Chúa Nhật XXII Thường Niên năm A

Thứ năm - 31/08/2023 10:40
Tin Mừng: Mt 16, 21-27

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

cn 22 tn a


SUY NIỆM 1:  QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,24-25).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
“Không đau đớn, không thành tựu” thường được sử dụng trong thể thao để khích lệ các vận động viên luyện tập cho các cuộc tranh tài khác nhau. Có đau đớn do chấn thương, sự căng thẳng khi cố gắng hết sức, chế độ luyện tập mệt mỏi để rèn luyện cơ bắp đến đỉnh cao của sự hoàn hảo. Những ai thích an nhàn, thư thái, thong thả, thì sẽ không bao giờ thành công. Sự thật này cũng áp dụng cho chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta gặp phải những khó khăn và trở ngại trong nỗ lực đáp lại một cách đầy đủ và tích cực lời kêu gọi rõ ràng từ Thiên Chúa. Chúng ta cần không ít nổ lực để vượt qua khó khăn, đối mặt với thử thách và chấp nhận hy sinh để đạt được vinh quang Nước Trời. 
1.    Đối với con người: không qua đau khổ mà vẫn có vinh quang
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói xa xa đến cái chết và sự phục sinh của mình trước đó (x. Mt 9,15; 12,39; 16,4). Chẳng hạn, khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu về vấn đề ăn chay, Chúa Giêsu đã trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (x. Mt 9,14-15). Như thế, thập giá sẽ ngày càng hiện rõ hơn ở phía chân trời và các môn đệ của Chúa cần phải biết điều đó. Nhưng đây là lần đầu tiên Chúa nói ra điều đó không mập mờ, nhưng lại rõ ràng: “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).
Khi nghe những lời đó, thánh Phêrô đã chủ động phản ứng giống như ngài là người đầu tiên trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Anh em nói Thầy là ai?” Có vẻ như thánh Phêrô đã nghĩ đến những lời trước đó của Chúa Giêsu đã ban cho ngài một sứ vụ độc đáo và một thẩm quyền đặc biệt: nào là sứ mạng làm tảng đá kiên vững của Hội Thánh mà Chúa Giêsu xây dựng trên đó; nào là “quyền chìa khóa”, tức quyền cai quản Hội Thánh; nào là “quyền cầm buộc và tháo cởi”, tức quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (x. Mt 16,18-19). Thánh Phêrô tỏ ra rất quen thuộc với Chúa Giêsu. Như thể bằng một quyền riêng của mình, ngài kéo Chúa Giêsu sang một bên để đặt Chúa vào cuộc thảo luận về Đấng Mêssia do ngài vạch ra.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Lời này cho thấy thánh Phêrô phủ nhận mạnh mẽ nhất có thể. Nói cách khác lời tiên báo khủng khiếp về thập giá của Chúa Giêsu đơn giản là không thể đúng. Cả thái độ lẫn lời nói của thánh Phêrô đều cho thấy ngài đã đi quá giới hạn. Chắc chắn suy nghĩ của thánh Phêrô cũng như của các môn đồ khác về Đấng Mêsia đều xuất phát từ những quan niệm sai lầm phổ biến thời đó. Chẳng hạn vào ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” (Cv 1,6) dù trước đó bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa đã dạy bảo các ông về Nước Thiên Chúa (x. Cv 1,2-3). 
Lối nghĩ của thánh Phêrô ngày xưa vẫn còn tái hiện trong lối nghĩ của mỗi người chúng ta ngày nay. Lắm lúc chúng ta không muốn đau khổ, nhưng vẫn đạt được vinh quang. Chẳng hạn, có người đang thừa cân béo phì muốn có một vóc dáng thon thả, nhưng lại không muốn tập luyện chăm chỉ, không muốn chịu đựng những nỗi đau về cơ, các chấn thương trong tập luyện, không muốn đổ những giọt mồ hôi, không muốn có chế độ ăn uống phù hợp, thì thử hỏi làm sao có được một thân hình đẹp? Có người muốn cải thiện đời sống kinh tế gia đình, nhưng lại không muốn cố gắng phấn đấu, không muốn vượt khỏi vùng an toàn vì sợ những thất bại ban đầu như nuôi heo thì sợ heo chết, nuôi gà thì sợ gà chết…; thì thử hỏi làm sao có được một cuộc sống tốt đẹp? Có người muốn gia đình mình biết quan tâm nhau nhiều hơn, nhưng lại không muốn dành thời gian cho gia đình: người cha có niềm vui riêng của người cha, người mẹ có niềm vui riêng của người mẹ; con cái có niềm vui riêng của mình, mạnh ai nấy sống, thì thử hỏi làm sao có được một gia đình đầm ấm được? 
2.    Đối với Thiên Chúa: Vinh quang trải qua đau khổ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” vào tuần trước, bây giờ bị gọi là Satan. Tại sao Chúa lại nói với ngài một cách gay gắt như vậy, sau khi đã trao chìa khóa Nước Trời cho ngài? Câu trả lời khá đơn giản! Thánh Phêrô vẫn chưa hiểu rằng sứ mạng của Chúa Giêsu bao hàm hành động người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10,11). Có lẽ suy nghĩ của thánh Phêrô là tại sao lại nói đến cái chết khi chúng ta chưa hoàn toàn chinh phục được quân Rôma. Con thất vọng về Thầy! Làm sao thầy có thể nói như vậy, thầy là Chúa? Chúng con chưa trở thành những bộ trưởng, những chủ tịch tỉnh trong nhà nước mới mà thầy đã thành lập này, và con thậm chí còn chưa được hưởng những lợi ích từ chức vụ mới mà thầy vừa bổ nhiệm cho con.
“Thánh Phêrô và lời nói của ngài” là “những trở ngại” mà Chúa Giêsu phải vượt qua để hiến thân hoàn toàn cho Chúa Cha mà cứu độ chúng ta. Chúa cho thánh Phêrô biết vị trí của ngài ở đâu: “Lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Nếu tư tưởng của loài người là không qua đau khổ mà vẫn có vinh quang, thì trái lại tư tưởng của Thiên Chúa là vinh quang phải trải qua đau khổ. 
Một số người trong chúng ta như ngôn sứ Giêrêmia than thở về sự thất vọng và nỗi buồn chán của mình vì bị người khác gây đau khổ khi trung thành với Lời Chúa: “Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày” (Gr 20,8). Cơn cám dỗ của vị ngôn sứ là “im lặng” để khỏi bị nhạo báng. Thế nhưng, Lời Chúa đã chiến thắng. Vị ngôn sứ không còn làm chủ được bản thân mình nữa, thay vào đó, Lời Chúa như ngọn lửa bừng cháy trong tim ông, như gươm hai lưỡi (x. Dt 4,12) đã đâm thấu tâm hồn ông và để lại cho vị ngôn sứ lòng nhiệt thành (x. Tv 69,10). Đôi khi chúng ta sống với giả định rằng: nếu chúng ta làm theo ý Chúa, thì chúng ta sẽ khỏe mạnh, giàu có, bình an, hạnh phúc và được mọi người yêu mến. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Lòng trung thành với Thiên Chúa đôi khi mang lại đau khổ, thử thách, thất vọng và Người để cho chúng ta trải qua những điều đó. Tuy nhiên, Chúa vẫn nâng đỡ và che chở cho chúng ta.
Những kinh nghiệm đau thương mà ngôn sứ Giêrêmia trải qua khi trung thành nói Lời Thiên Chúa chẳng khác gì “việc từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa” như Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô. “Từ bỏ chính mình” có nghĩa là gì? Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta chê chối “chúng ta là ai”, nhưng phủ nhận “những gì chúng ta đã trở thành”. Chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta là một điều gì đó “rất tốt lành”, như chính Thiên Chúa đã nói, ngay sau khi tạo dựng nên con người có nam có nữ. Điều chúng ta phải phủ nhận không phải là “hình ảnh của Thiên Chúa”, mà là “hình ảnh chúng ta đã tạo ra” bằng cách lạm dụng quyền tự do của mình - những khuynh hướng xấu xa, tội lỗi, tất cả những thứ đã che phủ hình ảnh nguyên gốc. 
Hình ảnh đẹp đẽ của Thiên Chúa đã bị che phủ bởi bảy tầng của bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, tham lam, phẫn nộ, đố kỵ, ham muốn, háu ăn, lười biếng. Những tội này làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Vậy làm thế nào chúng ta có thể làm sáng lại “hình ảnh của Thiên Chúa”? Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta một lời khuyên: “Hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa” (Rm 12,2). Khi chúng ta hiểu được ý Chúa và làm theo ý đó, chúng ta cũng đang “từ bỏ chính mình”, mà “từ bỏ chính mình” là để tìm thấy sự sống đích thực, như lời thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). 
Tóm lại, Chúa Giêsu đã hiến dân thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa để cứu độ chúng ta. Ngày nay chúng ta cần học bài học gì từ Chúa Giêsu? Con đường Chúa hiến dâng thân mình là con đường của thập giá: con đường qua đau khổ đến vinh quang, con đường qua sự chết đến sự sống, con đường từ đất thấp đến trời cao. Chúa Giêsu đã đi con đường này, thì phương chi là người Kitô hữu, sẽ không có con đường nào khác, ngoài trừ con đường mang tên thập giá. 
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết “từ bỏ chính mình” và “từ bỏ những ý muốn của chính mình” để làm theo ý Chúa Chá như Chúa đã làm. Xin ban cho chúng con sức mạnh để vác thánh giá mình hàng ngày vì biết rằng qua sự hy sinh chúng con mới có được tinh thần người môn đệ đích thực. Xin đổ tràn niềm hy vọng vào tâm hồn chúng con khi chúng con nhớ đến cái chết của Chúa trên thập giá vì Chúa đã chiến thắng cái chết và ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Chúa. Amen. 

SUY NIỆM 2: MỌI SỰ TỐT LÀNH ĐỀU BỞI CHÚA - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ  muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều do Chúa mà ra. Chúng ta phải xin cho mình thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta sẽ được Chúa giữ gìn và phát triển.
 
Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa, vì thế, cũng chỉ một mình Chúa mới có thể gìn giữ và làm phát triển những gì tốt đẹp nơi chúng ta, phần chúng ta là hãy tin yêu, phó thác và đặt niềm trông cậy vững vàng vào Chúa, cho dẫu, chúng ta phải đối mặt với một thực tế hết sức phũ phàng: người dữ thường ức hiếp người lành; điều ác thường lấn lướt điều thiện, khiến ngôn sứ Giêrêmia đã chất vấn Chúa trong bài đọc một của giờ Kinh Sách hôm nay: Tại sao người ác cứ thịnh đạt hoài, tại sao bọn bất lương cứ bình an vô sự? Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ cũng đã giải bày tâm sự cùng Chúa: vì Lời Đức Chúa mà ông bị sỉ nhục, và ông tự nhủ: không nhân danh Đức Chúa mà nói nữa, nhưng, Lời Đức Chúa vẫn cứ âm ĩ trong lòng khiến ông không thể nén lại được. Đây cũng chính là tâm tình của Đức Giêsu khi đối mặt với giờ của quyền lực tối tăm, Người cảm thấy tâm hồn xao xuyến và xin với Chúa Cha: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng, cũng vì giờ này mà con đến.
 
Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa, nên chúng ta luôn khao khát, vươn tới những gì thiện hảo, như vịnh gia, trong Thánh Vịnh 62 của bài Đáp Ca hôm nay đã thốt lên: Lạy Thiên Chúa con thờ, linh hồn con khao khát Chúa. Chúa chính là niềm khao khát, trông mong của chúng ta, nên cũng chính Người sẽ soi lòng, mở trí cho chúng ta biết đâu là niềm hy vọng đích thực chúng ta phải hướng tới.
 
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho chúng ta biết: chúng ta chỉ làm những điều xấu xa, tự sức mình chúng ta không thể làm được điều gì thiện hảo cả, nhưng, ngài cũng trấn an chúng ta: Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người sẽ không bỏ rơi chúng ta. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cho chúng ta biết: để tỏ lòng tin yêu, phó thác, trông cậy vào Chúa, chúng ta phải hiến dâng thân mình, để Chúa đổi mới tâm trí chúng ta, hầu chúng ta biết được thánh ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì là thiện hảo, cái gì làm đẹp lòng Chúa.
 
Lòng tin yêu, phó thác và trông cậy vào Chúa được cụ thể hóa trong bài Tin Mừng hôm nay qua việc: Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Chúng ta trở nên thánh thiện, tốt lành, không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng chúng ta, nhưng là do bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của trí năng và ý chí của chúng ta.
 
Những gì tốt đẹp nơi chúng ta đều là do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này. Ngày cuối đời, chúng ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng, tất cả những việc làm, mà chúng ta tưởng là tốt lành, thánh thiện, thì đều bị nhiễm uế trước mắt Chúa, bởi Người là Đấng tinh tuyền, tuyệt hảo, không chút bợn nhơ.
 
Không chấp nhận từ bỏ chính mình, không để cho mình được thanh luyện bằng cách vác thập giá mình hằng ngày mà bước theo Chúa, chúng ta sẽ chẳng thể nào làm được điều chi tốt đẹp. Cái tôi tự mãn của chúng ta chạm đến bất cứ thứ gì, thì liền lập tức biến mọi sự trở nên cái tối, cái tội, cái tồi; không ý thức mình là con bệnh, chúng ta không thể được Chúa chữa lành; không thừa nhận mình là tội nhân, chúng ta sẽ không thể được Chúa cứu độ. Chỉ một mình Chúa mới có thể làm cho chúng ta trở nên tốt lành, thánh thiện. Chúa đã dùng con đường khiêm nhường, tự hủy để cứu độ chúng ta, vì thế, chúng ta sẽ không có con đường nào khác, ngoài con đường khiêm hạ của Chúa. Tóm lại, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta được giữ gìn và phát triển, chúng ta phải hết lòng tin yêu, phó thác và trông cậy nơi Chúa, bởi vì, mọi sự tốt lành đều bởi do Chúa mà ra.

SUY NIỆM 3: Theo Chúa -  Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Câu kết bài Tin Mừng tuần trước: “Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”, thật ngạc nhiên! Sau khi Chúa chuẩn nhận lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa lại cấm công khai điều ấy.Tại sao? Thánh Matthêu không trực tiếp trả lời, nhưng kể tiếp “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Chúa bắt đầu một “chương mới” trong việc dạy dỗ các môn đệ. Bấy lâu nay, các ông chỉ thấy Chúa rao giảng và chữa lành, được đám đông tôn kính. Nay các ông đã nhận ra “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” thì “từ lúc đó Chúa bắt đầu tỏ” cho các ông biết con đường Chúa phải trải qua để lãnh nhận tất cả uy quyền và vinh quang của “ Đức Kitô Con Thiên Chúa” trong thân phận Con Người “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phản ứng của các môn đệ như thế nào? Vẫn ông Phêrô bộc lộ thật mãnh liệt. Có lẽ những lời về đau khổ và cái chết làm cho ông ù tai rồi nên không nghe được lời cuối cùng. “Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy” Nhưng cái cách “ông kéo riêng Người ra” để nói nhỏ khiến Chúa phải làm toáng lên để khỏi các môn đệ khác ngộ nhận: “Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan. Lui lại đang sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ông Phêrô vừa được Cha trên trời mạc khải cho biết “tư tưởng của Thiên Chúa” về mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, bỗng quay lại với tư tưởng của loài người và trở thành Xatan cản lối. [Cái tên Xatan trong tiếng Aram vốn có nghãi là kẻ chống đối, còn trong tiếng Hylạp “dia-bolos” là kẻ gây chia rẽ bằng cách quăng một vật gì đó vào giữa hai người đang đi với nhau để tách hai người ra. Đó là nghề của Xatan từ ban đầu và bao lâu còn có con người trên mặt đất thì nó vẫn chưa thất nghiệp: xúi giục sự chống đối để chia rẽ con người với Thiên Chúa, chia rẽ người nam với người nữ, chia rẽ anh em, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ cả trong Hội Thánh của Chúa, dù Chúa đã bảo đãm là nó không phá nổi, nó vẫn cứ vùng vẫy cho tới ngày bị “quăng vào hồ lửa và diêm sinh” (Kh 20,8; x.St 2-4) ]. Khi Xatan cám dỗ Chúa cách thô lỗ nhất là xúi Chúa bái lạy nó để được vinh hoa thế gian thì Chúa đuổi nó thẳng tay: “Xatan kia! Xéo đi” (Mt 4,10). Bây giờ ông Phêrô, môn đệ được tuyển chọn, lại muốn cản đường Chúa, khác nào tiếng vọng của Xatan, nên Chúa quay lại qưở trách ông, nhưng không đuổi đi mà chỉ đuổi ông về vị trí môn đệ: làm môn đệ thì đi đàng sau Thầy; Chúa không cần một “Tôn Ngộ Không” đi trước dẫn đường! Ông đã nhận ra Chúa là “Đức Kitô Con Thiên Chúa” thì đừng theo tư tưởng của loài người nữa. Chúa như nhắc lời sách Isaia: “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các người không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng đó” (Is 55,8-9). (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan, SJ.).
Theo “tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói lên luật hy sinh cho những ai muốn làm môn đệ, gồm 3 điểm: từ bỏ mình, vác thập giá, và theo Chúa. Ba điểm đó, tuy là ba nhưng cũng chỉ là một: theo Chúa trên con đường khổ giá. Chúa lấy sự nhẫn nại đau khổ như một điều kiện để theo Ngài, làm đồ đệ Ngài: “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16, 24).
Thời gian ngắn trước đây Chúa Giêsu khen Phêrô và đặt Phêrô lãnh đạo Giáo Hội khi trao “Chìa khoá Nước Trời” cho Phêrô và đặt ông làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội. Ngay sau đó,  Chúa lại khiển trách Phêrô đã gây cớ ngăn cản chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phêrô với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến không muốn điều gì xảy ra cho Thầy. Khi Chúa Giêsu tâm sự cùng các ông là Ngài sẽ vác thập giá và chịu đóng đinh, chịu chết trên thập tự, Phêrô nêu ý kiến can ngăn Chúa tránh xa thập giá. Chúa cho Phêrô biết điều ông suy nghĩ xem ra có vẻ tốt lành nhưng không phải đến từ trời cao mà đến từ trần thế. Ý kiến trần thế của Phêrô vấp phải hai lỗi lầm: Phêrô không hiểu rõ sứ mạng của Thầy là chết cho người mình yêu và Phêrô cũng không thể mường tượng ra được hy sinh là dấu chỉ của tình yêu chân chính, đích thực.
Phêrô theo Chúa là hình ảnh tuyệt đẹp. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng, Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ thầy sao?”. Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về mối liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt, ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ.
Chúa không chấp thuận theo Chúa xa xa hay theo Chúa có điều kiện. Ngài muốn chúng ta theo Ngài thì phải triệt để, trọn vẹn và dứt khoát: “đã cầm cầy không có ngoái cổ lại”; “ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn… thì không xứng đáng là môn đệ ta”; “ai không đứng về phe ta là chống đối ta”; “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tất cả những điều này cho thấy Chúa muốn những ai theo Chúa thì quyết liệt thuộc về Chúa vì chỉ có Ngài mới có lời ban sự. Đó cũng là thái độ của các môn đệ Chúa sau này, sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Phaolô đứng trước công nghị không hề sợ hãi mà còn tuyên bố thuộc hẳn về Ngài dầu có phải chết, “chúng tôi không thể nào mà không rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại”.
Con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Con đường “đánh mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: con đường “đánh mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x.Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Con đường Chúa đi không có tiện nghi trần thế mà chỉ có từ bỏ và thập giá. Nhưng Chúa mãi mãi là Tình Yêu. Chỉ có Chúa mới là Hạnh Phúc mà chúng ta đang mong chờ và tìm kiếm. Chúng ta vẫn có quyền chọn lựa, nhưng hãy nhớ rằng: “Bộ mặt thế gian sẽ qua đi”, và “dù được lợi cả thế gian mà mất mạng sống, thì ích gì cho chúng ta?”.
Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi qua là con đường tình yêu, con đường thánh giá và vâng phục tự hiến. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Amen.

SUY NIỆM 4: Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

“Lối nghĩ của anh không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa,
mà là lối nghĩ của loài người” (Mt 16,23).
Thầy Giêsu đã mắng anh Phêrô như thế
khi anh muốn can ngăn Thầy chấp nhận cuộc Khổ nạn.
Lời can ngăn của Phêrô là một cám dỗ rất mạnh đối với Thầy,
vì đó là lời can ngăn của người môn đệ đầy mến thương:
“Xin Thiên Chúa thường đừng để Thầy gặp chuyện ấy !”
Để thắng được cơn cám dỗ mạnh mẽ này, đến từ Phêrô,
Thầy Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ không kém.
Ẩn sau lời của Phêrô, Thầy thấy có lời đường mật của Xa-tan,
lời mà Thầy đã nghe từ buổi đầu trong hoang địa.
Xa-tan đã rủ rê Thầy bái lạy nó để được mọi vinh hoa trần gian.
Nó muốn Thầy chinh phục thế gian bằng con đường tắt (Mt 4,9).
Thầy Giêsu đã cương quyết bảo nó cút đi.
Và bây giờ Thầy cũng đòi Phêrô trở về đúng chỗ của mình.
“Hãy lui lại đằng sau Thầy !”
Môn đệ phải là người đi sau Thầy, chứ không dẫn đường đi trước.
Thật ra Phêrô can ngăn Thầy là điều hiểu được.
Ông mới được Thầy khen, vì nhờ Chúa Cha, ông biết Thầy là Đấng Kitô.
nhưng khuôn mặt đặc biệt của Đấng Kitô ấy, ông chưa rõ.
Từ thời vua Đa-vít, Thiên Chúa đã hứa ban cho Ítraen một Đấng Kitô.
Đấng này sẽ là một vị vua thuộc nhà Đa-vít,
mà vương quyền và ngai vàng thì vĩnh cửu (2 Sm,11-16).
Trải qua cả ngàn năm, dân Ítraen vẫn chờ Thiên Chúa giữ lời hứa.
Vào thời Đức Giêsu, người dân vẫn mong có Đấng Kitô đến
để cứu Ítraen khỏi tay Rôma, và cho dân hưởng thái bình no ấm.
Ai cũng nghĩ Đấng Kitô phải là Đấng toàn thắng, mạnh mẽ oai hùng,
nên khi nghe Thầy Giêsu nói về thân phận khổ đau thất bại của mình,
Phêrô đã cho thấy ông không thể nào chấp nhận được (Mt 16,22).
Ông không thể chấp nhận hình ảnh Đấng Kitô bị hành hạ và bị giết.
“Lối nghĩ của anh không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa” (Mt 16,23).
Kế hoạch của Thiên Chúa vượt trên lối nghĩ của loài người.
Đức Giêsu Kitô không chỉ cứu dân Ítraen, mà cứu cả nhân loại.
Ngài không cứu họ khỏi nô lệ Rôma, nhưng cứu khỏi nô lệ tội lỗi.
Ngài không cứu độ bằng chiến thắng, nhưng bằng thất bại và cái chết.
Qua đó, Ngài hiên ngang bước vào vinh quang vĩnh cửu (Mt 16,27).
Ngài không phải chỉ là một người được Thiên Chúa xức dầu và sai đi,
Ngài còn là chính Thiên Chúa Ngôi Lời làm người.                                         
Điều Thiên Chúa thực hiện vượt xa những gì Ngài đã hứa.
Ngài làm trọn lời hứa một cách khó hiểu và lạ lùng.
“Sự phong phú, khôn ngoan và tri thức của Chúa sâu thẳm biết bao!
Quyết định của Người khôn dò khôn thấu” (Rm 11,33).
Thầy Giêsu muốn các môn đệ thuộc mọi thời đại
tiếp tục đi sau Thầy, chia sẻ cùng một thân phận như Thầy,
từ bỏ mình, vác thập giá mình, mất mạng sống mình vì Thầy,
coi cả thế gian nhẹ hơn cuộc sống đời sau.
Họ không lùi bước trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì họ tin Thầy đã được phục sinh và sẽ lại đến trong vinh quang
để thưởng phạt từng người tùy theo việc họ làm (Mt 16,27).
Lạ lùng thay con đường Thầy Giêsu và bao thế hệ môn đệ đã đi !
Chỉ mong chúng ta đừng nghĩ theo kiểu thường tình con người,
nhưng mỗi ngày chấp nhận sống những nghịch lý của Thiên Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó,
thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa, và thuộc về Chúa,
thì Chúa đã sống cho con,
và thuộc về con từ lâu.
 
SUY NIỆM 5: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con”
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.)

1. Đức Giê-su mặc khải mầu nhiệm Vượt Qua
Sau câu hỏi thâm sâu và riêng tư: “Anh em nói Thầy là ai?” (x. Mt 16, 13-20: bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước), Đức Giê-su bắt đầu dẫn các môn đệ đi sâu hơn vào trong tương quan “thuộc về nhau” với Ngài. Thật vậy, Đức Giêsu bắt đầu bày tỏ, nghĩa là mặc khải (thánh Mác-cô nói, Ngài dạy các môn đệ):
Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.
Đức Giêsu mặc khải, chứ không chỉ báo trước; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô:
* Mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
* Mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.
* Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.
* Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.
***
Như thế, tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, không phải chỉ là phát biểu chính xác, và đôi khi là “thuộc lòng”, căn tính thần linh của Người trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng còn là môt lựa chọn đi theo Ngài, đi con đường của Ngài. Thánh Phêrô đã không hiểu “bài học” của Đức Giêsu, vì thế không thể chấp nhận điều Đức Giê-su giảng dạy về con đường Ngài phải đi:
Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”
Như ông Phêrô, chúng ta cũng từng đi theo Chúa, nhưng với dự án hay ước muốn riêng của mình, và lại còn muốn Chúa chấp nhận điều mình muốn. Nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, nhưng của loài người, do Satan xúi dục. Xin cho chúng ta gắn bó thân thiết với Lời Chúa, với Ngôi vị của Chúa, để nhạy bén và cương quyết loại bỏ những tư tưởng và hướng đi không thuộc về Thiên Chúa.
Sau này, thánh Phêrô và các môn đệ đã hiểu ra con đường Thương Khó của Thầy Giê-su và đã đi đến cùng con đường thương khó của mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi hiểu ra con đường Thương Khó của Đức Giêsu và đảm nhận con đường thương khó của mình, con đường thương khó của thế hệ mình. Con đường thương khó của chúng ta là ơn gọi trong một hoàn cảnh, một gia đình, một cộng đoàn, một Hội Dòng cụ thể mà tôi đang thuộc về.
2. Sequela Christi (đi theo Đức Ki-tô)
Sau khi mặc khải mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, các môn đệ đang hiện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay:
Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (c. 24)
Như thế, như thánh Phê-rô và các tông đồ, khi chúng ta được ơn hiểu biết, yêu mến Đức Kitô và muốn đi theo Ngài, hay nói như ngôn sứ Giê-rê-mia trong bài đọc I: “Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” (Gr 20, 7), chúng ta được mời gọi đi cùng một con đường Đức Kitô đã đi.
Và đó là con đường vượt qua. Nhưng con đường vượt qua là gì? Là con đường của vất vả và khổ tâm, như chính ngôn sứ Giê-rê-mia đã kinh nghiệm: “Vì lời Đức Chúa mà con đây chịu sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20, 8); là con đường của dâng hiến và cho đi, như thánh Phaolo khuyên bảo:
Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 12, 1)
Chúng ta hãy chiêm ngắm cách Đức Maria đón nhận, gắn bó và yêu mến Đức Kitô, để nhận thấy rằng, từ lúc thưa “xin vâng”, Đức Maria đã phải cho đi, dâng hiến, vất vả và “cực lòng” như thế nào. Thánh Giuse cũng vậy, vì để cho Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần tới hai lời “xin vâng”. Giống như trong đời tu, để cưu mang và làm chứng cho Đức Kitô, Chúa không chỉ cần lời xin vâng của bản thân chúng ta, nhưng của chị em, của anh em trong cùng cộng đoàn và Hội Dòng nữa.
Nhưng như chính Đức Giê-su mặc khải và ban cho chúng ta lời hứa, chính khi vượt qua vất vả và khổ tâm, vượt qua khó khăn lúc cho đi và dâng hiến, chúng ta được dẫn tới an nghỉ và niềm vui, tới hoa trái nhiều gấp trăm lần điều mà chúng ta đã cho đi, tới việc nhận lại sự sống hoàn toàn mới từ nơi Đức Chúa, là Thiên Chúa của sự sống và sự sống lại. Và có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm này: niềm vui của sự sống mới là ở bên kia sự chết, nhưng đã xâm nhập vào sự sống hôm nay của chúng ta rồi, vào chính lúc chúng ta cho đi và dâng hiến rồi. Như thánh Augustin nói, trong tình yêu thì không có vất vả, nếu có vất vả, thì vất vả này đã được yêu mến rồi. Và như thánh Phao-lô nói: “tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng ta”, đến những khó khăn vất vả, đến việc cho đi và dâng hiến, nhưng nếu vì lòng mến, lòng mến của Đức Kitô dành cho chúng ta, và lòng mến chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm vui lớn lao và sâu xa, niềm vui đích thật và bền vững mà không ai hay hoàn cảnh nào có thể lấy mất được.
3. Qui luật muôn đời của sự sống
Lời mời gọi “Ai muốn đi theo Thầy” mang lại cho lời và cho ngôi vị của Đức Giêsu giá trị qui chiếu tuyệt đối, vì tuy đây là lời mời gọi ngỏ với tự do của mỗi người: “ai muốn đi theo tôi…”, nghĩa là ai không muốn thì thôi, nhưng lời mời này lại liên quan tất yếu đến sự sống, liên quan đến chuyện sống còn, nghĩa là cứu sự sống hay mất sự sống, liên quan đến con đường dẫn đến sự sống, và như thế liên quan đến lòng khao khát sự sống có nơi mỗi người chúng ta:
Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất;nhưng ai chịu mất sự sống của mình vì tôi và vì Tin Mừng, sẽ cứu được.
Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ chấm dứt. Đức Giêsu mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi: “Hãy từ bỏ chính mình, hãy vác thập giá của mình, hãy chịu mất sự sống của mình vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài”. Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa nghịch lí vừa khó sống; ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn này. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
* Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác; đó con đường của tấm bánh, phải được bẻ ra và nghiền nát để nuôi sống, thậm chí trở thành sự sống cho con người.
* Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
* Đó là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.
***
Như thế, lời của Đức Giêsu không còn chỉ là một lời thách đố tận cùng, nhưng còn là lời của Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống. Đó hiển nhiên là lời hứa cho mai sau, nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay, ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Kitô, vì niềm say mê Tin Mừng của Ngài.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây