SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5,17-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.
19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Chúa Giêsu kiện toàn luật Cựu ước, vì Người cho ta hiểu được ý nghĩa của lề luật, và vì Người thực hiện những lời tiên báo trong Cựu ước. Phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở nên công dân Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban lề luật cho con là để con được tự do, được nên thánh, lề luật của Chúa là những bậc thang vững chắc đưa con đến với Chúa, đưa con vào Nước Trời.
Thế nhưng nhiều khi con có cảm tưởng luật Chúa ràng buộc con, làm con mất tự do thoải mái trong cuộc sống. Nhiều khi con cảm thấy nặng nề khi đi lễ ngày Chúa nhật. Nhiều khi con thấy luật hôn nhân công giáo giới hạn tự do của con. Nhiều khi luật Chúa đưa con đến những chọn lựa khó khăn và ngăn cản con chọn những giải pháp dễ dãi.
Với Lời Chúa hôm nay, con muốn đặt niềm tin vào Chúa. Chính vì yêu thương mà cha mẹ cấm cản hoặc truyền dạy con cái làm điều này điều nọ. Cũng vậy, con xác tín rằng chính vì yêu thương và muốn con sống tốt mà Chúa ban luật Chúa cho con. Xin cho con biết tin vào Chúa và vào tình thương của Chúa để con yêu mến và sống theo luật Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần tôn trọng lề luật Chúa. Chắc chắn con sẽ phải hy sinh ý riêng mình rất nhiều, nhưng con tin rằng khi con hết lòng với Chúa, Chúa sẽ ban cho con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc. Đời con sẽ như cây trồng bên bờ suối và trổ sinh hoa trái đúng mùa. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: LỀ LUẬT LÀ MỘT MÓN QUÀ
Nếu để ý thì chúng ta sẽ nhận ra điều này: xã hội càng văn minh phát triển và càng tân tiến hiện đại, thì càng dễ làm cho chúng ta trật ra khỏi “đường ray”, tức là đi lệch ra khỏi đường lối của Chúa và Hội Thánh.
Nhìn vào đời sống của thế hệ trẻ hôm nay, là chính con em của chúng ta thì chúng ta sẽ thấy rõ điều đó: Trong khi luật Chúa dạy hôn nhân là sự kết hợp giữa 1 người nam và người nữ, thì giới trẻ ngày nay lại ra sức đấu tranh để đòi quyền hôn nhân đồng tính; Trong khi Chúa dạy hôn nhân là bất khả phân ly, thì giới trẻ ngày nay lại quan niệm ly dị là chuyện bình thường; Trong khi Chúa dạy tôn trọng điều răn thứ sáu - giữ sự trong sạch, thì giới trẻ ngày nay lại buông thả trong việc ăn ở như vợ chồng trước hôn nhân, và xem việc có con trước ngày cưới là một cái mode của thời đại….Đã vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay còn quay sang trách móc Giáo Hội , cho rằng tại sao Giáo hội không chịu thay đổi cho hợp với thời đại, mà lại quá khắc khe, già nua và bảo thủ.
Trước sự suy thoái về đức tin và luân lý ấy, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy lắng nghe lại lời này của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết trong lề luật cũng chẳng qua đâu”. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại khẳng định chắc chắn như thế và Giáo hội lại xác tín vào điều ấy? Lý do là gì?
Lý do thứ nhất, đường lối của Thiên Chúa thì vượt xa sự hiểu biết của con người. Chúng ta chỉ thấy cái thích thú trước mắt mà đâu thấy được hậu quả phía sau. Còn Chúa, Ngài thấy hết tất cả mọi sự. Do đó, đừng ai nghĩ rằng mình khôn ngoan và sáng suốt hơn Thiên Chúa, để rồi cứ làm theo điều mình thích mà bỏ đi những lề luật của Ngài. Lý do thứ hai, những gì mà người trẻ ngày nay đang theo đuổi và cổ xúy chỉ là những trào lưu xuất phát từ một lối sống thích hưởng thụ và ham thích cảm giác lạ, muốn thử tất cả mọi thứ trên đời nhưng không đủ can đảm để sống thật với bất cứ điều gì: sống thử nhưng lại không chịu cưới thật, cưới thật nhưng lại không yêu thật lòng….
Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta cần phải biết những điều ấy để giúp cho cái mình sống theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau đây của Chúa Giêsu: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: GIỮ LUẬT VÌ LÒNG YÊU MẾN
Câu chuyện
Cổ ngôn Đông phương có nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không đủ mười phần hoàn toàn, lời của cổ nhân xác nhận sự chưa hoàn thiện của con người để khích lệ mọi con cháu thăng tiến thêm trên đường cải thiện. Các luật lệ đã được quy định để định hướng giúp con người làm việc thiện tránh điều ác. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa: “Luật pháp là những quy định của lý trí nhằm công ích, được ban hành do người điều khiển cộng đồng”. Thánh Giacôbê khẳng định Đấng Tối Cao tức Thiên Chúa tạo tác mọi quyền hành và luật lệ khi viết: “Chỉ có một Đấng làm ra Luật Lệ” (Gc 4,12).
Có Thiên luật và Nhân luật.
Thiên luật là luật thiên nhiên, luật phát sinh từ tâm linh của Thiên Chúa, chi phối mọi hành động và sinh hoạt (Summa Theologia, I-II, q. 93, a). Là luật tự nhiên được ban cho con người cùng với những hợp lý như những quy tắc của các hành vi tự do. Hay luật Thiên Chúa ban hành qua con người là những luật lệ được mạc khải trực tiếp cho nhân loại. Loại luật này được phân làm hai: Luật Cũ, cũng gọi là Cựu ước (ban hành qua Abraham, Môisê và các ngôn sứ) và Luật Mới, cũng gọi là Tân ước (ban hành cho con người qua Đức Giêsu).
Nhân luật được coi phát sinh từ Thiên Chúa khi giải thích những luật lệ do Thiên Chúa mạc khải, khuyến dụ mọi người tuân giữ để đạt tới cứu cánh thiện hảo, là luật dân sự hay Giáo luật.
Suy niệm
Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Luật này càng phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ.
Khổng Tử dạy các môn đệ rằng: “Trước hết hãy có sẵn một nền trắng, rồi sau mới vẽ thành bức họa” (Luận ngữ II, 8). Phải có phông nền rồi mới có thể tiếp tục công trình hội họa. Công trình hoàn thiện Luật được theo một tiến trình phát triển được Chúa mạc khải sơ khởi phông nền với các tổ phụ, đặc biệt là Môisê qua mười điều răn, được các ngôn sứ phát triển và được chính Con Thiên Chúa, Đức Giêsu hoàn thiện.
Thật thế trong Đức Giêsu Kitô, Giáo huấn của Ngài làm nên Luật Kitô giáo: Tân ước hoàn thành các Lề luật đã được mạc khải sơ khởi mà ta gọi là Luật Do Thái giáo: Cựu ước. Tân ước là một chồi non làm sinh hoa kết trái nhưng được nuôi từ gốc và bằng nhựa của cây ôliu cũ tức “Cựu ước”, để làm cho cây sinh ra nhiều quả (x. Rm 11,17-24). Chính Đức Giêsu là Đấng đã được loan báo và chuẩn bị cả ngàn năm mong đợi của dân Do Thái khi chờ đón Đấng Cứu Thế, Đấng đến cứu họ được tự do và để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ đã loan báo trước làm hoàn thành toàn bộ Kinh Thánh với hai phần rõ rệt: Tân ước và Cựu ước. Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.
Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11; 13,14; 14,1-6; 6,1-2…). và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “… đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Xin Chúa thổi tình yêu của Ngài vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ giới răn Đạo Chúa và giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ Luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu.
Ý lực sống:
“Hãy yêu mến Chúa rồi làm điều bạn muốn” (thánh Augustinô).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 5:
Chưa bao giờ chúng ta nghĩ rằng mức độ dã man của người dân Việt lại lên cao như vậy. Va quẹt giao thông cũng dẫn đến án mạng. Giết nhau đôi khi chỉ vì một điếu thuốc, một ly rượu. Giết nhau vì tình, vì tiền, vì quyền . . . mỗi ngày thêm độc ác và lan rộng hơn. Tại sao một số lớn thanh niên nam nữ lại có thể hành động thiếu nhân tính như vậy? Nguồn cội của vấn đề có phải phát xuất từ gia đình, xã hội, trường học hay đạo đức của cộng đồng?
Nếu Chúa Giê-su sinh ra trong cuộc đời hôm nay Ngài sẽ kiện toàn điều gì? Thưa, Ngài vẫn kiện toàn tình yêu. Tình yêu sẽ giúp người ta có bình an và trao ban bình an. Tình yêu sẽ giúp con người sống liên đới với nhau. Khi gia đình thiếu vắng tình yêu sẽ đầy đọa nhau và khi xã hội không còn tình yêu sẽ để cho bạo lực lên ngôi. Cuộc sống con người sẽ là một sa mạc khô cằn. Chúa Giê-su Ngài đến để kiện toàn lề luật khi Ngài đưa tình yêu làm linh hồn của lề luật. Và hôm nay Ngài vẫn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương và hãy tiếp tục kiện toàn tình yêu cho nhân thế. Tình yêu không dừng lại ở việc bác ái, cảm thông. Tình yêu còn đòi hỏi ta phải dấn thân đẩy lùi sự dữ và bảo vệ lẫn nhau. Xin cho Chúa chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và thực thi trong cuộc sống.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su,
Một ngôi nhà đẹp đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng hoang tàn, lạnh lẽo. Một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu vắng tình người cũng trở thành hoang địa khô cằn. Xin cho các gia đình đang thiếu vắng tình yêu tìm được sự trợ giúp từ tình yêu của Chúa để họ tha thứ cho nhau, để họ dâng hiến cho nhau, và mang lại hạnh phúc cho nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm vui lòng nhau hơn là đòi người khác quan tâm đến mình. Xin dạy chúng con sống yêu thương phục vụ cho nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM 6: TINH THẦN MỚI CỦA LUẬT
Luật được coi là lẽ sống, là con đường duy nhất dẫn người Do Thái đến với Thiên Chúa. Bởi vì Luật đó do Thiên Chúa trao ban qua trung gian Môsê. Thêm vào đó, trong đoạn trước của bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã trình bày Đức Giêsu như là một Môsê mới. Vì là Môsê mới nên Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định rằng Đức Giêsu đến không phải để bãi bỏ Luật Môsê nhưng là đến để kiện toàn hay nói cách khác, Đức Giêsu đến để làm viên mãn Luật. Vậy Luật có giá trị gì? Đâu là cốt lõi của Luật? Và Luật có đưa con người đến với Thiên Chúa hay không?
Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu đã khẳng định “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5, 17). Thật vậy, Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được ban qua Môsê. Nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa. Cách giải thích của Ngài đem lại một sự tươi mới, dù đôi lúc cách giải thích của Ngài làm cho giới chức Do Thái khó chịu vì giống như cách họ vẫn hiểu lâu nay.
Quả vậy, cách giải thích Luật của Chúa Giêsu thúc đẩy con người tìm về bản chất chân thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa giàu tình yêu, chậm bất bình và hay thương xót. Do đó, cách giải thích của Ngài đưa Luật tới giá trị toàn hảo, giá trị đích thực. Đó cũng chính là cốt lõi của Luật, điều mà Đức Giêsu mời gọi mọi người hãy tuân giữ.
Đức Giêsu cũng mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban, nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh, đậm tình người và giàu quyền uy của Ngài. Do đó, muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời, chúng ta cần tuân giữ Luật theo tinh thần mới mà Chúa Giêsu đã giải thích.
Lạy Chúa Giêsu, lời chỉ dạy của Ngài về Luật làm cho người Do Thái an vui, hạnh phúc khi đón nhận, xin cho mỗi chúng con nhận ra rằng Luật không phải là ghánh nặng mà chúng con phải mang vác nhưng là cách thức và con đường dẫn chúng con đến gần Chúa hơn. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD