SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 13/06/2024 22:16
SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5,33-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: ‘Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa’.
34 Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa;
35 đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; 36 cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được.
37 Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.

SUY NIỆM 1: SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CÁI CHÚA
Có lẽ ít nhiều anh chị em cũng nhận thấy điều này, đó là, chưa bao giờ con người lại đề phòng nhau đến mức cao độ như ngày hôm nay: Bạn bè đồng nghiệp cũng thế, hàng xóm láng giềng cũng vậy, và ngay cả những người máu m ruột thịt trong cùng một nhà mà cũng đề phòng lẫn nhau. Lý do tại sao?
Lý do là ngày hôm nay sự dối trá đã lừa phỉnh tâm hồn chúng ta khiến mỗi người mất lòng tin vào nhau, mà “một lần thất tín thì vạn lần bất tin”. Nguyên nhân còn nằm ở chỗ là có quá nhiều người bị lừa gạt bởi nền kinh tế tiếp thị, nói rất hay nhưng may thì ít mà rủi thì nhiều, khiến người ta sợ đến nỗi không còn dám tin tưởng ai ngoài bản thân mình. Để rồi ta mới thấy lời căn dặn của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay quả thật rất cần thiết cho người tín hữu chúng ta: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỉ”.
Ở đời thường quan niệm như thế này thưa anh chị em: Người ta kính trọng những người không nói mà làm, người ta nể phục những người nói được làm được; nhưng người ta sợ, thậm chí là coi thường những người nói một đường mà làm một nẻo. Đó là lối sống theo kiểu “miệng lưỡi đỡ chân tay”, nói thì hay nhưng chẳng bao giờ động ngón tay vào. Có những người việc to việc nhỏ, việc trong xứ việc ngoài đường, cái gì cũng nói, cái gì cũng góp ý, nhưng khi bắt đầu làm lại biến mất tăm.
Đó là lối sống của người đời thưa anh chị em. Thiên Chúa muốn chúng ta là những ki-tô hữu hãy sống thật với Chúa, sống thật với chính mình và sống thật với nhau. Không ai bắt chúng ta nói, cũng không ai bắt chúng ta hứa, mà cũng chẳng ai bắt chúng ta làm; nhưng đã nói được là phải làm được. Còn không làm được thì im lặng để cho người khác làm. Rồi lại có những người hứa thật nhiều rồi cũng thất hứa thật nhiều: Với Giáo Hội và giáo xứ hứa cũng giỏi, với vợ với chồng hứa cũng giỏi, với cha với mẹ hứa cũng giỏi… rồi cuối cùng chính mình hạ thấp thanh danh của chính mình.
Tóm lại lời Chúa hôm nay dặn mỗi người chúng ta 3 điều này: Thứ nhất, là người Công giáo thì hãy sống thật với Chúa. sống thật với chính mình và với nhau. Thứ hai, là người Công giáo, cái gì có thì nói có, không thì nói không; đừng thêm thắt bịa đặt gây mất tình hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ. Và thứ ba, là người Công giáo thì hứa lời phải giữ lấy lời, bằng không đừng hứa để đời họ khinh. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
Trong những pho truyện cười, ít nhiều người ta tìm thấy những khác biệt văn hoá, chẳng hạn thái độ gật đầu để tỏ ý đồng thuận của nhiều nét văn hoá có thể lại là một dấu chỉ về sự “bất tán thành” trong một nét văn hoá nào đó. Trong luật bất thành văn của nguyên tắc đi đường, ở Pháp, khi mình nhá đèn xe ôtô là một dấu hiệu báo cho xe ngược chiều biết mình cho phép họ đi trước; nhưng ở Việt Nam, nhá đèn như thế hiểu là để tôi đi qua trước đã. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến cái “có”, cái “không” trong ngôn từ mà Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ và đám đông tụ tập quanh Người trên núi cao, nó gợi ra sự tương phản giữa phong tục Dothái đương thời với giáo huấn của Đức Kitô. Bài Tin Mừng được chia thành hai đoạn:
Đoạn thứ nhất, Mt 5,33-34a, nói đến lời thề và lời hứa. Trong Cựu Ước, lời thề hứa được nói đến trong nhiều đoạn văn (Xh 20,7; Lv 19,12; Ds 30,3; ...). Luật Cựu Ước, được nói đến trong các bản văn đơn cử, cấm người ta dùng Danh Đức Chuá mà thề. Cho dù hành vi thề hứa vốn thuộc về lời hứa tự nguyện của mỗi người, mang chiều kích tôn giáo. Nếu có chăng một lời thề hứa nhân danh Đức Chuá, phải chăng lời đó để củng cố một sự thật trong tương quan giữa con người với con người? Phải chăng con người có thể dung Danh Thánh để củng cố lời nói của mình, để nguời khác tin hơn? Vấn đề thực chất không hẳn là điều này.
Đoạn thứ hai (Mt 5,34b-37) là lời giải thích trong Luật Mới. Giáo huấn của Đức Giêsu hệ tại ở tính xác thực của lời: Sự thật phải phát xuất từ cõi lòng thiện hảo của con người, “có thì nói có, không thì nói không”. Trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu mà chúng ta được nghe từ những ngày hôm nay, tiếp theo bài giảng trên núi, chúng ta thấy điểm nhấn của sứ điệp: Cõi lòng thanh khiết là điều Đức Giêsu dạy các môn đệ và đám đông. Những gì luật cũ giải thích về hành vi thanh sạch (được nói đến trước đó) không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài, nhưng phát xuất từ cõi lòng của con người. Sự thiện bắt nguồn từ đó, và xét đến cùng, đó là từ Đức Chuá, Đấng ban phát sự thiện hảo cho con người. Thái độ của con người, một khi phát xuất từ tâm thiện, sẽ định hướng và điều chỉnh hành vi của họ, sao cho hợp với Thánh Ý của Đức Chuá.
Sự hoàn thiện mà người Kitô hữu cần phải theo đuổi chính là đây: thanh luyện cõi lòng, để cái tâm nên thiện, và từ đó mà hành vi của mình cũng sáng. Đây là một thách đố lớn, nhất là trong một bối cảnh xã hội rất ư là phức tạp như thời đại của chúng ta. Điều này nhắc mỗi người Kitô hữu lời dạy của Đức Giêsu: Khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt 10,16b). Cái khôn này giúp ta tránh sự xấu, và cái đơn sơ giúp ta nên tinh ròng ngày một hơn, trong tâm hồn và cả trong hành vi, trước nhan Thiên Chuá.
Lm. Hữu Cường O.P

SUY NIỆM 3: SỐNG THẬT
Hôm nay Chúa Giê-su dạy về sự trung thực trong lời nói. Điều cốt yếu của lời nói là sự trung thực: “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Và một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.
Trong một xã hội dối trá lừa đảo đã trở thành lẽ thường, thì sự trung thực quả là quí giá. Phải chăng nhiều người Ki-tô hữu đã cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác là được.
Chúa Giê-su không chấp nhận bất cứ luật trừ nào trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra”, nghĩa là không được nói hai ý, úp mở hai lòng, ương ương dở dở. Có những câu nói, có những sự thật nói ra sợ mất lòng, nên có người tìm cách để rồi bớt xén, thêm hoa lá cành, thành thử cuối cùng cũng ra nói dối. Lỗi về sự trung thực không chỉ là nói dối, vu khống, hứa mà không làm, nói đúng mà lại không sống đúng… mà còn là nói lệch đi một chút: thêm bớt một chút sự thật. Hãy nhớ trong vườn địa đàng, ma quỉ cám dỗ ông bà Adam – Eva bằng một sự thật được sửa đi một chút.
Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật. Nói dối ngược hẳn lại với bản tính Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng. Người tôn trọng phẩm giá của mình đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền tảng luân lý nào.
Đón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Ki-tô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tuỳ thuộc ở mức độ trung thực của họ. Sự trung thực không chỉ ở lời nói, nhưng bản sắc của người Ki-tô hữu có được thể hiện hay không là tuỳ thuộc ở suốt cuộc sống của họ. Họ có sống đúng với những lời chân thực họ đã rao giảng hay không. Niềm tin của người Ki-tô hữu có khả tín hay không là tuỳ họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống hay không.
Chúa Giê-su đã sống đến cùng những lời rao giảng của Ngài. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết trên thập giá của Ngài cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Ki-tô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ miệng, mà còn những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta ơn can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài bằng chính cuộc sống chân thực của chúng ta.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
SUY NIỆM 4: KHÔNG ĐƯỢC THỀ
Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: “Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giê-su lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả […]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giê-su cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.
Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!
Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.
Lạy Chúa Giê-su, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
Giu-se Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: CÓ THÌ NÓI CÓ
Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói ghét thành yêu.
Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui)

SUY NIỆM 6: ĐỪNG THỀ THỐT
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thấy có nhiều người hay thề thốt chuyện này chuyện kia. Ngay từ khi có trí khôn, nhiều lần tôi tự hỏi: Tại sao họ lại phải thề thốt như thế? Họ thề thốt để làm gì?
Dần dần tôi khám phá ra rằng người ta thề thốt để tăng độ tin cậy vì con người hay dối lừa nhau. Khi sự gian dối nhau  phổ biến trong xã hội: từ cấp trên đến cấp dưới, từ trong nhà ra ngoài phố, từ trong lòng ra ngoài môi miệng. Mọi mối tương quan đều có thể ẩn chứa sự gian dối. Dối trá đã trở thành một căn bệnh trong xã hội. khi người người nghi ngờ lẫn nhau, người ta mới thề thốt để đảm bảo cho lời nói và việc làm của mình là thành thật. Và để cho lời nói của mình thật đáng tin cậy, người ta không ngần ngại nại đến thần thánh để thề thốt, vì nếu không giữ lời thề họ sẽ bị các thần thánh trách phạt.
Từ xa xưa có lẽ xã hội Do Thái cũng mắc phải căn bệnh gian dối, nên người Do Thái cũng đã có thói quen thề thốt, và khi thề thốt họ thường nại đến Thiên Chúa để minh chứng cho điều mình nói là sự thật. Trong Tin Mừng, chúng ta bắt gặp tình huống vua Hêrôđê Antipa đã thề hứa với cô con gái của bà Hêrôđia (Mt 14,7). Rồi chúng ta cũng bắt gặp tình huống thánh Phêrô đã chối Thầy Giêsu với những lời thề thốt (Mt 26,72.74), vì thánh nhân sợ người ta không tin lời ông nói.
Dù sống giữa muôn vàn sự gian dối, Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm này, đã dạy người môn đệ của Ngài sống thành thật, không gian dối, không thề thốt để biện minh cho lời nói của mình. Bởi vì công dân của Nước Trời là công dân của sự thật: “‘có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì nói ‘không’”; còn ai sống trong gian dối, xảo trả là con cái của ma quỷ, của sự dữ, chứ không phải là con cái của Nước Trời. Cho nên lời thề thốt không có giá trị trong Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa, giữa một xã hội mà hầu như ai ai cũng đều nói dối nên lòng tin giữa người với người bị xuống cấp trầm trọng, xin cho người Kitô hữu chúng con kiên vững và hiên ngang sống theo sự thật.
Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây