Suy niệm - Thứ Hai tuần 5 Thường Niên

Chủ nhật - 05/02/2023 17:45
cn v tn t2scaled



Mc 6, 53-56

Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh thao (biên dịch)
Suy niệm 2: CHÚA GIÊ-SU VÀ CÁC BỆNH NHÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: THIÊN CHÚA TẠO THÀNH VÀ CHỮA LÀNH - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn



Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh thao (biên dịch)

Nguồn: https://mycatholic.life/.../fifth-week-in-ordinary-time/
 

Đức Giê-su làm cho người ta “rảo” khắp vùng để đến với Ngài. Từ này được dùng thật hay và lột tả được những đáp trả rất tích cực từ mọi người.

“Rảo” nghĩa là di chuyển rất nhanh và có chủ đích bằng những bước chân gấp gáp và vội vã. Đó là một từ đặc trưng cho ta thấy một hành động rất cụ thể. Người ta không chỉ chạy đến với Đức Giê-su một cách nhanh chóng, nhưng là họ đang “rảo” bước đến với người.

Hình ảnh người ta rảo bước ấy dường như biểu lộ sự hăng hái nhất định khi tìm gặp Đức Giê-su. Những bước chân vội vã đến với Đức Giê-su cho thấy họ đang rất chủ động tìm gặp Người với những mối bận tâm của mình. Mối bận tâm đó là gì? Đó chính là được chữa lành. Họ biết rằng chính Đức Giê-su là nguồn mạch chữa lành đích thực cho những người đau yếu nên là dù Người có ở đâu, họ vẫn tìm mọi cách để tìm gặp Người. Trình thuật Mác-cô hôm nay cho ta thấy khát khao và lòng tin của những người tìm gặp Đức Giêsu mãnh liệt dường nào: họ chỉ "xin Người cho họ ÍT LÀ được chạm đến tua áo choàng của Người".

Ở một mức độ nào đó, đây cũng là một cách thức gặp gỡ Đức Giê-su trong đời sống đức tin mà ta cần học. Ta phải chân nhận Người như nguồn mạch chữa lành, đặc biệt là những căn bệnh tâm linh, cũng như để tâm trí mình quy hướng về Người như là một vị thầy thuốc thiêng liêng. Những khát khao và mong mỏi kiếm tìm Thiên Chúa cần phải khỏa lấp trọn vẹn tâm trí ta.

Mời bạn cùng suy tư về hình ảnh đầy ý nghĩa trong Bài Tin mừng hôm nay, thử đặt mình vào khung cảnh và xem thử liệu bạn có cần phải chủ định và mong mỏi ở lại với Đức Giê-su hơn nữa hay không. Người chính là nguồn mạch ân sủng và lòng thương xót, Người cũng là vị thầy thuốc thiêng liêng luôn đợi chờ bạn đến với Người bất cứ khi nào bạn cần. Bạn hãy nhìn xem kết quả của những người tìm đến gặp Đức Giêsu: "bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi." Vì thế, bạn cũng hãy nhanh chân “rảo bước” đến với Người để được chữa lành và chìm đắm trong ân sủng Người.

Lạy Chúa, xin cho con thêm lòng khao khát Ngài và ước ao được ở với Ngài. Xin giúp con nhận ra Ngài chính là vị thầy thuốc thiêng liêng mà tâm hồn con hằng khao khát. Xin giúp con luôn luôn tín thác và chạy đến với Ngài để chính người sẽ lấp đầy những nhu cầu và khát khao của lòng con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài.


MỤC LỤC


Suy niệm 2: CHÚA GIÊ-SU VÀ CÁC BỆNH NHÂN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu và các tông đồ đã phải đối diện với một tình hình rất phức tạp. Vì danh tiếng Người đồn ra mau chóng khắp các nơi người ta đi tìm Người. Người ở đâu thì họ thi nhau tơi đó mang theo không biết bao nhiêu là người bệnh tật, ốm liệt, đui mù, què quặt...

Chúa và các tông đồ làm việc suốt ngày không ngừng nghỉ. Cho nên cuối cùng Thầy phải vượt biển tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi một ít ngày. Vậy mà sang tới bờ biển bên kia, người ta cũng đã chờ sẵn ở đó.

Biết làm sao đây ! Chúa lại vào việc, chữa lành và rao giảng. Các tông đồ phải hết sức tạo cho được một trật tự tương đối, để kẻ trước người sau đến với Chúa. Không thấy Tin mừng đề cập đến việc chữa lành tập thể. Có lẽ Chúa muốn có sự tiếp xúc cá nhân, muốn để ý đến hoàn cảnh từng người một, muốn trực tiếp chia sẻ cho họ tình thương của Ngài.

Sự sẵn sàng của Chúa vào những lúc như vậy quả là một bài học lớn cho cuộc đời tận hiến của chúng ta.

Chúng ta có thể dừng lại đôi phút tưởng tượng ra quang cảnh người và người bao quanh Chúa và ai cũng muốn tỏ cho Ngài tất cả nỗi đau của họ. Và đáp lại Chúa bình tĩnh, và có lúc người ta chỉ muốn được gặp Chúa ngay, Chúa bình tĩnh hỏi han đôi lời và chữa lành họ.

Chẳng những Chúa ở một nơi để chữa lành rao giảng. Có khi Chúa đi hết làng này đến làng khác để chính tình thương và lời rao giảng của Ngài thấu đến tai mọi người.

Ngày hôm nay khoa học tiến  bộ, Chúa không còn phải trực tiếp làm việc như xưa. Hơn nữa, Chúa Phục Sinh đi vào cõi linh thiêng để qua Giáo hội khắp nơi nơi Người đến với nhân loại. Bệnh tật vẫn còn đó, con người vẫn thiếu tình thương, người nghèo vẫn không sao có tiền chữa bệnh. Và chính Chúa Phục Sinh vẫn muốn ban phát tình thương của Ngài qua Giáo Hội. Vì thế những hoạt động chăm sóc sức khỏe của chúng ta cho bệnh nhân nghèo, vẫn là cần thiết cho Chúa được gần với họ. Việc chữa lành và yêu thương của chúng ta cũng là của Chúa. Chúa còn coi như mắc nợ chúng ta khi ta phục vụ Ngài nơi anh em tha nhân.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu yêu mến ! Chúa đã đến trần gian, để phục hồi con người, làm cho nhân loại tìm được hồng ân của ngày tạo dựng. Con đường phục hồi Chúa đi từ cuộc nhập thể, rồi  rao giảng, qua cuộc rao giảng và phục sinh. Chúng con thờ lạy và tán dương công trình phục hồi vô cùng lớn lao cao cả của tình thương Chúa. Nguyện xin Chúa làm cho chúng con trở nên chứng nhân hoàn hảo cho tình thương đó, giữa thời đại và xã hội chúng con đang gắn với họ từng giây từng phút.

Chúng con cũng xin hết lòng cảm tạ Chúa vì tình thương Chúa dành cho chúng con, để chúng con được thay thế vai trò những môn đệ của Chúa ngày xưa, góp công góp sức vào công trình cứu độ thế gian. Nguyện xin Chúa cho chúng con luôn biết kiên trì và nhiệt tình như các Ngài. Xin Chúa dạy bảo chúng con từng li từng tí trong mọi hoạt động vì người nghèo hằng ngày.

 Lạy Chúa xin Chúa chúc lành và tham gia vào công việc của chúng con, vì không có Chúa , chúng con sẽ không làm được việc gì. Amen


MỤC LỤC


Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


​​​​​​​1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 1, 1-19 qua lăng kính Mc 6, 53-56, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy sức mạnh toàn năng và sáng tạo của Thiên Chúa và của Lời Ngài, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 6, 53-56 : ở đây, cho thấy sức mạnh toàn năng đó nơi con người của Đức Giêsu, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người [“Đức Giêsu đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Ngài; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (6, 56)]…

(2) Thứ đến, trong St 1, 1-19 : ở đây, cho thấy sức mạnh toàn năng và sáng tạo của Lời Thiên Chúa, không qua bất cứ trung gian nào, từ hư vô, sáng tạo ra toàn thể Thụ tạo trên trời dưới đất, qua điệp khúc “Thiên Chúa phán, liền có như vậy” [“Thiên Chúa phán : ‘Phải có ánh sáng.’ Liền có ánh sáng…Thiên Chúa phán : ‘Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.’ Liền có như vậy…” (1,3.11)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Quyền năng nầy Thiên Chúa có thể ban cho bất cứ ai Ngài muốn, các thiên thần, Đức Maria, các Tông đồ, các vị thánh, những người bình thường và tầm thường…

MỤC LỤC

Suy niệm 4: THIÊN CHÚA TẠO THÀNH VÀ CHỮA LÀNH - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn​​​​​​​

 

Hôm nay chúng ta được nghe sách Sáng Thế từ những chương đầu tiên. Phần trình thuật sáng tạo thế giới hôm nay kể về chuyện Thiên Chúa dựng nên ánh sáng và sự sống của thảo mộc. Bài Tin Mừng Marcô kể chuyện Chúa Giêsu đi đến đâu thì người ta đưa những bệnh nhân đến đó để được Ngài chữa lành.

Đời người đau khổ thật, nhất là đau khổ với bệnh tật nơi thân xác. Tại sao Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lúc nào Ngài cũng khen là tốt đẹp mà bây giờ lại ra nông nỗi này?! Một phần do những giới hạn của thụ tạo, khiến cho các thụ tạo cần phải đi về sự hoàn tất nơi Thiên Chúa. Đàng khác, rất nhiều đau khổ do tội lỗi con người gây ra. Con người đã không sử dụng thiên nhiên đúng như ý Thiên Chúa tạo thành, nên nó trở lại làm thiệt hại cho con người! Ngày nay, người Việt Nam cảm nhận ngày càng rõ ràng hơn những bệnh tật, nhất là ung thư, là do chính lối sống của con người. Con người đưa vào việc sản xuất lương thực, thực phẩm quá nhiều chất cấm khiến cho người dân Việt mắc bệnh ngày càng nhiều và càng nguy hiểm hơn! Người dân Việt Nam thường tự hào là dân tộc hiếu hoà, nhưng thực tế cho thấy người dân Việt rất hay sử dụng bạo lực bằng hành vi và lời nói. Những cảnh cự cãi, chửi rủa nhau cứ nhan nhản ngoài đường, ngay trong gia đình, và... tệ hơn nữa, không hiếm khi xảy ra ngay trong các cộng đoàn tu trì!!! Người Việt dễ gây hấn lắm!

Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, tạo thành sự sống và đồng thời cũng là Đấng chữa lành những thương tích nơi con người. Thiên Chúa vất vả với con người thật! Mấu chốt của sự phát triển và sự chữa lành là ở chỗ gắn liền với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tạo thành, là nguồn sự sống. Vì thế, khi gắn bó với Thiên Chúa thì có sự sống, có phát triển. Khi lìa xa Ngài, thụ tạo bị thương tích; không đi về Ngài, thụ tạo không thể đạt được sự hoàn thành của mình. Thiên Chúa cũng là Đấng chữa lành. Hãy quay về với Thiên Chúa để được chữa lành. Con người tìm kiếm và tôn cao chính mình, sẽ chỉ đi đến xung đột, đổ vỡ mà thôi.

MỤC LỤC

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây