Hồi sinh

Thứ bảy - 09/09/2023 09:23

 

Cụ Tổ của chúng tôi đã tắt thở cách đây trên 300 năm rồi, đã vĩnh viễn ra đi nhẹ nhàng ‘như ngọn nến tàn dần’ theo thư của Aimé Chézaud viết ngày 11-11-1660, cái chết của Cụ vào khoảng 10 giờ đêm 5-11 năm đó. Xác Cụ đã yên nghỉ tại Ispahan (Iran), sau 48 năm trời sôi nổi, nhiệt tình vì Chúa, vì các linh hồn, suốt từ Tây sang Đông, rồi từ Đông lại về Tây; ấy là không kể 19 năm trời (1593-1612) lúc Cụ còn là học sinh ở quê nhà Avignon. Vâng, năm 19 tuổi, 1612, Cụ đến Roma; học xong, Cụ đi Lisbõa, Goa, Malacca, Macao, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Batavia, Macassar, Surate, Arménie, Roma, Pháp, và sau cùng gửi xác tại xứ Hồi giáo Iran. Nói rằng cuộc đời của Cụ Tổ chúng tôi lận đận và đầy nguy hiểm, cũng chẳng phải là quá. Bao nhiêu lần bị quản thúc, bị đầy ải, trục xuất, có khi còn bị Chúa Nguyễn Phước Lan của Đàng Trong lên án tử hình vào hồi tháng 6-1645 nữa chứ. Khổ cho Cụ Tổ chúng tôi hơn nữa là chính trong đại ‘gia đình’ của Cụ có khi cũng phải ‘kìm hãm’ Cụ: Này, 10 năm trời (1630-1640) Cụ bị cầm chân trong việc dạy Thần học ở Học viện São Paulo tại Macao, mà không được trở lại Việt Nam. Mặc dầu Cụ chúng tôi có đức Vâng phục ‘giống như cây gậy trong tay ông lão’, như Aimé Chézaud nhận xét, nhưng theo tinh thần tự nhiên cũng buồn lắm chứ! Chẳng thế mà, dù dạy học ở Macao, Cụ cũng lặn lội đến Quảng Châu xa trên 100km để gặp gỡ được nhiều giới người Hoa, tuy tiếng Tàu của Cụ chả ra gì, sánh sao với Cụ Matteo Ricci. Thế đấy! Chân chạy mà! Ở cái tuổi 60, nhưng Cụ vẫn còn gân; từ năm 1652 đến 1654 Cụ hoạt động không biết mệt mỏi tại Paris, vì Giáo Hội Việt Nam, cũng như hai năm trước đó tại Roma. ‘Ồn ào’ quá, làm cho Bề trên Cả Dòng Tên Goswinus Nickel, người Đức, phải đưa Cụ Tổ chúng tôi sang tận xứ 1001 đêm. Tại đây Cụ lại chăm chỉ học tiếng Iran, ngoài những ngôn ngữ Cụ đã quen thuộc: Pháp, Provencal, La tinh, Ý, Bồ, Hy Lạp, Việt, và biết phần nào tiếng Do Thái, Nhật, Hoa. Nói được tiếng Iran, ra đường Cụ quen chào hỏi bằng câu: Christus nigah dared (Chúa Kitô giữ gìn anh) thay vì Khoda nigah dared (Chúa giữ gìn anh), vì Cụ muốn cho người Hồi giáo cũng phải tin nhận đức Kitô là Thiên Chúa. Sau 5 năm 4 ngày sống tại Iran, Cụ nhắm mắt vĩnh biệt xã hội loài người vào lúc 67 tuổi. Thời đó sống như thế là thọ lắm rồi.

Nếu tính từ khi Cụ Tổ chúng tôi chính thức tung mình đi truyền bá Tin Mừng là cuối năm 1618 đến khi Cụ khuất núi, tổng cộng được 42 năm. Trên 4 thập niên đó, hai nơi Cụ ở liên tục lâu nhất là Macao (1630-1640) và Ispahan (1655-1660) lại là hai giai đoạn ‘đầy ải’. Còn thời gian Cụ ở Việt Nam được bao nhiêu? Thật ra Cụ ở cái Xứ lúc đó mới có hình thể giống như một nửa chữ S, tức mới tới vùng Phú Yên, qua sáu thời kỳ, tổng cộng hơn 10 năm, nhưng thật ra chỉ có 104 tháng. Tuy nhiên, dám nói rằng, Cụ Tổ chúng tôi đã dành hết khả năng, tâm tình cho Xứ sở này. Chính vì thế, mà sau này, người ta tung hô Cụ là Nhà Truyền giáo số 1 ở Việt Nam, là người góp công sức tài năng cho việc hoàn thành và xuất bản chữ Quốc ngữ mới đầu tiên. Hơn 30 năm trời không sống trong đất vua Lê, Chúa Trịnh-Nguyễn, nhưng lòng Cụ vẫn hướng về những người con Rồng cháu Tiên và hoạt động cho lợi ích của họ. Dạy Thần học ở Macao đấy, nhưng Cụ bắt đầu viết nháp cuốn sách Relazione (Lịch sử xứ Đông Kinh) ngay từ năm 1636, mặc dù 14 năm sau mới được ấn hành tại Milan; lênh đênh trên biển cả trong chuyến về Roma khởi hành từ Macao 20-12-1645, bị người Hà Lan giam tù hơn ba tháng tại Batavia (Djakarta) vì tội dâng Thánh Lễ vào giữa năm 1646, thế mà Cụ chúng tôi vẫn ghi ghi chép chép cẩn thận, để rồi, năm 1653 in thành sách Divers voyages tại Paris. Cụ Tổ chúng tôi đã sáng tạo 10 cuốn sách, dịch 1 cuốn, tất cả được xuất bản trong thập niên 1650. Quý hóa thay! 8 cuốn hoàn toàn về Việt Nam liên hệ đến tôn giáo, lịch sử, địa lý, đặc biệt là ngôn ngữ, …

Cụ Tổ chúng tôi đáng ghi nhớ, đáng tôn trọng lắm, không phải chỉ trong phạm vi Giáo Hội thôi đâu. Cho nên, tại Avignon quê hương của Cụ, người ta cũng dành riêng một con đường mang tên ALEXANDRE DE RHODES. Còn tại Việt Nam trước đây vài chục năm, cả Bắc Trung Nam đều có những nơi mang tên Cụ Tổ chúng tôi: nào là Thư xã Alexandre de Rhodes, Quai Alexandre de Rhodes ở Huế, bia Alexandre de Rhodes dựng bên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội ngày 29-5-1941, đường Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn và ở Mỹ Tho, ấy là chưa kể đến bao nhiêu sách vở, bài báo và những cuộc diễn thuyết về Cụ Tổ chúng tôi.

Mộ cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) tại Isfahan (Iran)

Tưởng là danh tiếng Cụ Tổ chúng tôi vững như bàn thạch. Ai ngờ, một cơn ‘động đất tới 8 độ Richter’ suốt từ Bắc xuống Nam xóa sạch những gì là Alexandre de Rhodes. Cụ Tổ chúng tôi nằm mãi bên nghĩa trang Ispahan, mà vẫn còn phải nghe người ta vu khống đủ điều: gián điệp đội lốt tôn giáo, đưa tay ký hiệp ước Versailles 28-11-1787 bán rẻ nước Việt Nam cho Pháp, … Ôi! Nhân tình thế thái!!

Nhưng cây ngay không sợ chết đứng! Vì từ 6 năm trở lại đây, người ta đã bắt đầu suy nghĩ đúng hơn về con người Cụ và sự nghiệp của Cụ, có người còn công khai viết trên báo Tuổi Trẻ Cười ngày 9-1-1988 cho rằng, Hàn Thuyên, ông Tổ chữ Nôm, thực tế còn thua Alexandre de Rhodes, ông Tổ chữ Quốc ngữ ngày nay. Hội thảo chuyên đề tại đất ngàn năm văn vật vào tháng 5-1993, đánh giá cao về con người và sự nghiệp ngôn ngữ của Cụ Tổ chúng tôi. Chẳng những thế, người ta còn cho in lại hai tác phẩm bằng tiếng Việt của Cụ.

Đúng thế. Tháng 4-1991, cuốn Từ điển Annam-Lusitan-Latinh xuất hiện tại thành phố có 4 triệu dân, nơi mà Cụ Tổ chúng tôi chưa được hân hạnh đặt chân đến bao giờ. Chút chít của Cụ Tổ chúng tôi chưa kịp dứt tiếng cười vui mừng, thì nước mắt đã chan hòa! Bởi lẽ, nói là in lại nguyên văn, mà trang nào cũng sai be bét: ít thì 10 lỗi, nhiều thì trên 40 lỗi; gánh lỗi đi đổ xuống sông Sài Gòn cả ngày cũng không hết. Cầm cuốn sách giá 40.000 đồng mà còn đau lòng hơn là cầm mấy tờ báo lá cải. Bọn ‘con nít’ chúng tôi mà còn rầu rĩ đến thế, thử hỏi Cụ Tổ chúng tôi là Alexandre de Rhodes, hay nói đúng hơn các Cụ Tổ chúng tôi Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa cùng Alexandre de Rhodes – vì hai Cụ kia cũng đóng góp đầu tay vào cuốn này – sao lại không uất lên được. Bọn ‘nhí’ chúng tôi định kéo nhau lên thưa với ‘Ngọc Hoàng’ cho vơi sầu, hả giận, nhưng Cụ Tổ chúng tôi ‘khuyên bảo’ phải cố sống ‘bậc khiêm nhường thứ ba!’ Cụ Tổ chúng tôi rất mực khiêm tốn, nhịn nhục, bác ái. Chúa Trịnh Tráng cũng như Chúa Nguyễn Phước Lan thay lòng đổi dạ, đối xử với Cụ như thế, mà Cụ vẫn một lòng kính trọng, trong sách của Cụ vẫn viết một cách bình thản về hai vị Chúa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Trên giường bệnh tại Ispahan, Cụ còn nhường phần tốt cho một người giúp việc cùng nằm bệnh như Cụ, Cụ lại còn ‘s’abaissant à luy faire jusques aux plus vils seruices’. Cha Aimé Chézaud, kẻ ở bên Cụ cho đến lúc Cụ tắt thở, đã viết như thế. Cha còn thuật lại rằng, cho đến cơn bệnh cuối cùng, ngày nào Cụ chúng tôi cũng đánh tội, trừ ngày Lễ và Chúa Nhật; ngoài ra thỉnh thoảng Cụ còn mang áo nhặm có nhiều gai nhọn mà khi rửa xác Cụ người ta mới biết vì những dấu vết còn in hằn trên xác. A. Chézaud còn dám viết rằng, dân chúng ở Ispahan gọi Cụ Tổ chúng tôi là ‘người sáng láng’ (nouroni) ‘có kẻ còn gọi là thánh, vì ngưỡng mộ cái phong cách thánh của Cụ’ (les autres lappellants sainct, admirants en luy un maintien de sainct).

Vâng, nhìn lại tấm gương khiêm tốn, hiền lành của Cụ Tổ, ‘bày lũ’ cháu chắt này đành phải im hơi lặng tiếng, ‘im như thóc ngâm’ vậy.

Tiếp đến, một tác phẩm thứ hai của Cụ Tổ chúng tôi, cuốn Phép giảng tám ngày, được tái bản hồi tháng 5-1993 cũng tại thành phố đông nhất nước. Bọn cháu chắt của Cụ cười khoái trá! Bĩ cực thái lai mà! Lần này thì phần nguyên văn gồm 319 trang đúng y boong! Nếu có sai sót thì chỉ là một số rất ít những điểm không quan trọng rải rác trong cột phiên âm chữ Quốc ngữ ngày nay hoặc trong phần dịch Pháp văn. Bây giờ những người muốn nghiên cứu lịch sử tiếng Việt và lịch sử chữ Quốc ngữ, có trong tay cách dễ dàng một trong những phương tiện cơ bản để làm việc. Có cần nói thêm rằng, lần xuất bản 1993, người ta sắp đặt vào trang 3-4 hai trang ‘Errata corrige’ mà trong nguyên bản 1651 ấn hành tại Roma, thì hai trang này đặt sau trang 319 ở phần cuối sách, và Cụ Tổ chúng tôi không đánh số trang trên hai trang này.

Nếu ‘phần hai’ của cuốn sách (tr. 1-319) có chút ít sơ sót không đáng kể, thì ‘phần một’ (tr. I-XXVIII) tức là từ trang bìa đến Lời nói đầu, Avant-proposLời giới thiệu, xem ra mức độ sai sót có phần đặm hơn. Thật ra, chúng tôi chưa đủ khả năng để nhận định một cách chính xác, đàng khác chúng tôi cũng chưa rà soát lại từng ly từng tí, cho nên những gì mà chúng tôi gọi là sơ sót, thì cũng chỉ là những nghi vấn thôi. Quả quyết một cách dễ dàng là sơ sót, coi như là liều lĩnh, bạo phổi, là loại người ‘điếc không sợ súng’. Vậy, phải chờ ý kiến của các nhà chuyên môn.

Dưới đây chúng tôi chỉ xin trích ra một số những điểm mà chúng tôi nghi là sơ sót ở trong ‘phần một’, tức là trang I-XXVIII:

– Trang ‘I, III’: CATECHISME divisé en huit jours: Bản dịch cuốn ‘Phép giảng tám ngày’ ra Pháp văn do Đức Cha Henri Chappoulie xuất bản năm 1948, mà Tủ sách Đại Kết sử dụng lại toàn bộ cho lần này, thì được dịch là: Catéchisme divisé en huit journées. Không rõ Tủ sách Đại Kết có chủ ý sửa lại hay là vì sơ sót mà dùng từ jours. Trong trường hợp này, nên dịch là journées hay jours, ai học Pháp văn thì rõ;

– Trang VII: Cuốn sách in tại Roma năm 1651 khổ 17 x 23; xem ra khổ nguyên bản hẹp hơn: 13,50 x 21. Cũng ở trang VII: Bản chụp toàn bộ cuốn sách y cỡ 13 x 17; có lẽ phải viết: 10,50 x 17. Thực ra đã chụp rút nhỏ lại mất 0,50 x 1 mỗi chiều. Điểm khác: Henri Chappoulie, cho xuất bản cuốn sách dịch sang Pháp văn năm 1948, không phải 1943;

– Trang VIII: Phần chú thích cuối trang, không hoàn toàn đúng như tên sách: XVIIe siècle, không phải XVIIeme Siècle; Paris 1948, không phải Paris 1943. Nói cách chung, từ trang VIII-XXVIII, cách ghi chú thư tịch không nhất quán;

– Trang IX-X: Đây là hai trang tiếng Pháp dịch gần như hoàn toàn từ hai trang tiếng Việt VII-VIII, cho nên những sơ sót cũng gần như tr. VII-VIII. Tuy nhiên, ở trang IX viết: Celivre se compose de 315 pages; phải viết 319 pages mới đúng. Trong Pháp văn, khi viết tắt chữ Monseigneur, thì người ta quen viết Mgr, không viết Mgr. là kiểu cách trong tiếng Anh. Thay vì viết Au bas de chaque page, có lẽ nên viết En bas de chaque page;

– Trang XXI, XXII, XXIII: Hai cuốn sách giáo lý Hoa văn: phải phiên âm là Thiên Chủ thực lục chính vănThiên Chủ thực nghĩa, thay vì Thiên Chúa, …

Những điểm trên đây và nhiều điểm khác từ trang I-XXVIII dù đích thực là sai sót đi nữa, cũng không làm giảm giá trị của nguyên bản. Thiết tưởng Cụ Tổ chúng tôi chẳng còn rầu thúi ruột như trước đây hai năm khi mở đến cuốn Từ điển Annam-Lusitan-Latinh; bây giờ thì Cụ có thể nở một nụ cười khoan khoái rồi.

Danh tiếng của Cụ chúng tôi đang dần dần được ‘HỒI SINH’ … Uống nước nhớ nguồn là cái chắc, nhất là trong xã hội chúng tôi, nơi mà khói hương vẫn còn nghi ngút trước bàn thờ tổ tiên. Bây giờ các học sinh lớp 10 chẳng sao quên được những tên ALEXANDRE DE RHODES, Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa (Tiếng Việt, lớp 10, 1990, tr. 10).

Tên tuổi, sự nghiệp truyền giáo và ngôn ngữ Cụ Tổ chúng tôi khó mà quên đi được; có chôn giấu rồi cũng phải bới lên thôi. Chính Cụ trong hơn 100 tháng đã ăn cơm gạo, uống nước, ở nhà gỗ, đi thuyền, nằm võng, nói thứ ‘tiếng như chim hót’ của Xứ này. Chiếc áo thụng Việt Nam xưa vẫn còn khoác trên thân mình Cụ, do họa sĩ Ý Gagliardi vẽ năm 1865. Cụ Tổ A. de Rhodes đã ‘trở thành người Việt rồi’, mặc dù Cụ thuộc dòng máu Do Thái. Cụ yêu quý, tôn trọng con người và nền văn minh Việt, nên ngày 9-7-1645, khi Cụ bị trục xuất hoàn toàn khỏi Xứ này thì Cụ nói rằng: ‘tôi phải rời bỏ bằng thân xác, nhưng tâm hồn tôi vẫn còn ở đây’.

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

Viết ngày 17-6-1993.

Ghi nhớ 348 năm, 17-6-1645, ngày Cụ Tổ

được cải án tử thành án trục xuất khỏi VN.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây