Chúa Nhật XXI Thường Niên năm A
Thứ sáu - 25/08/2023 09:56
Tin Mừng: Mt 16,13-20
Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
SUY NIỆM 1: BIẾT CHÚA KITÔ ĐỂ BIẾT KITÔ HỮU - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC
Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Trong lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp thường hay thăm dò ý kiến của khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, để đánh giá mức độ hài lòng của họ. Việc thu thập ý kiến này luôn có hai chiều, có người thích và có người không hợp. Nếu khách hàng hài lòng, thì sản phẩm đó cần duy trì những điểm mạnh của nó; còn nếu khách hàng chưa ưng ý, thì sản phẩn cần được khắc phục các điểm yếu để cải tiến cho phù hợp hơn.
Chúng ta cũng bắt gặp Chúa Giêsu đang thực hiện việc thăm dò ý kiến. Chúa muốn biết dân chúng nói Chúa là ai, nhất là muốn biết các môn đệ nói Chúa là ai. Việc thu thập ý kiến này không phải là để Chúa hoàn thiện chính mình mà chiều lòng dân chúng hoặc chiều lòng các môn đệ, vì Chúa là Đấng hoàn thiện như Cha trên trời (x. Mt 5,48), mà là để những ai muốn theo Chúa phải điều chỉnh lại lối sống, lối nghĩ, lối cư xử của mình tương hợp với của Chúa. Việc Chúa Giêsu thăm dò ý kiến không phải vì lý do tăng số các môn sinh như là tăng doanh thu bán hàng mà vì lý do giáo dục đức tin cho các môn đệ đang đi theo Chúa. Vì vậy, người Kitô hữu muốn biết mình là ai, thì cần phải biết Chúa Kitô là ai.
1. Anh em bảo Thầy là ai?
Sau khi đến Caesarea Philippi, tức là ở vùng cực bắc của Israel, và nghỉ ngơi một mình với các môn đệ, Chúa Giêsu hỏi họ: “Người ta nói Con Người là ai?” ( Mt 16,13). Các ông bắt đầu liệt kê cho Chúa một số ý kiến: một số người tin Chúa là ông Gioan Tẩy Giả, một số khác là ông Êlia, còn một số khác nữa cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ (x. Mt 16,14). Tựu chung của các ý kiến là dân chúng đánh giá cao hoặc xem trọng Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc đo lường mức độ nổi tiếng của mình hoặc tìm kiếm một chỉ số về mức độ mình được mọi người đánh giá cao. Chúa không cần một bản báo cáo. Vì vậy, Chúa ngay lập tức đặt câu hỏi thứ hai: “Anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Không rõ các môn đệ trả lời như thế nào, nhưng chỉ có một người, cụ thể là Simôn Phêrô, trả lời câu hỏi thứ hai: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Giữa hai câu trả lời có một bước nhảy vọt qua vực thẳm. Để trả lời câu hỏi đầu tiên, chỉ cần nhìn xung quanh, lắng nghe ý kiến của mọi người, người ta nói sao thì nói lại như vậy mà không cần biết nội dung là gì cũng giống như người đàn ông trong câu chuyện sau đây.
Có một ông người Việt đi du lịch nước ngoài. Trước khi đi, đứa cháu của ông ta chỉ ba từ tiếng Anh là Yes, No, OK. Ông ta học thuộc ba từ này và bắt đầu đi du lịch. Trên xe ông ta ngồi cạnh một bà nước ngoài và bà ta hỏi ông ta rằng: “Anh có lấy chiếc ví của tôi không?” Ông ta thản nhiên trả lời là yes, mặc dù không biết bà ta nói gì. Bà ta hỏi lại: “Anh có trả ví cho tôi không?” Ông ta trả lời: No. Bà ta tức giận hỏi tiếp: “Anh có muốn vào tù không?” Ông ta trả lời: OK.
Sẽ thật là nguy hại cho đức tin của chúng ta nếu chúng ta chỉ biết lặp lại những gì người khác nói về Chúa. Nhưng để trả lời câu hỏi thứ hai, cần phải nhìn vào bên trong, lắng nghe một giọng nói hoàn toàn khác, một giọng nói không phải bằng xương bằng thịt mà là của Chúa Cha trên trời. Thánh Phêrô đã được khai sáng từ trên cao như Chúa cho biết: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).
Đây là lời tuyên xưng rõ ràng đầu tiên về danh tính thực sự của Chúa Giêsu thành Nazareth trong các sách Tin Mừng. Hành động tuyên xưng đức tin công khai đầu tiên vào Chúa Kitô trong lịch sử! Lời tuyên xưng này của thánh Phêrô di chuyển qua lịch sử và đi đến “những nơi tận cùng của trái đất”, đến với chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng tuyên xưng như thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
2. Kitô hữu là ai?
Mục đích Chúa hỏi các môn đệ về Chúa là vì giáo dục. Chúa muốn biết những người theo Chúa đang nghĩ gì về Chúa để điều chỉnh lại: còn lệch thì chỉnh cho ngay, còn cong thì chỉnh cho thẳng, còn thiếu thì lấp cho đầy, còn hẹp thì mở cho rộng, còn thấp thì nâng cho cao, còn cạn thì đào cho sâu. Khi đích thân mỗi chúng ta biết Chúa Kitô là ai như theo cách thánh Phaolô nói: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12), mỗi chúng ta mới biết Kitô hữu là ai và cần phải sống làm sao xứng hợp với danh xưng ấy.
Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã đổi tên Simôn thành Phêrô. Giống như Phêrô, Chúa đổi tên mỗi chúng ta thành “Kitô hữu” khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Danh xưng “Kitô hữu” bắt nguồn từ danh xưng Chúa Kitô, nên người Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô, mà “thuộc về Chúa” thì cần biết Chúa là ai. Có thể chúng ta đã được rửa tội, rước lễ, kết hôn trong nhà thờ, phục vụ trong giáo xứ với nhiều cương vị khác nhau nhưng vẫn không biết Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu cũng đã từng hỏi Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” (Ga 18,34). Đích thân mỗi chúng ta biết Chúa, hay là biết dựa theo những điều người khác biết về Chúa? Chúa không cần một cái biết vay mượn. Chúa muốn mỗi chúng ta khám phá Chúa là ai và tuyên xưng không mập mờ. Do đó mỗi chúng ta không được xa rời câu hỏi này: “Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?”
Kitô hữu là người thuộc về Giáo Hội.
Mỗi khi Chúa đổi tên là mỗi khi Chúa trao sứ vụ (x. St 17,5-15;35,10; 2V 23,34). Chúa chọn thánh Phêrô làm người lãnh đạo Giáo Hội, không chỉ đơn giản vì không có ai khác có thể giao trách nhiệm. Không phải như thế. Chúa đã trao Giáo Hội cho những con người yếu đuối mà chúng ta không thể nào hiểu được “quyết định và đường lối” của Chúa vì “khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào, ai dò cho thấu, ai theo dõi được!” (Rm 11,36). Trong bài đọc thứ nhất, với sự phán xét khôn ngoan của mình, Thiên Chúa triệt hạ những kẻ kiêu ngạo và có lòng gian ác, đồng thời nâng cao những người thấp hèn và trung thành. Đức Chúa tuyên bố qua môi miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy đi gặp viên quan ấy là Sépna, tể tướng triều đình, và nói: Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là Engiakim, con của Khinkigiahu” (Is 22,19-20). Chúng ta là những Kitô hữu, nên chúng ta thuộc về Giáo Hội, nơi đó chúng ta được đón nhận và được học để sống là những Kitô hữu, được trao cho sứ vụ rao giảng sứ điệp cứu độ của Chúa. Mỗi chúng ta đều có những yếu đuối và bất toàn, nhưng không vì thế chúng ta sử dụng chúng như một cái cớ để khước từ việc phục vụ Chúa và tha nhân. Chúng ta không nên nản lòng vì những điểm yếu của mình, vì cũng như yếu đuối của ông Phêrô không phải là điều ngăn cản Chúa trao cho ông quyền lãnh đạo Giáo Hội, cho nên những khuyết điểm của chúng ta không phải là trở ngại cho ân sủng của Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Thánh Augustiô nói với Chúa: “Xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa”. Chúng ta có thể biết Chúa bằng những phương cách khác nhau: chứng từ của các thánh và các tông đồ, Thánh Kinh và các Bí Tích, việc thờ phượng và cầu nguyện, việc phục vụ những người trong gia đình và việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương; và cùng với thánh Phêrô chúng ta tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khám phá Chúa mỗi ngày để chúng con biết Chúa là ai đối với chúng con. Xin cho chúng con đứng vững trong niềm tin vào Chúa là Con Thiên Chúa. Xin giúp chúng con điều chỉnh suy nghĩ, lời nói và hành động của mình để nên giống như của Chúa mà có thể nói: “con sống, nhưng không còn phải là con, mà là Chúa sống trong con” (Gl 2,20). Amen.
SUY NIỆM 2: ĐẤNG GIỮ CHÌA KHÓA NHÀ ĐAVÍT - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XXI, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng ta trở nên một lòng một ý, vì thế, chúng ta phải xin cho mình biết yêu mến luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dù sống giữa những thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng gắn bó với cõi phúc chân thật.
Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Người bệnh thì mới cần đến thầy thuốc. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Xôphônia đã cho thấy: Những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, những người tìm kiếm Đức Chúa, tìm kiếm sự công chính, đức khiêm nhường, họ là những người nghèo hèn trong xứ sở. Bài đọc hai của giờ Kinh Sách được trích từ Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II, về Hội Thánh trong thế giới ngày nay nói: đang khi chúng ta nỗ lực lo cho trái đất này ngày một tốt đẹp hơn, thì chúng ta cũng đang hướng về một vương quốc vĩnh cửu và phổ quát, vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an, đúng như tâm tình mà ngôn sứ Isaia mời gọi: Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Thiên Chúa chúng ta ngự đến. Người chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.
Quả thật, những người yêu mến luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa đều là những người đơn sơ bé mọn. Họ không có niềm trông cậy nào khác, ngoài một mình Chúa, bởi vì, chỉ có một mình Chúa là đầu mối, nguồn gốc mọi sự, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã cho thấy: muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Do đó, cũng chỉ có một mình Chúa mới làm cho chúng ta nên một lòng một ý. Đức Giêsu không thiết lập nhiều Hội Thánh, nhưng, chỉ có một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Quyền chìa khóa của thánh Phêrô được lãnh nhận từ Đức Kitô, chính Người là Đầu của Hội Thánh. Chính Người là Đấng giữ chìa khoá vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã tiên báo: Chìa khoá nhà Đavít, Đức Chúa sẽ đặt trên vai Engiakim, vua Giuđa, ông mở ra thì không ai đóng được, ông đóng lại thì không ai mở được. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã trao cho thánh Phêrô chìa khóa Nước Trời: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 137, vịnh gia cho thấy: Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang. Chắc chắn, Chúa sẽ không để cho công trình của Người bị dở dang, nhưng, với tự do của mình, chúng ta có thể làm cho công trình của Chúa bị dang dở nơi chúng ta.
Ơn cứu độ là một ân huệ nhưng không, chúng ta được cứu độ là do bởi ân sủng, nhưng, không phải một ân sủng chung chung, mà là, ân sủng của Đức Kitô; chúng ta được cứu độ là do bởi đức tin, nhưng, không phải một đức tin chung chung, mà là, đức tin vào Đức Giêsu. Do đó, chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, chính Người là Đấng giữ chìa khóa nhà Đavít, là cửa dẫn chúng ta vào hưởng ơn cứu độ. Công trình cứu độ của Chúa sẽ dở dang, nếu chúng ta không cộng tác: không để cho Người làm cho chúng ta nên một lòng một ý, để chúng ta có thể tuân giữ luật Người truyền và trông đợi điều Người hứa.
Niềm hy vọng của chúng ta vào lời hứa của Chúa được thể hiện qua việc dù sống giữa những thế sự thăng trầm, chúng ta vẫn một lòng gắn bó với cõi phúc chân thật. Sống giữa thế gian, nhưng, không thuộc về thế gian. Đây là một thách đố lớn đối với những người môn đệ của Đức Giêsu. Ađam và Eva đã chọn ăn trái cấm, bởi vì, ông bà đã không tuân giữ lời Chúa truyền, và cũng chẳng mong điều Chúa hứa. Ông bà đã tin rằng: ông bà đã chọn một cái gì đó lớn hơn điều Chúa hứa.
Thánh Phêrô được trao chìa khóa Nước Trời, sau khi thánh nhân tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Chính trên niềm tin đá tảng này, mà Đức Giêsu đã đặt nền móng xây dựng Hội Thánh. Niềm tin đặt nơi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, hằng vâng phục thánh ý Chúa Cha, và hoàn toàn tín thác nơi Cha: đến đổ giọt máu, giọt nước cuối cùng, chết tủi nhục trên thập giá để hoàn tất thánh ý cứu độ nhân loại, chính niềm tin đó sẽ giúp chúng ta can đảm, kiên cường khi đối mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Chúng ta vững tin rằng: mình sẽ chiến thắng được các thế lực tăm tối, nhờ bám chặt vào quyền năng của Đức Giêsu, Đấng nắm giữ chìa khóa nhà Đavít. Nước Trời luôn rộng cửa đón mời chúng ta, nhưng, nếu chúng ta không tỉnh thức, sẵn sàng, chúng ta sẽ bị bỏ lại bên ngoài cửa như những cô khờ dại mang đèn, nhưng không mang theo dầu.
SUY NIỆM 3: DƯỚI ĐẤT THẾ NÀO, TRÊNTRỜI THẾ ẤY ! - Giuse Nguyễn Trọng Sơn
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19).
Người ta thường giải thích câu này theo hướng đề cao quyền bính của Giáo Hội: trên trời sẽ theo quyết định của quyền bính Giáo Hội dưới đất! Nhưng tôi nghĩ nên theo hướng suy tư khác: Chúa Giêsu tin tưởng giao quyền bính thần linh cho Giáo Hội, nhưng quyền bính ấy phải được sử dụng theo ý của Thiên Chúa, cho phù hợp với ý Trời. Chẳng lẽ một quyền bính Giáo Hội làm sai, muốn khẳng định quyền bính, lợi ích phàm trần, mà Thiên Chúa cũng đồng ý và làm theo như vậy?! Giải thích theo lối trước là một thứ lạm dụng quyền lực!
Tể tướng Sépna không chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo trên dân thì bị Thiên Chúa loại trừ và đặt ông Engiakim lên thay; nhưng sau đó, chính ông này cũng thế, nên lại bị loại bỏ! Người được trao trách nhiệm trên người khác không phải để tìm kiếm quyền thế hay lợi ích của cá nhân và gia đình người ấy, nhưng vì lợi ích của dân chúng. Điều này dựa trên nền tảng của ân ban thần linh. Chúa Giêsu khen Phêrô không phải vì ông hay ho gì, nhưng vì ông được Thiên Chúa mạc khải cho biết những điều cao cả. Ngay sau đó, khi ông này cản Chúa Giêsu đi con đường thập giá, thì chính Ngài lại cảnh cáo ông!
Sau khi giao trách nhiệm tháo cởi cho Phêrô, Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đấng Kitô. Chúa Giêsu không muốn người ta hiểu sứ vụ của Ngài theo hướng phàm tục. Vậy thì Giáo Hội cũng thế, không được phàm tục hoá quyền bính thần linh.
Những người lãnh đạo các cộng đoàn đức tin được mời gọi tin tưởng vào sự khôn ngoan sâu thẳm của Thiên Chúa (bài đọc 2) để đi theo sự dẫn dắt của Thánh Thần, vì đó mới thực sự là con đường tốt nhất; và khi làm thế, họ mới chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho.
SUY NIỆM 4: Trên tảng đá này _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
Trong cộng đoàn Hội Thánh,
Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.
Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,
và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.
Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.
Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),
và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.
Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.
Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,
Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,
và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.
Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,
tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.
Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.
Phêrô được tuyên bố là người có phúc,
vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.
Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.
“Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.
Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,
ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:
“Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,
Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,
sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.
Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,
đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.
Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.
Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.
dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.
Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),
nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.
Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),
nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,
quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,
thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.
Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,
mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,
những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.
Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,
khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,
khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,
khi Ðức Thánh Cha bị công kích?
Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,
cải tổ và canh tân Hội Thánh
bằng việc canh tân chính bản thân mình.
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự :
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
SUY NIỆM 5: Chìa khóa và đá tảng _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa trao cho thánh Phêrô hai sứ vụ quan trọng là “Chìa Khóa” và là “Đá Tảng”: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời”; "Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”.
1/ Chìa Khóa
Bài đọc 1, Thiên Chúa phán về ông Engiakim con của Khinkigiahu: “Chìa khóa nhà Đavit, Ta sẽ đặt lên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được” (Is 22,22). Chúa Giêsu không nói về chìa khóa nhà Đavit mà mà chìa khóa Nước Trời. Sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, ngài đã được Chúa trao “Chìa Khóa Nước Trời", đó là quyền lãnh đạo Dân Chúa, quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Sau này khi Phục Sinh, bên bờ hồ Tibêria, Chúa trao quyền mục tử quản trị “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy” (Ga 21,17) .
Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Hội Thánh trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. “Trên trời và dưới đất”, “tháo cởi và cầm buộc”, Chúa Giêsu là dòng dõi Đavit, không phải để kế thừa vương quốc trần gian mà là vương quốc vĩnh cửu của Nước Trời. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” là hai hành động diễn tả việc giảng dạy và áp dụng Luật Môsê do các thầy dạy (Rapbi) của Itraen, điều đó cũng có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh.
Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khoá mở cửa Nhà thờ. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho Linh Mục Quản Xứ để ngài mở cửa Nhà thờ.Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn Giáo phận là thuộc Đức Giám Mục Giáo Phận, còn Linh Mục Quản Xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám Mục, thay mặt Đức Giám Mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này.
Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua ngài, qua Hội Thánh, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Quyền làm con Thiên Chúa chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích.
Nói đến chìa khóa là phải nghĩ đến ổ khóa. Ổ khóa là để thực thi chức năng bảo vệ những gì được xem là quý giá mà có thể bị mất vì kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giêsu nói là trao chìa khóa cho Phêrô, thế thì Người trao cho ông khi nào ? Có thể khẳng định là Người đã trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô trong lần hiện ra tại bờ hồ Tibêria khi Người từ cõi chết sống lại. “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy…Hãy chăn dắt chiên của Thầy…”. Nhận lấy chìa khóa là nhận lấy trách vụ bảo vệ. Để có thể chu toàn trách vụ bảo vệ thì trước hết cần phải trân quý cái mình bảo vệ đồng thời nhận rõ các nguy cơ khiến có thể mất nó. Chúa đã trao cho Phêrô chìa khóa để bảo vệ đoàn chiên. Chúa cũng đã trao chìa khóa cho các giám mục để chăm sóc, bảo vệ đặc biệt đoàn chiên trong các Hội Thánh địa phương.
Chúa Giêsu đã trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô, nhưng ngài không cầm chìa khóa bằng sắt thép hay kỹ thuật số, mà chìa khóa ấy chính là bí tích hòa giải. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Quyền “trói và cởi” là quyền tha thứ các tội lỗi, công bố những phán đoán về giáo lý và đưa ra những quyết định có tính kỷ luật trong Giáo hội (x. số 553).
2/ Đá Tảng
Sau khi Phêrô và các môn đệ biết nguồn gốc lời tuyên xưng của Phêrô là do Cha trên trời mạc khải, Chúa Giêsu công bố và thiết lập Hội Thánh, cộng đoàn của Giao Ước Mới: “Thầy báo con biết: con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Chúa xây dựng Hội Thánh của Chúa trên đá tảng Phêrô. Xây trên đá có nghĩa là xây trên một nền tảng vững chắc, vững chắc đến mức độ sức mạnh của hoả ngục cũng không thắng nổi: "trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Cuối bài giảng trên núi, Chúa đã nói ví dụ xây nhà “xây nhà trên cát” thì sẽ bị nước cuốn đi, “xây nhà trên đá” thì “mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào nhà ấy cũng không sụp đỗ”. Bây giờ Chúa đã có được nền đá để xây ngôi nhà là Hội Thánh của Chúa. Việc Cha mạc khải cho Phêrô biết và tuyên xưng Chúa Giêsu là ai, là tín hiệu của Chúa Cha cho Chúa Giêsu thấy Tảng Đá tuyển chọn. Ở cái miền đất “đá nhiều hơn đất” này, núi đá trơ trọi và những tảng đá trơn trượt cao sừng sững, hay hốc đá…là những nơi an toàn. Ngôn sứ Isaia diễn tả sự an toàn của những người theo đường chính trực : “Người như thế sẽ được ở trên núi cao, có đồn trên núi đá làm nơi trú ẩn. Bánh ăn sẽ được luôn cung cấp, nước uống chẳng lo thiếu bao giờ” (Is 33,16). Các Thánh Vịnh nhiều lần ví Thiên Chúa lá núi đá, là tảng đá. Thậm chí sách Xuất Hành đẩy đến cùng ý nghĩa cứu độ này, khi kể rằng lúc dân Itraen không có nước uống, họ kêu trách ông Môsê, ông Môsê kêu lên Đức Chúa thì Đức Chúa truyền: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục dân Itraen, cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đàng kia trước mặt mọi người, trên tảng đá núi Khorep. Ngươi sẽ đập vào tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17,1-7). Sách Dân số kể chuyện tương tự ở một giai đoạn sau, Thiên Chúa bảo ông Môsê cầm gậy, triệu tập cộng đồng Itraen trước tảng đá rồi “nói với tảng đá” và “từ tảng đá ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng uống”. Nhưng trong cơn tức giận vì sự cứng lòng của dân, ông Môsê đã cầm gậy “đập vào tảng đá hai lần”, “nước trào ra lai láng cho dân và súc vật uống” (Ds 20,1-11). Nhưng Đức Chúa thịnh nộ với ông Môsê vì đã không tôn vinh Danh Chúa khi trái lệnh: thay vì nói với tảng đá, ông lại đập và đập tới hai lần!
Quyền lực và thù nghịch của Thiên Chúa và loài người từ ban đầu là cái chết do Satan cầm đầu và đưa vào trần gian (x.Kn 1,13;2,24). Chúa đã thắng cả cái chết, nên ngôi nhà Hội Thánh Chúa xây lên thì quyền lực Tử Thần sẽ không làm gì được. Tất cả những kẻ đã làm tay chân cho tử thần để tìm cách tiêu diệt Hội Thánh của Chúa, từ bên ngoài cũng như từ bên trong Hội Thánh đều đã được tử thần đón về dinh để tưởng thưởng; còn Hội Thánh vẫn sống động và tiếp tục lan rộng đến tận cùng thế giới. “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Cái đêm đen tối nhất của lịch sử Hội Thánh đã xảy ra rồi: mười hai ông tông đồ Chúa đã chọn, thì ông thủ quỹ Giuđa bán Chúa; tảng đá Phêrô mới chỉ bị một con hầu giữ cổng “rờ gáy” đã chối Chúa nhanh hơn gà gáy, mười ông kia bỏ trốn ngay khi Chúa bị bắt, còn Chúa thì vào âm phủ, ngôi mộ bị niêm phong với lính gác. Đó chính là cái đêm Hội Thánh sinh ra (x.Ga 16, 20-22) (x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan SJ).
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh, thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa. Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử. Không chỉ những cuộc bách hại đẫm máu, mà còn có những chia rẽ, tranh chấp nội bộ, những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian. Chúa Giêsu gọi Simon là Phêrô, nghĩa là Đá. Điều này diễn tả sự chia sẻ quyền lực của Thiên Chúa cho người đại diện Chúa nơi trần gian là Phêrô và các Đấng kế vị ngài. Chúng ta tin vào sự vững bền của Hội Thánh vì chính Chúa là Nền Tảng đã đặt ngai tòa Phêrô như Đá vững chắc cho ngôi nhà Hội Thánh. Sức mạnh của Đấng Phục Sinh là cơ sở cho niềm tin và bình an khi chúng ta sống trong Hội Thánh của Chúa.
Chìa Khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.
Tảng Đá, tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho Phêrô. Trên Táng Đá này, Chúa xây Hội Thánh vững bền. Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẻ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa Khóa Nước Trời”.
Lời hứa của Chúa Giêsu với Phêrô đã trở thành hiện thực khi nhìn lại lịch sử Hội Thánh hơn hai ngàn năm qua. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà. Dẫu Hội Thánh trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phêrô. Vị Giáo hoàng tiên khởi và các đấng kế vị luôn đóng trọn vai trò “Đá Tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Hội Thánh.
Tạ ơn Chúa đã lập nên Hội Thánh. Hội Thánh trở thành mẹ của mỗi tín hữu trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Hội Thánh là biết ơn, vâng lời và xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên Ðền thờ thiêng liêng.” (1 Pr 2,5)