúng ta đã ít nhiều chần chờ, ngập ngừng trước các nhu cầu của tha nhân bởi cân nhắc quá nhiều; hoặc cũng sẽ từ chối giúp đỡ nếu điều ấy tổn hại đến lợi ích của ta, khiến ta phải thiệt hại.
 
Sự liều lĩnh của Mẹ Maria xuất phát từ tình yêu thao thức và quan tâm hết lòng, luôn đặt các nhu cầu của tha nhân trên bản thân mình, và đó như là một phản xạ tự nhiên của Mẹ vậy. Đọc Tin Mừng, ta thấy trong suốt cuộc đời của Mẹ, dù là khi đối mặt với những điều lạ lùng khó tin hay trước những điều vượt quá trí hiểu, ngưỡng chịu đựng của con người, thì tiếng xin vâng của Mẹ luôn được cất lên như một lẽ đương nhiên. Bởi đâu Mẹ có thể như thế? Chính đức tin và lòng phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa đã khiến cho một Maria yếu đuối phàm trần trở nên phi thường như thế, và nên Mẹ của Con Một Thiên Chúa!
 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, và là Mẹ của con! Như bà Ê-li-sa-bét đã được chúc lành và vui mừng xiết bao vì diễm phúc được Thân Mẫu Con Thiên Chúa viếng thăm, xin Mẹ hãy đến thăm con hôm nay, để con cũng được ngập tràn trong niềm vui vỡ oà ấy, và được đầy tràn Thánh Thần. Và rồi trong sự hiện diện đầy phúc lành của Mẹ, xin dạy con cách tin tưởng, phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, để tất cả những lựa chọn, hành động của con đều là tiếng “xin vâng” mau mắn như một phản xạ tự nhiên giống Mẹ vậy. Ước gì con cũng có thể cưu mang Chúa Giêsu trong lòng mà đem Ngài đến cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, đến tận những góc khuất, hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời. Amen!

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Dc 2, 8-14 [hay Xp 3, 14-18a] qua lăng kính Lc 1, 39-45, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy niềm vui đích thực chính là được gặp gỡ Thiên Chúa, được ở bên Ngài và với Ngài, như được phản ảnh, trước tiên, trong Dc 2, 8-14 [hay Xp 3, 14-18a]: ở đây, Dc 2, 8-14 thì cho thấy niềm vui như vỡ bờ [một chút trẻ con] của kẻ đang yêu tung tăng tới để gặp người mình yêu; còn Xp 3, 14-18a thì cho thấy niềm vui tràn bờ của Đức Chúa đang yêu và của thiếu nữ Sion đang được yêu [“Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng, như trong ngày lễ hội.” (Xp 3, 17b-18a)]…
(2) Thứ đến, trong Lc 1, 39-45 : ở đây, cho thấy dù vẫn còn trong bụng mẹ, nhưng Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng lên khi “gặp” được Đức Giêsu cũng đang còn ở trong dạ mẹ [“Quả thật, nầy tai chị vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.” (1, 44)]; ngoài ra, cả hai người mẹ, nhờ sự hiện diện của đứa con trong bụng mình, cũng được đầy tràn Thần Khí của Thiên Chúa (1, 35.41)…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Thế giới tục hoá và giải thiêng, đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, bên ngoài có vẻ ồn ào náo nhiệt, nhưng bên trong trống rỗng buồn tênh, chẳng thể nào có được niềm vui đích thực…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4: Thiên Chúa đi tìm người yêu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Bài trích sách Diễm Ca mà chúng ta nghe đọc hôm nay khiến cho nhiều người Công Giáo dị ứng, nhất là trong giới nhà tu phái nữ, vì nó diễn tả hình ảnh của đôi nam nữ yêu nhau và đi tìm nhau! Vì thế mà phụng vụ phải “dự phòng” một bài đọc khác trích từ tiên tri Sôphônia để thay thế. Tuy nhiên, bài đọc này lại mang ý nghĩa khá hay, nhất là trong bầu khí những ngày cận lễ Giáng Sinh này.
Những diễn tả về mùa Đông đã qua, mùa Xuân đang tới, mưa đã dứt, bông hoa nở rộ và tiếng ca hát vang lên giữa cánh đồng, đó là bầu khí mà anh thanh niên đi tìm cô thiếu nữ mình yêu mến. Những diễn tả ấy của bài Diễm Ca được nghe cùng với câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Êlisabét cũng thật là có ý nghĩa. Thời gian chờ đợi đã qua, hôm nay Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài nơi Con Một Nhập Thể. Ngôi Lời Thiên Chúa đến viếng thăm Dân Người, làm cho thai nhi trong bụng bà Êlisabét nhảy mừng, và chính bà này cùng với gia đình bà cũng vui mừng khôn xiết. Mầu nhiệm Giáng Sinh chính là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với Dân mà Ngài yêu quý. Thiên Chúa không phải là vị quan toà đến để trừng phạt, để huỷ diệt, nhưng là cuộc viếng thăm của những người yêu mến nhau. Yêu mến nhau nên không thể không đến tìm nhau được!!! Điều này thật là tuyệt vời! Mà tình yêu ấy khiến cho Thiên Chúa muốn trở nên giống với Dân mà Ngài yêu quý trong kiếp sống con người, bất chấp khoảng cách xa vời vợi giữa Thiên Chúa và loài người!
Và lại thêm một hình ảnh cao đẹp nữa khi Đức Maria yêu mến người chị họ của mình đang vất vả vì mang thai sắp đến ngày sinh nở, nên đã đến thăm và trợ giúp người chị này. Khi con người đến với nhau vì lòng yêu mến, thì họ diễn tả được phần nào tình yêu của Thiên Chúa dành cho người khác. Thiên Chúa muốn con người giúp Ngài thể hiện tình yêu ấy trong tương quan với nhau. Vậy thì Giáng Sinh là lúc chúng ta được nghe lại lời mời gọi ấy của Thiên Chúa. Một nhân loại mới đã sinh ra từ việc Thiên Chúa đến viếng thăm Dân Người và đang lớn lên với những tấm lòng con người dành cho nhau! Mong ước rằng việc mừng lễ Giáng Sinh làm cho số nghe lời mời gọi này gia tăng, và luôn luôn có mỗi người chúng ta trong số đó.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây