THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ - LỄ NHỚ

Thứ hai - 10/06/2024 05:41
THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ - LỄ NHỚ
Mt 10,7-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Anh em hãy đi rao giảng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. 9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. 10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
11 “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”

SUY NIỆM 1:  THÁNH BARNABA
Mặc dù thánh Barnaba không phải là một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, nhưng thánh Luca coi ngài như vị tông đồ, vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Síp. Tên của ngài là Giuse, nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản. Danh xưng này có nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi.”
Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu".
Sau một thời gian, Chúa Thánh Thần đã chọn thánh Barnaba và thánh Phaolô để thực hiện một sứ vụ quan trọng, đó là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Do đó, hai ông đã khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên ở nước ngoài, trước hết là đến Síp và sau đó là đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh một vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Thánh Phaolô và Barnaba đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã được Công đồng Giêrusalem chấp thuận, tức là những người ngoài Do Thái khi rửa tội không buộc phải chịu cắt bì.
Barnaba và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Máccô, vị thánh sử tương lai. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnaba đem Máccô đến đảo Síp. Sau này cả ba người là Phaolô, Barnaba và Máccô đã làm hòa với nhau.
Tuy không có những dữ kiện rõ ràng, nhưng theo truyền thuyết thì thánh Barnaba đã được phúc tử đạo tại Síp vào năm 61. Đồng thời, truyền thống Hội Thánh nhìn nhận ngài là vị sáng lập Hội Thánh tại đảo Síp. Bên cạnh đó, người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448 và trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.
Thánh Barnaba là mẫu gương về lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, và là mẫu gương về một đời sống khiêm nhường, bác ái và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin thánh nhân phù trợ cho mỗi người chúng ta, để trong đời sống thường ngày chúng ta biết quan tâm và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người.
Pet. Hải Văn SDB

SUY NIỆM 2: MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI
(THỨ 3 SAU CN 10 TN - Mt 5, 13-17)

Trong bài Tin mừng vừa nghe, Chúa Giêsu đã dùng 2 hình ảnh hết sức quen thuộc trong cuộc sống, để nhấn mạnh đến bổn phận của người kitô hữu giữa dòng đời hôm này, là phải trở nên “muối cho đời”“ánh sáng cho trần gian”.
Khi nói đến muối, người ta thường nghĩ ngay đến tính chất mặn mà của nó. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để mời gọi mỗi người hãy cố gắng sống mặn mà với Chúa và mặn mà với nhau.  Nhưng đáng tiếc thay, xã hội càng văn minh phát triển, thì con người càng sống quá nhạt nhẽo với Chúa. Nhìn vào các Thánh lễ ngày thường ta sẽ thấy rõ điều đó. Chỉ có một số gương mặt thân quen chứ chẳng thấy có ai khác lạ. Thiếu nhi thì cũng lác đác vài ba chục em. Các thanh niên nam nữ thì chẳng thấy bóng dáng đâu. Các Thánh lễ đoàn cũng chẳng khá gì hơn, lui tới cũng là những anh chị em trong ban điều hành, còn lại thì chẳng thấy tăm hơi. Thánh lễ chiều thứ bảy và sáng Chúa nhật cũng vậy: ghế trong nhà thờ thì trống rỗng nhưng ghế đá ngoài sân thì chật kín. Sống đạo như thế thì nhạt nhẽo với Chúa lắm thưa anh chị em. Mà một khi đã nhạt nhẽo với Chúa thì làm sao có thể mặn mà với nhau được. Như vậy, muốn trở nên muối ướp mặn cho đời và cho người, thì điều kiện tiên quyết phải có đó là hãy ướp mặn chính bản thân mình trước trong tương quan với Chúa, thì mới có thể sống tốt trong tương quan với nhau.
Còn khi nói đến ánh sáng là nói đến khả năng xóa tan màn đêm tăm tối, dẫn lối đường đường. “Anh em hãy trở nên ánh sáng cho trần gian” nghĩa là làm gương sáng về đời sống đức tin và các thực hành đạo đức. Trong vai trò của những người cha mẹ, nếu chúng ta cảm thấy xót xa và lắng lo cho đời sống đức tin của con cái, thì ngoài việc cầu nguyện, ngoài việc nhắc nhở, mỗi người đừng quên làm gương sáng cho con em của chúng ta. Lời nói cần phải đi đôi với việc làm. Đừng chỉ nhắc nhở mà chính bản thân mình lại không tử tế trong việc giữ đạo và sống đạo.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian”. Để làm được điều này, mỗi người cần phải ghi nhớ 2 lời sau đây của Chúa Giêsu: Thứ nhất, trước hết“Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau".thứ hai, “Ánh sáng của anh em phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: RA ĐI TRUYỀN GIÁO
Câu chuyện:
Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assisi, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa... Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh: “Thưa cha, giảng ở đâu ạ?”
Cha thánh trả lời: “Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn”.
Suy niệm:
Lời Thầy không luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Các con hãy ra đi…”.
“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, ra đi thoát khỏi cái tôi ích kỷ, chỉ quanh quẩn cho chính mình, nhưng cất bước lo cho sứ mạng gieo giống Tin Mừng, làm việc trên cánh đồng truyền giáo.
Ra đi và nói lớn cho thế giới: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”, đó là nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an. Cho nên, phải chuẩn bị bằng tâm tình sám hối, như Gioan Tẩy giả loan báo (x. Mt 3,3), như chính Thầy cũng loan báo (x. Mt 4,12-17; Mc 1,14-15; Lc 4,14-15). Lo việc Nước Trời và công chính trước tiên (x. Mt 6,33).
Ra đi và “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”, môn đệ như thầy chí thánh quan tâm chia sẻ đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15). Và tại Cửa Đẹp Đền thờ, thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi! “… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).
Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người... và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.
Ra đi và khi “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”. Những người mang sứ mạng Tin Mừng luôn mang và quan tâm tới sự an bình và chuyển giao bình an Tin Mừng mà mình sở hữu trong tư cách sứ giả Tin Mừng cho gia đình, cộng đồng và những con người mà mình gặp. Sự bình an sẽ chiến thắng lo âu, sợ sệt… sinh niềm vui tâm hồn… Sự bình an như ngôn sứ Isaia loan báo bằng hình ảnh: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12)
Lời mời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa xa xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.
Ý lực sống:
Ra đi cứu độ - gieo bác ái,
Sứ mạng Tông đồ tỏa thơm hương.
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 4: CÁC CON ĐÃ LÃNH NHẬN NHƯNG KHÔNG, THÌ HÃY CHO NHƯNG KHÔNG
Tất cả đều là hồng ân.
Những gì chúng ta có, những gì chúng ta được hưởng dùng…tất cả đều từ bàn tay rộng mở của Thiên Chúa.Ơn gọi làm tông đồ cho Chúa không hoàn toàn thuộc về tài năng, may rủi hay sự chiếm đoạt, nhưng đó là “ơn gọi nhưng không” do tình thương của Thiên Chúa trao ban.
Mừng lễ Thánh Barnaba tông đồ là cơ hội để những “người được gọi và được chọn làm vườn” cho Chúa luôn phải ý thức:
Ơn gọi luôn luôn đến từ Thiên Chúa, chứ không phải là cuộc trao đổi mua bán của con người.
Ơn gọi là tình thương của Thiên Chúa mà bất cứ ai “đã lãnh nhận” thì cũng phải biết “trao lại”.
Ơn gọi của Chúa là để phục vụ “vinh danh Chúa và phần rỗi anh em” chứ không phải là cơ hội để “trục lợi” cho bản thân hay gia đình mình.
Ơn gọi làm tông đồ cũng chính là “để cho Chúa mượn” chính cái tôi của mình để phục vụ cho chương trình cứu rỗi anh em , nên thái độ đúng đắn là luôn sẵn sàng.
Lạy Chúa, Chúa gọi và chọn chúng con làm chứng nhân cho Chúa không phải vì bất cứ gía trị gì thuộc về chúng con, nhưng tất cả là do tình thương của Chúa.
Xin cho chúng con, trong khi sống ơn gọi của mình đừng bao giờ “nhận vơ” công trạng thuộc về mình; nhưng luôn sẵn sàng “cho đi một cách nhưng không” bởi “chúng con cũng đã nhận được một cách nhưng không” từ nơi Chúa. Amen.
Lm. JB Phm Kế Sự
SUY NIỆM 5:
Thánh Bác-na-ba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái. Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài thành Bác-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Ngài cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26). Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37). Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24). Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).
Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Bác-na-ba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô. Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26). Thánh Bác-na-ba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á. Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cả ở nơi người Do-thái lẫn nơi người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).
Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Bác-na-ba vì vấn nạn liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy luật Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), và vì Gio-an Mác-cô, người em họ của Bác-na-ba. Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau. Sau đó, Thánh Bác-na-ba cùng với Thánh Mác-cô đã đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39). Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, Thánh Bác-na-ba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân. Cũng theo truyền thuyết, Thánh Bác-na-ba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I. Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo thông qua việc bị ném đá đến chết.
Một số chuyên gia đã so sánh Thánh Bác-na-ba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
Có một bức thư mang tên của Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng ngũ các sách Ngụy Thư. Bức thư này muốn chứng minh những huấn giáo của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi như thành phần của quy điển Tân Ước. Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên bức thư này không được công nhận là của Thánh Bác-na-ba. Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền. Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi cho tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn. Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Bác-na-ba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.
Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.
Tương truyền về việc Thánh Bác-na-ba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn. Theo đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp). Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết trên ngôi mộ của Ngài. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó.
Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Bác-na-ba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài. Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy. Khai quật ngôn mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, khi Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài một cách hết sức trang trọng. Trên ngực của Thánh Bác-na-ba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Bác-na-ba chép lại. Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật. Qua đó vị Giám mục của Giáo hội Sýp đã thuyết phục được nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Bác-na-ba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó. Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay. Nguồn suối này được cho là có khả năng chữa lành cũng như có khả năng kỳ diệu, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da. Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Bác-na-ba.
Các Thánh Tích của Thánh Bác-na-ba đã được tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, và tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

SUY NIỆM 6: NGƯỜI CÓ BIỆT TÀI  KHUYÊN NHỦ
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.
Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.
Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.
Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.
Tại Líttra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.
Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.
Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây