Chúa Nhật XX Thường Niên năm A

Thứ sáu - 18/08/2023 03:20
Tin Mừng: Mt 15,21-28
Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
21 Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng : “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.
Các môn đệ lại gần xin với Người rằng : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !” 24 Người đáp : “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” 26 Người đáp : “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật ! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.


cn xx tn 2 scaled

SUY NIỆM 1: LÒNG TIN MẠNH THẬT - PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Bên cạnh Công Giáo có nhiều tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật Giáo, Hindu… Khi những người không cùng đức tin của chúng ta sống chung với chúng ta trong một khu phố, làm việc chung với chúng ta trong một công ty, gặp gỡ nhau trong một dịp nào đó như tiệc cưới, tân gia, tang chế…, chúng ta có thái độ như thế nào đối với họ? Các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật XX thường niên năm A làm nổi bật điều này là Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ. 
1. Ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa 
Bài đọc một nhắc nhở chúng ta về lời kêu gọi của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người được chào đón bước vào nhà Chúa, nơi đó không còn phân biệt tuổi tác, màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo. Lời kêu gọi làm nổi bật ơn cứu độ được được rộng mở cho bất cứ ai, khi họ yêu mến và phụng sự Chúa, tuân theo giao ước của Ngài và giữ ngày sabát (x. Is 56,6). Đây là một bước đột phá lớn trong cái nhìn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngay cả những người không phải là “dân được tuyển chọn” cũng có thể được cứu độ. Cái nhìn sâu sắc này được tìm thấy trong phần phụng vụ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 10 lời cầu nguyện trọng thể cho tất cả mọi người. Chúng ta cầu nguyện không chỉ cho Hội Thánh, các thành phần trong Hội Thánh (đức giáo hoàng, hàng giáo sĩ và giáo dân, dự tòng, mọi tín hữu), mà còn cho cả các thành phần khác nữa (người Do Thái, người ngoài Kitô Giáo, người vô thần, những nhà lãnh đạo quốc gia, những người đau khổ). Chẳng hạn với người Do Thái, chúng ta xin Chúa cho họ cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ viễn mãn của Chúa Kitô; với người ngoài Kitô giáo, chúng ta xin Chúa cho họ, tuy không tin vào Chúa Kitô, nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ngay ở lành, được hồng ân tìm thấy chân lý; với người vô thần, chúng ta xin Chúa cho họ, tuy không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng, một ngày được tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người.
Cha Piô Ngô Phúc Hậu, một nhà truyền giáo cho những người dân miền Tây sông nước suốt 42 năm, đã kể lại một câu chuyện trong cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của ngài như sau:  
Cần Thơ, năm 1965
Legio Mariae mời mình đi kẻ liệt. Kẻ liệt là một bà già trên tám mươi tuổi. Bà xin được rửa tội. Mình hỏi bà về một số điểm giáo lý gọi là “những điều cần kíp”.
Rửa tội xong, bà ngước mắt nhìn mình một cách thành khẩn.
– Cha ơi, tôi theo đạo Phật từ nhỏ. Tôi thương Đức Phật quá. Bây giờ tôi theo Chúa, cha cho tôi giữ bàn thờ Đức Phật nha !
Mới 29 tuổi đời và một tuổi mục tử, mình thấy bối rối trước một yêu cầu như thế. Bỗng mình nhớ đến thầy Luca Huy. Thầy Luca Huy dạy mình rằng: “Phải tôn trọng đạo Phật, phải kính trọng Đức Phật” . Chính thầy Huy cũng có một tượng Phật để trên bàn viết. Bà cụ năn nỉ :
– Đức Phật tốt lắm cha ạ. Tôi thương Ngài lắm.
– Tôi đề nghị với bà thế nầy : Chúa thì để trong lồng kiếng, còn Đức Phật là hiền nhân thì để ở kế bên Chúa. Bà chịu không ?
– Tôi chịu vậy đó.
– Bà cứ thương Đức Phật đi. Tôi cũng thương Ngài nữa.
Hôm nay mình lên Tòa Giám mục.
– Thưa Đức cha, hôm qua con rửa tội cho một bà cụ đạo Phật. Bà xin giữ bàn thờ Phật. Con biểu bà để tượng Chúa trong lồng kiếng ở chỗ quan trọng nhất trong nhà, còn tượng Phật thì để ở kế bên. Bà tin Chúa là Đấng cao cả, nhưng bà thương Đức Phật quá.
– Được lắm ! Cha có sáng kiến hay.
Mình ra về, tâm hồn nhẹ phơi phới.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp gỡ hay là kết bạn với những người thuộc các tôn giáo khác. Chúng ta cần tôn trọng niềm tin của họ: không đề cao tôn giáo của mình bằng cách hạ thấp tôn giáo của người khác. “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi hết mọi người” (NA 2). Điều quan trọng là chúng ta hãy xác tín vào những điều mình tin để không bị ngã theo những quan điểm không tương hợp với đức tin của mình. 
2. Đức tin mạnh mẽ
Trong bài đọc hai, chúng ta nghe thánh Phaolô ngỏ lời với các tín hữu dân ngoại. Ngài tự hào về sứ vụ tông đồ của mình cho dân ngoại, hy vọng điều đó sẽ khơi dậy lòng ghen tị nơi đồng bào của mình và dẫn họ đến ơn cứu độ. Thánh Phaolô giải thích rằng việc dân Do Thái cứng lòng được Thiên Chúa quan phòng để mở đường cho ơn cứu độ đến với dân ngoại. Chính Chúa Giêsu đã nhận lời cầu xin của người phụ nữ xứ Canaan, một người dân ngoại, cho con gái của bà được khỏi bị quỷ ám, vì đức tin của bà thật mạnh mẽ. 
Người mẹ xứ Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay đã cầu xin một điều tốt đẹp. Con gái của bà đang bị quỷ khống chế và bà muốn Chúa Giêsu giải thoát cho đứa con tội nghiệp của mình khỏi cơn đau khổ đó. Đó là một mong muốn tốt, bà không yêu cầu bất cứ điều gì xấu xa. Tuy nhiên, Kinh thánh cho chúng ta biết: “Nhưng Người không đáp lại một lời” (Mt 15,23). Lẽ thường chúng ta chào hỏi với nhau khi gặp nhau, nếu không thì sẽ bị xem là vô lễ, là bất lịch sự, là thiếu văn hóa. Thái độ im lặng của Chúa Giêsu làm chúng ta hơi khó hiểu! Vậy Chúa có ý gì khi im lặng với người mẹ đau khổ này? Giữa dân được Chúa chọn và dân ngoại giáo Canaan có mối thù truyền kiếp. Khi Giôsuê đánh trận Giêricô, đó là trận chiến với người Canaan, những người đang cố gắng chống lại dân Ítraen vào chiếm đất của họ (x. Gs 6,1). Kết quả là thành Giêrikhô đã thất thủ. Kể từ đó người Canaan ghét người Ítraen, và ngược lại người Ítraen cũng ghét người Canaan. Phải chăng sự im lặng của Chúa Giêsu là để Chúa xem bà có thực tâm vượt qua rào cản hận thù của hai dân tộc mà tiếp tục cầu xin Chúa hay không? 
Người mẹ dân ngoại này đã kiên trì. Khi Chúa im lặng trước những lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng hãy tiếp tục cầu nguyện. Ở những chỗ khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7-8). Người đàn bà cứ tiếp tục cầu xin, cứ tiếp tục tìm kiếm, cứ tiếp tục gõ cửa lòng thương xót của Chúa Giêsu. Nhưng tại sao? Chúa Giêsu biết chúng ta đang xin một điều gì đó tốt lành. Tại sao lại phải rắc rối khi cứ mãi xin đi xin lại? Tin Mừng cho chúng ta thấy hai lợi ích đến từ sự kiên trì cầu nguyện. 
Thứ nhất là khiêm nhường. Bằng cách cứ cầu xin, cứ tìm kiếm và cứ gõ cửa, chúng ta lớn lên trong sự khiêm nhường. Dù Chúa Giêsu dường như “phớt lờ” bà, nhưng bà vẫn đến van xin Chúa: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (Mt 15,25). Chúa lại đáp lại bằng một câu mà ai nghe cũng phải điếng người: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26). Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi chúng ta là chó! Chúng ta có đủ can đảm để đứng lại nài van xin ơn nữa không?  Thực ra Chúa Giêsu muốn nói rằng Tin Mừng chỉ nhằm phân phát cho con cái, tức là dân Ítraen, những người thừa kế lời Thiên Chúa hứa. 
Người phụ nữ cũng nhận ra khoảng cách giữa Dân Chúa và các dân khác nên đã trả lời: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). Bà  biết rằng Chúa Giêsu không nợ bà bất cứ điều gì và bà sẵn sàng so sánh mình với một “chó con”. Đây là sự khiêm tốn tuyệt vời. Nếu không khiêm nhường, thì chúng ta không thể nhận được bất cứ điều tốt lành nào khác mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ về ơn lành của Chúa giống như mưa từ trên trời rơi xuống. Mưa trượt thẳng xuống đồi dốc, nhưng lại lấp đầy thung lũng sâu. Tương tự như vậy, ơn Chúa cũng trượt thẳng xuống người kiêu ngạo, nhưng lại lấp đầy tấm lòng của người hạ mình xuống trong sự khiêm nhường.
Nếu không kiên trì cầu nguyện khiêm nhường, thì chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa mắc nợ chúng ta những gì chúng ta muốn, và vì kiêu ngạo, chúng ta sẽ không bao giờ nhận được những gì mình thực sự cần. Chúng ta thực sự cần điều gì? Đó là đức tin, điều tốt thứ hai. Sự kiên trì cầu nguyện củng cố đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu đáp lại người phụ nữ: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28). Sự im lặng của Chúa Giêsu không chỉ cho thấy lòng khiêm nhường của người phụ nữ, mà còn củng cố đức tin của bà. Và điều gì có thể quý giá hơn đức tin?  Phép lạ là vì đức tin. Chúa Giêsu thực hiện phép lạ để khơi dậy đức tin. Đức tin là mục tiêu của Chúa Giêsu. Nó quý giá hơn cả sức khỏe thể chất của chúng ta vì đó là con đường dẫn chúng ta đến ơn cứu độ, đến sự hiệp thông với Thiên Chúa, đến hạnh phúc trọn vẹn.
Tình yêu của Chúa Giêsu thì không bao giờ kết thúc. Thập giá cho chúng ta thấy rằng trong mọi lúc, Thiên Chúa muốn hiến mình cho chúng ta. Vậy chúng ta phải làm gì khi Chúa im lặng trước những lời cầu nguyện của chúng ta? Việc Chúa im lặng không phải là sự phá vỡ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Đó là một khoảnh khắc khác của tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Thế nên, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện. Nhờ sự khiêm nhường và đức tin, Thiên Chúa đang thực hiện phép lạ vô hình mà giá trị hơn cả sự chữa lành thể xác. Ngài đem đến ơn cứu độ cho chúng ta.
Tóm lại, tình yêu của Thiên Chúa luôn dành cho hết mọi người, vượt qua ranh giới văn hóa và tôn giáo, bất kể nguồn gốc hay sắc tộc của họ. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng vượt qua những thành kiến của mình với những người không cùng đức tin của chúng ta. Chúng ta cần thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều khác nhau ở mức độ này hay mức độ khác, tuy nhiên chúng ta đều bình đẳng trước mặt Chúa. Đồng thời noi gương người phụ nữ dân ngoại, chúng ta vẫn kiên định tìm kiếm ơn lành của Chúa Giêsu bằng một tấm lòng khiêm nhường và một đức tin mạnh mẽ. 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kính trọng và yêu thương đối với những người không cùng đức tin với chúng con. Xin cho chúng con biết cách nói về đức tin của mình để những người khác có thể hiểu được Tin Mừng là sứ điệp tình thương và ơn cứu độ Chúa dành cho hết thảy mọi người. Amen. 
 
SUY NIỆM 2: DÂN NGOẠI CŨNG ĐƯỢC HƯỞNG ƠN CỨU ĐỘ - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XX, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Gia nghiệp Chúa hứa ban cho ta thì cao quý hơn những gì lòng ta dám ước mong. Do đó, chúng ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự, hơn hết mọi loài. Không phải: chỉ có dân Dothái được hưởng gia nghiệp của Chúa, nhưng, dân ngoại cũng được thừa hưởng cùng một lời hứa, miễn là: họ yêu mến Chúa và tuân giữ những gì Người truyền dạy. Thật vậy, Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người được hưởng cứu độ của Người (x.1Tm 2,3-4). Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”  (Eph 3,5-6).
 
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia được mời gọi làm ngôn sứ để loan báo cho muôn dân biết: Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối, cả mặt đất sẽ đầy tràn vinh quang Chúa, đồng thời, cũng cảnh báo Ítraen chỉ còn một số nhỏ sống sót mà thôi. Điều này được ngôn sứ nói rõ hơn trong bài đọc một của Thánh Lễ: dân ngoại sẽ gắn bó với Đức Chúa qua việc tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công chính, phụng sự Đức Chúa, yêu mến Thánh Danh, và dân ngoại sẽ được Đức Chúa dẫn lên Núi Thánh của Người.
 
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu khi chú giải câu Thánh Kinh “Chính anh em là muối cho đời, và ánh sáng cho trần gian”, thánh nhân nói: “Thầy không chỉ sai anh em đến với hai thành, mười thành, hay hai mươi thành, cũng không sai anh em đến với một dân tộc như sai các ngôn sứ xưa, nhưng Thầy sai anh em đi khắp cả địa cầu, biển khơi, đến với toàn thế giới đang bị ảnh hưởng xấu xa… Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất”. Thánh nhân muốn cho thấy ơn cứu độ là phổ quát, là dành cho tất cả mọi người. Điều này cũng được thánh Phaolô, Tông Đồ của dân ngoại, khẳng quyết trong bài đọc hai của Thánh Lễ: ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban, thì không bao giờ Người rút lại, chỉ có điều, chúng ta có yêu mến, vâng phục Chúa để được hưởng ơn cứu độ của Người hay không mà thôi: kẻ bên trong, nhưng lại ở ngoài; kẻ bên ngoài, nhưng lại ở trong.
 
Bài Đáp Ca với Thánh Vịnh 66, vịnh gia đã kêu gọi “chư dân”, nghĩa là, dân ngoại hãy ca tụng Đức Chúa. Vịnh gia cũng ước mong cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Người.
 
Dân ngoại cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong bài Tin Mừng hôm nay, mà người đàn bà Canaan là đại diện. Bà đã làm gì, để được hưởng điều cao quý hơn những gì mà lòng bà ước mong? Thưa, bà đã hoàn toàn tin tưởng, yêu mến, vâng phục Đức Giêsu, bằng chứng là, bà tự nhận mình là chó, tự đánh mất phẩm giá của một con người, để được nhận làm con Thiên Chúa, hưởng gia nghiệp, ơn cứu độ của Người.
 
Đức Kitô chính là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, ngoài Người ra không ai có thể đem lại ơn cứu độ. Hội Thánh là nhiệm thể của Đức Kitô, ngoài Hội Thánh, không có ơn cứu độ, nhưng, Hội Thánh ở đây phải được hiểu là Hội Thánh phổ quát, là bí tích cứu độ phổ quát, nghĩa là, bao gồm tất cả những ai kết hiệp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. Do đó, ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời, bất luận, họ sống trong hay ngoài Hội Thánh hữu hình, trước hay sau Đức Giêsu lịch sử.
 
Chúng ta thuộc về Hội Thánh hữu hình, nhưng, coi chừng: kẻ ở trong nhà, thì lại là người ở ngoài, còn kẻ ở ngoài, thì lại là người ở trong. Chúng ta ở trong Hội Thánh hữu hình, nếu chúng ta không tin nhận Đức Kitô, chối từ ân sủng, thì chúng ta không thể được cứu rỗi. Quả thật, lỗi cố tình này nhiều khi được cho là tội phạm đến Chúa Thánh Thần: cố tình chối từ ơn thánh, và những phương tiện cần thiết để được cứu độ. Qua biến cố Đức Kitô, ơn cứu độ đã được thực hiện cách thành toàn. Ơn cứu độ Người thực hiện mang tính phổ quát, áp dụng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời. Lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi lên trời đã chứng thực điều đó (x. Mc 16,15-16). Vì thế, Đức Kitô trở thành Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ Người, muôn vật được tạo thành, cũng nhờ người muôn loài được ơn cứu độ (x. Cv 4,12). Chính Người cũng ủy thác cho Hội Thánh phân phát các mầu nhiệm cứu độ cho muôn dân.
 
Chúng ta với tư cách là thành viên của Hội Thánh, chúng ta cũng phải loan truyền ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta, bằng những ưu tiên lựa chọn hằng ngày của cuộc sống: quyết chọn Đức Kitô và thuộc về Đức Kitô, cho dẫu, chúng ta phải bị trả giá: bị bách hại, bị khinh khi, bị thiệt thòi mất mát: mất danh dự, mất quyền lợi, hay mất cả mạng sống mình.

SUY NIỆM 3: THẾ NÀO LÀ DÂN NGOẠI − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Đôi khi các kitô hữu cảm thấy chưa thoả mãn lắm với hướng mở ra cho dân ngoại nơi Đức Giêsu! “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” (Mt 15,24). Lúc còn ở dương thế, Đức Giêsu cũng chỉ sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng nơi các cộng đồng Israel với lời căn dặn: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel.” (Mt 10,6). Tuy nhiên, ngay từ bài giảng đầu tiên sau khi đón nhận Thánh Thần, ông Phêrô đã mở ra với mọi dân tộc, đã loan báo về ơn Thánh Thần cho “mọi xác phàm” (Cv 2,17). Ông nói tiếp: “Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” (Cv 2,39). “Những người ở xa”, đó là cách nói chỉ các dân ngoài Do Thái. Vậy phải chăng ý hướng của Chúa Giêsu và các môn đệ khác nhau?!
Có thể nói rằng: có sự khác biệt về ý tưởng được gọi là “dân ngoại” nơi Chúa Giêsu. Người Do Thái gọi những ai ngoài dân của họ là dân ngoại. Người Roma sau này gọi những ai không phải là dân Roma là dân ngoại. Giáo Hội Kitô Giáo gọi những ai không phải kitô hữu là dân ngoại. Từ ngữ “dân ngoại” (gentiles) có khi được hiểu là “người ngoài, người xa lạ”. Với Chúa Giêsu, những ai từ khước tin vào Ngài thì được coi như người ngoài. “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,11-12). Chúa Giêsu nói lời này khi chữa lành cho người đầy tớ viên đại đội trưởng Roma. Người phụ nữ Canaan và con bà trong bài Tin Mừng hôm nay được cứu vì tin vào Chúa Giêsu. Như thế, thì dù là kitô hữu, nhưng nếu thực sự đời sống không diễn tả được niềm tin, không biết dễ bảo với Thánh Thần, thì vẫn có thể là dân ngoại, là người xa lạ.
Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống niềm tin ấy, thì được cứu độ, tức là trở thành người thuộc về Chúa Kitô và được đưa vào gia đình của Thiên Chúa là Cha. Đức tin này không phải là một danh hiệu, một nghi thức đã cử hành một lần ở quá khứ, nhưng mang tính chất hiện sinh, tính chất “hôm nay”. Chúa Giêsu nói với ông Giakêô: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Tin là biết quỳ xuống!

SUY NIỆM 4: Lòng tin của bà lớn thật.
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)


Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,
tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.
Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.
Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.
Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.
Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.
Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.
***
Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:
“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”
Người mẹ đau vì con của mình đau.
Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.
Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.
Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.
Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.
Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.
“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”
Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.
Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.
Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.
Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.
Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:
“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”
Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.
Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.
Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.
Chị không phải là chiên của nhà Israel.
Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,
vì Cha tôi chưa sai tôi đến.
***
Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.
Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,
và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.
Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.
Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.
Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:
“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);
khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).
Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.
Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.
Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,
vì tình yêu nối kết cả hai nên một.
Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ
dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.
Người đưa ra lời từ chối thứ hai
quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:
“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”
Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.
Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.
Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.
Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.
Họ tự hào về tính ưu việt của mình
trong tư cách là Dân riêng của Chúa.
Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
***
Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu
Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.
Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:
“Thưa Ngài đúng thế.
Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,
không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.
Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách
để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,
bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.
Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.
Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.
***
Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.
Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”
Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).
Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.
Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,
khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.
Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,
và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.
Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…
***
Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”
Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.
Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà
chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:
“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.
***
Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.
Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.
Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.
Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.
Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.
Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.
Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:
“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”
để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”
***
Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.
Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.
Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.
Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.
Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,
tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng
và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.
***
Lời nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
*
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
*
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
*
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

SUY NIỆM 5: Lòng tin và tình yêu
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)


Tình mẹ thương con, bao la như trời như biển. Không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu thi ca nhạc phẩm, đã có vô vàn câu hò điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Với giai điệu mượt mà sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết ca khúc tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.
Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ muôn đời vẫn thế.
Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ, đã chôn vùi hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống".
Bà mẹ Armênia trong câu chuyện và bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay là một hình ảnh sống động minh họa cho tình mẫu tử thiêng liêng cao cả.
Thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Chúa Giêsu, nài nỉ van xin, bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị nói nặng là "đồ chó", bà vẫn không nản. Kiên trì và khiêm tốn chứng tỏ nơi bà có một tình yêu mãnh liệt và một lòng tin mạnh mẽ.
Thật cảm động trước tình thương dạt dào của người mẹ Canaan. Thật cảm phục một lòng tin kiên vững của người phụ nữ ngoại giáo. Tình yêu và lòng tin ấy cứ xoắn quyện với nhau. Tình yêu dẫn đến lòng tin. Tình yêu kiện cường lòng tin. Biểu lộ của lòng tin cũng chính là biểu lộ của tình yêu. Lòng tin và tình yêu đi đôi với nhau giúp cho con người một sức mạnh để can đảm, kiên trì và khiêm tốn.Lòng tin và tình yêu cho bà mẹ Canaan có được một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách và đi đến cùng trong việc cứu chữa con gái.
Thương con,bà đã chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Chúa Giêsu, nhưng khi thấy Người bà tin rằng cơ may đã đến. Bà gọi Người là Con Vua Đavít, bà đặt trọn niềm tin vào Người, vị cứu tinh duy nhất của bà.
Dẫu biết rằng bà thuộc dân ngoại, còn Chúa Giêsu là người Do Thái, hai dân tộc có mối thù truyền kiếp không giao du tiếp xúc với nhau, nhưng lòng thương con đã khiến bà bất chấp ranh giới cấm kỵ hận thù để đến với Chúa trong tư thế một người xin ơn.
Thương con nên khổ vì con. Người mẹ Canaan xin với Chúa Giêsu: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ nhập khổ sở lắm.” Đứa con bị quỉ nhập khổ sở là đúng rồi. Thế nhưng thực tế ai khổ hơn ai, đứa con hay bà mẹ? Con đau khổ một, còn mẹ khổ mười. Mỗi lần con rên, con quằn quại là lòng mẹ quặn đau như muối xát, mẹ ước gì được lãnh lấy mọi cơn đau của con. Chắc hẳn, các bà mẹ đều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Chính vì thế thay vì nói “Xin dủ lòng thương con tôi” bà lại nói: “Xin dủ lòng thương tôi!”
Bà xin Chúa nhìn đến nỗi đau của một bà mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Tại sao Chúa lại lãnh đạm với nổi đau của con người như vậy? Chúa thinh lặng để bà thấm thía được sự bất lực của mình, và nhờ đó mà thấy được rõ hơn rằng, Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của con người.
Bà chẳng ngã lòng trước thái độ lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà cứ lẽo đẽo theo sau mà nài nẵng xin mãi xin hoài đến nổi các môn đệ không chịu được những lời lẽo nhẽo ấy nên trình với Chúa để đuổi bà về.
Mặc kệ thái độ khó chịu của các môn đệ, bà trực tiếp giáp mặt Chúa Giêsu và nài xin cứu giúp. Lần này thì bà lãnh đủ một gáo nước lạnh: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”. Sao lạ vậy? Chúa Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, vậy mà Người lại nhẫn tâm khước từ mẩu bánh nhỏ cho người đàn bà khốn khổ này ư? Những lời khó nghe Chúa dùng cũng là lời nói với mọi người, để cho ai cũng thấy được ơn cứu độ là một hồng ân Chúa ban bởi lòng thương xót, chứ không phải bởi sự xứng đáng của bất cứ ai.
Câu chuyện đã đi đến cao điểm, thử thách đã đến cùng tột. Chính trong cơn thử thách như thế ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình mẫu tử và lòng tin của bà.
Bà chấp nhận lối so sánh của Chúa. Bà không dám mong được những ân huệ như dân Do Thái, bà chỉ xin chút vụn vặt thừa thãi cho con bà, bởi vì “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Đến đây thì Chúa Giêsu chẳng còn lý do gì để chối từ, Người nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như vậy.” Nhận biết mình hèn mọn nên hoàn toàn cậy dựa vào lòng trắc ẩn của Chúa. Đó là sức mạnh của người mẹ Canaan. Thiên Chúa đầy lòng thương xót không thể từ chối lời nài van của một người không sao tìm ra một nơi nương tựa nào khác ngoài lòng trắc ẩn của Ngài, và Chúa Giêsu nói: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”.
Làm sao mà Chúa có thể chối từ được trước tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ đến vậy. Không phải Người đã từng bảo: “Hãy xin thì sẽ cho, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở” đó sao? Hơn nữa, Người cũng có một bà mẹ là Đức Maria. Rồi sẽ có ngày Mẹ Người sẽ khổ đau đi theo con trên chặng đường thương khó, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm đâm thâu khi đứng dưới chân thập giá. Có lẽ nổi đau khổ của bà mẹ Canaan này khiến Chúa Giêsu chạnh nghĩ đến mẹ của mình. Người hiểu tấm lòng của các bà mẹ, nên chẳng nỡ chối từ những gì các bà mẹ trong cơn đau khổ cầu xin.
Lòng tin và tình yêu giống như đôi cánh đã giúp người mẹ Canaan bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Đến với Chúa Giêsu bằng lòng tin và tình yêu, người mẹ Canaan nhận được một tình yêu quyền năng. Thánh Phaolô chia sẽ kinh nghiệm này: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).
Bà mẹ Canaan là tấm gương cho các bậc làm cha làm mẹ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thương con nên mới khổ vì con. Chắc hẳn, con đau bệnh không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Bao cha mẹ đã bạc mái đầu vì những đứa con ngỗ nghịch hư hỏng, bao bà mẹ đã khóc hết nước mắt vì có đứa con lỡ vướng vào các tệ nạn vào ma tuý… Trong trường hợp đó, lòng thương con của các bậc cha mẹ có xoắn quyện chặt chẽ với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa hay không? Các bậc cha mẹ đã làm hết cách, đã tha thiết cầu xin, đã kiên tâm cầu khẩn, đã tin tưởng cầu nguyện như người mẹ Canaan này chưa?.
Chúa Giêsu đã khen ngợi đức tin của người đàn bà ngoại giáo. Chúa đã đánh giá lòng kiên nhẫn của bà là một bằng chứng đức tin. Chúa đề cao một mẫu gương về đức khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa.
Tình mẹ cha yêu thương với tất cả hy sinh chịu đựng luôn đóng ấn và trải dài suốt những năm tháng của cuộc đời con.
Tình mẹ thương con là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin. Từ đó, Mẹ đã nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu gian truân khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người Mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.
Mẹ Maria đang được hưởng niềm vui thiên quốc. Mẹ hằng yêu thương con cái trên đường hành hương về quê trời. Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở.Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu và hy vọng.


SUY NIỆM 6: TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ -Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Đoạn Tin Mừng hôm nay thật lôi cuốn. Lôi cuốn trước hết ở diễn tiến bất ngờ của phép lạ. Bất ngờ đầu tiên: người phụ nữ ngoại đạo dám đến xin phép lạ cho con mình. Người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách càng xa diệu vợi. Thế mà người phụ nữ này dám vượt qua hết những rào cản để đến với Chúa. Bất ngờ thứ hai: Chúa đã có thái độ từ chối quyết liệt. Từ chối bằng im lặng không trả lời. Từ chối thẳng thừng bằng lời nói quyết liệt: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”. Và căng thẳng đến tàn nhẫn: “Không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Bất ngờ thứ ba: người phụ nữ chấp nhận tất cả những thử thách, và đã có câu trả lời thông minh: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thật là khiêm tốn, nhưng cũng đầy tin tưởng. Thật bất ngờ mà cũng thật đẹp đẽ.
Lôi cuốn ở nét đẹp tâm hồn người phụ nữ. Ẩn sâu trong vẻ đẹp của thái độ người phụ nữ ngoại đạo, ta thấy nổi bật hai phẩm chất cao quí đó là: Tin và Yêu. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi nhục mạ. Yêu con nên bà tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Tin và Yêu giống như đôi cánh đã giúp người phụ nữ bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Tin và Yêu giống như giòng thác nước. Càng gặp đập ngăn cản càng dâng lên cao. Càng dâng lên cao sức mạnh càng tăng. Và khi đổ ào xuống sẽ phát sinh công hiệu quả lớn. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn Thiên Chúa.
Trong bối cảnh của Năm Thánh Thể, thái độ người phụ nữ ngoại đạo khiến ta liên tưởng đến Đức Mẹ, người phụ nữ Thánh Thể. Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền. Vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Vì thương con nên bà chấp nhận tất cả mọi vất vả, khổ cực, nhục nhã. Và Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ. Cho bà được gia nhập gia đình Chúa, trở nên con cái Chúa. Bà đã mở được đường lên Nước Trời, đã làm cho Chúa thay đổi chương trình, thu nhận dân ngoại vào Nước Chúa.
Cũng thế, Đức Mẹ là người mẹ rất hiền từ. Vì thương yêu chúng ta nên Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho ta tấm bánh cứu độ. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Nếu hiểu rằng Thịt Máu Chúa Giêsu Thánh Thể cũng chính là thịt máu Mẹ đã cưu mang trong lòng, ta mới rõ Đức Mẹ là người Mẹ hiền đã tìm cho con cái tấm bánh cứu độ thơm ngon hạnh phúc. Và để có được tấm bánh đó, Đức Mẹ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, khổ nhục như lời tiên tri Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Chính nhờ Mẹ, ta được ăn bánh các thiên thần, được đồng bàn với thần thánh, được nên con Thiên Chúa.
Không những ban cho ta tấm bánh cứu độ, Đức Mẹ còn dạy ta sống bí tích Thánh Thể trong đức tin và tình yêu.
Đức Mẹ dạy ta hãy tin thật Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ khi xưa nghe lời thiên thần truyền tin đã hoàn toàn tin rằng bào thai trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa.
Đức Mẹ dạy ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Hôm nay, trong Năm Thánh Thể, Đức Mẹ cũng muốn nói với ta: Nếu Chúa đã dạy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin vì Đấng đã có thể biến nước lã hoá thành rượu ngon cũng có thể làm cho bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người.
Đức Mẹ dạy ta hãy luôn hướng về bí tích Thánh Thể như xưa Mẹ đã theo Chúa Giêsu trên mọi bước đường, dù gian nan khổ cực.
Đức Mẹ dạy ta dâng mình làm hy lễ. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá, cùng Chúa Giêsu dâng hiến những đau khổ làm hy lễ dâng Thiên Chúa Cha.
Và cũng như xưa Đức Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà Elisabet, đem lại niềm vui lớn lao cho bà, vì đã cho Thánh Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền khi còn trong lòng mẹ, Đức Mẹ cũng dạy ta khi sống bí tích Thánh Thể, hãy trở nên những nhà tạm sống động đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến khắp mọi nơi, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Hôm nay khi cho người phụ nữ ngoại đạo được tấm bánh của con cái, được đồng bàn với con cái Chúa, Chúa cho bà được gia nhập dân riêng Chúa. Điều đó nhắc nhở ta khi sống bí tích Thánh Thể cũng hãy chăm lo việc truyền giáo, đi quy tụ nhiều người về bàn tiệc Thánh Thể, vào dự tiệc Nước Trời. Đức Mẹ La Vang luôn quan tâm đến việc truyền giáo, nên Mẹ không ngừng yêu thương và ban ơn lành cho những lương dân chạy đến với Mẹ. Trong những buổi cử hành sắp tới, ta sẽ được nghe những chứng từ rất sống động về tình thương của Mẹ.
Đức Mẹ là thầy dạy về bí tích Thánh Thể một cách tuyệt hảo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyên mời ta hãy đến nơi trường của Đức Mẹ. Hôm nay, họp nhau đông đảo về đây, ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho ta Chúa Giêsu là tấm bánh cứu độ hạnh phúc. Ta hãy xin Mẹ dạy ta biết sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời. Hãy noi gương Mẹ đem Thánh Thể đến khắp các nẻo đường, quy tụ một dân đông đảo về dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Nước Chúa.
Lạy Mẹ La Vang xin nhận lời chúng con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bí quyết nào khiến bà mẹ ngoại đạo đạt được ước nguyện?
2) Người phụ nữ ngoại đạo nêu gương cầu nguyện cho ta thế nào?
3) Đức Mẹ đã sống đức tin vào tình yêu thế nào trong cuộc đời?

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây