SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
Mc 10,1-12
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”4 Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông.6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
SUY NIỆM 1:
A. Phân tích (Hạt giống...)
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lật trường ngược nhau về vấn đề này: Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabi Hillel) cho phép li dị vì những cớ tầm thường; lập trường khắc khe (đứng dầu là Rabbi Shammai) chỉ ly dị trong những trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân chia”.
Nhân dịp này Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của con người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho chúng ta hiểu rằng sống chung thủy với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con cảm thấy rấy yêu mến Chúa, sao hôn nay lòng con đã bới nồng nàn, và không biết ngày mai sẽ ra thế nào nữa! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ, một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân:
Dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ.
Bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điếu có thể.
Vì là dấu chỉ và là bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 2:
Khi ấy, Đức Giê-su, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.
• Đức Giêsu luôn trên đường loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Chúng ta thấy dân chúng đông đảo tuôn đến với Người. Có phải Người là một hiện tượng lạ? Là một dấu chỉ lạ khác với những người khác? Là một người có sức cuốn hút bởi một lối sống đặc biệt?
• Sức hút của Đức Giêsu khác lạ bởi vì Ngài đến từ Thiên Chúa Cha và Ngài giảng lời của Cha. Con người được cuốn hút bởi lời Thiên Chúa. Vì thế, khi họ đến với Ngài, Đức Giêsu đã dạy dỗ họ. Chúng ta thấy, Ngài dạy họ như thường lệ.
• Để có thể đến được với Chúa thường hằng, mỗi người chắc chắn phải có một kinh nghiệm gì đó rất đặc biệt khiến họ dành giờ để nghe Lời của Ngài. Con người hôm nay thường bỏ giờ cho những việc nhiều lúc chẳng đem lại ích lợi cho chính họ và cho cả xã hội.
→ Tôi được mời gọi từ bỏ điều gì để có khả năng lắng nghe Lời Chúa? Tôi có đủ quảng đại để hy sinh thời gian để đi vào tương quan với Chúa?
→ Lạy Chúa, xin để Lời của Chúa hướng dẫn đời sống con.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 3: LÒNG CHAI DẠ ĐÁ
Nhân câu hỏi của mấy người Phariseu về vấn đề luật hôn nhân, Chúa Giêsu nói rõ Thiên Chúa một khi đã ban lề luật Ngài sẽ không thay đổi. Chính con người vì lòng chai dạ đá mà giải thích hoặc thay đổi lề luật của Thiên Chúa theo ý mình. Điều này cho thấy con người không kính sợ Thiên Chúa mà chỉ sống theo dục vọng của mình. Chính vì đam mê tội lỗi và chai lì trong tội đã khiến con người vi phạm lề luật của Thiên Chúa và đánh mất mối tương quan mật thiết với Ngài.
Ai trong chúng ta cũng biết rất rõ về những điều răn của Chúa, nhưng vẫn phạm đi phạm lại. Nguyên nhân là do chúng ta đã không quyết tâm chiến đấu với chính con người dục vọng của mình. Chúng ta chưa biết làm chủ những ước muốn. Điều gì chúng ta muốn, chúng ta thích là chúng ta làm mà lại không suy xét đến lề luật của Thiên Chúa. Chúng ta đừng sống chai lì trong tội nữa, nhưng hãy can đảm dứt bỏ sự cứng lòng mà quay về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chính vì cái tôi của chúng con lớn và những đam mê của chúng con nhiều, nên rất dễ sống theo ý riêng mà vi phạm lề luật của Chúa. Xin ban cho chúng con một trái tim dễ dạy dễ bảo để chúng con luôn đón nhận mọi điều Chúa sửa dạy chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.
Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.
Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.
Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” - vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê - thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.
“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.
Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM 5: CHÚA VẪN TRUNG THÀNH MÃI
Qua bài tin mừng hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm về lòng trung thành của Thiên Chúa đối với con người.
Có lẽ, không có một hình ảnh nào diễn tả sự gắn bó trong tình yêu hơn hình ảnh vợ chồng. Sự nên một trong tình yêu vợ chồng không chỉ dừng lại ở thân xác nhưng còn là sự hòa quyện và đồng điệu trong tâm hồn. Dù hai người nam và nữ có nhiều sự khác biệt nhưng trong tình yêu sự khác biệt ấy lại trở nên hoa trái khi họ biết đón nhận và hi sinh cho nhau.
Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta được nên một với Người. Thánh Phao-lô cảm nhận rõ điều ấy khi Ngài nói: Chúng ta là những chi thể trong một thân thể là Đức Ki-tô (Rm 12, 4-5). Trong Đức Ki-tô, con người yếu hèn của chúng ta được tháp nhập vào thần tính của con Thiên Chúa và được trở nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu nhân loại và Người yêu đến cùng. Tình yêu ấy được minh chứng trong chiều dài của lịch sử cứu độ mà đỉnh cao là cái chết của Đức Giê-su trên Thập Giá. Giáo Hội là hiền thê của Đức Ki-tô, một Giáo Hội không hoàn hảo nhưng đầy những giới hạn, những yếu đuối. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước của Người và Người mong muốn chúng ta cũng hãy giữ lòng trung thành ấy. Đó là một mong muốn, một khao khát mãnh liệt trong tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức về sự nên một trong tình yêu với Chúa để chúng con luôn trung thành giữ các giới răn của Người.
Lm Phaolo Đào Văn Trường
SUY NIỆM 6:
Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại, có mấy người Pha-ri-sêu đến hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không”. Ngay lúc đó, Chúa Giêsu đã trưng dẫn luật nguyên thủy của hôn nhân để cho họ thấy rằng; ngay từ ban đầu không có chuyện ly dị. Bởi vì, luật hôn nhân là luật của Thiên Chúa chứ không phải luật của con người, nên không ai có quyền sửa đổi. Vì thế, Chúa mới nói: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Và Chúa cũng nói: “vì các ông lòng chai dạ đá, nên Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông”.
Đáng tiếc là ngày nay người ta quá lạm dụng quyền con người, nên không còn coi trọng luật của Thiên Chúa, người ta đang tìm cách phá hủy luật hôn nhân nguyên thủy bằng cách: cho phép ly dị, chấp nhận hôn nhân đồng tính, đa phu, đa thê… làm cho nền tảng gia đình bị lung lay và bị thay đổi tận gốc rễ.
Vì thế mà biết bao nhiêu gia đình tan vỡ, hậu quả là biết bao đứa trẻ rơi vào tình trạng không cha, không mẹ, lang thang đầu đường xó chợ, hay trở thành tội phạm và trở thành gánh nặng cho xã hội, chỉ vì lỗi của cha mẹ. Nếu cha mẹ biết tha thứ cho nhau thì làm sao ra nông nỗi ấy.
Vì vậy, chìa khoá để giữ gia đình khỏi tan vỡ đó là sự THA THỨ. Người tha thứ là người quảng đại và là người cao thượng. Khi tha thứ thì con đường dẫn tới toà án ly hôn sẽ không còn nữa. Sai lỗi thì sửa chữa, ai đã vấp ngã thì sẽ có kinh nghiệm. Hãy chậm giận và giàu tình thương. Hãy rộng lượng tha thứ cho nhau để cứu lấy hạnh phúc gia đình và tương lai của con cái.
Ước gì những ai đang sống trong bậc vợ chồng hãy ý thức xây dựng hạnh phúc trong từng ngày sống. Hãy cảm thông và chấp nhận cả những yếu đuối thiếu sót của nhau. Hãy quảng đại tha thứ cho nhau vì hạnh phúc gia đình và vì tương lai của con cái, đồng thời họa lại hình ảnh hôn nhân do Thiên Chúa đã thiết lập thuở ban đầu. Cố gắng biến gia đình của mình thành tổ ấm yêu thương theo mẫu gương gia đình thánh gia; Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Amen.
Lm Phêrô Mai Viết Thắng
SUY NIỆM 7:
Phải thừa nhận rằng hôn nhân và gia đình ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng, trong phạm vi quốc nội cũng như quốc tế. Chưa bao giờ những vấn đề của hôn nhân và gia đình lại phức tạp, gay cấn và nóng bỏng như hiện nay. Những trang đầu của Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ và Người muốn cho người nam người nữ kết hợp với nhau và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như thế hôn nhân nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và do ý muốn của Thiên Chúa. Vậy mà dân Cựu Ước đã cố tình không đi theo kế hoạch của Thiên Chúa và họ tìm cách để ly dị hợp pháp. Nhưng nhân cơ hội câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu về vấn đề ly dị, trước hết Chúa xác định lại nội dung lời Kinh Thánh và Người thêm: họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Đồng thời Người khẳng định hôn nhân là một cam kết không thể đổi thay hay đảo ngược: Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Cũng nhân cơ hội này, Chúa lập lại trật tự hôn nhân theo ý muốn của Thiên Chúa từ thuở ban đầu, vì nếu ông Môsê có cho phép rẫy vợ thì chỉ vì sự cứng lòng của con người, chứ Thiên Chúa không hề cho phép.
Để sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, người tín hữu cần tin vào kế hoạch của Thiên Chúa, đồng thời khám phá ra vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu.
Giuse Nguyễn Văn Thông