SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 6,7-15
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
7Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
SUY NIỆM 1: CẦU NGUYỆN ĐỂ Ý CHA THỂ HIỆN
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cầu nguyện như thế nào để đẹp lòng Chúa Cha. Lời cầu nguyện là lời nói phát xuất từ đáy lòng đơn sơ và chân thật. Do đó, lời cầu nguyện không cần phải nói dài dòng, hoa mỹ, rào trước đón sau, nhưng có sao nói vậy với tất cả con người khiêm nhường và phó thác. Lời kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa vì mọi sự đều quy hướng về Ngài và dựa trên nền tảng là lòng mến Chúa yêu người.
Kinh Lạy Cha là lời kinh quen thuộc mà chúng ta đọc hằng ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc như một thói quen, thì lời kinh ấy chưa thật sự đi vào cuộc đời mình. Điều quan trọng là sống những gì mà lời kinh đó đề cập đến. Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không phải là lời cầu nguyện hay mà là một đời sống đẹp. Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta cứ thẳng thắn trình bày với Chúa mọi vấn đề của bản thân, nhưng kết thúc lời cầu nguyện là sự phó thác cho thánh ý của Chúa được thể hiện trên cuộc đời mình.
Lạy Chúa, chúng con tin chắc rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Trước khi chúng con cầu xin điều gì thì Chúa đã biết. Hơn nữa, Chúa là người cha nhân hậu nên chẳng từ chối bất cứ điều gì tốt cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tin tưởng và phó thác cả cuộc đời trong bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 2: CẦU NGUYỆN
Con người cần nước, lương thực phẩm để nuôi dưỡng thể chất trong đời sống thường ngày như thế nào, thì đối với người Kitô hữu, cầu nguyện cũng là thứ lương thực thiết yếu không thể thiếu để nuôi dưỡng đời sống tâm linh như thế.
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cách thức cầu nguyện. Người dạy các ông hãy thưa vắn tắt với Chúa là Thiên Chúa, đừng dài dòng nhiều lời như những người kinh sư và luật sĩ, vì Cha trên trời biết các ông cần gì và muốn gì rồi. Người không dạy các ông cách cầu nguyện cầu kỳ hoa mỹ nhưng Người dạy các ông cầu nguyện bằng kinh “lạy Cha”, một kinh hết sức đơn giản nhưng thật sâu sắc.
Qua lời kinh “lạy Cha” mà chúa Giêsu đã dạy, chúng ta cảm nhận được mối dây thân thiết tình cha con với Thiên Chúa, cũng như cảm nghiệm hạnh phúc được làm con Thiên Chúa. Khi đọc kinh “lạy Cha”, chúng ta bày tỏ một niềm tin son sắt vào Thiên Chúa yêu thương gần gũi như một người cha đang ở cùng chúng ta. Đồng thời, chúng ta còn tín thác vào sự tha thứ của Thiên Chúa để từ đó chúng ta cũng có thể thể hiện lòng quảng đại tha thứ của chúng ta đối với tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, cầu nguyện là thần dược liên kết mật thiết chúng con với Chúa, và là lương thực, nguồn sống vĩnh hằng để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD
SUY NIỆM 3:
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:
1. Khi cầu nguyện không cần nhiều lời: lý do là Chúa Cha biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta nói ra.
Mẹ Têrêsa nói: "Cầu nguyện không là xin xỏ, nhưng là trao thân gửi phận nơi bàn tay Thiên Chúa, để Ngài định liệu. Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Ngài từ sâu thẳm tấm lòng chúng ta."
Mẹ Têrêsa khuyên các nữ tu của Mẹ "Hãy yêu mến việc cầu nguyện".
Hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để có thể được ân sủng của Chúa.
Đức Cha Tihamer Toth kể:
Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi hỏi lý do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi:
- Tại sao thầy buồn thế?
- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói: Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?
- Thì con cũng thế thôi .
Hãy cầu nguyện để có thể hiểu Chúa đã yêu thương chúng ta thế nào, và để ta cũng có thể yêu thương kẻ khác giống như vậy.
2. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.
Đã nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại.
Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiểu việc cầu nguyện với Chúa như thế nào.
Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì? Sau đây là một số câu trả lời:
Thánh Ignatiô Loyola nói: "Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa, xin Ngài an ủi và khuyên bảo".
Còn thánh Phanxicô Xaviê trả lời: Có khi tôi thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa".
Vua Louis IX của nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh:
- Tại sao bệ hạ thích dự Thánh lễ hơn là nghe giảng?
- Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.
Trong tác phẩm: "Năm chiếc bánh và hai con cá" Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trang 21 có kể câu chuyện sau đây: Câu chuyện về ông già Jim.
- Mỗi ngày cứ vào lúc 12 giờ trưa, ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Sự việc đó làm ông từ giữ nhà thờ rất thắc mắc nên theo dõi. Rồi một hôm ông từ mạnh dạn chặn ông Jim lại và hỏi:
- Ngày nào ông cũng vào nhà thờ làm gì vậy?
- Tôi đến để cầu nguyện.
- Không thể được! Cầu nguyện gì chỉ trong 2 phút?
- Tôi vừa già, vừa dốt. Tôi cầu nguyện theo kiểu của tôi!
- Ông nói gì với Chúa?
- Tôi cầu nguyện: "Giêsu, có Jim đây!" rồi tôi về.
Vâng! Đó là lời cầu nguyện thật đơn sơ nhưng thật cảm động.
Và đây câu chuyện ông lão nhà quê được kể lại trong hạnh thánh Gioan Maria Vianney.
Hàng ngày ngồi ở tòa giải tội, cha sở họ Ars luôn nhìn thấy một ông lão ghé vào nhà thờ mỗi chiều sau khi đã lam lũ suốt ngày ngoài đồng. Ông luôn quì ở hàng ghế ấy. Quì một chút rồi ông lại lặng lẽ đi ra, y như lúc ông vào. Một hôm, ngài gọi ông lại và hỏi:
- Ông ơi, chiều nào tôi cũng thấy ông ghé nhà thờ, quì nguyên một chỗ, ngày nào cũng vậy, mà không thấy miệng ông mấp máy đọc kinh gì cả. Ông quì đó làm gì vậy?
Ông lão tủm tỉm trả lời:
- Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con, rồi ra về.
Đây là lời cầu nguyện của thánh Augustinô.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con biết con,
Xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
Quên đi chính bản thân,
Yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
Biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
Tất cả những gì xảy đến cho con
Và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con luôn yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con luôn được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. (Thánh Augustinô).
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 1 trong 3 đạo đức không thể thiếu được của người môn đệ Chúa. Đó là cầu nguyện.
Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn và là lương thực nuôi sống đức tin. Tất cả các tôn giáo đều đề cao việc cầu nguyện, bởi vì đó là cách thức tốt nhất để tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, nhờ đó ta dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói; cũng như múc lấy sức mạnh thần thiêng Chúa ban, nhờ đó đức tin ta thêm vững mạnh.
Trong bài tin mừng hôm nay, ngoài việc Chúa cho các môn đệ biết nội dung phải cầu nguyện như thế nào, Ngài còn nhấn mạnh đến hai điều quan trọng khi cầu nguyện cần phải có.
– 1 là không nên lãi nhãi nhiều lời khi cầu nguyện. Bởi vì Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương nên Ngài thấu hiểu mọi nhu cầu cần thiết của ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì tốt nhất.
– 2 là phải loại trừ khỏi tâm trí mình mọi ý tưởng hận thù thay vào đó là tấm lòng bao dung tha thứ. Bởi có tha thứ cho tha nhân thì ta mới xứng đáng được Chúa tha thứ. Mà tha thứ chính là hoa trái của đức tin và đỉnh cao của lòng thương xót.
Nếu cầu nguyện để nuôi sống và cũng cố đức tin, thì tha thứ chính là hành động cụ thể để thể hiện đức tin ấy. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để củng cố đức tin thêm vững mạnh, nhờ đó ta dễ dàng biết tha thứ cho nhau.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5: KINH LẠY CHA
Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin". Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện.
Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.
Chúng ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6:
Cầu nguyện là hơi thở, là sức sống của người Kitô hữu. Cầu nguyện rất cần thiết cho mỗi người.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện. Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài chỉ cho các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Trong Kinh Lạy Cha, là bản tóm lược những lời cầu nguyện giúp con người hướng tâm hồn lên với Chúa Cha, cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Khi cầu nguyện, người tín hữu phụng thờ Thiên Chúa, tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen, và cảm tạ Người vì Người hằng yêu thương ta.
Nhiều khi con người dễ hoài nghi về Thiên Chúa: Tại sao Thiên Chúa sống xa cách con người như thế? Ngài có thương yêu loài người không? Ngài có nhìn xem những thống khổ của con người dưới thế này chăng? Ngài có lắng nghe lời van xin của ta hay không? Dựa vào lời dạy của Kinh Lạy Cha, xác dịnh cho con người rằng: Thiên Chúa không ở xa, mà luôn hiện diện, ở gần, ở bên và đồng hành với con người ở mọi nơi, mọi lúc. Qua lời cầu nguyện, con người nối kết với Cha trên trời, là Đấng giàu lòng nhân từ và thương xót, sẵn sàng lắng nghe lời cầu khẩn của con người.
Nhiều người cứ nghĩ rằng cầu nguyện là cầu xin cho mình những gì cần thiết, những nhu cầu trong cuộc sống; cầu nguyện là phải nói nhiều lời mới mong Chúa nhậm lời, ban ơn. Chúa Giêsu chẳng dạy ta hay sao: “Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin.” Có thể Chúa không cho ta được những gì ta cầu nguyện, nhưng Ngài lại cho ta nhiều điều tốt đẹp hơn cả những ước mong của ta nữa.
Cầu nguyện với tâm tình tin tưởng, phó thác. Cầu nguyện với lòng chân thành, khiêm tốn. Cầu xin những điều phù hợp với ý của Chúa hơn là ý mình.
Noi gương Chúa Giêsu cầu nguyện đêm ngày cùng Chúa Cha, nhất là trong những biến cố quan trọng. Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện để lãnh ý Cha và làm theo ý Cha.
Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng, phó thác và tình thương và sự quan phòng của Cha trên trời, vì Ngài luôn yêu thương và sẵn sàng nhận lời chúng ta cầu xin.
Nhờ Chúa Giêsu chuyển cầu, nhờ lời Đức Mẹ, Thánh cả Giuse và các Thánh, xin Chúa nhận lời con cái Chúa cầu xin.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong Hội Thánh và từng người tín hữu làm cho Danh Cha tỏa rạng, Nước Cha hiển trị, và ý Cha thể hiện toàn vẹn trên trời dưới đất. Xin cho con biết cộng tác với Hội Thánh để làm vinh danh Cha, cho Nước Cha được mở rộng. Xin cho con biết năng cầu nguyện với tâm tình tin yêu và phó thác.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi mỗi người tín hữu cầu nguyện với lòng chân thành, tin tưởng và phó thác vào Cha trên trời. Xin Chúa ban cho các gia đình, có những nhu cầu cần thiết về thể xác và tinh thần của họ. Xin Chúa ban cho các gia đình đang gặp khó khăn thiếu thốn, được Chúa ban ơn, và được mọi người giúp đỡ, ủi an.
Lạy Cha, trong cuộc sống hằng ngày, con gặp nhiều thử thách, nhiều cám dỗ; có những lúc ngã lòng, nhụt chí, sợ hãi, buồn chán! Xin Cha sai Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn, soi sáng để con bước đi trên con đường công chính, sống thánh thiện và làm đẹp lòng Cha.
Lạy Cha, con xin phó thác cuộc đời chúng con vào tình thương của Cha, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lm. Duy Khang