SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 17/06/2024 02:27
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
Mt 5,43-48

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.
46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?
47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

SUY NIỆM 1: YÊU KẺ THÙ
Yêu kẻ thù. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quý. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quý trọng. Gặp người xấu thì ta tránh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động. Vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu. Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Người chỉ có yêu thương. Như mặt trời. Như cơn mưa. Không phân biệt.
Chính vì thế Chúa luôn tha thứ. Luôn chạnh lòng thương. A-kháp phạm tội tầy đình. Nhưng khi nghe Chúa tuyên án, ông khóc lóc ăn năn. Chúa liền tha thứ. “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mỉnha, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Tít-be rằng: “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không?...nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó”. Quả thật là tình yêu nguyên tuyền. Chỉ có yêu thương (năm chẵn).
Thánh Phao-lô khen ngợi tín hữu Ma-kê-đô-ni-a. Vì họ đã có tình yêu của Chúa. Trong mọi gian nan thử thách họ vẫn vui tươi. Vì họ có Chúa ở cùng. “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh”. Yêu thương. Quảng đại. Họ đã nên hoàn thiện như Cha trên trời.
Thánh Phao-lô dùng tấm gương đó mà khích lệ tín hữu Cô-rin-tô. Và cả chúng ta nữa. Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Có Chúa trong ta sẽ có tình yêu trong ta. Có tình yêu ta sẽ tràn đầy niềm vui. Và tình yêu sẽ lan toả đến khắp mọi người. Kể cả kẻ thù. Vì bấy giờ tim ta không có gì khác ngoài tình yêu. Nó không còn bị qui định bởi đối tượng bên ngoài. Chỉ biết toả lan tình yêu. Như Chúa Giê-su “Chúa chúng ta,…Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (năm lẻ).
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Bài Tin mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta nhớ và mời gọi chúng ta chỉ duy nhất mt điều này, đó là mỗi người hãy sống đức ái Ki-tô giáo sao cho thật đẹp. Và Chúa Giêsu cho biết, nét đẹp đặc thù của tình yêu Ki-tô giáo là “yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho cả những ai xúc phạm đến mình”. Có ai làm được điều đó chưa anh chị em? Chúa chúng ta đã làm được.
Cuộc đời của Chúa Giêsu đã đối diện với quá nhiều bất công và oan ức: Người ta tìm mọi cách để vu oan giá họa cho Ngài, họ bày kế lập mưu để đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết; rồi trên đoạn đường từ Giêrusalem đến đồi Gôn-gô-tha, người ta đã cười nhạo, sỉ vả, khạc nhổ, lột áo, đánh đòn, và sau cùng là đóng đinh Ngài vào thập giá, nhưng Chúa Giêsu vẫn không một lời oán trách, và Ngài còn cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Không nói đâu xa, ngay chính bản thân mỗi người chúng ta, chúng ta phải thành thật thú nhận rằng, có những lúc chúng ta làm cho Chúa buồn vì sự hờ hững ngui lạnh của chúng ta trong đời sống đạo; có những lúc chúng ta phản bội Chúa vì những lần mê tín dị đoan tin vào điều này điều nọ; và có những lần chúng ta xúc phạm đến Chúa khi chúng ta đang mang trọng tội mà lại rước Chúa vào lòng. Thế nhưng Chúa vẫn tha thứ cho ta tất cả.
Và Chúa muốn chúng ta yêu người như Chúa đã yêu ta. Tình yêu ấy phải vượt lên trên mức bình thường như thế.
Để minh chứng cho điều này, Chúa Giêsu đã đưa ra một lập luận hết sức chắc và đầy thuyết phục như sau: “Nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì chẳng có gì để tự hào cả”, bởi đó chỉ là một tình yêu sòng phẳng theo kiểu “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Và Chúa Giêsu cho biết thêm, “ngay cả những người ngoại giáo và những người tội lỗi vẫn làm được như thế”.
Tình yêu mà bấy lâu nay người ki-tô chúng ta được mời gọi và phải sống, đó là một tình yêu quảng đại: Yêu thương và cầu nguyện cho cả những người ghét bỏ mình và xúc phạm đến mình thưa anh chị em. Đó mới đúng là nét đẹp của tình yêu Ki-tô giáo.
Nói đến việc yêu người như Chúa yêu ta thì có lẽ nhiều người trong chúng ta phải đấm ngực nhiều lần về điều ấy. Bởi yêu tha nhân đã là khó, còn yêu cả kẻ thù thì không dễ chút nào phải không anh chị em? Tuy nhiên, khó chứ không phải là không thể. Chỉ cần chúng ta cố gắng cùng với ơn Chúa trợ giúp thì chúng ta sẽ làm được.
Nhỡ mt lúc nào đó anh chị em đang còn giận dỗi hay ghét bỏ mt ai đó mà cảm thấy mình không thể tha thứ được, thì anh chị em thử thực hiện theo tiến trình ba bước sau: Thứ nhất, đừng bao giờ nghĩ xấu nhưng hãy luôn luôn nghĩ tốt về họ; thứ hai, âm thầm cầu nguyện cho họ và cho cả chính mình, để xin Chúa biến đổi cả hai.; và thứ ba, chủ động làm hòa để đi đến một cuộc hòa giải.
Trước tiên anh chị em hãy thực hiện điều ấy với chính những người trong gia đình. Khi vợ với chồng hoặc cha mẹ với con cái bất thuận bất hòa, hay làm điều gì có lỗi với nhau, thì hãy làm theo lời Chúa Giêsu dạy hôm nay, đó là hãy “yêu thương và cầu nguyện” cho nhau. Rồi khi xui gia bạn hữu hay tình làng nghĩa xóm xảy ra mâu thuẫn, anh chị em cũng hãy bác ái và quảng đại với nhau, hãy “tha thứ và cầu nguyện” cho nhau. Cầu chúc anh chị em có một đời sống thấm đượm tình Chúa và ấm áp tình người. Amen.
Lm. Antôn

 SUY NIỆM 3:  HÃY TRỞ NÊN HOÀN THIỆN.
Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ hãy trở nên hoàn thiện như Chúa Cha bằng cách yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Sở dĩ Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải trở nên hoàn thiện như Chúa Cha, vì nếu các ông không hoàn thiện thì không thể ở cùng Chúa Cha được. Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện nên những ai muốn sống với Ngài đời đời đều phải nỗ lực đạt đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Sống giữa thế gian và mang lấy phận người yếu đuối, con người khó có thể đạt đến sự thánh thiện của Thiên Chúa ngay tại trần thế. Tuy nhiên, với sự cố gắng mỗi ngày và thời gian thanh luyện sau này, con người sẽ vươn đến sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Trước lời khuyên dạy của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có hai câu hỏi được đặt ra: (1) Sự hoàn thiện là gì? Sự hoàn thiện chính là sự thánh thiện hoàn toàn, nghĩa là những ai muốn hoàn toàn nên một với Chúa, sống đời đời với Chúa thì nơi người đó không có vết nhơ hay tì ố của tội lỗi. (2) Làm cách nào để đạt được sự hoàn thiện giống Thiên Chúa? Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy bắt chước Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt kẻ tốt hay kẻ xấu. Bởi vì nếu không yêu thương theo kiểu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có sự phân biệt đối xử giữa người này người kia, nhất là dễ nuôi trong mình sự thù hận với những ai chúng ta không thích hay kẻ hại mình, từ đó sẽ dễ gây nên tội ác. Như thế, chúng ta sẽ đánh mất sự thánh thiện nơi mình.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim đủ lớn, để có thể yêu thương hết mọi người như Chúa yêu họ. Xin đừng để trong trái tim của chúng con chứa đựng bất cứ điều gì xấu xa hay thù hận dù chỉ một chút, nhờ đó chúng con sẽ được trở nên hoàn thiện giống Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5:
Luật Cựu Ước chỉ giới hạn phải yêu thương những người thuộc bộ lạc thị tộc của mình, những người thân cận, làm ơn cho mình thôi. Nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu kiện toàn luật, khi dạy chúng ta phải yêu thương hết thảy mọi người yêu thương cả kẻ thù. Phải chăng Chúa Giêsu đang dạy chúng ta một điều không thể làm được? Vâng, thú thực điều răn này rất khó thi hành, vì nó ngược hẳn với tính tự nhiên của con người: yêu kẻ yêu mình và ghét kẻ hại mình.
Cho nên, nếu không có ơn siêu nhiên, không có động lực siêu nhiên thì chúng ta không thể yêu thương kẻ thù được.
Trong kì Đại Hội Quốc Tế Về Gia Đình lần thứ I, tại Rôma, năm 1994. Một cặp vợ chồng người Ba Tư tên là Hêđa và Măngtani đã làm chứng. Anh Hêđa nói: “Gia đình tôi đang trên bờ vực thẳm của sự tan vỡ và thù hận, không còn tìm đâu ra một dấu hiệu của lòng nhân hậu nhường nhịn. Tôi không tha thứ cho cô ấy, và cô ấy cùng không thể tha thứ cho tôi. Chuyện phải đến cũng đã đến; đường ai lấy đi.
Chị Măngtani cũng tiếp lời: Kính thưa quý vị , sống với một người chồng thô bạo, rượu chè và không bao giờ biết tha thứ, tôi đau khổ vô cùng, kéo dài thời gian chỉ chồng chất đau khổ đắng cay. Nên dù đã có 3 mặt con với nhau, tôi quyết định ly thân. Tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc trong phòng. Chồng tôi bước vào nói một câu độc ác: “cô lẹ lẹ lên kẻo trời nắng gắt đấy”. Câu nói như chế dầu vào lửa. Tôi thở hổn hể muốn đốp chát nhưng nghẹ họng, không nói ra lời, hai hàng nước mắt tuôn xối xả. Tôi bắm môi vội cuốn đồ đạc cá nhân ấn vào vali, bỗng một mẩu giấy vàng khè, trong sấp giấy tờ tuỳ thân rớt ra. Tôi lượm lên đọc giữa hai hàng nước mắt, dòng chữ như nhảy múa trước mặt tôi: “Hãy yêu thương thù, cầu nguyện và làm ơn cho nó” (Mt 5,44). Tôi đọc lại mấy lần câu Kinh Thánh tự tay tôi chép ra như một quyết tâm trong ngày rước lễ lần đầu, cách đây 20 năm. Tôi chạy lại bàn, uống một ly nước lạnh, lấy lại bình tĩnh và tự hỏi. Phải chăng giờ đây kẻ thù chính là ông chồng của tôi, người đã từng theo đuổi tôi cách say đắm, đã từng rót vào tai tôi biết bao lời thề thốt yêu thương, trớ trêu thay bây giờ lại trở thành kẻ thù mà Chúa bắt tôi phải yêu thương? Lời Chúa cứ xoáy vào tâm hồn tôi: “phải yêu kẻ thù”. Thế là tôi quyết định ở lại.
Lúc đó ông chồng tôi lại bước vào phòng và xỉ vả: “Sao cô chưa đi”. Tôi trả lời: “Tôi không đi đâu cả. Tôi quyết định ở lại. Anh hỏi chế diễu: Cô ở lại làm cái quái gì trong nhà này? Tôi vung tay hét lớn: để yêu một kẻ thù. Câu trả lời này làm ông chồng tôi há hốc miệng chẳng hiểu gì cả, và câu trả lời này đã làm tôi tốn bao nhiêu là nước mắt. Nhưng tôi quyết tâm thực thi Lời Chúa dạy và tin chắc Chúa sẽ nhận lời và nâng đỡ tôi. Từ hôm đó, mỗi buổi chiều, khi đi làm về tôi thường ghé vào nhà thờ viếng Chúa giây lát, xin Chúa giúp tôi, và rồi tôi như nhận được sức mạnh để sống quyết tâm trên. Nhờ ơn Chúa giúp, tôi có thể giả điếc làm ngơ không nghe những lời chồng diếc mắng, chửi bới mỗi khi lè nhè từ quán rượu về và tôi cũng không đốp chát lại như trước kia tôi vẫn làm. Tôi dọn cơm, pha cho anh ly nước chanh đặt trên bàn, rồi nhẹ nhàng rút lui.
Những ngày đầu đi về có lúc bực tức Hêđa xô đổ mâm cơm, nhưng tôi chẳng nói gì cứ thinh lặng chu toàn những việc bổn phận trong nhà. Thời gian sau, anh cũng trầm tĩnh lại, bớt ăn nói cộc cằn, bớt uống rượu. Đấy là những tín hiệu biến đổi đang diễn ra nơi anh và nơi tôi.
Kính thưa quý vị, việc gia đình tôi tái hợp và hôm nay có mặt với quý vị trong Đại Hội Gia Đình này được coi như một phép lạ của Lời Chúa trong cuộc đời của tôi”.
Vâng, chứng từ trên cho ta xác tín nhờ ơn Chúa thì mọi sự đều có thể, ngay cả việc yêu thương kẻ thù.
Hơn ai hết, thánh thánh nữ Monica, suốt 19 năm đã phải khóc hết nước mắt, cầu nguyện và tha thứ cho 2 kẻ thù là người chồng bê tha và đứa con lạc giáo… nhờ đời sống tốt lành của thánh nhân mà người chồng hoán cải và Augustinô trở nên vị thánh lớn bên cạnh mẹ mình trên thiên đàng.
Lạy Chúa, từng ngày xin biến đổi, xin đỡ nâng, xin đồng hành với con, để con biết nói lời tha thứ, sống tình yêu mến ngay trong gia đình, trong xứ họ, trong cộng đoàn, và xã hội… hầu cho thế gian nhận biết chúng con là con của Cha trên trời. Amen.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
SUY NIỆM 6: HÃY YÊU KẺ THÙ
Yêu và được yêu là những nhu cầu không thể thiếu và có thể nói là đó là nhu cầu căn bản của con người. Tuy nhiên, yêu người mình yêu và yêu người yêu mình là điều thường tình trong đời sống. Còn yêu người ghét mình hay yêu kẻ thù của mình thì đó mới là điều đáng nói và vượt trên qui luật thường tình trong tương quan giữa người với người. Qui luật dị thường và không tưởng đó đối với con người lại trở thành luật sống bình thường đối với Đức Giêsu.
Lời Chúa Giêsu hôm nay mời gọi các môn đệ và tất cả mọi người chúng ta “hãy yêu kẻ thù”. Xem ra lời mời gọi của Đức Giêsu không mấy thực tế đối với quan niệm sống hay tâm thức của các môn đệ cũng như đối với luật lệ xã hội con người. Trong thực tế, con người thường đối xử với nhau theo luật duy công bằng, nghĩa là vay – trả, yêu – ghét, ơn nghĩa – thù oán rõ ràng. Điều này cũng được ghi lại khá chi tiết trong luật Cựu Ước: “mắt đền mắt, răng đền răng.” Còn theo kiểu nói dân gian của người Việt thì “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, luật lệ duy công bằng hay báo thù cũng chẳng giải quyết được tận căn và thấu đáo của mọi vấn đề giữa con người đối với nhau mà nó còn chồng chất và kéo dài sự oán hận và thù ghét. Do đó, Đức Giêsu đã kiện toàn luật duy công bằng và báo thù đó với một tinh thần mới, nghĩa là lấy tình thương hoá giải mọi vấn đề, lấy ơn đền oán, lấy sự bao dung tha thứ thay cho “sống để dạ, chết mang theo”. Đức Giêsu đã hiện thực lời mời gọi “hãy yêu kẻ thù” bằng cả một đời sống yêu thương và tha thứ cho tất cả mọi người, ngay cả khi họ phản bội, xỉ nhục, đánh đòn, đóng đinh và giết Ngài trên thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đầy ắp tình thương và rộng lượng như Chúa để con sẵn sàng yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người con không thích, những người con không phục và cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD
SUY NIỆM 7:
Tất cả các lề luật đều được tóm lược vào 1 điều duy nhất là “tình yêu”. Nhưng yêu ai? và yêu như thế nào? đó là điều mà Chúa Giêsu muốn đề cập trong bài Tin mừng hôm nay.
 “Tình Yêu” chính là luật điều quan trọng nhất mà TC đã truyền dạy trong thời cựu ước. “Yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”. Với người Do Thái, người thân cận là những người cùng huyết thống, cùng màu da, cùng tôn giáo, cùng dân tộc mình… Còn những người vượt ra khỏi giới hạn ấy họ xem là người xa lạ, không phải là đối tượng họ yêu thương.
Bởi thế Chúa Giêsu đã chấn chỉnh lại ý hướng sai lệch của họ bằng cách cho biết mọi người là con cái Chúa, là anh em con cùng một Cha trên trời nên đối tượng của tình yêu là tất cả mọi người. Để xứng đáng là môn đệ Chúa thì phải biết “yêu như Chúa yêu” (x. Ga 15,12). Đó là tình yêu phổ quát. Chính khi chúng ta biết “yêu như Chúa yêu” ta mới có thể trở nên  người công chính đích thực trước mặt Chúa.
Xin Chúa ban ơn giúp sức để ta can đảm yêu thương hết mọi người, ngay cả những ai làm hại chúng ta.
Lm Seoka


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây