SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 16/06/2024 05:02
SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 5,38-42

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”


SUY NIỆM 1: SỐNG ĐẠO PHI THƯỜNG
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy gẫm về những cái “bình thường” và những cái “phi thường”, để chúng ta có thể nhận ra được bậc thang giá trị giữa chúng. Mở đầu bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc về giới luật công bằng của Môsê, đó là luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Rất rõ ràng và sòng phẳng!
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Chúa Giêsu thì đây là một điều hết sức bình thường. Vì có lần Ngài nói rõ như thế này: “Nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, mà thù ghét những ai xúc phạm đến mình thì chẳng có gì để tự hào cả; vì ngay cả dân ngoại và những người tội lỗi cũng làm đượcc điều đó”. Chúa Giêsu muốn chúng ta là những người kitô hữu phải vượt lên trên những cái bình thường ấy, để đạt đến một ngưỡng cửa cao hơn, thể hiện qua những hành động phi thường; phi thường như những gì mà Chúa Giêsu dạy ở cuối đoạn Tin mừng hôm nay, đó là rộng lượng, bao dung, tha thứ… trong phương diện đức ái. Và cũng cần phải phi thường trong nhiều nghĩa cử cao thượng khác nữa.
Trước hết, anh chị em hãy trở nên phi thường trong đời sống đức tin. Dẫu biết rằng cuộc sống mưu sinh ngày hôm nay không dễ dàng chút nào, dẫu biết rằng vấn đề cơm áo gạo tiền làm anh chị em đầu tắt mặt tối với thời gian. Nhưng trong hoàn cảnh ấy mà anh chị em vẫn nhớ đến Chúa qua các Thánh lễ hằng ngày, nhớ đến Chúa qua các việc đạo đức thì đó mới gọi là một đời sống đức tin phi thường.
Kế đến, anh chị em hãy trở nên phi thường trong việc phục vụ nhà Chúa. Một trong những vấn nạn của các giáo xứ hiện nay là thiếu nhân sự phục vụ. Ai cũng ngại khó ngại hy sinh. Ai cũng từ chối khi được đề cử hay được mời gọi cộng tác vào các ban ngành đoàn thể của giáo xứ. Ai cũng bảo là mình bận, mình không có thời gian. Thật ra thì chẳng có ai rnh rỗi cả thưa anh chị em. Nhưng khi mình bận rộn, mình chật vật với đời như thế mà mình vẫn tham gia phục vụ thì đó mới là phi thường.
Và sau cùng, anh chị em cũng hãy trở nên phi thường qua việc bác ái. Anh chị em hãy nhớ lại bài Phúc Âm nói về hai đồng bạc kẽm của bà góa. Hôm nấy cũng có nhiều người giàu có bỏ vào hòm tiền dâng cúng, nhưng đối với Chúa Giêsu đó chỉ là điều bình thường, vì họ chỉ bỏ vào đó số tiền dư thừa của họ. Hai đồng bạc l của bà góa mới là phi thường, bởi bà đã cho hết tất cả những gì mình có để nuôi thân. Phi thường trong đức ái là vậy đó thưa anh chị em. Đừng bao giờ từ chối giúp đỡ mt ai đó khi mình có thể.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay chỉ nhắn gởi đến chúng ta mt điều này mà thôi, đó là mỗi người hãy sống đức tin, sống đức ái và phục vụ nhà Chúa mt cách phi thường giữa những điều kiện bình thường. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
• Đức Giêsu nhắc lại những luật của con người đưa ra: Mắt đền mắt răng đền răng. Đó là sự hận thù của con người và họ muốn sự công bằng. Đời này không trả được thì đời sau phải trả. Không biết bao giờ hận thù mới chấm dứt.
• Người ta cũng nại luật để thi hành ức hiếp những người cô thế, cô thân không có khả năng để phản kháng chống cự. Mạnh được yếu thua vẫn nhan nhản xảy ra nơi chúng ta đang sống.
• Con người vẫn cứ mãi bị cuốn vô những luật do chính mình đưa ra và hành hạ lẫn nhau. Đức Giêsu nhắc lại không phải để cổ võ nhưng để lên án và mời gọi con người sống giới luật yêu thương.
Tôi có thấy mình là con người hành xử theo luật? Tôi sẽ sống luật yêu thương của Chúa cụ thể như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống đúng theo luật của Chúa.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 3: ĐỪNG NGOẢNH MẶT LÀM NGƠ
Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ đừng gây thù chuốc oán với ai, cũng đừng ngoảnh mặt làm ngơ khi có ai cần giúp đỡ. Chúa Giêsu khi nói điều này thì chính Ngài đã sống như vậy. Ngài bị kết án bất công và chết đau thương trên thập giá mà chưa bao giờ thốt ra một lời oán trách, than vãn hay kết án ai. Ngài chưa bao giờ từ chối những ai thành tâm tìm kiếm sự giúp đỡ nơi Ngài. Ngài không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi đau của người khác. Ngài sẵn sàng chấp nhận đón lấy mọi đau khổ về mình hơn là để cho người khác đau khổ vì mình.
Chúng ta thường hơn thua với nhau trong từng lời nói, bắt bẻ nhau trong từng hành động nhỏ nhất. Từ đó dễ đưa đến những bất hòa và mất bình an cho bản thân và người khác. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu nhường nhịn người khác và quảng đại cho đi mà không tính toán. Chính Thiên Chúa sẽ bảo vệ và ban lại cho chúng ta mọi sự mà thế gian hay ai đó đã đối xử bất công với mình.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim hiền hòa và nhân hậu để chúng con đem lại niềm vui và sự hòa thuận cho mọi người xung quanh. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
Chúa Giêsu khẳng định: “Ta đến để kiện toàn lề luật và các tiên tri”.  Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời gian, nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải thích sai lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn. 
Trong những đoạn Tin mừng trước, Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã kiện toàn khá nhiều luật như: luật giết người, luật đơn hôn và vĩnh hôn, luật thề hứa…tiếp tục hôm nay là luật báo oán.
Theo lẽ công bằng thì: “hòn đá ném đi, thì hoàn chì ném lại; hay bánh ếch đi thì bánh quy lại”…đã trở thành nguyên tắc và lẽ sống tự nhiên trong xã hội.
Trong sách Lêvi cũng dạy rằng: “người nào đả thương đến sinh mạng người khác tất phải chết, người nào gây thương tích cho người khác, nó đã làm sao thì người ta sẽ làm cho nó như vậy: gãy đền gãy, mắt đến mắt, răng đền răng.” (Lv 24, 17-20).
Nhưng đối với tinh thần Kitô giáo, cách hành xử với nhau không chỉ dựa trên lẽ công bằng mà còn phải được đặt trên nền tảng của bác ái nữa. Vì thế, nếu trả thù theo lẽ công bằng thì tiếp tục gây thêm oán thù chồng chất “oán báo oán, oán chồng chất”. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bao dung và tha thứ cho nhau. Chẳng những tha thứ mà còn tích cực làm ơn cho những ai làm hại chúng ta nữa vì “lấy ơn trả oán, oán tiêu tan”.
Tha thứ cho những ai làm tổn thương ta đã là khó, làm ơn cho kẻ hại ta quả là điều không dễ chút nào với sức tự nhiên của con người. Nhưng đó lại là điều có thể với ơn ban của Chúa.
Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta, để ta đủ can đảm thi hành điều Chúa chỉ dạy là tha thứ và làm ơn cho hết mọi người, nhất là những ai gây đau khổ cho chúng ta.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5: ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN NHƯ THIÊN CHÚA MUỐN
Trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) là một đòi hỏi có tính triệt để. Đây không phải là một sự so sánh hầu có thể nói con người có khả năng hoàn thiện như Thiên Chúa, nhưng là một lời mời lên đường tìm kiếm lại dung mạo con người buổi ban đầu “mang hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1,27). Trở về với “hình ảnh Thiên Chúa” cũng có nghĩa là trở về phận vị những con người tốt đẹp không biết đến sự xấu xa và loại trừ, nhưng đón nhận nhau như anh chị em trong nhà của Thiên Chúa.
Trước mặt Thiên Chúa không có sự khác biệt giữa người thân cận với kẻ thù. Cả hai đều là những người đón nhận ân huệ của Ngài cách dồi dào. Xatan và đồng lõa của nó là “kẻ thù” của Thiên Chúa. Giả như Thiên Chúa nhìn vào chúng ta không bằng ánh mắt của người Cha nhìn vào đứa con thì hẳn nhiên chúng ta là kẻ thù của Ngài vì chúng ta đã phạm tội khi thỏa hiệp với Xatan. Khi đồng bàn với phường thu thuế, tội lỗi và gái điếm (x.Lc 15,2), Đức Giêsu đã không coi họ như những kẻ xấu xa nhưng coi họ như những nạn nhân bị khinh bỉ, ruồng bỏ bên lề xã hội cần được cứu chữa. Ngài đã hòa mình với họ không phải trong cái xấu nhưng là sự đồng cảm trong nỗi đau thương của kẻ bị người đời xa lánh. Chính Ngài đã mang Nước Thiên Chúa và sự công bình của Thiên Chúa vào giữa thế gian, để nơi đó không còn ai bị loại trừ và sự thù ghét cũng tiêu tan.
Nên hoàn thiện, vì thế, là cố gắng có được cung cách đón nhận người khác bằng con tim Thiên Chúa, và nhìn “kẻ thù” như thể Thiên Chúa nhìn họ. Muốn vậy trước hết phải nhận ra mình đã được Ngài đón nhận và nhìn chúng ta bằng ánh mắt của người Cha. Một khi không nhìn người khác như kẻ thù, chúng ta sẽ thấy anh em trong nhau.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn anh chị em bằng con mắt yêu thương vô điều kiện của Chúa, để mỗi ngày con trở nên hoàn thiện như Chúa muốn.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD
SUY NIỆM 6: GIA TĂNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THA THỨ
Kết thúc “Bài giảng trên núi”, căn tính của Ki-tô hữu là muối, là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giê-su dạy các môn đệ về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: “Các con đã nghe bảo… Còn Thầy, Thầy bảo các con “. Vậy nghe bảo gì? Giáo huấn của Chúa Giê-su cho các môn đệ mình ra làm sao?
Khi Chúa Giê-su trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng về trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước “Mắt đền mắt, răng đền răng ” (Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời La-mã, bởi La-mã đã từng nói với vợ: “Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! ” (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác” (Mt 5, 39).
Theo Chúa Giê-su, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng. “Đưa má bên kia cho nó nữa” là xây đắp tình hiệp thông anh em, giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động như thế sẽ phá tan bạo lực.
Chúa Giê-su yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Cho nó cả áo choàngđi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. “Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ ” (Mt 5, 44). Tình yêu là điều vĩ đại, thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 7: YÊU VÀ SỐNG
Khi đạo Công Giáo mới được loan báo trên quê hương Nước Việt, cha ông chúng ta đã mau mắn đón nhận Tin Mừng và sống những giá trị Tin Mừng ấy rất sống động. Một trong những điểm sáng mà tổ tiên chúng ta đã sống đó là “tình yêu thương”. Khi sống như thế, nhiều người không phải là Kitô hữu, họ đã không hiểu được các ngài theo đạo gì, vì thế, họ không ngần ngại đặt cho tôn giáo mới này là: “Đạo Yêu Nhau”.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học yêu thương. Yêu thương thì không oán hờn; không tính toán thiệt hơn; yêu thương thì không có khái niệm trả thù mà sẽ tha thứ không chỉ bẩy lần, mà bẩy mươi lần bẩy, tức là không có giới hạn.
Trong thực tế hôm nay, nhiều người Công Giáo không dám sống căn tính của mình là yêu thương. Bởi vì khi yêu thương như Chúa đòi hỏi, thì họ phải trả giá bằng chính sự thiệt thòi, ức hiếp, bóc lột, coi thường, khinh khi…, vì thế, không thiếu gì hình ảnh những người Công Giáo cũng “ga lăng” chẳng kém gì ai! Đây đó vẫn có những người Công Giáo sống kiểu “đàn anh đàn chị!”.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên “thánh thật” chứ không chỉ làm thánh “lâm thời”. Muốn trở nên “thánh thật” thì phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau thật lòng, dầu có phải thiệt thòi đôi chút. Chấp nhận đau khổ, hiểu lầm vì mối lợi lớn hơn là được biết Chúa và được Chúa yêu thương. Sẵn sàng đi trên con đường tình yêu được chứng minh bằng việc đón nhận thập giá trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, để qua đó, chúng ta có sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy khó quá đối với con người yếu đuối, ích kỷ của chúng con! Nhưng chúng con tin Lời Chúa có sức mạnh biến đổi. Xin Chúa thánh hóa chúng con, để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn khi biết quảng đại, bao dung và vô vị lợi như Chúa. Amen.
Giuse Vinh-sơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 8:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Cựu Ước và luật Tân Ước, luật bó buộc và luật Tin Mừng, luật nguyên nghĩa và luật kiện toàn, luật Do Thái giáo và luật Kitô giáo, luật công bằng giao hoán và luật tha thứ, luật đền ơn trả oán và luật yêu thương…
Và Chúa Giêsu muốn xác định rõ ràng, chọn công chính theo luật hay chọn hoàn thiện theo Tin Mừng? Chọn theo luật dạy hay chọn theo Thầy dạy?
 
  • Luật dạy: Mắt đền mắt, răng đền răng.
Sách Đệ Nhị Luật dạy rằng: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,21 // Ds 35,9).
Có thể nói, luật này trong Cựu Ước hợp với bối cảnh mà người Do-thái phải đoàn kết bảo vệ dân tộc mình. Nó giữ cho việc trả thù vừa mức “đong đấu nào thì phải được đong lại bằng đấu ấy”, nhắc nhở cho các thẩm phán, và ngay cả cộng đồng xã hội thời bấy giờ bổn phận phải bảo vệ các thành viên khỏi tay những kẻ mạnh hay uy hiếp người yếu thế.
Khoản luật “mắt đền mắt, răng đền răng” là điều luật hình sự về sự công bằng không chỉ riêng người Do-thái mà còn cả trong thế giới người xưa. Luật báo thù dự kiến kẻ gây hấn sẽ bị đối xử tương xứng với điều thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân, giúp trấn áp tội phạm, buộc con người vào trong một trách nhiệm và sợ hãi trước sự nghiêm minh của việc mạng thế mạng, nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nỗi sự hận thù và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt để giảm bớt sự giết hại đồng loại. Tiến triển theo thời gian, người ta có thể thay thế việc đền mạng bằng tiền của vật chất… và trong Do Thái Giáo cũng đã có những lời khuyên là không cần phải báo thù mà hãy dành sự báo thù cho Đức Chúa (x.Cn 20,22).
 
  • Thầy dạy: Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra cho họ vả luôn…
Chúa Giê-su còn đi xa hơn các bậc hiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải lấy yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng con người. Người chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Người đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù. 
Nghĩa là, từ trả thù Chúa mời gọi tha thứ, từ cái lý Chúa muốn có cái tình, từ việc xin Thiên Chúa trả thù, thì Chúa Giê-su cầu nguyện cho kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”…
“Dung mạo TC giàu lòng Thương Xót” là mọi người như con một cha, khi đứa em đến tố với cha mình và xin cha đánh thằng anh vì nó đã đánh em, người cha không đánh đứa anh mà trái lại chỉ làm cho hai đứa làm hòa và yêu thương nhau.
Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.
 
Tóm lại: “Mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đồ Chúa khi ta yêu thương nhau, nghĩa là “đồng phục” của chúng ta chính là yêu thương và tha thứ.. Nếu chúng ta không biết yêu thương tha thứ, thì chúng ta phản chứng, chúng ta đang xé nát cái áo ki-tô, để rồi thay vì làm cho Giáo hội Chúa Ki-tô xinh đẹp mỹ miều không vết nhăn, thì lại làm cho Giáo hội nên trần trụi và đáng xấu hổ với nhân loại này.
 
Lạy Chúa Giê-su, giới luậy yêu thương của Chúa muốn chúng con phải vượt lên cả những quy tắc công bằng vay trả của nhân loại, bởi vì nếu chúng con theo Chúa mà cũng xử sự “mạng đền mạng” thì chúng con cũng chẳng hơn gì người đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà tha thứ cho những người đã hại đến chúng con, như Chúa đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Chúa. Amen.
Lm. Hiền Lâm
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây